221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1226727
Cách tân nhưng không được làm tha hoá lễ hội
1
Article
null
Cách tân nhưng không được làm tha hoá lễ hội
,

- Nếu chúng ta mang những hình ảnh của lễ hội này đưa cho UNESCO thì họ sẽ nghĩ thế nào về văn hóa truyền thống của ta? Lên đồng có còn là “bảo tàng sống của văn hóa truyền thống” như nhận định của các chuyên gia về văn hoá phi vật thể của UNESCO nữa hay không?- GS.TS Ngô Đức Thịnh- nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hoá. 

Mô tả ảnh.

GS.TS Ngô Đức Thịnh

Tôi không "cực đoan" đến mức phản đối việc đổi mới nghệ thuật truyền thống, ngay cả khi có liên quan đến tín ngưỡng. Truyền thống cũng phải vận động, phải được cập nhật để "tìm đường" vào xã hội đương đại dù chúng ta có tác động đến nó hay không.

Đạo Mẫu là tín ngưỡng có độ "mở" rất lớn, nó tiếp nhận, bổ sung nhiều yếu tố mới suốt từ thế kỷ 16 đến nay. Lên đồng cũng vậy, kiểu lên đồng ngày xưa ở các vùng thôn quê rất khác với kiểu lên đồng bị đô thị hóa bởi lớp người giàu có tiếp nhận và biến đổi nó như chúng ta đang chứng kiến hiện nay. Sự thay đổi thể hiện rõ nhất ở trang phục, múa, hát, các đồ lễ v.v...

Vào những năm 90 thế kỷ trước, chính chúng tôi đã có ý định thử nghiệm đưa một số giá đồng lên sân khấu nhưng không thành công: nó còn sống sượng quá ! Sau này, tự giới nghệ thuật muốn đưa các giá đồng lên sân khấu thì lại khá ổn và được chấp nhận. Lên đồng lúc này đã được đưa ra khỏi môi trường tín ngưỡng (tuy không phải dứt bỏ hoàn toàn). Đó cũng là một thử nghiệm "cách tân".

Tuy nhiên, biến đổi hay tự làm mới thì cũng phải giữ được biểu tượng cơ bản của văn hóa chứ.  Còn thử nghiệm ở lễ hội đền Lảnh Giang lần này có những khía cạnh không thể chấp nhận. 

Mô tả ảnh.

Lên đồng trong lễ hội Lảnh Giang. Ảnh: photo.vn

Thứ nhất, không thể mang lên đồng ra một quảng trường, tự dựng lên một bàn thờ như thế. Kể cả khi "hội Lảnh Giang" trước đây có những giá đồng thì tính nguyên gốc của nó có như thế không? Tôi tin, lễ hội Lảnh Giang cũng như các lễ hội đạo Mẫu thì sinh hoạt cơ bản phải diễn ra trong không gian của đền, phủ. Còn những gì diễn ra lần này hoàn toàn là sự sân khấu hóa, đi ngược lại nguyên tắc của lễ hội dân gian. Đây là sự lắp ghép rất gượng ép của trống phách, cờ quạt, nghệ thuật đương đại (body-art, video-art), những màn múa tập thể... không tạo ra một chỉnh thể, không có tư tưởng rõ ràng.

Bản thân tôi đã chứng kiến trống phách, cờ quạt ở khắp các lễ hội từ Lam Kinh (Thanh Hóa), quan họ Làng Diềm (Bắc Ninh), Kiếp Bạc (Hải Dương)... Văn hóa không phải là sự sao chép, áp đặt, đồng loạt. Trong khi bản thân cốt lõi của lễ hội Lảnh Giang là gì lại không thể hiện được?

Có thể bản thân những ông đồng, bà đồng tham gia cũng "thích" vì sau một thời kỳ dài phải hoạt động “bí mật”, nay được trình diện công khai trước công chúng. Nhưng cả hai màn lên đồng đều là sự biến dạng đến mức khó nhận ra, cả khi diễn ra ở sân khấu trên hồ nước lẫn khi lên đồng trên màn hình video - art sau khi rước vào trong đền. Tính linh thiêng cũng như tinh thần của nghi thức lên đồng đã bị vứt bỏ, nhường chỗ cho sự lắp ghép những thứ hào nhoáng, thỏa mãn sự tò mò mới lạ của người nông dân chưa có cơ hội tiếp xúc.

Lên đồng là nghi lễ của cộng đồng con nhang đệ tử hướng về các vị thần Tam phủ, Tứ phủ của họ, là môi trường giao tiếp với thần linh... Trong văn hóa truyền thống thì không cần mang lên sân khấu mặt nước 3 con rắn một cách lộ liễu như vậy. Chính thông qua huyền thoại và lời hát để kích thích sự gợi cảm, trí tưởng tượng, tạo ra cảm giác bí ẩn của tâm linh.

Sự biến đổi của nghi lễ lên đồng sẽ được chấp nhận nếu bản thân chủ thể cảm thấy muốn thay đổi, chứ không phải là sự áp đặt gượng ép. Đạo Mẫu tôn vinh cái đẹp, chứ không đưa những cái quái gở vào. Nếu chúng ta mang những hình ảnh của lễ hội này đưa cho UNESCO thì họ sẽ nghĩ thế nào về văn hóa truyền thống của ta? Lên đồng có còn là “bảo tàng sống của văn hóa truyền thống” như nhận định của các chuyên gia về văn hoá phi vật thể của UNESCO nữa hay không?

Thử nghiệm này càng đáng trách vì nó xuất phát từ một Viện nghiên cứu văn hóa. Cả loạt lễ hội đã bị biến dạng theo "mô típ" này (Lễ hội quan họ Làng Diềm, lễ hội Lam Kinh...). Viện nghiên cứu mà lại đưa ra những thứ kỳ quái, đánh mất tính thiêng của một nghi lễ tín ngưỡng sao?

Chúng ta không phản đối sự thay đổi, cách tân, nhưng không chấp nhận sự tha hóa, làm biến dạng các nguyên tắc văn hóa như thế này.

  • GS.TS Ngô Đức Thịnh
    Khánh Linh
    (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
rrer_", r));