,
221
1341
Tin nổi bật
tinnoibat
/tinnoibat/
748164
Cải cách ngân hàng ở Việt Nam: Còn lắm chông gai
1
Article
null
,

Cải cách ngân hàng ở Việt Nam: Còn lắm chông gai

Cập nhật lúc 22:46, Chủ Nhật, 25/12/2005 (GMT+7)
,

Không những hoạt động kém hiệu quả, vấn đề chất lượng tín dụng và nợ xấu cũng là điều đáng báo động. Cải cách ngân hàng ở Việt Nam đang trên con đường đầy chông gai.

Cải cách vẫn là một thách thức lớn của hệ thống Ngân hàng Việt Nam

Năm 2005 có lẽ là năm sôi động nhất đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tin tức về việc chuẩn bị cổ phần hóa Vietcombank, các ngân hàng nước ngoài trở thành cổ đông chiến lược của Sacombank, ACB... thường xuyên là tin chính trong các chuyên mục kinh tế.

Tuy nhiên, hệ thống tài chính do các ngân hàng đóng vai trò chủ đạo có làm tốt vai trò hệ tuần hoàn cho nền kinh tế hay không là vấn đề sẽ được bàn luận trong bài viết này.

Những điểm sáng của hệ thống ngân hàng Việt Nam

Có thể thấy rằng, các ngân hàng Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Hiện ngân hàng đã là kênh huy động, cung ứng vốn chính cho nền kinh tế với 30% vốn đầu tư phát triển hàng năm và 40% tổng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp được tài trợ bởi tín dụng ngân hàng. Tuy còn thấp hơn so với một số nước khác, nhưng tổng dư nợ tín dụng qua hệ thống ngân hàng vào cuối năm 2005 đã trên 60% GDP, cao hơn mức bình quân chung của các nước có thu nhập thấp.

Không những thế, nếu trong những năm giữa thập niên 1990, phần lớn (hơn ba phần tư) nguồn vốn của các ngân hàng đổ vào các doanh nghiệp nhà nước, thì đến cuối năm 2005, con số này chỉ còn khoảng 30%.

Ngoài ra, các sản phẩm dịch vụ, nhất là dịch vụ ngân hàng bán lẻ, ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Sự cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày một quyết liệt hơn, các ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng nước ngoài ngày càng lớn mạnh và đóng vai trò tích cực hơn rất nhiều.

Những yếu kém và tồn tại

Trong nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam vào năm 2005, tiến sĩ Jenny Gordon và các đồng sự nhận xét: “Điểm yếu lớn nhất của hệ thống ngân hàng Việt Nam rõ ràng là sự chi phối của các ngân hàng thương mại quốc doanh. Về mặt truyền thống, trên thế giới, các ngân hàng thương mại quốc doanh đã có những người chủ yếu kém, không có khả năng yêu cầu các ngân hàng thương mại quốc doanh của mình đạt kết quả kinh doanh bền vững hoặc thực hiện các quy định an toàn tương tự như đặt ra cho các ngân hàng tư nhân”.

Bên cạnh đó,  Ngân hàng Thế giới (WB) cũng khuyến cáo: “Nguy cơ tiềm tàng là bốn ngân hàng thương mại nhà nước có thể - thông qua các lựa chọn chiến lược giống nhau - sẽ làm suy yếu lẫn nhau qua cạnh tranh căng thẳng nếu cả bốn ngân hàng thương mại nhà nước thành ngân hàng đa năng”. Dường như điều này đang xảy ra trong thực tế.

Một ngân hàng được coi là hoạt động có hiệu quả khi suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) tối thiểu phải đạt từ 0,9-1% và được coi là đủ vốn khi hệ số đủ vốn (CAR) phải đạt tối thiểu 8%. Thế nhưng, năm 2003, ROA của bốn ngân hàng thương mại nhà nước (chiếm hơn 70% thị phần huy động vốn và tín dụng) chỉ khoảng 0,3%, hệ số đủ vốn vào cuối năm 2004 chưa vượt con số 5%. Nếu trích dự phòng rủi ro đầy đủ thì hai chỉ số này chắc chắn sẽ âm.

Không những hoạt động kém hiệu quả, vấn đề chất lượng tín dụng và nợ xấu cũng là điều đáng báo động. Tuy tỷ lệ nợ xấu trong báo cáo thường niên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ là 2,85%, nhưng theo đánh giá của IMF và WB tại Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng cũng như các chuyên gia nghiên cứu độc lập thì tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam phải chiếm từ 15-30% (con số tuyệt đối từ 45.000-90.000 tỉ đồng), cao hơn vốn điều lệ của các ngân hàng rất nhiều.

Hơn nữa, những khoản tín dụng có vấn đề tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp nhà nước, những doanh nghiệp mà trong khoảng một thập niên qua, tổng số tiền trợ cấp của nhà nước tương đương với số thuế thu nhập mà các doanh nghiệp này đã nộp (khoảng 70.000 tỉ đồng). Hay nói cách khác, với 200.000 tỉ đồng (tương đương 28% GDP năm 2004) giao cho các doanh nghiệp nhà nước sử dụng, nhà nước không thu được đồng thuế thu nhập nào chứ đừng nói đến thu cổ tức trên cương vị cổ đông chính. Bản chất vấn đề là do mối quan hệ tam giác Nhà nước - doanh nghiệp nhà nước - ngân hàng thương mại nhà nước cực kỳ khó gỡ này.

Ngoài ra, trình độ quản lý yếu kém, công nghệ lạc hậu, các sản phẩm dịch vụ nghèo nàn... là những điều đã được nhắc đến rất nhiều.

