Một ngày quanh Lăng Bác
12:54' 17/05/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Dường như ai đứng trên quảng trường Ba Đình những ngày tháng 5 này cũng nhận thấy tình cảm thiêng liêng, tình thương bao la của Bác Hồ bao trùm khắp không gian. Nó thấm vào từng ngọn cỏ xanh để cỏ xanh dịu dàng tươi mát hơn, thấm trên màu cờ Tổ Quốc để cờ thắm đỏ màu yêu thương hơn. Một cô gái trẻ, xem chừng là một sinh viên từ tỉnh xa về đã thốt lên: "Tôi chưa bao giờ thấy cờ của Tổ quốc mình đẹp như ở đây, đẹp lạ lùng!"...

6 giờ sáng, 30 phút trước giờ chào cờ, những chiến sĩ áo trắng đều đặn đổi phiên gác nơi cánh cửa dẫn tới nơi Người an nghỉ. Trời mùa hè đầy gió và tràn ngập những tia nắng sớm. Chính cái không gian thoáng đãng và tuyệt vời ấy của quảng trường Ba Đình đã thu hút một lượng người không nhỏ, đa số là những người đi tập thể dục buổi sáng. Trong dòng người đông đúc đó, người ta vẫn nhận thấy không khí trang nghiêm trước cửa Lăng. Trong đám đông, các chiến sĩ bảo vệ an ninh vẫn nêu cao cảnh giác và thực hiện nhiệm vụ của mình. 

- 6 giờ 20 phút, tất cả không được vào khu vực trước cửa Lăng, lực lượng an ninh đã sẵn sàng làm nhiệm vụ. 

- 6 giờ 25 phút, những tiếng nhạc đầu tiên cất lên. Đó cũng là lời nhắc nhở mọi người dừng lại. Đội danh dự đã vào vị trí, những chiến sĩ với những bộ quân phục màu trắng, bước đều tăm tắp, tay nâng lá cờ Tổ quốc đi trong tiếng nhạc dấy lên trong biết bao người cảm giác thật trọng đại.

- Đúng 6 giờ 30 phút, những giai điệu của bài Quốc Ca vang lên. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên cùng giai điệu của bài ca hào hùng. Hình ảnh bình thường ấy đã để lại bao dấu ấn khó quên trong tâm trí biết bao người. Trong suốt 12 phút diễn ra lễ chào cờ, dường như mọi hoạt động nơi quảng trường đều dừng lại, dừng lại để cảm nhận giá trị của độc lập tự do, của niềm tự hào dân tộc và để hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những giờ phút thiêng liêng như thế, từ người già đến trẻ nhỏ, những người dù khác nhau về lối sống, trình độ... đều nghiêm trang hướng về lá cờ tổ quốc với tấm lòng thành kính và niềm xúc động. Có lẽ hỏi bất cứ ai có mặt ở quảng trường Ba Đình lúc chào cờ cũng đều xúc động. Bác Nguyễn Thị Loan (72 tuổi): "Suốt chục năm qua ngày nào tôi cũng tập thể dục ở đây. Từ khi có tổ chức lễ chào cờ, mặc dù ngày nào tôi được chứng  kiến lễ kéo cờ và được nghe Quốc ca nhưng lần nào tôi cũng  thấy xúc động lắm. Những lúc ấy, tôi mới cảm nhận đươc niềm hạnh phúc của cuộc sống tự do, cảm thấy tự hào vì mình là một người Việt Nam và là cháu con của Bác".

- 6 giờ 35 phút, Lễ chào cờ kết thúc, đội danh dự khuất dần sau Lăng, tất cả lại trở lại hoạt động bình thường. Suốt 2 năm qua, ngày nào cũng vậy, đúng 6 giờ 30 phút (mùa Hè) và 7 giờ (mùa Đông), Lễ chào cờ đều đặn diễn ra trên quảng trường Ba Đình bất kể ngày nắng nóng hay mưa rét căm căm.

