Người cuối cùng của lớp sinh viên đầu tiên trường Mỹ thuật Đông Dương không còn nữa...!
14:18' 29/05/2003 (GMT+7)
Hoạ sĩ Công Văn Trung.
Họa sĩ Công Văn Trung - người cuối cùng của lớp sinh viên khóa đầu tiên trường Mỹ thuật Đông Dương vừa qua đời ngày 17/5. Ông nổi tiếng với những bức tranh lụa và sơn khắc như Tháp chùa Phổ Minh, Gác chuông chùa Keo, Mẹ Âu Cơ - hoa bách việt và đặc biệt là Phong cảnh Sài Sơn (huy chương vàng Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1990).

Họa sĩ Công Văn Trung sinh ngày 16 tháng 9 năm 1907, người Tây Hồ, Hà Nội, trọn cuộc đời gắn bó với thủ đô. 78 năm trước đây, chàng trai Hà Nội Công Văn Trung rất say mê hội họa, tuy hay vẽ, song nhiều lúc không thể hiện được ý tưởng. Vừa hay, có thông báo tuyển sinh khóa I của trường Mỹ thuật, anh hăm hở làm hồ sơ thi vào trường. Một sơ suất đã làm lỡ làng, thay vì gửi về địa điểm nhận ngay tại Hà Nội, thấy Bộ Giáo dục Pháp thông báo nên anh gửi hồ sơ về Bộ tại Paris.

Tháng 10 năm 1925, trường tổ chức thi tuyển sinh. Trong danh sách hàng trăm thí sinh không có tên anh. Anh chạy đôn đáo hỏi các thầy sao mình không được thi? ...Thẫn thờ, ngơ ngác, anh quanh quẩn ở trường xem các bạn thi. Khi các môn thi kết thúc, chàng trai trẻ hoàn toàn tuyệt vọng, vậy là mộng ước không thành... đúng lúc ấy anh được người thầy Việt Nam duy nhất của trường gọi anh vào văn phòng. Sau này anh được biết đó là thầy Nam Sơn - Nguyễn Vạn Thọ (1890-1973), người đồng sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương cùng họa sĩ Victor Tardieu (1870 - 1937), người phụ trách kỳ thi này, kỳ thi đầu tiên của trường (vì ông hiệu trưởng V. Tardieu bị ốm, đang ở lại Paris). Rút tập hồ sơ và lá đơn của anh, thầy từ tốn nói: "Hồ sơ của anh đã bị gửi nhầm địa chỉ, bên Pháp đã nhận và chuyển trả về đây, hôm nay hồ sơ mới tới nơi thì kỳ thi đã kết thúc, thật đáng tiếc! Lẽ ra, về nguyên tắc anh phải chờ kỳ tuyển sinh sau, nhưng mấy hôm nay, tuy bận rộn tôi vẫn để ý đến anh, thấy lòng say mê ham học của anh với nghề. Nếu để sang năm anh mới được thi thì phí quá, một năm có biết bao sự kiện xảy ra cho cuộc đời, sang năm, liệu anh còn có điều kiện để thi không? Cho nên, tôi quyết định đặc cách cho anh thi một mình, tôi sẽ coi thi, sáng mai anh trở lại...

Một tác phẩm của hoạ sĩ Văn Trung.

Thật là kinh ngạc, xen lẫn áy náy thầy vất vả vì mình, nhưng không thể để lỡ dịp may lớn lao thế này được. Sáng hôm sau anh đến thi sớm, thầy Nam Sơn đã có mặt ở trường. Kỳ thi kỳ lạ một thầy một trò diễn ra nghiêm túc trong suốt cả tuần lễ, đủ thủ tục như kỳ thi chính. Ngày thông báo kết quả thi, niềm vui lớn đã đến với trò Công Văn Trung và cả thầy Nam Sơn nữa, thầy đã không nhìn nhầm người. Từ 270 thí sinh toàn Đông Dương, chỉ có mười người đỗ chính thức, Công Văn Trung đỗ thứ ba (với điểm trang trí cao nhất), sau Nguyễn Tường Tam (tức nhà văn Nhất Linh) và Mai Trung Thứ. Từ 10 học sinh, trong quá trình học bốn người bỏ cuộc, khi ra trường chỉ còn lại sáu người, sau này đều là những họa sĩ danh tiếng: Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Georges Khánh, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung và Nguyễn Phan Chánh.