Cải cách - đang ở phía trước

Vào năm 2001, Ngân hàng Nhà nước cùng với các ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước đã xây dựng đề án cơ cấu lại với mục tiêu xây dựng một hệ thống ngân hàng mạnh với sức cạnh tranh cao, trong đó các ngân hàng thương mại nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các giải pháp tập trung vào ba trụ cột chính là nâng cao sức mạnh tài chính (xử lý nợ, tăng vốn tự có), nâng cao trình độ quản lý và trình độ công nghệ.

Qua gần năm năm thực hiện, đã có một số kết quả ban đầu như vốn tự có của các ngân hàng trong nước đã tăng đáng kể (các ngân hàng thương mại nhà nước tăng hơn ba lần), một phần nợ xấu đã được xử lý. Hệ thống thanh toán đã được chuyển từ phân tán sang tập trung... Những kết quả này, theo thiển ý, mới chỉ là phần nổi, vì hai vấn đề căn bản nhất của một hệ thống ngân hàng mạnh là xây dựng một thể chế tốt tạo ra môi trường hoạt động minh bạch, sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng và vấn đề quản trị ngân hàng vẫn chưa được coi trọng và giải quyết một cách thấu đáo.

Đối với việc hoàn thiện thể chế và luật lệ: Nếu lấy các quy định về hoạt động ngân hàng được ban hành trong khoảng năm năm trở lại đây như: quy chế cho vay, đảm bảo tiền vay, đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, phân loại nợ... so sánh với các chuẩn mực quốc tế (Basel chẳng hạn), sẽ thấy rằng, các quy định của Việt Nam tương đối sát với các chuẩn mực này.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả triển khai thực hiện lại là điều đáng thất vọng. Sau khi văn bản được ban hành, thay vì tuân thủ những quy định, chuẩn mực này, rất nhiều ngân hàng (nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước) luôn cảm thấy khó và xin cho mình một ngoại lệ. Kết quả là những văn bản điều chỉnh sau đó đã làm cho tinh thần ban đầu của văn bản gần như bị thay đổi hoàn toàn.

Tiêu biểu cho sự thay đổi này là quy định về chuyển nợ quá hạn theo Quy chế cho vay 1627 của Ngân hàng Nhà nước, ban hành từ năm 2001, nhưng mãi vẫn chưa thực hiện được. Hay, gần đây, người ta đã kỳ vọng rất nhiều vào Quy chế phân loại nợ, Quy chế phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro được Ngân hàng Nhà nước ban hành vào đầu năm 2005 sẽ cho ra một kết quả phản ánh đúng thực trạng chất lượng tín dụng. Nhưng, sau khi phân loại nợ theo quy chế này, tỷ lệ nợ xấu lại giảm đi.

Đối với vấn đề quản trị ngân hàng: Cho đến thời điểm này vẫn chưa (nếu không nói là không) có câu trả lời về việc xử lý mâu thuẫn giữa người sở hữu và người điều hành (principal - agent) nếu vẫn giữ nguyên mô hình sở hữu nhà nước 100%. Quyền hạn của một giám đốc doanh nghiệp nhà nước nói chung, ngân hàng thương mại nhà nước nói riêng là quá lớn, trong khi trách nhiệm rất khó xác định, dẫn đến tình trạng các khoản tín dụng mới liên tục được đưa ra và chẳng mấy ai quan tâm đến nợ xấu.

Giải pháp được đưa ra là cổ phần hóa, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Việc có các nhà đầu tư chiến lược là điều hết sức quan trọng. Họ sẽ giúp nâng cao khả năng quản trị, xây dựng chiến lược dài hạn... Bằng chứng là hệ thống ngân hàng các nước đông Âu đã tốt lên rất nhiều nhờ các nhà đầu tư chiến lược. Đây cũng là lý do khiến các ngân hàng thương mại nhà nước Trung Quốc không ngần ngại bán ngay cổ phần cho những đại gia như Bank of America, HSBC, Royal Bank of Scotland...

Tuy nhiên, việc lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược cũng có những vấn đề của nó. Hệ thống ngân hàng đông Âu đã trở nên tốt hơn, nhưng lại phụ thuộc và bị chi phối rất nhiều bởi các ngân hàng nước ngoài. Nếu không làm rõ vai trò của người đại diện phần vốn nhà nước thì mâu thuẫn lợi ích sẽ xảy ra và khả năng bị thâu tóm bởi các ngân hàng nước ngoài là rất lớn.

Cải cách hệ thống ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước là điều hết sức cần thiết và cấp bách. Những cam kết mở cửa thị trường đang dần thực hiện, các tổ chức tài chính nước ngoài ngày càng tiếp cận sát hơn thị trường Việt Nam, với chiến lược dài hạn và hết sức rõ ràng, họ đang tạo những chỗ đứng hết sức vững chắc, điển hình như ANZ, HSBC, Standard Chartered Bank, Citi Bank, Dragon Capital... Việc giành thắng lợi và chiếm lĩnh thị trường của họ là điều hiển nhiên.

Vấn đề đặt ra đối với các ngân hàng trong nước là làm sao đừng để quá thua thiệt trong cuộc cạnh tranh này. Đừng để sau một vài thập kỷ nữa, lúc mà chúng ta cam kết mở cửa thị trường hoàn toàn cũng là lúc mà ở Việt Nam, chỉ có các ngân  hàng toàn cầu mà chẳng có một ngân hàng Việt Nam nào.

  • Huỳnh Thế Du (TBKTSG)

,
,