Những điều chưa biết về tác giả bài hát "Tiểu đoàn 307"
13:00' 27/07/2003 (GMT+7)

Tráng ca Tiểu đoàn 307 sống mãi với thời gian nhưng về tác giả, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí, vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết. Từ năm 1954 trở về sau, ông không sáng tác (hoặc không công bố) thêm tác phẩm nào. Và cũng từ đó, không ai biết rõ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí làm gì và ở đâu. Cho đến cuối năm 1997, ông Phạm Hữu Lộc (nguyên Trung đội trưởng - đại đội 933 - Tiểu đoàn 307) được câu lạc bộ cựu chiến binh Tiểu đoàn 307 phân công nhiệm vụ và đã tìm ra được gia đình nhạc sĩ ở xã Vĩnh Mỹ A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Nhưng nhạc sĩ đã ra đi trước đó 18 năm.

Theo bà Phan Thị Đượm (vợ cố nhạc sĩ), ông dạy học ở xã và dạy nhạc trong nhà thờ, cưới vợ và sống ở đây khá lâu (từ những năm cuối 1950 đến cuối những năm 1960). Sau đó lên Sài Gòn (làm công cho một số hãng sản xuất thương mại). Sau giải phóng, gia đình ông lại trở về Vĩnh Mỹ A (quê vợ của nhạc sĩ). Mấy năm sau, ông bị ngã dẫn đến tai biến, bị liệt một phần chân tay và mất vào tháng 2-1979.

Cũng theo bà Đượm, mặc dù ông có đến điểm tập kết song bị bệnh, không ra Bắc được. Theo một số thông tin khác thì ông được phân công ở lại, nhưng làm nhiệm vụ gì thuộc cơ quan, tổ chức nào thì không ai rõ. Là một trí thức (rất giỏi tiếng Pháp, lưu bút của ông cũng toàn ghi bằng tiếng Pháp), yêu nước, thông minh, làm công việc dạy học, lại không phải người địa phương, lý lịch không rõ ràng (đối với ngụy quyền) nên suốt thời gian 1955-1975, ông luôn bị mật thám theo dõi, rình rập. Điều này có thể lý giải tại sao sau năm 1954 ông không có hoặc là không công bố tác phẩm nào khác. Mà trước đó, ngoài Tiểu đoàn 307, ông còn có nhiều tác phẩm khác như: Phá đường, Ba người chiến sĩ năm 40, v.v.. Nếu như trong điều kiện khác hoàn cảnh khác thuận lợi hơn thì có thể Nguyễn Hữu Trí sẽ cho ra đời nhiều ca khúc nữa.

Do luôn phải giấu kín về nguồn gốc và với bản chất khiêm tốn, ít nói về mình nên sau ngày giải phóng cũng rất ít người biết ông, kể cả vợ và các con cũng không biết ông là tác giả của Tiểu đoàn 307. Riêng ông, mãi đến năm 1978 khi bệnh tình nặng, gia đình đã bán hết cả ruộng đất và cái xe máy cũ lo thuốc thang và bạn bè người thân khuyên nhủ, ông mới gửi thư về Đài Tiếng nói nhân dân TP. HCM đề nghị nhận nhuận bút.

Về năm sinh, quê quán tác giả cũng như thời gian và hoàn cảnh ra đời của bài Tiểu đoàn 307 cũng có những thông tin chưa khớp nhau lắm. Nhưng tài liệu đáng tin cậy là ông sinh năm 1917 tại Sài Gòn. Thời niên thiếu, sống ở thành phố Mỹ Tho. Tốt nghiệp tú tài năm 17 tuổi. Được học nhạc trong trường dòng Mỹ Tho. Ông có năng khiếu âm nhạc và chơi vi-ô-lông rất hay. Trong kháng chiến chống Pháp, ông được biên chế trong Tiểu đoàn 307, chức vụ đại đội phó, Phó ban quân nhạc Khu 8.

Cuối năm 1949, Thượng tướng Trần Văn Trà (lúc đó là Tư lệnh Khu 8) phát động sáng tác ca khúc ca ngợi Tiểu đoàn 307 - mới thành lập nhưng đã đánh thắng nhiều trận lớn. Từ bài thơ Tiểu đoàn 307 của Nguyễn Bính (lúc đó là cán bộ tuyên truyền) đăng trên báo "Tổ quốc" - Khu 8, Nguyễn Hữu Trí đã phổ nhạc phỏng theo lời thơ. Tại hội nghị của tỉnh Long Châu Sa tổ chức tại thị trấn Mỹ Tho (Đồng Tháp ngày nay), tổ quân nhạc Khu 8 đã tập và hát phục vụ bài hát này. Ngay lập tức được mọi người hoan nghênh. Sau đó bài hát Tiểu đoàn 307 lan đi rất nhanh ra các đơn vị khác, anh em trong tổ quân nhạc phải chép và tập cho cơ sở. Tối 1-10-1950, lần đầu tiên bài hát được phát sóng trên Đài Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến do Tổ quân nhạc Khu 8 trực tiếp biểu diễn.

Lúc đầu bản nhạc có hai bè, sau khi tập kết ra bắc, ca sĩ Quốc Hương hát, đã nhập lại một bè. Nhạc sĩ Lưu Cầu sửa lại nhịp để phát sóng. Có thể vì lý do đó mà các bản phát sóng và in ấn về sau có sự sai lệch so với nguyên tác. Chính điều này làm cho tác giả rất khó chịu, ông đã có lần đề nghị Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sửa lại. Đối chiếu với bản in của Nhà xuất bản âm nhạc Giải phóng (đã được tác giả Nguyễn Hữu Trí thừa nhận) chúng tôi thấy đúng như vậy. Để yên lòng người đã khuất, cũng là để tôn trọng tính lịch sử, chúng tôi nghĩ rằng Tiểu đoàn 307 phải được in phát sóng theo đúng bản gốc.

(Theo QĐND) 

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nhà báo Trần Hồng cảm thấy được che chở’ trước mỗi bà mẹ (28/07/2003)
Phim hoạt hình kỹ thuật 3D đầu tiên sắp ra mắt (27/07/2003)
Lần đầu tiên một lượng lớn cổ vật VN được trưng bày ở nước ngoài (26/07/2003)
Marilyn Monroe, minh tinh màn bạc được yêu thích nhất (26/07/2003)
"Hoá trang tốt chính là bí quyết mang lại vẻ duyên dáng" (26/07/2003)
Báo chí Mỹ chỉ trích bộ phim đầu tay của Bob Dylan (26/07/2003)
Nicole Kidman từ chối đóng phim để... đóng phim (26/07/2003)
Apollo kết hợp văn hoá và giáo dục (25/07/2003)
Faith Hill tấn công vào lĩnh vực điện ảnh (25/07/2003)
"Hợp nhất" Bảo tàng Cách mạng và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (25/07/2003)
Lam Trường lấy vợ ở Mỹ? (25/07/2003)
Chương trình ''Những ngày văn hoá Hà Nội tại Tây Nguyên'' (25/07/2003)
"Thử thách lần 2" ra mắt các fan Việt Nam (25/07/2003)
14 tuổi có phim tham dự LHP Venice (25/07/2003)
''Vẽ nude phải hướng đến cái đẹp của thân phận...'' (24/07/2003)
Tro ve dau trang