Phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long:
''Nhận kịch bản phim, tác giả húc vào 4 bức tường đá''
14:48' 21/08/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Cùng với việc kéo dài thời gian dự thi để các tác giả khác có thêm thời gian đầu tư, Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã phải đặt hàng 15 nhà văn để tìm cho được kịch bản phim truyện để dựng phim chào mừng Thủ đô ngàn năm tuổi. Tuy nhiên việc viết được kịch bản hay khó đến mức được nhà văn Chu Lai ví với húc vào 4 bức tường đá.

 

Có ý kiến còn lo ngại rằng, rất có thể kịch bản được chọn để làm phim lần này, nếu không có những cải tiến thì sẽ lại theo những "vết xe đổ" về phim truyện lịch sử của điện ảnh Việt Nam trước đó. Để góp thêm lời bàn, VietnamNet đã có trao đổi với một số nhà văn, nhà biên kịch có uy tín được đặt hàng sáng tác kịch bản lần này. Đó là nhà văn Chu Lai, nhà biên kịch Hồ Phương và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Nhà văn Chu Lai: Nhận đề tài này, tác giả húc vào 4 bức tường đá!

Tôi chỉ quen viết về lính và phố thôi. Nhưng khi được đặt hàng, tôi thấy mình phải có trách nhiệm với lịch sử, với công chúng yêu mến, chờ đợi sáng tác mới của mình. Tôi thấy rằng đã đến lúc phải khai thác lịch sử nhưng đây quả là đề tài hóc búa. Có thể nói, nhận đề tài này, tác giả húc vào 4 bức tường đá!

Bức tường thứ nhất: Từ trước tới nay ở nước ta các nhà biên kịch quan tâm và có chiều sâu về đề tài này không nhiều, có thể đếm được trên đầu ngón tay. Vì thế, để sáng tác được một kịch bản, nhất là một kịch bản hay, tác giả phải tâm huyết và đầu tư rất nhiều công sức vào đó. Hơn nữa, người xem cũng dửng dưng với đề tài này. Điều này dễ dàng hiểu được vì phim truyện lịch sử của "láng giềng" hay quá. Còn cứ như "Hoàng Lê nhất thống chí của ta", xem xong vừa bực tức vừa buồn và gần như đã thành một ấn tượng xấu khó phai. Vì thế, kéo khán giả trở về với mình là một việc vô cùng khó khăn mà điện ảnh của ta phải làm và cũng bắt đầu từ khâu kịch bản.

Bức tường thứ 2: Viết về đề tài này nhà biên kịch phải kiêm vai trò là của nhà sử học và người sáng tạo. Sự kiêm nhiệm này là rất khó bởi nó kìm hãm nhau, thậm chí "giết chết" nhau nếu như tác giả không thực sự am hiểu về lịch sử và nhào nặn với tư duy sáng tạo một cách thật "nhuyễn"

Bức tường thứ 3: Kịch bản phải qua kiểm duyệt của hội đồng giám khảo. Như vậy là tác giả không thể viết "phóng bút" được. Nếu như đi vào số phận của các nhân vật lịch sử thì thường có những vấn đề khá nhạy cảm mà lâu nay chúng ta vấn thường có thói quen né tránh. Hơn nữa, nếu không khéo thì làm cho tác phẩm chỉ mang màu sắc văn học chứ không có chất liệu tạo hình của điện ảnh. Nếu cứ đi theo diễn trình của lịch sử thì khô khan, nhiều đại cảnh là rất khó khăn.

Bức tường thứ 4: Đó là năng lực triển khai một số kịch bản hay được chấm giải, trong đó có cả vấn đề kinh phí. Tôi cho rằng, ví thử có kịch bản ổn rồi nhưng đạo diễn, diễn viên chắc gì ổn. Hiện giờ thì tìm đâu cho ra những diễn viên mang phong cách, thần thái của Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... Đấy là chưa nói đến việc tìm bối cảnh, trang phục, thành quách, binh sĩ, ngựa xe... Ta chưa có kinh nghiệm, làm phim lịch sử là rất khó, nhất là việc bài trí những đại cảnh. Đại cảnh cũng sẽ ngốn rất nhiều kinh phí, vì thế cách làm thông thường của ta là hay né tránh đại cảnh, cứ "lờ" nó đi cho xong. Nhưng né tránh đại cảnh thì sẽ không ra phim lịch sử. Vì vậy, mong muốn của Ban tổ chức là sẽ có được những kịch bản phim thật điển hình, hoành tráng, sang trọng cũng khó.

Về đề tài lịch sử, trong khi sân khấu đã phần nào đề cập thì điện ảnh đến giờ này vẫn gần như tay trắng. Lịch sử của chúng ta thăm thẳm thật, tính cách cũng thật phong phú. Không đi vào lịch sử là có tội với lịch sử và chúng ta cũng có tội với nhau. Các nhà văn, nhà biên kịch nên cùng tham gia để "đục thủng" bức tường lịch sử, để lại cho hậu thế những tác phẩm làm tư liệu và hi vọng sau này con cháu chúng ta sẽ làm những bộ phim về lịch sử thật hoành tráng, tức là làm tốt hơn chúng ta bây giờ.

