221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1118323
Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam: Truyện kể hay tiểu thuyết?
1
Article
null
Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam: Truyện kể hay tiểu thuyết?
,

- Chừng nào các nhà tiểu thuyết lịch sử của chúng ta không/chưa bước qua được cái “khoảng cách sử thi” giữa hiện tại và quá khứ, thì hiển nhiên rằng các danh nhân của lịch sử còn sẽ đi vào tác phẩm tiểu thuyết lịch sử với tư cách những thần tượng của cộng đồng dân tộc, chứ không phải là những nhân vật của tiểu thuyết. Tác giả kính cẩn với các danh nhân và không dám “lộn trái” họ ra, không dám phân xuất họ đến cùng, tóm lại là không dám biến họ thành nhân vật của mình - những Con Người của thời gian quá khứ - một cách rốt ráo.

 

Nhà phê bình văn học
Hoài Nam

Lịch sử, trong nhận thức mang tính phổ quát và ở nội dung đơn giản nhất có thể, là cái thuộc về quá khứ. Nhưng không phải quá khứ nào cũng sẵn sàng được coi là lịch sử.

 

Điều này rất dễ nhận thấy nếu chúng ta nhìn vào văn học Việt Nam, mà cụ thể là nhìn vào tiểu thuyết Việt Nam: viết về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ - quãng cách thời gian so với hiện tại ít nhất cũng đã trên 30 năm - người ta (cả người đọc và người viết) gọi đó là tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng, chứ không gọi là tiểu thuyết lịch sử.

 

Nghĩa là quãng cách thời gian giữa quá khứ và hiện tại như vậy chỉ đủ để có một “lịch sử gần”, và viết về “lịch sử gần” thì chưa làm cho tác phẩm tiểu thuyết trở thành một tiểu thuyết lịch sử “chính danh”. Phải lùi lại nữa, ít ra là từ thời kỳ Cần Vương (như cuốn Cờ nghĩa Ba Đình của Thái Vũ đã khai thác, chẳng hạn) trở về trước, lịch sử mới “xa” tới mức để tác phẩm tiểu thuyết viết về nó được độc giả công nhận là tiểu thuyết lịch sử!

 

Lẽ dĩ nhiên là không, hoặc chưa hề có một “tuyên ngôn” nào như thế về tiểu thuyết lịch sử, nhưng nó nằm trong sự mặc nhận, và ta hoàn toàn có thể “đọc” nó từ việc trên thực tế tác phẩm nào được coi là tiểu thuyết lịch sử và tác phẩm nào thì không.

 

Theo tôi, có lẽ điều này không là một sự vô ý. Chính xác, thì nó phản ánh khá trung thành cái quan niệm đã rắn chắc lại như một định kiến: lịch sử là cái cần phải được tôn trọng, thậm chí kính cẩn; “khoảng cách sử thi” (một khái niệm của M.Bakhtine) là cái bất khả tư nghị, không thể và cũng không nên vượt qua hay thu hẹp lại.

 

Trên định hướng như vậy, lịch sử sẽ không thực sự là lịch sử đối với con người hiện tại khi họ là người tham gia vào tiến trình tạo ra nó hoặc là người chứng kiến diễn biến của nó.

 

Nói cách khác, lịch sử đích thực phải là “lịch sử xa”, thứ lịch sử mà con người hiện tại được thừa hưởng (hoặc phải chịu đựng) như một thắt buộc định mệnh của quá khứ trong khi họ hoàn toàn vô can với nó (xét theo hành vi). Được coi một cách dứt khoát là tiểu thuyết lịch sử trong văn học Việt Nam từ trước tới nay chính là những tiểu thuyết lấy chất liệu từ loại “lịch sử” này. Tạm gạt sang một bên những điểm chắc chắn còn chưa đi tới thống nhất trong quan niệm - như đã sơ lược nêu trên - vấn đề đáng quan tâm là: các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử ấy đã được viết ra theo cách như thế nào?

 

Điều có thể khẳng định là, các tác giả tiểu thuyết lịch sử đã phải huy động đến tối đa năng lực tưởng tượng của mình khi họ nhằm tới cái đích là tạo ra tác phẩm tiểu thuyết từ chất liệu lịch sử. Quay trở về với những thời kỳ xa xôi của quá khứ trong khi không là chứng nhân, cũng không là người tham gia kiến tạo quá khứ, họ chỉ có cho mình ít mảnh vụn của một thế giới đã mất: những ghi chép lịch sử, những tư liệu khảo cổ, những câu chuyện lưu truyền trong dân gian v.v..., mà trong số đó, không phải mảnh nào cũng khả kiểm, khả tín.

