“Peter Cincotti, một ngôi sao vừa ló dạng”
09:52' 02/02/2004 (GMT+7)
Peter Cincotti.

Đó là cách dùng từ của tờ Hollywood Reporter nhận xét về chàng trai vừa bước vào tuổi 20, Peter Cincotti, người vừa ra một album đầu tay cùng tên vào đầu năm 2003 và ngay lập tức đứng hạng nhất trên bảng xếp hạng Jazz của Billboard suốt nhiều tuần liền và thứ 3 trên tổng sắp của năm 2003. Những nhà phê bình âm nhạc đánh giá, đây có thể là người sẽ mang lại nhiều nhất những cảm giác của Frank Sinatra ngày nào.

Peter Cincotti tại liên hoan nhạc Jazz Monterey.

Sinh năm 1984, Peter cùng lứa với Charlotte Church, Joshua Bell, Josh Groban… Nếu như Charlotte Church thành công với thể loại opera, Joshua Bell với cổ điển trữ tình, Josh Groban với “tân cổ điển” thì Peter lại rực sáng với thể loại Jazz kinh điển. 20 tuổi nhưng trông anh chín chắn và già dặn hơn nhiều so với những người bạn cùng trang lứa. Trong bộ veston đúng điệu, đầu tóc bóng mượt, Peter chải chuốt như một quý ông lịch lãm của những năm giữa thế kỷ 20, làm vài đường lả lướt sau đó nhẹ nhàng ấn phím dương cầm ngân nga “Fly me the the moon”, một trong những tình khúc để đời của Frank Sinatra. “Hãy cho tôi bay đến với chị Hằng, để tôi nô giỡn giữa muôn vì sao sáng, để ở giữa Hỏa và Mộc tinh ngập tràn ánh nắng, tôi cảm nhận nét Xuân đang tràn về” (phỏng dịch), quả là một dạng ca từ khó tìm lại được nét tương đồng trong những ca khúc đầu thế kỷ XXI.

Có lẽ nên đặt cho Peter một tên gọi, “gã hoài cổ” chắc là thích hợp nhất. Peter chọn cho mình thể loại crooner (hát tình ca), một thể loại từng vinh danh không biết bao nhiêu bậc trưởng lão, từ Frank Sinatra, Bing Crosby, Dean Martin cho đến Perry Como, Nat King Cole, Bobby Vinton… Không tạo đột phá nhưng anh là một người kế thừa xuất sắc, giọng hát của anh làm hài lòng những người luống tuổi và đủ sức kéo những bạn trẻ trở về một thời hoàng kim của âm nhạc nước Mỹ, thời mà mặt trăng vẫn chưa in dấu chân con người, thời mà chị Hằng vẫn còn được thêu dệt trong lời ca câu hát, thời mà những quán rượu tồi tàn và ẩm mốc phủ đầy hơi thuốc và tiếng khề khà của những nghệ sĩ phòng trà …

Peter Cincotti và Frank Sinatra, sự tương phùng 50 năm?

Đến với âm nhạc từ rất nhỏ, 9 tuổi Peter đã chăm chỉ ngồi bên cây piano tập tành sáng tác để mong trở thành một Duke Ellington mới nhưng rồi cậu bé sinh ra ở khu Manhattan này hiểu rằng để được như ông quả là một điều xa vời. Nhưng có hề gì, nhận ra mình đang ở mức độ nào có nghĩa là đã phát triển mình thêm một bậc mới. Cậu quyết định đi học piano jazz và dưới sự hướng dẫn của những tay piano nổi tiếng như Ellis Marsalis, James Williams, Cliff Korman… Peter đã tiến bộ rõ rệt. Cậu lập ban đi biểu diễn khắp Manhattan và nhận được rất nhiều lời động viên khen ngợi. Lúc này, vinh quang bắt đầu nối đuôi nhau gõ cửa nhà cậu, đầu tiên là giải sáng tác “John Lennon” cho ca khúc "Big Bad Daddy” sau đó là được biểu diễn tại Nhà trắng và hồi năm 2000 khi mới 16 tuổi Peter được vinh danh khi nhận giải thưởng của Liên hoan Jazz Montreaux (Thụy Sĩ) khi cậu “hớp hồn” người nghe qua ca khúc kinh điển của Dizzy Gillespie "A Night in Tunisia"… Tiếng lành đồn xa, tiếng đàn và giọng hát của cậu vọng đến tai Phil Ramone, nhà soạn nhạc đại tài, người đã từng cộng tác và sản xuất đĩa nhạc cho những Billy Joel, Elton John, Barbra Streisand, Tony Bennett, Stevie Wonder… và kết cục cuối cùng là một bản hợp đồng hấp dẫn lôi cậu về đầu quân cho hãng đĩa Concord, năm ấy Peter chỉ vừa tròn 19 tuổi.

Peter Cincotti và album đầu tay cùng tên của mình.