Anh Đoàn Tá Tuân, trợ lý tham mưu đoàn 275, người trực tiếp giám sát buổi chào cờ hôm 16/5 tâm sự với chúng tôi: "Mấy năm nay, vào giờ chào cờ, người dân cũng có ý thức hơn nhiều. Khi có hiệu lệnh tất cả đều tuân thủ tốt thể hiện ý thức và văn hoá. Suốt hơn 10 năm làm việc ở đây không khi nào tôi cảm thấy mệt mỏi. Đó cũng là tâm sự chung của những người vinh dự được bảo vệ giấc ngủ cho Người. Chưa có lúc nào tôi cảm thấy gặp khó khăn trong công việc mà chỉ thấy niềm tự hào và vinh dự". Những con người làm việc thầm lặng như các anh luôn mang trong mình những kỷ niệm khó quên: "Tôi không thể quên thời điểm năm 1995, tôi đã tìm lại được một chiếc nhẫn 2 chỉ cho một bà má miền Nam rơi lẫn trong đám cỏ rậm. Hồi đó tôi đã được đăng báo nhưng tôi không nghĩ đó là công lao gì mà là trách nhiệm của một người bảo vệ lăng Bác"

- 6 giờ 45 phút, người qua lại thưa dần, mọi người trở về để bắt đầu những công việc một ngày mới, chỉ còn những anh lính gác tiếp tục làm nhiệm vụ của mình. Cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng sớm.

- 7 giờ, cái nóng của mùa hè đã cảm nhận rất rõ, những hoạt động của cuộc sống thường ngày đã bắt đầu, những em nhỏ vội vã đến truờng, những bánh xe lăn nhanh cho kịp giờ tới cơ quan, Lăng Bác vẫn đứng uy nghi và bình thản trên quảng trường Ba Đình .

- 8 giờ, qua cổng 17 Ngọc Hà, chúng tôi đã thấy những đoàn khách đầu tiên đang đứng xếp hàng vào Lăng, những người dân đất Việt đến từ Thái Bình, Thanh Hoá hay Quảng Bình nóng bỏng... không giấu nổi những nét mặt mệt mỏi sau chặng đường dài để đến với Người. Lẫn trong những đoàn khách đến viếng Lăng là những nhân viên an ninh và cả những người làm nhiệm vụ đón tiếp. Đó là những cô, những chị đã gắn bó với công việc này nhiều năm vậy mà các cô vẫn giữ được sự nhiệt tình và  tấm lòng tận tuỵ.

Chị Phạm Thị Hồng, người đã gắn bó với công việc đón tiếp người đến thăm Lăng suốt 24 năm qua không giấu nổi niềm xúc động khi được hỏi về công việc và những kỷ niệm trong suốt những năm qua. Chị tâm sự rằng mình chưa bao giờ cảm thấy công việc của mình là vất vả và khó khăn cả, chị chỉ thấy niềm vui, niềm vinh dự và trách nhiệm. Chị quan niệm công việc của mình tuy rất bình thường nhưng lại là đại diện cho nhân dân Việt Nam, thay mặt Bác đón tiếp khách vào thăm Người. Những ngày này, những người như chị phải làm việc với cường độ cao khi mỗi ngày phải đón tới 100 đoàn khách nhưng dường như mọi sự mệt mỏi bị xoá tan. Chị nhớ lại những ấn tượng khó quên: "Tôi còn nhớ có mãi câu nói của một cụ già đến viếng Bác "Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, chỉ cần đến thăm Bác một lần rồi về chết cũng được". Tôi thấy không có sự khác biệt nào giữa những người đến viếng trong nước hoặc nước ngoài cả. Tất cả đều tỏ thái độ thành kính, ngưỡng mộ và cảm động khi đến với Người. Có những người vào Lăng đến 2 lần/ngày. Một cái tên đã để lại ấn tượng khá mạnh với tôi là cụ Hoàng Thị Ân. Năm nào cụ cũng đến thăm Người. Mặc dù đã 123 tuổi nhưng cụ vẫn xếp hàng vào Lăng viếng".