 

Khó khăn, nhưng đồng thời đó lại là thách thức đầy sức quyến rũ, và có thể nói, là cơ may với tiểu thuyết gia: bằng sức tưởng tượng (là chủ yếu) và bằng một vài điểm bấu víu mỏng manh từ lịch sử, họ đã thế vai Chúa Trời trong việc sáng tạo ra cả một thế giới.

 

Khá nhiều ví dụ có thể được dẫn ra để chứng minh: nhà văn Nguyễn Huy Tưởng dựng nên tiểu thuyết lịch sử “An Tư” (1943) chỉ từ 18 chữ chép trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Khiển nhân tống An Tư công chúa vu Thoát Hoan dục thư quốc nan dã” (sai người đưa công chúa An Tư đến chỗ Thoát Hoan để thuyên giảm nạn nước); nhà văn Hà Ân hoàn tất tác phẩm Khúc khải hoàn dang dở chỉ khi ông gặp một câu vỏn vẹn chép trong Nguyên sử, rằng ngày ấy tháng ấy (quân Nguyên) bắt được gián điệp nước Việt là Đỗ Vỹ rồi đem giết, v.v...

 

Tuy nhiên, dễ nhận thấy rằng với các nhà tiểu thuyết lịch sử Việt Nam, sức tưởng tượng nghệ thuật dù có mãnh liệt và phong phú đến đâu chăng nữa thì cũng chỉ tụ lại ở một vài điểm: a) lịch sử, đó không là lịch sử chung chung, mà là lịch sử của những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ sự tồn tại của vương triều và nền độc lập của quốc gia; b) trước lịch sử ấy, cảm hứng chủ đạo của nhà tiểu thuyết lịch sử là cảm hứng ca ngợi, tôn vinh, kính cẩn.

 

Nói cách khác, viết tiểu thuyết lịch sử, nhà văn đặt trọng tâm ở việc tái hiện một cách sinh động chủ nghĩa anh hùng Việt Nam trong chiến đấu chống ngoại xâm, ca ngợi những võ công oanh liệt, nêu bật những tấm gương danh nhân đã làm rạng rỡ cho non sông đất nước, để qua đó, khơi dậy ở con người hiện tại niềm tự hào trước quá khứ đẹp đẽ của dân tộc. (Trường hợp ngược lại, khi nhà văn viết về những thất bại trong lịch sử hoặc tái hiện những nhân vật phản diện, những gương mặt “xấu” của lịch sử, khi đó một bài học hoặc một lời cảnh tỉnh đã được rút ra từ quá khứ đem trao cho hiện tại).

 

Trong nhật ký ngày 12/10/1933, Nguyễn Huy Tưởng viết: “Ta đây tuổi còn trẻ, tính còn thơ ngây, đọc sử Bình Nguyên mà lòng yêu quý non sông phơi phới, trong lúc thán phục các vị anh hùng, muốn nêu các vị vào khúc anh hùng ca để truyền về hậu thế, cho muôn nghìn đời soi vào. Than ôi, công nghiệp không phải là dễ, mà ta vốn là kẻ ngu muội, há có thể đảm đang mà nhận cái chức làm thi sĩ của non sông như Homere của Hy Lạp, Virgile của La Mã, Camoens của Bồ Đào không?

 

Than ôi, ta chẳng biết, nhưng ta cảm các vị anh hùng thì ta nêu các vị anh hùng lên, đó là chức trách của một người quốc dân vậy”. Những dòng nhật ký đầy tâm huyết ấy, ở một chừng mực nhất định, chính là diễn ngôn cho cái mẫu số đã được quy đồng của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam.

 

Không phủ nhận ý nghĩa xã hội của cách quan niệm và cách viết tiểu thuyết lịch sử như đã nêu sơ lược ở trên, song, dù muốn hay không, ở đây có hai hệ quả mà chúng ta buộc phải nhìn nhận như là những thực tế đáng tiếc.

