221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
214603
"Cảm xúc sáng tác của tôi là miền Nam và những ngày kháng chiến"
1
Article
null
Nhà thơ Giang Nam:
'Cảm xúc sáng tác của tôi là miền Nam và những ngày kháng chiến'
,

(VietNamNet) - Chúng tôi đến thăm nhà thơ Giang Nam trong cái se se lạnh của vùng biển Nha Trang. Tuy đang bị huyết áp cao nhưng ông vẫn vui vẻ tiếp chúng tôi và hồi tưởng về những hoạt động sáng tác văn học của mình, nhất là kỷ niệm về bài thơ "Quê hương" nổi tiếng...

Tên thật Nguyễn Sung, sinh ngày 2/2/1929 tại xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Tham gia cách mạng từ 8/1945, làm Phó trưởng ty Thông tin Khánh Hòa. Sau 1954 ở lại hoạt động tại miền Nam: Phó ban Tuyên huấn Khánh Hòa. Phó Tổng Thư ký Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam, Ủy viên Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định. Đại biểu Quốc hội khóa VI, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa II, III. Tổng Biên tập tuần báo Văn nghệ (1978 - 1980). Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Khánh … Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa (1989 - 1993).

 

Các bút danh:  Giang Nam, Châu Giang, Hà Trung, Lê Minh (sử dụng trên báo chí công khai xuất bản ở miền Nam dưới chế độ Mỹ Diệm từ 1955 đến 1960).

 

Thơ: Tháng Tám ngày mai, 1962; Quê hương, 1965; Người anh hùng Đồng Tháp, 1969; Vầng sáng phía chân trời, 1975; Hạnh phúc từ nay, 1978; Thành phố chưa dừng chân, 1985.

 

Truyện ký: Vở kịch cô giáo, 1962; Người Giồng tre, 1969; Tiền tuyến lửa, 1984; Rút từ sổ tay chiến tranh, 1989.

 

Giải thưởng văn học: Giải nhì thơ tạp chí Văn nghệ 1961 với bài thơ Quê hương. Giải ba báo Thống nhất về truyện ngắn. GIải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam về thơ 1965. Giải thưởng Nhà nước (đợt 1) về Văn học nghệ thuật năm 2000... 

- Công chúng yêu thơ rất muốn biết về hoàn cảnh ra đời bài thơ "Quê hương" và cho rằng nhân vật "em" trong bài thơ không phải là hư cấu  mà chính là vợ của nhà thơ Giang Nam? 

Nhà thơ Giang Nam

- (Cười) …Tôi viết bài thơ “Quê hương” dưới chân núi Hòn Dù, cách 40 cây số phía Tây thành phố Nha Trang, nơi đóng căn cứ bí mật của Tỉnh ủy Khánh Hòa lúc bấy giờ. Trong đêm im lặng, thỉnh thoảng lại nghe tiếng con mang “tác...tác” gọi bạn rất gần. Tôi ngồi trong căn chòi nhỏ của mình dưới tán lá rừng, trước mắt là ngọn đèn dầu lù mù được che cả ba mặt chỉ chừa một chút ánh sáng rọi lên trang giấy. Hầu như được sắp xếp sẵn và hiện ra ngọn bút, từng đoạn nước mắt tôi trào ra nhất là hai câu cuối cùng của bài:

 

“Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

Có một phần xương thịt của em tôi”.

 

Y như máu  thịt của người tôi yêu đã hóa thành những hạt bụi trộn vào mỗi hòn đất dù nhỏ nhất trên trái đất này. Thật tình trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của cách mạng miền Nam lúc ấy, cái sống và  cái chết của mỗi chúng tôi chỉ cách  nhau một sợi tóc, tôi không có ý định làm bài thơ tình là loại thơ đòi hỏi sự tinh tế, chắt lọc đến cao độ. Tôi cũng không ngờ bài thơ tôi viết trong giây phút đau đớn của đời mình lại trở thành một bài thơ tình yêu được nhiều người yêu thích.

 

Chiều hôm ấy, anh Phó Bí thư Tỉnh ủy đã gọi tôi lên chỗ làm việc, cũng là một căn chòi nhỏ được lá rừng che kín. Anh hỏi tôi về tình hình công tác và sức khỏe với một thái độ trìu mến khác thường. Tôi linh cảm có  điều gì không bình thường mới xảy ra mà anh giấu tôi. Quả nhiên sau đó anh đã nói thật; tin của cơ sở trong thành vừa báo cho tôi biết, vợ và con gái tôi, bị địch bắt trước đó hơn một năm đã bị thủ tiêu, trong hoàn cảnh nào thì chưa xác minh được nhưng chắc chắn là không còn sống. Cơ sở của ta đã cho người đi khắp nhà  tù để dò hỏi nhưng vẫn bặt tăm.

