221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
185497
Chào sông Nil!
1
Article
null
Chào sông Nil!
,
Sông Nil thanh bình

(VietNamNet) - Người Trung Hoa (vốn thích cái chi cũng phải to, dài, rộng) đã gọi sông Dương Tử của họ là Trường giang hay Đại giang. Thật ra, sông Nil mới là con sông xứng với tên gọi hoa mỹ đó. Bởi vì, sông Nil là con sông dài nhất thế giới (6.671 Km), là con sông đã sinh thành và mang vác một trong những nền văn minh vĩ đại và lâu đời nhất nhân loại - nền văn minh Ai Cập.  

Người Ai Cập tin rằng sông Nil chảy từ trên trời xuống, sông Nil là quà tặng của thần Hapi. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, các nhà thám hiểm Anh mới xác định được ngọn nguồn. Thế kỷ III trước CN, người Hy lạp đổi tên Iterou thành Nil. Hẳn người Ai Cập ngày đó rất khó chịu khi phải gọi con sông Iterou huyền thoại của họ là sông Nil. Vậy thì ngày nay, xin đừng ai đổi tên sông Nil thành bất cứ tên nào khác, vì con sông ấy lỡ chảy vào tâm thức nhân loại với cái tên Nil rồi.

Tác giả bên bờ sông Nil.

Nếu Ai Cập là quà tặng của sông Nil thì sông Nil là quà tặng của Thượng đế. Đó là tác phẩm tuyệt vời mà thượng đế chỉ có thể sáng tạo ra từ trong một cơn ghen tuông chất ngất nào đó. Thử hình dung, giữa mênh mông cát bỏng của sa mạc châu Phi bỗng chảy xuyên qua một dòng sông ngọt ngào nhất, dịu dàng nhất, hùng tráng và dài nhất.

Sông Nil do hai nhánh Nil trắng (Nil blanc) và Nil xanh (Nil bleu) hợp lưu mà thành. Nil trắng bắt nguồn từ cao nguyên Rwanda và hồ Victoria. Nil xanh từ cao nguyên Ethiopie. Đến Khartoun (Soudan) hai nhánh sông hòa làm một rồi chảy hơn 1.205 Km xuyên qua lãnh thổ Ai Cập. Từ Le Caire, sông xòe ra thành nhiều nhánh mang phù sa bồi đắp cho vùng châu thổ rộng lớn và xanh tươi. Sông Nil được ví như một cành papirus đặt ngược. Tòan bộ nền văn minh Ai Cập tập trung dọc theo hai bờ sông Nil.

Tháng 6 là mùa nước lũ. Nước nhấn chìm tất cả, trừ mấy ngọn cây datte. Ba tháng sau nước rút đi, để lại sau lưng một lớp phù sa màu mỡ - đó là món quà tặng thật sự của con sông. Sông Nil là tuyến đường giao thương huyết mạch giữa hai vùng thượng hạ Ai Cập, giữa châu Phi với thế giới bên ngoài. Một đất nước ba mặt sa mạc, mặt kia biển cả; lại rất ít mưa, đôi khi 6 năm mới mưa một lần, còn nắng nóng thì có nơi lên tới 60oC. Nếu không có sông Nil liệu Ai Cập tồn tại ra sao. Vậy mà cũng đỏng đảnh như vị thần Hapi hộ mệnh của nó, chẳng ai biết con sông dở chứng thế nào. Người Ai Cập tìm cách chế ngự con sông. Dự án không được Mỹ và châu Âu ủng hộ, Nasser phải nhờ Liên Xô giúp. Công trình được mang tên vị Tổng thống Ai Cập thời đó - đập Nasser, khởi công năm 1960 và hòan tất năm 1972. Đó là một kỳ quan của nhân loại thế kỷ XX. Đập dài 3.600m, cao 111m, rộng 90m đế, 40m đỉnh, 47 triệu m3 đá, nghĩa là gấp 17 lần lượng đá dùng để xây Kim tự tháp Kheops vĩ đại. Đập Nasser điều hòa dòng chảy và tạo ra hồ nước lớn dài hơn 500 km, rộng từ 10 - 30 km. Đó là một trong hai hồ nhân tạo lớn nhất thế giới. Công trình giúp Ai Cập thoát được 3 trận đại thiên tai (1964, 1984, 1988) và mở ra tương lai sáng lạn, nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều nguy cơ mà người Ai Cập phải đối mặt.