 

Thứ nhất, khi chỉ tập trung vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đã bỏ qua rất nhiều phương diện phong phú đa tạp của đời sống nhân quần mà chắc chắn đã diễn ra trong các thời đại quá khứ (tất nhiên cũng khó trách các tiểu thuyết gia, bởi cái điểm tựa sử học của họ về bản chất vốn đã thiếu khuyết: sử Việt Nam thời trung đại về cơ bản là sử của các vương triều, nó không quan tâm nhiều lắm tới đời sống sinh hoạt của đám bách tính lê dân, nên việc cung cấp tư liệu cho người viết tiểu thuyết cũng chẳng được là bao). Trong khi đó, nếu chúng ta đọc một cuốn tiểu thuyết lịch sử như Tên tôi là Đỏ của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk, chẳng hạn, ấn tượng sẽ hoàn toàn khác.

 

Cuốn “kỳ thư tiểu thuyết” này trải ra trước mắt người đọc cả một bức tranh đại cảnh về đời sống xã hội của một phần đất rộng lớn thuộc thế giới Hồi giáo xưa, trong đó, các dòng chảy lịch sử và các mảng sinh hoạt nhân sinh đan cài vào nhau: lịch sử của nền nghệ thuật tiểu hoạ Thổ Nhĩ Kỳ, lịch sử của quan hệ giao thương và giao lưu văn hoá giữa Venice và đế chế Ottoman, rồi cuộc sống trong các phường thợ thủ công, cuộc sống trong cung đình, cuộc sống của những người khổ tu, rồi không gian văn hoá đặc trưng của các quán cafe Hồi giáo, v.v...

 

Có thể nói, tiểu thuyết gia Orhan Pamuk, ngoài năng lực tưởng tượng, đã khiến người đọc phải kinh ngạc bởi chiều rộng của sự bao quát và chiều sâu của sự thâm nhập tư liệu lịch sử: với ông, chúng ta được chứng kiến sự “phục sinh quá khứ” theo đúng nghĩa của cụm từ này. Rất có thể, điều này chính là kết quả của một cách quan niệm khác, khác với các nhà văn Việt Nam, về lịch sử. Và theo tôi, trường hợp của tác phẩm Tên tôi là Đỏ chắc chắn là một gợi ý rất đáng để tham khảo đối với các nhà tiểu thuyết lịch sử của chúng ta.

 

Nhưng điều có lẽ cần được quan tâm nhiều hơn ở tiểu thuyết lịch sử Việt Nam, chính là hệ quả thứ hai: khi thái độ và cảm hứng của nhà tiểu thuyết trước lịch sử chỉ là sự kính cẩn và ca ngợi - nghĩa là khi giữa nhà tiểu thuyết và đối tượng của anh ta (lịch sử) rõ ràng còn tồn tại cái “khoảng cách sử thi” không thể san lấp - khi ấy tiểu thuyết lịch sử Việt Nam trở nên đậm chất truyện kể mà lại nhạt đi rất nhiều chất tiểu thuyết.

 

Thực tế là như vậy: đa số các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử của ta là sự cụ thể hóa, sinh động hóa dưới hình thức truyện kể hóa những chân lý (hoặc được coi là chân lý) lịch sử. Công việc của nhà tiểu thuyết lịch sử, trong trường hợp này, xét đến cùng, có lẽ chỉ là dùng khả năng tưởng tượng của mình để lấp đầy chỗ trống giữa những dòng sử biên niên khô khan mà sử quan ngày xưa để lại, lấp đầy nó để khẳng định những chân lý không bao giờ thay đổi.

 

Lý Thường Kiệt phá Tống trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, vua tôi nhà Trần ba lần chặn đứng vó ngựa xâm lược Nguyên Mông, Hồ Quý Ly mất nước do chính sự hà khắc và không được lòng dân, nước Việt nhỏ bé mà liên tục chiến thắng những đạo quân viễn chinh của thiên triều là vì người Việt quật cường và có một tinh thần yêu nước nồng nàn, v.v...

 

Những chân lý kiểu như vậy là những sự thật đã hoàn kết, và nó kiêu hãnh vang vang trong lời tụng ca mà con cháu (các nhà tiểu thuyết lịch sử) thành kính dâng lên các đấng tổ tiên anh hùng! Trong khi đó, tiểu thuyết, như chúng ta biết, vốn là “sự hiền minh của lưỡng lự” (chữ của M.Kundera), là thế giới của cái ở thì hiện tại tiếp diễn, cái dang dở, cái không hoàn kết.