 

Tôi choáng váng trước cái tin đột ngột ấy. Tôi không đủ  can đảm để hỏi thêm điều gì nữa. Những kỷ niệm cũ, tình yêu e ấp vụng dại, những hờn giận và buổi chia tay đầy nước mắt, cả  hai mẹ con đều khóc… bỗng sống dậy rõ ràng như mới hôm qua. Và tôi đã viết bài thơ trong tâm trạng đau đớn tột cùng.

 

Người thẩm định đầu tiên bài Quê hương lại chính là người đã báo cáo cho tôi tin đã nói ở trên. Anh đọc xong góp ý: “Tư Gương nè, mình không rành thơ lắm nên có thể ý kiến chưa thật chính xác. Bài  thơ của anh rất xúc động, hay thì có hay nhưng hơi buồn. Ráng giữ vững tinh thần nghe anh”. Thành ra từ lời góp ý với thơ, anh chuyển qua việc  khác mất rồi! Tuy nhiên sự góp ý của anh động viên tôi rất nhiều. Tôi gửi bài thơ ra Hà Nội cho báo Thống nhất, tờ báo duy nhất được Trung ương chuyển vào miền Nam cho chúng tôi lúc đó. Tôi gởi bài thơ rồi cũng có chút hy vọng mong manh là nó sẽ được in trên báo. Còn việc gửi dự thi ở tạp chí Văn nghệ  thì tôi hoàn toàn không hay biết gì cả. 

Nhà thơ Giang Nam cùng vợ là bà Phạm Thị Chiều.

Tin về bài thơ Quê hương đã đến với tôi một cách bất ngờ không phải bằng con đường của báo mà bằng con đường của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Tôi nhớ lúc ấy là khoảng tháng 7, tháng 8 năm 1961. Trên đường công tác từ huyện miền núi Khánh Sơn (phía Tây Nam tỉnh Khánh Hòa) ra huyện miền núi Khánh Vĩnh (phía Tây thành phố Nha Trang), vừa đến một trạm nghỉ mở Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi được nghe công bố kết quả giải thưởng thơ 1960 - 1961 của tạp chí Văn nghệ. Tôi mừng đến run lên khi biết bài Quê hương được giải nhì. Tôi vội báo cho các anh cùng đoàn và đêm ấy chúng tôi nấu một nồi chè bắp ăn mừng.

 

Khoảng tháng 10 năm ấy tôi đã nhận  của Ban Thống nhất Trung ương một bức thư đề tên tôi. Bì là của Ban Thống nhất, ruột là của Tạp chí Văn nghệ. Người thay mặt Tòa soạn ký là anh Hoàng Trung Thông. Tuy tôi đã biết bài thơ mình được giải qua Đài Phát thanh nhưng bây giờ cầm mẩu giấy báo tin có in vi-nhét của Tạp chí Văn nghệ  từ Hà Nội vượt Trường Sơn đến với mình, tôi vẫn hết sức xúc động.

 

Bức thư ấy sau hơn 40 năm tôi vẫn nâng niu như của quý, trải qua bao bom đạn ác liệt và sự tàn phá của thời gian. Có lần hình như ở Củ Chi năm 1973 bom đã đánh trúng căn cứ của văn nghệ, cháy cả xe đạp vào sổ ghi chép của tôi nhưng bức thư ấy tôi đã để vào thùng đạn chôn ở một nơi an toàn.  

Nghệ sĩ Lý Bạch Huệ, nhà thơ Thu Bồn, nhà thơ Giang Nam, nhà văn - nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng (từ trái sang) trong ngày nhận Giải thưởng Nhà nước.

Anh Hoài Thanh là một thành viên Hội đồng ban giám khảo cuộc thi, đồng thời là người đã viết hai bài thơ giới thiệu thơ tôi trên tạp chí Văn Học: “Một ít bài thơ vượt tuyến của Giang Nam” (số 9/61) và “Những vần thơ ngời ánh thép và chan chứa mến thương” (số 4/65). Anh dặn tôi phải giữ bí mật những chuyện “bếp núc” của văn học, tôi đã làm theo ý anh từ nhiều năm qua. Tuy nhiên đến nay tôi tự cảm thấy có thể viết lại không ngần ngại và cũng để khẳng định sự nhạy cảm khác thường của anh. Anh kể: “Bài thơ Quê hương từ miền Nam gửi ra là do các anh bên báo Thống nhất chuyển qua đã gây bất ngờ cho  Hội đồng giám khảo. Trong hoàn cảnh miền Nam nước sôi lửa bỏng, những năm ấy việc viết một bài thơ viết về tình yêu, về sự mất mát mà vẫn tươi tắn, không bi lụy là một hiện tượng.