Nhà biên kịch Lê Phương: Khó như đánh Pháp, đánh Mỹ ta còn làm được...

Hi vọng vào những tác phẩm có giá trị lớn, xứng đáng với tầm vóc của Thủ đô văn hiến ngàn năm trong cuộc thi sáng tác kịch bản cũng như đợt đặt hàng này thật ra cũng khó nói. Thực ra cho đến giờ này, điều lo ngại nhất của các tác giả là kịch bản viết ra có làm được thành phim không. Một khi đã chấp bút viết là mong muốn tác phẩm của mình đến được với công chúng tức là đoạt giải cao và được dàn dựng thành một tác phẩm điện ảnh. Chúng ta cũng đã làm phim lịch sử và đã từng thất bại. Có nhiều lý do nhưng trong đó có một nguyên nhân là chúng ta không biết tập hợp lực lượng để làm. Làm phim cũng như điều binh ra trận, có binh hùng tướng mạnh, xe tốt ngựa tốt nhưng phải có người biết tập hợp, tổ chức lực lượng, chuẩn bị về mọi mặt tức là biết "điều binh khiển tướng". Khó như đánh Pháp, đánh Mỹ ta còn làm được cơ mà. Ấy là vì ta biết tập hợp lực lượng và được lòng dân.

Vấn đề quan ngại nhất, cần đến một người điều binh khiển tướng giỏi ở đây chính là vấn đề kinh phí và bối cảnh. Đồng thời cũng là điều tôi muốn nhấn mạnh. Tôi có ý kiến thế này, khi làm phim chúng ta sẽ đầu tư làm bối cảnh lịch sử sẽ được dùng quay lần lượt cho khoảng 3 phim dưới sự chỉ huy của một tổng đạo diễn. Như thế sẽ đỡ tốn kém hơn nhiều. Chứ lần lượt làm từng bộ phim chí ít cũng phải đầu tư vào đó hàng chục tỉ thì mới làm được. Mà như thế thì lớn quá. Nhất là trong khi công chúng còn đang hoài nghi về chất lượng và hiệu quả của những việc mà chúng ta đang làm.

Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm: Đặt hàng sáng tác là chọn mặt gửi vàng

Viết về lịch sử cũng nhiều người thích nhưng ai cũng ngại bởi thực sự đây là một lĩnh vực rất khó tiếp cận. Tư liệu về lịch sử để lại cho chúng ta không nhiều. Văn hoá vật thể còn lại cũng quá ít ỏi, cho nên khó khăn phải nói là trăm bề. Cách đặt hàng của Ban tổ chức tạo điều kiện cho các tác giả ấp ủ từ lâu viết ra được những kịch bản có tầm cỡ. Theo tôi, Ban tổ chức đã biết chọn mặt gửi vàng. Để có những tác phẩm lớn, cần phải đặt hàng. Đây cũng là cách làm của nhiều nước trên thế giới. Tôi được đặt hàng nhưng tôi cũng viết theo lời đặt hàng của trái tim. Kịch bản của tôi, tôi đã chuẩn bị từ khá lâu và hi vọng nó sẽ được dàn dựng.

Tôi nghĩ rằng, viết về Thăng Long, dựng phim về Thăng Long muốn gì thì muốn phải tái hiện được một Thăng Long lịch sử, một Thăng Long văn hoá, kẻ chợ, kinh kì. Trên cái nền ấy mới xây dựng được những con người, những nhân vật lịch sử, điển hình. Sự hoành tráng của lịch sử cũng là sự hoành tráng về tâm hồn con người. Làm được như vậy là tác giả kịch bản thành công.

  • Việt Hà

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Phát hành "Di cảo Vương Hồng Sển" (21/08/2003)
Angelia Jolie từng phải vào bệnh viện tâm thần (21/08/2003)
Trình chiếu phim ''Biển Đợi'' trên toàn quốc dịp Quốc khánh (21/08/2003)
''Tôi sẽ hỏi đồng nghiệp Iran sao không làm phim ăn khách?" (20/08/2003)
Ballet Việt Nam - 3 lần sang Pháp diễn cùng một vở! (20/08/2003)
Nghệ nhân ca trù Nguyễn Văn Khôi và mối duyên nợ tiền kiếp (20/08/2003)
Stephen Gately của Boyzone bí mật "kết hôn" (20/08/2003)
Người mẫu Hồ Ngọc Hà bắt đầu nghiệp ca sĩ với... ''Hát thầm'' (20/08/2003)
Triển lãm một số di vật khảo cổ Hải Phòng (20/08/2003)
Quy chế đặc thù để cứu nhóm tháp F của Mỹ Sơn (20/08/2003)
Phát hành 2 DVD về tứ quái Beatles (20/08/2003)
Diễn viên Hồng Châu ''đi sứ'' (20/08/2003)
Bảo tàng Cách mạng Việt Nam khai trương phòng trưng bày chuyên đề mỹ thuật (20/08/2003)
16 bạn trúng giải VietNamNet nhanh nhất và Sao Mai VietNamNet (20/08/2003)
Chương trình biểu diễn Ballet cổ diển của các nghệ sĩ Việt-Pháp (19/08/2003)
Tro ve dau trang