 

Tiểu thuyết mang sứ mệnh nghi ngờ cái tưởng như đã ổn định, tra vấn đến cùng những chân lý có sẵn. Vì thế, khi tiếp cận với những thời đại quá khứ và lấy đó làm chất liệu cho tác phẩm của mình, một tiểu thuyết gia đích thực là tiểu thuyết gia phải là người đặt câu hỏi phản biện trước/với lịch sử. Làm như vậy, anh ta không trở thành kẻ đốt đền, mà thực tế là người chỉ ra ý nghĩa của quá khứ đối với hiện tại qua việc phát hiện các tác động tích cực và cả các tác động tiêu cực mà quá khứ đặt trên hiện tại. Làm như vậy, tác phẩm của anh ta sẽ không trở thành truyện kể minh hoạ cho lịch sử, mà là một tiểu thuyết - mũi khoan thăm dò sức sống của cái ngày hôm qua đối với con người ngày hôm nay.

 

Đáng tiếc là một số khá lớn các tác phẩm (được gọi là) tiểu thuyết lịch sử của chúng ta không đi theo hướng này, và vì vậy mà có thể nói rằng, có những cơ hội đã bị bỏ lỡ.

 

Alexandre Dumas: "Nhà tiểu thuyết lịch sử có quyền hiếp dâm lịch sử, với điều kiện là sinh ra những đứa con đẹp."

Tôi muốn nói cụ thể hơn về một phương diện của việc xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử, ấy là việc tiểu thuyết hóa các nhân vật, đúng ra là các danh nhân, của lịch sử. Chừng nào các nhà tiểu thuyết lịch sử của chúng ta không/chưa bước qua được cái “khoảng cách sử thi” giữa hiện tại và quá khứ, thì hiển nhiên rằng các danh nhân của lịch sử còn sẽ đi vào tác phẩm tiểu thuyết lịch sử với tư cách những thần tượng của cộng đồng dân tộc, chứ không phải là những nhân vật của tiểu thuyết.

 

Tác giả kính cẩn với các danh nhân và không dám “lộn trái” họ ra, không dám phân xuất họ đến cùng, tóm lại là không dám biến họ thành nhân vật của mình - những Con Người của thời gian quá khứ - một cách rốt ráo.

 

Thực tế phổ biến là, trong rất nhiều tiểu thuyết lịch sử của chúng ta, các nhân vật danh nhân lịch sử thường đơn phiến, một chiều, thường “đẹp lồng lộng” chứ hiếm khi hiện ra như là khối mâu thuẫn hoặc trường khiên diễn của những phẩm chất và những dục vọng trái chiều. (Tất nhiên, trong điều kiện Việt Nam, ở đây có một lý do khách quan: chúng ta chưa hẳn đã có một thái độ tiếp nhận tạo thuận lợi cho sự sáng tạo kiểu như vậy - “bôi nhọ danh nhân”, “bóp méo lịch sử”, v.v... luôn là những lời kết án sẵn sàng được đưa ra khiến nhiều nhà tiểu thuyết lịch sử phải e ngại).

 

Nói cách khác, việc đưa các danh nhân lịch sử vào tiểu thuyết lịch sử theo tâm thế và theo cách thức như vậy, về thực chất, vẫn là việc minh họa cho những ý niệm trừu tượng về sự thiêng liêng, sự cao đẹp của lịch sử dân tộc, chứ chưa phải là công việc tạo ra “sự sống đích thực của Bản Ngã” cho các nhân vật tiểu thuyết (chúng ta nhớ lại một luận điểm của M.Bakhtine: con người thường không mấy khi trùng khít với chính mình, và chính ở điểm không trùng khít ấy sẽ diễn ra sự sống đích thực của Bản Ngã).

 

Nhà mỹ học người Hungary G.Lukacs quan niệm: “các nhân vật của tiểu thuyết lịch sử phải sinh động hơn các nhân vật lịch sử, vì các nhân vật của tiểu thuyết lịch sử được trao cho sự sống, còn các nhân vật lịch sử thì đã sống” (dẫn theo Trương Đăng Dung: Tiểu thuyết lịch sử trong quan niệm mỹ học của G.Lukacs. Sách Từ văn bản đến tác phẩm văn học. NXB Khoa học xã hội, 1998. Tr131).

 

Cái yêu cầu nói trên, với quan sát của cá nhân tôi, được thoả mãn phần nào chỉ ở một số ít tiểu thuyết lịch sử gần đây: Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, với hai nhân vật là cha con Hồ Quý Ly và Hồ Nguyên Trừng; Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, với nhân vật Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Một trường hợp khá đặc biệt cũng cần phải được nhắc tới, đó là tác phẩm tiểu thuyết Vạn Xuân của nhà văn Pháp Yveline Feray (Nguyễn Khắc Dương dịch), viết về cuộc kháng chiến chống quân Minh của dân tộc Việt Nam thế kỷ XV và những mâu thuẫn trong nội bộ giới cầm quyền của xã hội Việt Nam giai đoạn đầu triều Hậu Lê.