Ngay khi còn là sinh viên năm thứ ba, Công Văn Trung đã được Học viện Viễn đông Bác Cổ sang trường Mỹ thuật Đông Dương xin về làm việc. Cuộc đời họa sĩ Công Văn Trung gắn bó với ba cơ quan: Học viện Viễn Đông Bác Cổ, làm thầy ở trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Cụ là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam ngay từ khi thành lập Hội - năm 1957.

Tài danh trong cả sáng tác và nghiên cứu, họa sĩ Công Văn Trung làm công việc đo đạc khảo cổ của Học viện Viễn đông Bác Cổ, là người giỏi bậc nhất môn vẽ xa gần (perspective). Một số tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ khi đã ở sau độ tuổi "thất thập cổ lai hy" là: Tháp chùa Phổ Minh (lụa - 1983); Hoa đại đỏ (lụa), Gác chuông chùa Keo (lụa - 1993); Mẹ Âu Cơ - hoa bách việt (lụa - 1995); nhiều tác phẩm của họa sĩ đang ở các nước: Pháp, Italy, Ấn Độ... Đặc biệt tác phẩm Phong cảnh Sài Sơn (sơn khắc, khổ 90 x 140 cm - năm 1990) - đoạt Huy chương Vàng trong triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, khi Cụ đã 83 tuổi.

Cuộc đời làm thầy, họa sĩ Công Văn Trung đào tạo được nhiều họa sĩ thành danh: Đường Ngọc Cảnh, Lê Thiệp, Kim Bạch, Vũ Giáng Hương (nguyên Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam), Trần Khánh Chương (Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam), nhà phê bình mỹ thuật Triều Dương...

Công trình nghiên cứu từ hơn 30 năm nay về "Truyền thống nghệ thuật dân tộc Việt Nam", đã được họa sĩ hoàn tất trước lúc đi xa, mong sớm đến được cùng bạn đọc.

Người yêu hội họa còn mãi được thưởng thức tác phẩm của họa sĩ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam...

(Theo Người Hà Nội)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
''Hồn Rối'' có về lại nơi đồng quê? (29/05/2003)
Lễ hội quy mô cho thiếu nhi mang tên "Măng non - Cội nguồn" (29/05/2003)
Mỹ Duyên: "Tôi muốn tìm một phong cách diễn khác" (29/05/2003)
Nhiều hoạt động nghệ thuật phục vụ thiếu nhi nhân dịp 1/6 (28/05/2003)
Lần đầu tiên thi kịch bản phim về đề tài phụ nữ và trẻ em (28/05/2003)
NSND Quý Dương: ''Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" (28/05/2003)
Vợ chồng Paul McCartney tranh thủ làm chính trị (28/05/2003)
Ra mắt Bách khoa thư văn học thiếu nhi Việt Nam (28/05/2003)
Acappella đã "... and More"! (28/05/2003)
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh: "Tôi ăn đứt thiên hạ bởi không có lối kể lể" (28/05/2003)
Ca sĩ Minh Huyền mơ ước... làm giáo viên (28/05/2003)
3 tấn tiền cổ, chiếc bàn đá thần kỳ và giấc mộng bảo tàng tư (28/05/2003)
Jim Carrey, yếu tố thành công của "Bruce Almighty" (27/05/2003)
"Sẽ xử lý nghiêm các sai phạm của NXB Văn học"! (27/05/2003)
Nghệ sĩ Đức Hải: "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ" (27/05/2003)
Tro ve dau trang