Chiều sông Nil

Từ Louxor, tàu khách sạn đưa chúng tôi ngược dòng về phía thượng nguồn. Con tàu có cái tên rất đỗi yêu kiều: Lady Diana. Đó là một tòa nhà nổi bốn tầng, có cả bể tắm. Nhiều những chiếc tàu như thế ngày đêm xuôi ngược sông Nil. Tuy to lớn nhưng tàu nào cũng vóc dáng thanh thoát và hầu như không nghe tiếng động cơ. Trên đường đi, tàu còn ghé nhiều nơi cho du khách tham quan những đền đài nổi tiếng dọc hai bờ. Đôi khi tàu chạy sát bờ bên ni, nhìn sang bờ bên kia mênh mông bát ngát. Chạy sát bờ bên kia nhìn sang bờ bên ni bát ngát mênh mông. Nước sông chảy xiết nhưng trông sông có vẻ lặng lờ. Người ta nói từ ngày có đập Nasser, hơn 1/2 lượng nước sông được giữ lại ở hồ lớn phía thượng nguồn, không biết khi chưa có công trình thế kỷ ấy sông lai láng đến mức nào - tôi ngờ rằng, có bao nhiêu nước đều chắt chiu cho sông Nil nên đất đai châu Phi biến thành hoang mạc. Ôi sông Nil, con sông mang vác cả một lịch sử nặng nề như thế mà lúc nào cũng giữ được vẻ thanh thản hồn nhiên.

Kim tự tháp  Ai Cập

Dọc đôi bờ cây cối ngát xanh, nhất là cây datte, bạt ngàn cây datte. Cây datte là cây đặc trưng của Ai Cập, giông giống cây dừa, trái nhỏ màu đỏ hoặc vàng, người Ai Cập chế biến thành thức ăn chính của họ. Thi thoảng vài phụ nữ ra sông lấy nước, khăn áo chùm kín người, và chẳng nhìn ai. Đó là đặc điểm chung của người phụ nữ Ai Cập: kín đáo, lặng lẽ và chẳng dám nhìn ai. Hình như hàng ngàn năm rồi, Kim tự tháp phủ bóng xuống đời họ... Té ra trẻ thơ thời nào cũng vậy, thích trốn mẹ tắm sông. Một đám trẻ mình trần trùng trục, miệng cười thân thiện, vẫy tay chào du khách trên tàu. Không biết nếu các cháu biết một bữa ăn của một trong những vị khách ấy có thể nuôi sống gia đình cháu một tháng, các cháu sẽ nghĩ gì. Ở Ai Cập, người giàu giàu ghê gớm, người nghèo nghèo khốn cùng. Ven sông, nhiều ngôi nhà mái ngang che lơ thơ mấy tàu lá, bốn vách trét bùn thông ra bên ngoài bằng cửa sổ nhỏ như lỗ châu mai. Cô hướng dẫn viên Ai Cập nói với tôi, “Ngó vậy nhưng họ sống hạnh phúc lắm, họ không biết họ khổ đâu!”. Hởi các Pharaon thần thánh, khi xây dựng đền đài, Kim tự tháp, quí vị tước đi sinh lực, mồ hôi, nước mắt của những người lao động nghèo khổ, thì chí ít quí vị cũng cho họ giữ lại phần ước mơ chứ! Này các cháu bé đang tắm tuổi thơ mình trên dòng sông, hãy ước mơ đi nhé, dù chỉ là bơi sang bên kia sông.

Tượng thần Sphinx

Ngày trước, sông Nil có nhiều cá sấu và sen. Với người Ai Cập, cá sấu biểu tượng của sức mạnh, thần cá sấu Sodek được thờ trang trọng ở đền Kom Ombo bên bờ sông Nil. Hoa sen tượng trưng cho tình yêu - mỗi sáng thức dậy các đấng mày râu (loại nịnh vợ) ra vườn ngắt vài bông sen cắm vào bình để trên bàn trang điểm của vợ. Cuối thế kỷ XIX, người Anh giúp Ai Cập xây đập Esna, họ diệt sạch tổ tông loài cá sấu, và cả loài hoa là sứ giả của tình yêu kia. Hiện nay, Ai Cập đang cho phục hồi giống sen cũ, còn cá sấu thì chưa nghe. Dài theo sông Nil còn một loài cây gắn liền với nền văn minh Ai Cập cổ đại, cây papirus, mỏng manh thôi mà trường cửu với thời gian. Cây papirus hao hao với cây cói ở Việt Nam. Người Ai Cập dùng nó để sản xuất giấy papirus hàng ngàn năm trước công nguyên. Hôm đến thăm xưởng làm giấy theo phương pháp cổ truyền, tôi mua kỷ niệm bức tranh thần Osiris với cái “cân lương tâm” vẽ trên giấy papirus. Ngày nay, giá như có cửa hàng nào bán loại cân ấy, quí hồ mấy ai dám mua đem về nhà.

