Cung cấp dịch vụ làm phim - một thế mạnh của Việt Nam
11:58' 08/10/2003 (GMT+7)
 
Áp phích phim "Vũ khúc con cò", phim hợp tác giữa Việt Nam và Singapore.

Việt Nam vừa tham dự Diễn đàn Văn hóa châu Á 2003 diễn ra tại Hongkong, cùng với các nước Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, và Đài Loan. Ông Nguyễn Văn Tình - Phó vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế (Bộ Văn hóa - Thông tin), thành viên đoàn đại biểu Việt Nam đã có cuộc trò chuyện chung quanh những vấn đề được đề cập tại diễn đàn này.

- "Công nghiệp văn hóa" là thuật ngữ rất mới đối với Việt Nam và sự hợp tác trong lĩnh vực này là chủ đề chính của Diễn đàn Văn hóa châu Á 2003 nhằm đối phó với sự cạnh tranh của các sản phẩm văn hóa Mỹ, Âu trên thị trường. Sự nhìn nhận của các nước về vấn đề này ra sao, thưa ông?

- Ở các nước châu Âu, thuật ngữ "công nghiệp văn hóa" gắn với tập hợp các ngành kinh tế khai thác và sử dụng hiệu quả tính sáng tạo kỹ năng sở hữu trí tuệ, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ có ý nghĩa văn hóa xã hội. 11 ngành được liệt vào danh sách này, gồm: quảng cáo, kiến trúc, giải trí kỹ thuật số, mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, thiết kế mỹ thuật, phim ảnh và video, in ấn xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, phát thanh truyền hình và phần mềm vi tính. Ở Hongkong, 85% thu nhập quốc dân có được từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình, quảng cáo. Nhật Bản phim hoạt hình và truyện tranh phát triển mạnh. Bộ phim hoạt hình Đoremon ngoài việc bán bản quyền cho truyền hình, xuất khẩu ra nước ngoài, các nhà kinh doanh Nhật Bản còn xuất bản truyện tranh, làm quà tặng lưu niệm... tổng doanh thu từ việc "xào đi nấu lại" bộ phim này lên đến hơn hai tỷ USD.

- Những bài học kinh nghiệm nào được đưa ra trao đổi tại diễn đàn?

- Trong số các kinh nghiệm được đưa ra trao đổi, việc phát triển của điện ảnh Hàn Quốc những năm gần đây là sự "thèm muốn" của tất cả các nền điện ảnh trong khu vực. Không có nền điện ảnh nào, trừ Hollywood, làm được như Hàn Quốc với việc đưa tỷ lệ chiếu phim nội lên 51% và doanh thu cũng cao hơn phim Mỹ chiếu tại thị trường này. Lý giải thành công của điện ảnh Hàn Quốc, thứ trưởng Bộ Văn hóa - Du lịch Hàn Quốc nhấn mạnh vai trò hợp tác giữa nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực sản xuất phim. Bên cạnh việc mở nhiều hội chợ giới thiệu phim, thu hút các nhà phát hành phim trong khu vực, chính phủ Hàn Quốc chú trọng tuyên truyền giáo dục quần chúng ủng hộ phim nội. Đặc biệt, các nhà làm phim đã bám sát thị hiếu, sở thích của người xem, đưa công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất, tạo bộ mặt tân kỳ cho điện ảnh.

- So với các nước trong khu vực, ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam dường như vẫn phát triển ở quy mô nhỏ? Theo ông, đâu là nguyên nhân của vấn đề?

- Tôi chưa đọc một cuốn sách nào nói về chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Có nghĩa, chúng ta có tiềm năng nhưng chưa được nghiên cứu thấu đáo, định hướng phát triển với những chiến lược cụ thể, trước mắt và lâu dài. Chẳng hạn, điện ảnh Việt Nam mỗi năm sản xuất khoảng 10 phim nhựa, nhưng chỉ 1/10 số phim này được người xem tiếp nhận ngoài thị trường, thậm chí tỷ lệ 1/10 này cũng không ổn định. Nếu mỗi năm chúng ta có hai, ba phim đạt doanh thu cao, chắc chắn nó sẽ tạo được tín hiệu tốt để các nhà  hoạch định chính sách đổ công sức nghiên cứu và định hướng phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Bởi, điện ảnh không chỉ là phục vụ tuyên truyền, giải trí mà còn là nguồn sinh lời khổng lồ, nếu chúng ta biết khai thác nó một cách đúng hướng.