 

Nhớ lại kháng chiến hồi chống Pháp người ta ngại nói về tình yêu. Phải chăng miền Nam trong chống Mỹ đã khác trước khi bàn về việc trao giải, có 2 ý kiến: một là trao  giải nhất vì đây là một bài thơ hay, xúc động. Hai là, bài thơ hay thì hay nhưng có ảnh hưởng không tốt đến tinh thần chiến đấu của đồng bào và chiến sĩ miền Nam, vì vậy chỉ nên trao giải tương đối thấp: giải ba. Tôi là người kiên quyết đứng về ý kiến thứ nhất. Lý lẽ của tôi là: ta hiểu người miền Nam với cảm xúc của một người đang ở trên miền Bắc. Người trong cuộc, người đang chiến đấu tại chỗ đã không ngại nói về tình yêu, ca ngợi tình yêu lẽ nào ta lại băn khoăn thay họ? Tôi cho rằng cuộc kháng chiến lần thứ hai ở miền Nam đã huy động tất cả sức mạnh tinh thần (trong đó có  tình yêu) làm vũ khí đánh giặc. Phải chăng tình yêu ở đây là sức mạnh, trái với những gì ta quen nghĩ lâu nay?”.

 

Cũng theo anh Hoài Thanh, vì ý kiến của ban giám khảo vẫn còn khác biệt nên cuối cùng đã đi đến một sự “thỏa hiệp”: tặng giải nhì. Giải nhất thuộc về trường ca Lửa sáng rừng của Thái Giang, giải nhì có Nhớ mưa quê hương  của Ca Lê Hiến, Quê hương của Giang Nam…". Anh kết thúc câu chuyện: “Tôi nhất trí với Ban giám khảo trao giải nhì nhưng tôi đã phát biểu tại cuộc họp ấy: Quê hương không được giải cao nhưng tôi tin rằng nó sẽ sống mãi với thời gian”.

 

Mỗi lần nghe ai đó nhắc đến bài Quê hương, tôi lại nhớ anh, anh Hoàng Trung Thông giải thưởng thơ năm ấy. Một giải thưởng thơ đối với tôi thật bất ngờ và cũng hết sức bất ngờ là những câu chuyện xung quanh bài thơ. 

 

- Trải qua những năm làm cách mạng và làm thơ, ông tâm niệm riêng với Thơ về điều gì? 

Bìa sách được giải Hội Văn học Nghệ thuật Nha Trang và Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2002.

- Từ một cán bộ cách mạng hoạt động trong vùng bị chiếm suốt 9 năm chống Pháp và ở lại miền Nam tiếp tục cuộc chiến đấu chống Mỹ, tôi đã trở thành một người làm thơ. Tôi thấm thía một điều: cuộc chiến đấu ấy là nguồn cảm xúc lớn, là niềm vui và cả nỗi đau trong thơ tôi. Thú thật có những thời kỳ đen tối, hàng ngày đương đầu với cái chết, không một ai trong chúng tôi có ý nghĩ là mình sẽ còn sống khi kháng chiến thắng lợi. Thơ là trái tim đồng thời cũng là chỗ dựa tinh thần của tôi. Những bài thơ đầu tiên là tôi viết cho mình, để mình đọc, để tự nhắn nhủ với người thân yêu của mình đang ở trong tù. Vì vậy nó rất thật, cái hay và cái dở của thơ tôi cũng từ cái gốc ấy mà ra. Bây giờ đã lớn tuổi rồi, tuy nhiên cái không thay đổi là tấm lòng người làm thơ đối với cuộc sống đối với con người.

 

Tôi hoan nghênh những tìm tòi về hình thức nếu những tìm tòi ấy diễn đạt được điều tác giả muốn nói một cách thông minh chân thật và xúc động. Mọi thứ "làm dáng" "tôn vinh chữ nghĩa" đều có mặt trái của nó là ngăn cản thơ đi vào lòng người.

 

Tôi cũng nghĩ rằng thơ Việt Nam phải mang đặc điểm Việt Nam; càng phát triển, càng đổi mới, càng biết và bảo tồn cái gì là Việt Nam, là dân tộc trong thơ.

 

Một số hình ảnh về nhà thơ Giang Nam:  

Tại chiến khu Dương Minh Châu, Tây Ninh 2/1975.

Ở Củ Chi giữa "vùng trắng" do bom Mỹ gây ra (1973).

Phát biểu ở Lớp Đào tạo trường Điện ảnh Giải phóng rừng Tây Ninh (1972 - 1974).

Với các cô Văn công tại căn cứ Văn nghệ Giải phóng Tây Ninh (1965).

Trong chiến khu năm 1970, (từ trái sang) Nguyễn Chí Hiếu, Diệp Minh Tuyền, Chim Trắng, Bảo Định Giang, Bùi Kinh Lăng, Anh Đức, Giang Nam.

Tiểu ban Văn nghệ Trung ương Cục miền Nam và Ban Thường vụ Hội Văn nghệ Giải phóng (từ trái qua) Bùi Kinh Lăng, Giang Nam, Nguyễn Văn Bổng, Lưu Hữu Phước, Lý Văn Sâm.

  •  Nguyễn Tý
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,