Trừ buổi trưa nắng nóng tới 44oC, buổi sáng, chiều và tối, tôi thích thơ thẩn trên sân thượng tàu hotel. Đoàn chúng tôi có 30 du khách, hầu hết người Pháp, dân Parisien chính hiệu. Thú vị biết bao được du lịch cùng với những người bạn đồng hành lịch thiệp và biết hài hước. Họ đều thuộc tạng thích tắm piscine và phơi nắng. Tôi thì thích hòa cái ngã nhỏ bé của mình vào vũ trụ bao la vùng sa mạc châu Phi. Hoàng hôn trên sông Nil mới diệu kỳ làm sao. Khi mặt trời sắp hòa tan vào biển cát mênh mông, hàng cây ven sông bỗng đen một màu đen huyền hoặc, những ngọn datte vươn cao lên nền trời sa mạc như muốn níu lại ánh tà dương. Dòng sông suốt ngày lim dim ngủ bắt đầu thức dậy cất tiếng nói vĩnh cửu của mình. Thoảng trong gió giai điệu Ả Rập từ xóm làng ven sông, nghe xa xăm và buồn... Cám ơn cuộc đời đã cho tôi những chuyến đi, và những cuộc tao ngộ lạ lùng. Đến Ai Cập, nếu không dành một phần chương trình cho sông Nil, kể như chuyến du lịch chỉ còn một nửa.

Nơi sông Nil chia dòng

Đêm, sông ngả sang màu huyền thoại. Gió mang theo mùi của sa mạc, vị của dòng sông và âm vang ngày cũ. Thích nhất đứng trước mũi thuyền khi con tàu lặng lẽ trườn mình trở về thời huyền sử, thời của những nhọc nhằn và oanh liệt, đau đớn và đắm say, vinh quang và cay đắng... Trên con sông này, gần 5.000 năm trước, người Ai Cập chở hàng triệu triệu khối đá granit từ Assouan về Gizeh xây dựng đền đài và Kim tự tháp, trong đó có những khối đá nguyên khối dài 30m, nặng 385 tấn. Trên con sông này, gần 2.300 năm trước Cleopatre và Cesar sống những ngày hạnh phúc - mối tình ấy nồng nàn đến nỗi chỉ ngắn ngủi như một giấc mộng.

Càng về phía thượng nguồn, sa mạc càng xích gần với dòng sông. Ở Assouan, giữa sa mạc Nubie cát bỏng và sông Nil mát lành đôi khi chỉ cách nhau một làn nước. Vậy mà chúng đã cùng tồn tại hàng ngàn năm rồi, sông không xói mòn cát, cát không lấp sông. Vũ trụ vận hành theo qui luật âm dương, chỉ con người mê muội tìm mọi cách để cái nọ hủy diệt cái kia và ngược lại. Ai ngờ giữa ranh giới tưởng chừng mong manh đó lại là quãng sông tuyệt vời hấp dẫn: vàng cát tinh khôi, sông trong leo lẻo, cảnh giới lạ lùng. Thuở Cleopatre qua đây, sông có trong ngần đến vậy! Hẳn là cầm lòng không đậu, nàng đã lệnh cho thuyền rồng dừng chèo để tắm, thế thì sông ơi có còn không hương phấn của nàng. Tôi vốc từng bụm nước phả vào mặt, rồi la hét vẫy vùng như thời còn bé dại khiến mấy ông tây bà đầm cũng vui vẻ cười theo. Mong sao tôi không bao giờ quên phút giây này - được tắm thỏa thích trên một trong những quãng sông Nil đẹp nhất, như tôi đã không bao giờ quên con sông quê từng tắm mát tuổi thơ tôi.