Nếu bạn đã từng trầm trồ về một cô bé xinh tươi Norah Jones nhẹ nhàng và đằm thắm qua “Come away with me” thì bây giờ hẳn bạn sẽ hoàn toàn mãn nguyện với Peter Cincotti mềm mại và quyến rũ với album đầu tay mang tên mình. “Peter Cincotti” là một sự hoài niệm, cũng là một sự thể nghiệm và cũng có thể là một sự chiêm nghiệm, sự chiêm nghiệm của chàng sinh viên năm 2 của trường đại học Columbia, quả là sửng sốt. Ít ai ngờ được rằng ở tuổi này cậu dám “cả gan” hòa lẫn chất nhạc của Beatles và Nat King Cole thành một, vừa là hoài niệm mà cũng vừa là thể nghiệm. “Fool on the hill” bất hủ (Beatles) hòa trộn với “Nature Boy” (Nat King Cole) thành một tổ khúc. “Fool on the hill” được chơi dưới dạng độc tấu bằng piano, tạo đà cho Peter thể hiện giọng hát qua bài “Nature boy” tiếp theo. Peter bảo: “Tôi chỉ muốn chứng minh mối liên hệ mật thiết giữa giai điệu và ca từ cho dù hai bài này hoàn toàn khác nhau và cũng qua đó tôi muốn tôn vinh thể loại nhạc của hai thời kỳ riêng biệt” (50 và 60).

Không dừng lại ở đó, chàng ca sĩ vừa soạn nhạc vừa sáng tác kiêm luôn vị trí piano này kết hợp với tay trống Kenny Washington, tay bass David Finck và tay saxophone Scott Kreitzer tạo cho album “Peter Cincotti” một nét riêng không hòa lẫn, phản chiếu lung linh tài năng của Peter, vừa ở phương diện sáng tác lẫn lĩnh vực đàn ca. "I Changed The Rules", "Lovers, Secrets and Lies", "Are You The One?" là ba khúc trữ tình mà Peter tự sáng tác, nói như Liz M. của tờ Teenink thì “ngay ở bài đầu tiên, người nghe đã bị quyến rũ bởi giọng hát mượt mà, trong trẻo, tràn đầy sinh khí nước Mỹ ngày xưa, khác xa với những âm thanh sôi động ầm ĩ của Eminem đương thời”. Theo sau đó, Peter lại “thôi miên” người nghe qua những ca khúc của một thời từ “Sway” (Dean Martin), “Miss Brown” (Billie Holiday), “Come live your life with me” (Al Martino) cho đến "Ain’t Misbehavin’" (Fats Waller), "Spinning Wheel" (Blood, Sweat & Tears)… Tất cả đều quyến rũ qua giọng hát của Peter. Người ta bảo, tuy Frank Sinatra không có tên trong những bài Peter hát nhưng ông lại hiện diện trong cách thể hiện của anh. Peter tưởng niệm quá khứ bằng một hình ảnh của Frank 50 năm trước. Nhà phê bình âm nhạc Bill Aicher nhận xét “Peter làm gợi lại những âm hưởng cũ của Frank, nét lả lơi trong giọng ca câu hát cho phép hy vọng về một Frank mới của nước Mỹ”.

20 tuổi và cả một sự nghiệp rực rỡ phía trước.

Album “Peter Cincotti” đã nhận được rất nhiều lời tán dương, tờ The Times-Union cho rằng “Anh ta còn quá trẻ nhưng âm nhạc của anh ta lại chinh phục mọi lứa tuổi”, còn Hãng thông tấn Mỹ UPI chỉ gói gọn trong vài chữ “Không còn điều gì tuyệt diệu hơn nữa”… Tuy thế, Peter vẫn chỉ khiêm tốn khi cho rằng album đầu tay là sự công nhận anh có thể chơi nhạc, tất cả vẫn còn ở phía trước. Anh hi vọng ở album kế tiếp anh sẽ chứng minh được “mình là ai”, nếu làm được điều này thì anh mới hài lòng với mục đích của mình. Năm 2004, Peter bận rộn với hàng loạt tour diễn cũng như những bộ phim, cũng có thể thời gian này anh sẽ trình làng một album mới. Anh từng nói “Kim tiền không đủ sức mạnh để tôi ngồi vào piano, tôi chỉ chơi cho những ai muốn nghe, những ai muốn thưởng thức âm nhạc thật sự”. Nếu lời nói đi đôi với việc làm thì những người yêu nhạc có thể đặt trọn niềm tin vào chàng lãng tử vừa tròn 20 xuân xanh này, đúng như lời nhà sản xuất Phil Ramone nói về anh "đó là một tài năng không đợi tuổi". 

  • Minh Cường

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sân chơi cho nhạc sĩ nghiệp dư (31/01/2004)
2004: ''bùng nổ'' liveshow của các ca sĩ (30/01/2004)
Ngọc Khuê ra album đầu tiên ''Bên bờ ao nhà mình” (29/01/2004)
Mỹ Linh hát nhạc kịch trong liveshow ''Âm nhạc và những người bạn'' (21/01/2004)
Michael Jackson vẫn chưa hết thời (20/01/2004)
Ca sĩ Lan Anh ra album đầu tay ''Bài ca hy vọng'' (20/01/2004)
Trò chơi bài chòi hay tiếng gọi của làng quê (19/01/2004)
Mariah Carey bị cấm diễn tại Malaysia? (17/01/2004)
Norah Jones trình làng album thứ 2 (14/01/2004)
Nghệ sĩ Banomyong và dàn hợp xướng Suanplu biểu diễn tại Việt Nam (09/01/2004)
Celine Dion nhận ngôi sao thứ 2.244 trên Đại lộ danh vọng (07/01/2004)
19/6/2004 sẽ là ngày hòa bình đáng nhớ ở Việt Nam (06/01/2004)
Trịnh Công Sơn được trao giải "Vì hoà bình" (05/01/2004)
Britney Spears định ly dị chồng ngay sau lễ cưới (04/01/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang