221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
186750
Hoạt động xuất bản năm 2003: đầy rẫy sự cố!
1
Article
null
Hoạt động xuất bản năm 2003: đầy rẫy sự cố!
,

(VietNamNet) - Thực tiễn hoạt động xuất bản thời gian qua cho thấy 2003 là một năm đầy rẫy các vụ kiện cáo lằng nhằng. Liên tục xảy ra các trường hợp vi phạm bản quyền, in sách lậu, thậm chí một số NXB có tên tuổi cũng bị cơ chế “thương mại hóa” làm cho “méo” đi.

Một năm liên miên sai phạm

Bìa sách "Chuyến xe ma quái"

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2003, cơ quan quản lý Nhà nước đã thu hồi và cấm phát hành hai cuốn sách của NXB Đại học Quốc gia Hà Nội và cuốn Chuyến xe ma quái của NXB Văn học (liên kết với nhà sách Tuổi Trẻ), tạm đình chỉ cuốn Ai đã giết anh em Ngô Đình Diệm (NXB Thanh Niên). Cuốn Chuyến xe ma quái đã thực sự gây “sốc” dư luận, không chỉ bởi nội dung mê tín dị đoan hết sức độc hại, mà còn bởi cung cách quản lý, thẩm định cẩu thả của ban biên tập… Song, cuốn sách bị dư luận chỉ trích nhiều nhất là cuốn Cẩm nang tuyển sinh Đại học 2003 – 2004 vì có quá nhiều sai sót, tới mức không thể chấp nhận được. Ở mảng sách văn học, theo đánh giá của Cục Xuất bản, tình trạng in đi in lại các tác phẩm tiểu thuyết ủy mị, sướt mướt của Quỳnh Dao đã đến mức báo động.

Ở mảng sách thiếu nhi, ngoài một số bộ truyện tranh có nội dung không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi (đã trở thành chuyện muôn năm cũ!) thì vừa qua lại xảy ra sự kiện cuốn Harry Potter - Mệnh lệnh phượng hoàng, bản dịch của dịch giả Lý Lan do NXB Trẻ mua trọn bản quyền đã bị NXB Văn hóa – Thông tin vi phạm nghiêm trọng. NXB Văn hóa – Thông tin sau “vụ” này chỉ có vài phát biểu “cầu tài”, đại loại “trót in mất rồi nên đành phải cho ra thị trường và chỉ phát hành hơn 1.000 bản”(?!). Các tựa sách Dạy con làm giàu, Những tấm lòng cao cả, Quà tặng cuộc sống của NXB Trẻ cũng bị in lậu với số lượng lớn. Vấn nạn sách lậu bấy lâu vẫn luôn làm đau đầu cơ quan quản lý và nhất là gây thiệt hại trực tiếp cho các NXB.

Sự bất lực trong quản lý của Nhà nước càng tạo điều kiện cho các cơ sở làm sách “chui”. Ai cũng biết nguồn lãi từ sách lậu là vô cùng hấp dẫn. Cộng tất cả chi phí cho một cuốn sách lậu khổ 9x12 cm, dày 300 trang chỉ vào khoảng bảy ngàn đồng, trong khi giá bìa thường là 30.000 – 40.000 đồng. Thế cho nên dù “sale off” đến 40% thì vẫn lãi. Nếu trước kia, các nhà làm sách lậu chỉ nhắm vào sách văn học và sách ngoại văn thì nay mọi thể loại đều có thể bị “luộc”, miễn là có xu hướng “hot” trên thị trường; điển hình như cuốn Hỏi đáp giao thông đường bộ của NXB Giao thông Vận tải bị in lậu tràn lan.  

Chưa hết, thêm một bài toán nan giải khiến báo chí tốn biết bao giấy mực trong năm qua là vấn đề giá sách. Có thể nói chưa bao giờ giá sách “leo nóc” như hiện nay. Viện nhiều lý do khác nhau như công in, vận chuyển, chế bản, thuế, nhuận bút… giá thành của sản phẩm đã bị “đội” lên rất nhiều lần so với giá trị thực (mà theo đánh giá của nhiều người làm trong ngành xuất bản là cao từ 4 đến 5 lần(?)). Tri thức có thu nhập thấp, sinh viên học sinh chỉ còn biết … than trời!