Sông Nil trôi êm đềm

Assouan là thành phố địa đầu của Ai Cập, cách không xa đập Nasser, nhưng phải vượt sa mạc Nubie 280 km bằng xe bus mới tới được đền Abu Simbel nổi tiếng. Cảnh giới lạ lùng của Assouan khiến thành phố nầy là nơi nghỉ đông ưa thích của nhiều nguyên thủ quốc gia và các tay tỉ phú. Tháng 5 năm 2003, Assouan được Unesco công nhận là “thành phố hòa bình”. Chỉ cách nhau một dòng sông mà Assouan đông là thành phố phồn vinh, Assouan tây là vùng quê nghèo khổ. Khoảng sông nầy không rộng, vậy mà không có chiếc cầu nào bắt qua. Đã mấy ngàn năm rồi, không có chiếc cầu nào nối liền đôi bờ, nối liền hai số phận. Vì sao? Đi trên quê hương Kim tự tháp, có hàng ngàn câu hỏi vì sao. Chúng tôi dùng thuyền buồm sang sông thăm một ngôi làng cổ. Không phải tất cả đều nghèo nhưng có nhiều người còn nghèo hơn cả chị Dậu. Thuở xưa, các Pharaon bắt họ nai lưng đập đá, xây dựng đền đài, Kim tự tháp, nay chính đền đài và Kim tự tháp ấy hái ra không biết bao nhiêu tiền vậy mà họ cứ vẫn khổ. Hàng chục cháu nhỏ nhếch nhác chạy theo xin viết (trẻ con Ai cập khoái xin viết). Chắc chúng được ai đó mách cho, chỉ chữ nghĩa mới là chiếc cầu thật sự giúp chúng sang được bờ bên kia.

Tác giả trước Kim tự tháp Khephren và tượng nhân sư (Sphinx).

Rời Assouan, đường về Louxor thuận gió thuận nước, tàu nhẹ lướt theo dòng, chỉ lòng tôi nặng trĩu bao mối cảm hòai. Có phải lịch sử nhân loại là lịch sử triền miên những cuộc chiến tranh và khổ đau! Ai Cập chẳng hạn, có bao nhiêu thời gian đi xâm lăng người ta thì có bấy nhiêu thời gian bị người ta đô hộ. Đó là điều mà xưa nay mấy tên đế quốc đầu sỏ chẳng bao giờ chịu rút ra bài học kinh nghiêm! Có phải để trường cửu với thời gian, người ta nhất thiết phải xây lăng tẩm, đền đài, Kim tự tháp, và những kế hoạch động trời! Không biết bây giờ các vị Pharaon, vương tôn công tử và quí tộc lẫy lừng ấy ở đâu... Đêm, sông Nil mới thật là sông Nil: huyền bí. Lặng lẽ chảy qua thời gian, chảy qua tang thương cuộc bể dâu, hẳn nó không cố ý làm ai sợ nhưng nó khiến người ta sợ, không cố ý trường cửu nhưng nó vĩnh hằng. Có người nói “vũ trụ sợ thời gian, thời gian sợ Kim tự tháp”, còn sông Nil thì chẳng sợ cả hai.

Sau bảy ngày đêm xuôi ngược với sông Nil trên đoạn đường khoảng 750 km, chúng tôi rời Louxor, đáp máy bay đi Le Caire tiếp tục cuộc du hành đầy bất ngờ thú vị. Tôi còn gặp lại sông Nil đôi ba lần khi tham quan thủ đô Ai Cập. Nhưng sông Nil ở đây không giống với sông Nil biết nói mà tôi từng chuyện trò. Cũng như mây trong bức tranh, tuy là mây đó nhưng không phải mây trời. Sông Nil chảy qua Le Caire bị xẻ ra làm đôi, tuy cũng là sông Nil đó nhưng không phải sông Nil của huyền bí và sa mạc hoang dã. Té ra là vậy, “Sông có khúc, người có lúc”, chẳng buồn chi. Rồi ra, tất cả con sông đều chảy về biển cả.

Người ta nói, “Ai đã từng tắm sông Nil người đó sẽ còn trở lại”. Tôi ba lần tắm sông Nil, hẳn là tôi sẽ còn trở lại. Hôm rời Le Caire, nhìn qua cửa sổ máy bay, sông Nil lấp loáng như một dải lụa bạch giữa tầng xanh. Chợt nghe tôi nói một mình: Chào sông Nil, hẹn ngày trở lại.

  • Nguyễn Văn Dũng (CTV VietNamNet tại Huế)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,