,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
1239117
Mơ về một cây cầu bay qua mùa lũ
1
Article
null
,

Mơ về một cây cầu bay qua mùa lũ

Cập nhật lúc 13:30, Thứ Sáu, 09/10/2009 (GMT+7)
,

-Mùa lũ lên, dòng nước cuồn cuộn nhấn chìm cây cầu nhỏ, xóm nhỏ như bị cô lập hoàn toàn trong lòng sông. Người dân vẫn hàng ngày ái ngại nhìn cây cầu, không biết khi nào nước mới rút, không biết khi nào mới được qua sông?

Chùa Cát là một xóm lẻ của Lam Điền thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Nó nằm gọn trong lòng đê sông Đáy, chỉ duy nhất có một cây cầu nhỏ bắc qua sông. Cây cầu nhỏ đã quá quen với những bà những mẹ ngày ngày qua cầu để quẩy hàng đi chợ, những em bé lớp một, lớp hai ngày hai buổi tới trường. Những chiếc xe máy với hai cái lồng sắt to uỳnh, chở đầy chuối, mít... cũng vượt qua cây cầu này để mang lên thị trấn bán.

 

Cây cầu nhỏ, con đường dẫn vào xóm lẻ của Lam Điền. Ảnh: Vũ Lam

Cây cầu nhỏ chỉ vừa đủ cho hai chiếc xe máy tránh nhau, song nó là cả một công trình vĩ đại đối với đời sống của người dân nơi đây.

Ngày trước, cả xóm chỉ có khoảng ba chục nóc nhà, nhưng mọi sinh hoạt, chợ búa, đồng áng đều phải qua sông. Khi đó, cây cầu không được làm bằng xi măng mà chỉ là một chiếc cầu phao. Gọi là cầu phao nhưng nó được làm bằng những vỏ ống tên lửa bịt kín hai đầu như cái thùng phuy sau đó hàn nối lại với nhau tạo thành cái bè nổi trên mặt nước, rồi dùng những tấm sắt phẳng trải một lượt trên mặt để người dân đi lại. Chiếc cầu phao luôn dập dờn trên mặt nước.

Bước vào vụ gặt, trong cái nắng gay gắt của những trưa tháng Sáu, những xe bò chất đầy lúa bập bềnh qua cầu. Tôi không còn lạ khi phải chứng kiến nhiều xe lúa bị lộn nhào cả xe lẫn bò xuống sông. Rồi người thì bì bõm dắt bò lên, người ôm những bó lúa ướt sũng, người lại dò dẫm mò tìm chiếc xe bị chìm nghỉm.

Những trưa tháng Sáu, mặt trời không ngại rọi thẳng những tia lửa khổng lồ lên mặt cầu, cầu phao như một hòn than nóng rẫy. Lũ học sinh chúng tôi sợ nhất phải qua cầu những buổi trưa tan học. Chân đất, cái nóng kinh khủng của những tấm sắt làm bàn chân tôi bỏng rát gần như phồng rộp. Có đứa thì lấy nắm rơm buộc vào chân, qua được bên kia nó khoe điệu cười đắc ý tự cho mình là thông minh. Với tôi, có lẽ nắng nóng còn thấy dễ chịu hơn khi vào mùa nước lũ.

Sông Đáy mùa xả lũ, nó dữ dằn đáng sợ. Những con nước cuồn cuộn chảy làm cho chiếc cầu phao dập dềnh chìm nổi. Người dân ngại qua cầu, học sinh không đến được trường. Mỗi lần như vậy là một lần cầu phao bị đánh tơi bời. Những tấm sắt lớn là thế, nặng là thế mà cũng bị nước cuốn trôi dần, mất dần. Cầu phao giờ không còn nữa. 

Một chiếc cầu nhỏ bằng xi măng sắt thép kiên cố thay cho chiếc cầu phao năm xưa. Chúng tôi không còn ngại qua cầu vào những buổi trưa hè, cũng không còn cảnh "bập bềnh xe lúa, lộn nhào xe rơm". Có cầu mới, sự qua lại nhộn nhịp hẳn lên, chợ phiên cũng đông đúc sự bán mua hơn trước, đám học trò nhỏ cũng chăm chỉ tới trường hơn.

 

Cầu xi măng, sắt thép kiên cố mà vẫn bị mưa lũ đánh cho tơi tả. Ảnh: Vũ Lam

Có cầu, chúng tôi không phải nghỉ học cả tháng vì lo mưa lũ làm ngập cầu phao nữa. Nước dâng rồi lại rút rất nhanh, nhưng chưa năm nào mực nước lớn thắng nổi cây cầu, có năm mưa lớn lắm cũng chỉ mấp mé mép cầu. Song tôi có cảm giác những trận mưa đầu nguồn cứ năm sau lại to hơn năm trước, bằng chứng là năm ngoái nó đã nhấn chìm cây cầu nhỏ trong sự ngỡ ngàng của người dân quê tôi.