- 9 giờ: đường vào Lăng từ cổng Ngọc Hà đã đông nghẹt người. Trong số những những gương mặt kia có cả những người nước ngoài, họ đến từ những đất nước khác nhau nhưng hoà lẫn vào những người Việt Nam nhỏ bé xếp hàng vào Lăng viếng Bác.

- 10 giờ: trời đã bắt đầu nắng gắt, những hàng cây bên đường dẫn vào Lăng cũng không ngăn nổi cái nóng. Một hàng người dài vẫn nhích từng bước, mồ hôi chảy dài trên từng khuôn mặt vậy mà không có thấy một lời kêu ca. Hàng ngũ vẫn đâu vào đấy. Mong ước được gặp Bác và cái không khí trang nghiêm trên đường vào Lăng đã xua đi tất cả mọi mệt nhọc. Trong đoàn người dài tưởng như bất tận đó, có cả những người tàn tật, dù không tự đi được bằng đôi chân của mình nhưng vẫn muốn đến với Người trên chiếc xe lăn.

- 10 giờ 45 phút: chúng tôi đặt những bước đầu tiên vào Lăng và cảm giác như đang ở trong một thế giới khác. Không ai bảo ai nhưng bước chân mỗi người cất nhẹ hơn, không một tiếng nói. Khi được nhìn thấy Người, tất cả dường như nín thở, nước mắt rưng rưng. Trong số những vị khách đến từ Ấn Độ, Trung Quốc... chúng tôi thấy họ còn lầm nhẩm chắp tay vái. Lúc này chỉ còn lại một tấm lòng biết ơn và kính trọng Người.

- 11 giờ: chúng tôi đi qua khu di tích Hồ Chủ tịch, thăm ngôi nhà sàn giản dị, vườn cây và hồ cá in hình bóng của Người. Thật kỳ lạ khi giữa một Hà Nội "ồn ào" lại có nơi yên bình và thanh tao đến vậy.

- 11 giờ 30 phút: khu vực quanh Lăng Bác đã thưa người, những đoàn khách cũng đã ra về có lẽ vì cái nắng nóng mùa hè kinh khủng quá, chỉ còn những chiến sĩ cận vệ vẫn tiếp tục công việc của mình trong bộ quân phục chỉ hợp với tiết trời se lạnh đầu đông Hà Nội.

- 1 giờ chiều: không ở đâu lại yên tĩnh và trang nghiêm như trước Lăng Bác lúc này. Chỉ có những lao xao của cây cối, âm thanh của những chú ve con hối hả đầu hè. Có lẽ vì chúng cũng không nỡ quấy rầy giấc ngủ trưa của Người.

Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu mở cửa đón khách từ năm 1975. Gần 30 năm qua, hàng triệu lượt người đã đến thăm Người trong đó có một lượng lớn khách nước ngoài vì yêu mến và kính trọng Người mà vượt ngàn dặm đường viếng Lăng. Năm đầu tiên mở cửa, mới chỉ có 939.314 lượt người đến thăm trong đó có 7.703 khách quốc tế. Tính đến nay, năm 2000 vẫn đón nhiều khách nhất với 1.822.501 người với 265.592 khách quốc tế. Để làm tốt công việc của mình, những người làm việc ở đây đang ngày ngày làm những công việc thầm lặng với một tình cảm đặc biệt dành cho Bác. 