Đâu là hướng ra?

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản (Bộ VH – TT tổ chức ngày 16 và 17/12/2003), Cục Xuất bản đã khẳng định hiện nay có một số công ty phát hành sách có bộ phận biên tập, hệ thống nhập liệu, chế bản như một NXB. Họ nắm quyền chủ động về bản thảo, thậm chí công khai mua bản quyền của tác giả. Trong khi đó, Luật Xuất bản năm 1993 quy định việc liên kết xuất bản chỉ được thực hiện trong khâu in và phát hành. Thực tế cho thấy đa phần các vụ vi phạm luật xuất bản trong thời gian qua đều bắt nguồn từ những sản phẩm liên kết giữa NXB với tư nhân. Một số NXB do không nắm được thị trường và chạy theo lợi nhuận nên đã giao cho tư nhân lo từ A đến Z quy trình xuất bản dẫn tới ra đời nhiều cuốn sách có nội dung sai sót. Nhằm hạn chế tình trạng này, Dự thảo luật xuất bản sửa đổi có phần bổ sung về trách nhiệm, quyền hạn của giám đốc, biên tập viên NXB. Theo đó, giám đốc NXB chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan chủ quản về mọi hoạt động của NXB; biên tập viên sẽ phải chịu trách nhiệm về nội dung xuất bản phẩm do mình biên tập. Về phía tư nhân, chỉ có quyền tham gia khâu in ấn và phát hành, không được tham gia vào lĩnh vực xuất bản.

Sách công nghệ thông tin là một trong số những đầu sách được xuất bản nhiều trong năm qua.

Tuy nhiên cũng không vì thế mà phủ nhận hiệu quả của mô hình liên kết xuất bản. Phải công nhận một thực tế là các nhà sách tư nhân có lợi thế hơn NXB ở sự năng động trong việc tìm nguồn bản thảo, ngoài những đầu sách chạy theo thị trường thì họ vẫn có những bản thảo có chất lượng cao. Nhà sách tư nhân là nơi có điều kiện thuận lợi hơn cả trong việc nắm bắt nhu cầu của khách hàng, góp phần tăng cường, mở rộng thị trường bán lẻ, đưa sách đến tay người mua nhiều hơn. Vài năm gần đây, ở TP.HCM có rất nhiều Công ty văn hóa cổ phần, tư nhân “mạnh lên từ sách”, trong đó phải kể đến những “đại gia” như Phương Nam, Fahasa, Thành Nghĩa, First News… Các công ty này đều có một mạng lưới nhà sách rải khắp các quận, thậm chí vươn ra miền Trung, miền Bắc. Họ có kinh nghiệm để thấy đâu là thế mạnh của mình và thường chỉ tập trung vào một vài mảng sách chứ không làm tràn lan. Mỗi năm, công ty Fahasa liên kết thực hiện gần 400 đầu sách, tỏ ra rất mạnh về Từ điển, Danh tác văn học thế giới, Kiến thức phổ thông. Riêng năm qua, First News đã cho ra khoảng 100 đầu sách có giá trị, doanh thu khá cao. Công ty Phương Nam thì tỏ ra nhạy bén với thị hiếu người tiêu dùng khi ”bung” ra các tủ sách: Cẩm nang gia đình, Tác giả - tác phẩm Áo Trắng, Tin học, 101 câu hỏi thường gặp trong sản xuất nông nghiệp…

Nguồn sách liên kết có chất lượng cao chiếm thị phần lớn (60 - 70%) thị trường sách đã đặt ra câu hỏi lớn: Nên chăng có một cơ chế phù hợp với kinh tế tư nhân trong văn bản sửa đổi Luật Xuất bản năm 2004?

  • Túc Hạnh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,