 

Khá nhiều bạn đọc Việt Nam bất ngờ và thích thú với tiểu thuyết lịch sử này bởi chất erotic đậm đặc của nó. Nhất là cách Yveline Feray xây dựng danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi thành nhân vật trung tâm của tác phẩm: bà đã tước đi ở Nguyễn Trãi cái định dạng quen thuộc của một ông thánh tiết dục (như nhiều tiểu thuyết gia Việt Nam từng mô tả) để biến ông thành một khối libido mãnh liệt!

 

Cái bất ngờ thích thú của bạn đọc Việt Nam cho thấy, dường như khi người viết vượt qua, hoặc không bị ràng buộc bởi những “kị húy lịch sử”, lịch sử và nhân vật lịch sử sẽ trở nên sinh động đến thế nào. (Thực ra ở phương diện ấy, tác giả chỉ đưa nhân vật của mình trở lại với chiều kích của một Con Người - dù là vĩ nhân thì trước hết vẫn phải là một Con Người). Nhưng đó chỉ là bề nổi của tác phẩm. Phần chìm, chính là việc tác giả đã tạo được một đối thoại - liên hệ ngầm giữa quá khứ và hiện tại khi xoáy vào bi kịch của cuộc đời Nguyễn Trãi.

 

Không phải là cái bi kịch mơ hồ kiểu “một con người cao thượng phải sống trong một xã hội ô trọc và rồi không thể tồn tại nổi”. Mà đây là bi kịch của xung đột văn hóa giữa Nguyễn Trãi - người Kinh, nhà Nho, người quyết tâm Nho giáo hóa chế độ cai trị và nền văn hiến - với Lê Lợi và gần như toàn bộ các yếu nhân của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn - người Mường, võ tướng, cai trị chủ yếu dựa trên sức mạnh quân sự và những tập quán bản địa. Một cách sinh động, Yveline Feray cho thấy, thảm án Lệ Chi Viên chính là sự đặt cọc bằng máu của Nguyễn Trãi cho mô hình phát triển của văn hóa Đại Việt sau này; mà ít hay nhiều thì mọi sự phát triển dường như đều đòi hỏi phải có những khoản đặt cọc như vậy?

 

Để kết lại bài viết này, tôi muốn “tạt ngang” bàn tới một tác phẩm tiểu thuyết nước ngoài được dịch ra tiếng Việt mới đây: Những kẻ thiện tâm của Jonathal Littell (Cao Việt Dũng dịch), tác phẩm đã cùng lúc “rinh” cả hai giải thưởng văn chương danh giá là Giải tiểu thuyết của Viện hàn lâm Pháp và Giải Goncourt. Những kẻ thiện tâm bắt đầu bằng câu: “Này các anh em con người, hãy nghe tôi kể chuyện đã xảy ra như thế nào”. “Tôi”, nhân vật chính - người kể chuyện, là Maximilien Aue - tiến sĩ luật xuất thân, sĩ quan thuộc lực lượng SD của Đức Quốc xã. “Chuyện” mà hắn kể, chính là quá trình hắn tham gia cuộc Đại thế chiến lần thứ II.

 

Tuy nhiên, chưa vội nói tới việc “chuyện đã xảy ra như thế nào”, riêng cái cách người kể chuyện cao giọng “này các anh em con người” đã khiến toàn bộ câu chuyện “nhiễm” màu sắc của một diễn ngôn phán truyền, khai minh, như những lời phán truyền của Zarathoustra vậy.

 

Từ câu chuyện của riêng mình, Aue đã tái hiện cuộc chiến khủng khiếp bậc nhất trong lịch sử nhân loại trong toàn bộ thời gian của nó, từ lúc quân đội Quốc xã ở thế thượng phong đến lúc hoàn toàn bị quân Đồng minh tiêu diệt; và không gian thì gần như trải khắp mặt trận phía Đông.