Chiều Ba Đình nắng! Màu cỏ trên quảng trường làm cho cái nắng bớt gay gắt hơn. Từng đoàn học sinh từ các tỉnh về, các đoàn khách du lịch trong nước và nước ngoài vẫn đi bộ qua trước lăng và ngắm nhìn nơi yên nghỉ của Bác. Theo quy định buổi chiều không được phép viếng lăng, nên mọi người chỉ đứng từ xa ngắm nhìn. Trong những đôi mắt ấy là tất cả tình cảm thành kính và yêu thương đối với vị cha già dân tộc. Nhiều người đã xăm xắn cầm máy ảnh chụp ảnh Lăng từ các góc độ mặc cho mồ hôi dầm đìa trên lưng áo, trên trán, bết vào tóc. Anh Nguyễn Trường Giang, doanh nhân ở phường 8, quận Bình Thạnh (TPHCM) mà tôi gặp khi anh  đăng kí đặt vòng hoa viếng Bác vào sáng 17/5 cho biết: "Tôi ra Hà Nội đã nhiều lần nhưng chưa lần nào có dịp vào lăng viếng Bác. Lần này tôi ra đúng dịp sinh nhật Bác  mong  bằng mọi giá được dâng những đoá hoa thơm ngát lên Người". Anh xúc động tâm sự: "Tình cảm của những người con miền Nam với  Bác Hồ rất đằm thắm, thiết tha. Ở Miền Nam chúng tôi luôn hướng về Hà Nội, bởi vì Hà Nội có Bác Hồ..." Cảm động nhất là hình ảnh các cụ già tóc bạc da mồi bước đi run run trên quảng trường mênh mông, có cụ tay phải vịn vào con cháu mà mắt ngước rưng rưng trong chiều hè nắng xế. Cụ Nguyễn Thị Huê, 76 tuổi ở thị xã Bắc Ninh còn nặng lòng: "Đây là chuyến đi dối già của tôi chị ạ! Con cháu tôi nó gàn, nhưng tôi đã định đi là đi, cho thoả tâm nguyện... Chỉ ở gần Bác thôi cũng thấy thật nhẹ nhàng".

Dường như ai đứng trên quảng trường Ba Đình những ngày tháng 5 này cũng nhận thấy tình cảm thiêng liêng, tình thương bao la của Bác Hồ bao trùm khắp không gian. Nó thấm vào từng ngọn cỏ xanh để cỏ xanh dịu dàng tươi mát hơn, thấm trên màu cờ Tổ Quốc để cờ thắm đỏ màu yêu thương hơn. Một cô gái trẻ, xem chừng là một sinh viên từ tỉnh xa về đã thốt lên: "Tôi chưa bao giờ thấy cờ của Tổ quốc mình đẹp như ở đây, đẹp lạ lùng!"... Một anh thanh niên đã vặn lại như thế này: "Nói lạ, cờ Tổ quốc mình ở đâu chả đẹp! Vì nó gắn liền với Bác mà. Chắc bạn chưa ra Trường Sa hay những nơi có cột mốc biên giới. Ở đó cờ cũng đẹp lạ lùng lắm, thiêng liêng lắm, bạn ạ". Thật tự hào khi đó là những suy nghĩ của những bạn trẻ sinh ra sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, khi Lăng Bác đã được khánh thành, khi Bác Hồ mất đã được 6 năm...

Chiều mùa hè, hoàng hôn xuống chậm. Và khi ráng đỏ cuối cùng phía sau lăng chìm xuống thì thật diệu kỳ: "Trăng lên, kìa trăng lên, quảng trường dâng điện sáng. Ôi vầng trăng, vầng trăng Ba Bình. Mênh mông, mênh mông và thiêng liêng..." Thật ngạc nhiên, dường như nhạc sĩ Thuận Yến khi đặt những nét nhạc cho bài thơ của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, cả hai người đứng trước một đêm trăng tròn 16 như đêm nay (16/5 dương lịch và 16/4 âm lịch). Trăng lên cùng bước chân, vòng quay  bánh xe của hàng ngàn người dân thủ đô đổ về quảng trường Ba Đình đêm nay.