Theo tôi, đã đến lúc các nhà nghiên cứu văn hóa phải tiến hành các nghiên cứu toàn diện, khoa học và đầy đủ về các ngành công nghiệp văn hóa, quy mô, tầm cỡ và ý nghĩa của nó trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Những nghiên cứu này sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách, cả ở tầm vĩ mô lẫn vi mô, xây dựng những chiến lược, chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta.

- Tiền có phải là nguyên nhân chính khiến ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển chậm?

 - Ở Việt Nam, Nhà nước đầu tư cho mọi lĩnh vực văn hóa chứ không chỉ đầu tư vào các lĩnh vực sinh lời. Nhưng đúng là đầu tư của Nhà nước cho văn hóa so với các ngành khác trong nhiều năm qua là thấp. Nhưng chúng tôi hy vọng tình hình này sẽ được cải thiện ngay trong năm tới. Tôi được biết, vừa qua, trên cơ sở đề nghị của Bộ Văn hóa - Thông tin và sự ủng hộ của Bộ Tài chính, Chính phủ đã dự kiến cho các bộ, ngành trình Quốc hội phê duyệt. Theo đó, ngân sách hoạt động sự nghiệp của ngành văn hóa dự kiến tăng 17%, tăng cao nhất so với các bộ, ngành và ngân sách dành cho các chương trình mục tiêu của ngành tăng đến 71,6%. Điều đáng nói ở đây là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong ngành làm sao có thể xây dựng được kế hoạch phát triển và sử dụng những khoản đầu tư của Nhà nước cho văn hóa có hiệu quả nhất.

- Việt Nam đã tìm được tiếng nói chung nào từ Diễn đàn văn hóa châu Á 2003?

- Hợp tác đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa là mục đích mà các nước trong khu vực mong muốn mở ra sau diễn đàn này. Singapore và Việt Nam từng hợp tác sản xuất bộ phim Vũ khúc con cò, thắng lợi về doanh thu. Họ nhìn nhận Việt Nam là nơi có tiềm năng lớn về cung cấp dịch vụ và hợp tác sản xuất điện ảnh. Nền văn hóa đa dạng và đậm bản sắc, bối cảnh thiên nhiên đẹp, giá dịch vụ rẻ... là những điều cơ bản đầu tiên hấp dẫn các nhà làm phim nước ngoài. Ngoài Singapore, Việt Nam đã hợp tác với Trung Quốc làm một số phim điện ảnh và truyền hình. Chiều hướng này sẽ tiếp tục phát triển nếu chúng ta biết trân trọng và tạo nhiều cơ hội cho nó.

(Theo TTVH)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hà Nội phát động giải báo chí về phòng chống ma tuý (08/10/2003)
Triển lãm ảnh chào mừng ngày giải phóng Thủ đô (08/10/2003)
Nicole Kidman tích cực làm từ thiện (08/10/2003)
Hoà nhạc Việt - Nhật (08/10/2003)
Luciano Pavarotti chuyển sang làm giáo viên dạy nhạc (07/10/2003)
Bế mạc liên hoan du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (07/10/2003)
Một số hình ảnh cuộc thi "Hoa hậu quốc tế 2003" (07/10/2003)
Đã chọn được ca sĩ hát bài hát SEA Games (!) (07/10/2003)
Khán giả Bắc Mỹ đổi món xem phim hài (07/10/2003)
"Mê Thảo - Thời vang bóng" được tài trợ phát hành 40.000 EUR (07/10/2003)
Ban hành quy chế phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" (07/10/2003)
Biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp sẽ ''bình ổn'' nhờ Quy chế? (07/10/2003)
Lê Minh Phượng lọt vào top 12 người đẹp nhất bình chọn qua mạng (06/10/2003)
Việt Nam sẽ tranh tài tại cuộc thi piano quốc tế lần thứ 26 (06/10/2003)
Rối đen lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam (06/10/2003)
Tro ve dau trang