 

Chúng ta gặp lại trong câu chuyện này từ những đại cảnh cho đến những đặc tả các sự kiện quân Đức tiến vào Ukraine, lực lượng SD tàn sát người Do Thái và tù binh bên những hố chôn tập thể, quân Đức mở hướng chiếm vùng Caucase rồi sa lầy trong chiến dịch Stalingrad, rồi các trại tập trung trên đất Ba Lan, rồi thủ đô Berlin trong những khoảng thời gian bị không lực Hoàng gia Anh oanh kích v.v... (Nghĩa là, nếu dùng lại một khái niệm mà chúng ta vẫn thường dùng, thì đây chính là một tiểu thuyết mang tầm vóc sử thi hoành tráng!). Để bao quát một hiện thực không - thời gian rộng và đầy ắp sự kiện như vậy, chắc chắn rằng tác giả đã phải làm việc cật lực với khối tư liệu lịch sử khổng lồ về Đại thế chiến II.

 

Không chỉ có vậy, trong tiểu thuyết có khá nhiều “xen” đối thoại, tranh luận giữa các nhân vật cho thấy trường tư liệu được tác giả sử dụng còn “phủ” tới cả những kiến thức chuyên sâu của các ngành nhân chủng học, ngôn ngữ học (đối thoại giữa Aue và Voss về cách xác định nguồn gốc Do Thái của các cư dân vùng Caucase và về chính sách dân tộc của Staline, chẳng hạn).

 

Tuy nhiên, như vậy thì mới chỉ chạm tới bề rộng của tác phẩm; về chiều sâu của nó, chính là việc Litell đã tạo ra nhân vật (hoàn toàn là hư cấu) Aue. Thông minh, nhân hậu, nhạy cảm với cái đẹp và nghệ thuật, nhưng Aue đồng thời lại là một Đảng viên Quốc xã, một sĩ quan SD mẫn cán, trung thực và đầy trách nhiệm với công việc, kể cả công việc biến con người tự do thành lao công nô lệ và biến người sống thành người chết! Hắn từng mắc chứng ói mửa không sao kìm được suốt quãng thời gian SD tàn sát người Do Thái và tù binh trên đất Liên Xô, từng đau xót khi không cứu được cậu bé con nuôi người Do Thái khỏi cái chết, từng chút xíu nữa xả súng giết đồng đội khi tên này lăng nhục tù binh, từng nghi ngờ về cơ sở khoa học của chủ nghĩa bài Do Thái, từng tự xỉ vả mình vì đã góp một viên đạn đẩy một mạng người xuống hố chôn tập thể...

 

Nhưng cho đến cùng thì những biểu hiện của “phẩm tính người” ấy vẫn bị lọt thỏm trong niềm xác tín của Aue về sứ mệnh thiêng liêng của chủ nghĩa Quốc xã trên thế giới. Hắn luôn là một người tốt, một kẻ “thiện tâm”, ngay cả lúc xuống tay dã man với mẹ đẻ và ông bố dượng, ngay cả lúc giết người bạn cực thân để lấy tấm căn cước giả đặng che mắt quân Đồng minh. Hắn thoát khỏi chiến tranh một cách an toàn, và hắn kể lại mọi chuyện thật bình thản, với tư thế của một kẻ ở trên cao, biết hết, nhưng vô can!

 

Có thể nói, Aue là hình ảnh của cái ác đã được biện minh (và khi đó thì cái ác đã không còn là cái ác nữa!). Nói rằng hắn là sản phẩm của tinh thần cuồng tín Quốc xã? Đúng, nhưng chưa đủ: hắn là ví dụ cho thấy một con người - và cả thế giới nữa - sẽ bị đẩy tới những hiểm họa nào khi một lí thuyết chính trị xã hội mang tham vọng là phát ngôn cuối cùng về chân lí. Hãy nhớ lại cuộc đối thoại giữa Aue và người tù binh, chính uỷ Nga trên đất Liên Xô: hư cấu nghệ thuật của nhà tiểu thuyết đã lột phăng lớp vỏ bọc ngoài sự kiện lịch sử, lột sạch những ảo tưởng và làm phát lộ cái lõi lịch sử một cách tàn nhẫn!

 

Jonathal Littell sinh năm 1967, chiến tranh thế giới II xem ra quá gần với thời đại ông sống, là “lịch sử gần”. Vậy có thể nói "Những kẻ thiện tâm” của ông là tác phẩm tiểu thuyết lịch sử được không? Nếu câu trả lời là có, thì với sự liên hệ tới tiểu thuyết lịch sử Việt Nam, tôi xin mạnh dạn nói rằng, có lẽ còn khá nhiều điều phải làm để tiểu thuyết lịch sử Việt Nam trước hết phải là tác phẩm tiểu thuyết, chứ không phải truyện kể (tôi nhấn mạnh) lấy chất liệu từ lịch sử Việt Nam.

  • Hoài Nam

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,