Bác là người rất mực yêu trẻ, đêm nay chắc hẳn Bác sẽ mỉm cười khi thấy các cháu thiếu nhi Thủ đô đến bên Bác nhiều như vậy. Các cháu được ông bà, cha mẹ, anh chị và cả cô giáo nữa đưa đi chơi thăm Lăng Bác. Đa số họ đi theo từng gia đình và hầu như gia đình nào cũng có các cháu bé đi cùng. Một số cô giáo của các trường mầm non gần quảng trường còn tranh thủ cho các em sinh hoạt theo chủ đề: Các cô thì kể chuyện về Bác Hồ còn các cháu thì múa hát những bài về Bác, thật vui và cảm động.

Những người đi qua không ghé lại thăm được ai cũng cố gắng đi thật chậm, để thấy lòng mình ấm lại và một tình cảm nhẹ nhàng, sâu lắng tan chảy trong lòng. Có lẽ ở đây một sợi dây tình cảm mỏng manh nhưng bền chắc gắn bó mọi người lại gần nhau hơn. Khác với mọi ngày trước giờ hạ cờ hôm nay, (21h) mọi người trong sân tập trung lại trước lăng Bác thành hình chữ U. Em bé ngồi hàng trước, bé lớn hơn ngồi hàng sau, người lớn thì đứng trang nghiêm. Tất cả cùng dõi mắt theo từng bước chân của đội quân danh dự theo nhạc hiệu bài hát Bác đang cùng chúng cháu hành quân của nhạc sĩ Huy Thục trước cờ Tổ quốc mang bóng hình của Bác. Trong giờ phút thiêng liêng đó ai cũng thấy thêm yêu Đất nước mình, ơn Đảng, ơn Bác Hồ vĩ đại.

Lễ hạ cờ kết thúc, mọi người lại tản theo các hướng những cơn gió mát lành dưới ánh trăng dịu dàng. Anh Dũng, công tác tại Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: "Con gái 5 tuổi của anh một mực đòi ra Lăng vào tối nay vì nói rằng các bạn của con tối nay đều được bố mẹ hứa cho ra đây chơi. Nhìn các bé, mặc thật đẹp, chạy nhảy tung tăng, hát múa líu lo bên cạnh cha mẹ, tôi nghĩ hôm nay là một buổi tối nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ và bồi bổ tâm hồn cho những người lớn tuổi".

Khoảng 23h các gia đình lần lượt ra về. Quảng trường dần trở lại trở lại tĩnh lặng trang nghiêm. Gió nhẹ. Vầng trăng 16 vẫn sáng, tròn, dịu êm trước Lăng ru giấc ngủ bình yên của Người.

  • Việt Hà - Bích Hạnh

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ - đến hẹn lại lên (17/05/2003)
Đạo diễn Thanh Vân: Không nên đánh đồng mọi tầng lớp khán giả (17/05/2003)
Đạo diễn Lan Hương: ''Trẻ con bây giờ khó ăn dỗ lắm'' (16/05/2003)
Phát hành tuyển tập nhạc độc nhất vô nhị (16/05/2003)
Nghệ An - náo nức chào đón Lễ hội Làng Sen (16/05/2003)
Nhạc sĩ VN đầu tiên chỉ huy dàn nhạc nước ngoài thu âm cho phim (16/05/2003)
Thực thi quyền tác giả âm nhạc có là cơn bão? (16/05/2003)
Phía sau LHP Cannes (15/05/2003)
"Bài ca tháng Năm" dâng Người (15/05/2003)
Paul McCartney có thể không được biểu diễn tại Moscow (15/05/2003)
Kết thúc liên hoan cồng chiêng và hát dân ca toàn tỉnh Gia Lai (15/05/2003)
Phát hành sách ''Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng'' (15/05/2003)
Robbie Williams góp mặt trong album nhạc phim "Điệp viên 00 thấy" (15/05/2003)
Nghệ sĩ Thu Hà về làng Sen tìm lại hình ảnh xưa (14/05/2003)
Ngày mai bán đấu giá hiện vật cổ ở tàu bị đắm ở Cà Mau (14/05/2003)
Tro ve dau trang