Chưa năm nào nước lại đổ về sông lớn như năm ngoái, những trận mưa kéo dài chỉ trong một ngày đã nuốt chửng cây cầu nhỏ. Mưa mỗi lúc một to hơn, nước ngày càng dâng cao, những ngôi nhà ven cầu cũng nước đã lên ngang nhà. Đâu đó trong đêm, văng vẳng tiếng kêu eng éc của những chú lợn đang được đưa đi sơ tán, những chú gà cục tác nhớn nhác theo đàn đi ở nhờ, những chú chó ăng ẳng phản đối việc phải xa nhà.

Đã một tuần, cây cầu vẫn chìm trong nước lũ, các em bé vẫn phải nghỉ học vì không có đường đến trường, hay nói đúng hơn ngôi trường của các em cũng đang oằn mình trong mưa lũ.

Trẻ con được nghỉ thì vui ra mặt, còn người lớn không biết làm gì nhìn nhau thở ngắn thở dài. Những luống rau non búng chỉ chờ ngày mai đem ra chợ bán cũng bị mưa lớn vần nát. Những con gà đang nhảy ổ bị nước mưa xõa cánh rũ rượi đành phải lôi ra thịt chạy kẻo chết.

Những đứa trẻ rủ nhau chạy theo người lớn ra cầu nghịch nước, chúng hất hất những giọt nước đục ngầu rồi lại nhìn nhau cười ngặt nghẽo. Sự hồn nhiên, thơ ngây của bọn trẻ khiến người ta không khỏi chạnh lòng trước những khuôn mặt lo âu của các ông bố bà mẹ. Rồi đây, ngày mai khi chuối xanh thay rau cũng hết, rồi khi nước rút, khi các em cắp cặp tới trường, nụ cười có còn tươi mỗi lúc cô giáo nhắc tên vì chưa đóng học phí. 

Tuần thứ hai rồi cũng mới chỉ nhìn thấy cái thành cầu nhô lên được năm bảy phân, các em bé vẫn phải nghỉ học, người dân vẫn chờ đợi được ra đồng. Họ thường xuyên ra xem nước sông hôm nay rút được đến đâu. Thỉnh thoảng lại có người mang những bì tải hôm qua vừa che chắn cái chuồng lợn, cái bu nhốt con gà ra sông để giũ giũ, hình như ở nhà lâu quá nên họ cũng cố gắng tìm một việc gì đó để làm cho đỡ chán.

Những bụi tre nghiêng ngả, xơ xác vì mưa lũ, một vài cây gãy gập nằm trên mặt nước, đám trẻ choai choai vác những cái thau, chặt những cây chuối ra sông bơi thi với dòng nước xiết. Chúng hò hét, níu kéo nhau, có đứa mệt quá thì bám vào thành cầu cố men sang được bờ bên kia, có đứa khi sang được đến nơi thì ngồi thở hổn hển. Thi thoảng lại nghe tiếng quát nạt của người lớn, tiếng nhắc nhở lẫn những lời cảnh báo.

 

Và đêm đêm, không ít người dân Lam Điền lại mơ về một cây cầu vươn trên những mùa lũ. Ảnh: Vũ Lam

 Những bè rau muống bị nước quần tơi tả sau lũ, vài ngọn còn sót lại đang cố ngoi lên khỏi mặt nước cũng bị lũ cuốn trôi dạt mắc lại bởi thành cầu. Một vài người chèo chiếc thuyền tôn chòng chành trong lòng cầu, họ cố kéo những mảng rau. Hôm nay là phiên chợ. Mưa lớn, nước ngập lâu ngày làm cho những luống rau cải trong vườn thì dập nát, rau ngoài đồng thì ngập trắng không ngoi lên được. Rau trở nên đắt đỏ. Mỗi mớ rau lúc này cũng bán được năm, bảy nghìn, nếu mang ra trung tâm thành phố còn bán được cả chục nghìn một mớ.

Gần nửa tháng rồi mà có nơi nước còn ngập đến trên đùi người lớn. Ban đầu chỉ một hai người xắn quần qua cầu, dần dần cũng thấy nhiều người lội qua cầu hơn. Cầu bị ngâm lâu ngày, rêu phủ xanh mướt trên mặt cầu, người qua lại cứ phải bấm chân thật chặt cho khỏi bị trượt ngã.

Bác trông cầu bắt đầu dựng chiếc chõng tre ngồi thu vé cầu, chợ phiên cũng vì thế mà nhộn nhịp hẳn lên. Các em học sinh háo hức khua khua chân bì bõm qua cầu, buổi học đầu tiên cũng đã bắt đầu.

Lam Điền năm nay đã thuộc về Hà Nội, Chùa Cát vẫn là một xóm lẻ, người dân vẫn hàng ngày quẩy những gánh rau, gánh chuối qua cầu sang chợ bán.

Năm nay mưa đến sớm, những cơn mưa đầu mùa như trút nước. Hàng ngày vẫn nghe đài, ti vi báo Hà Nội có nhiều con phố bị ngập, nước sông lại dâng cao. Rồi đâu đó lại tin bão đang đổ bộ miền Trung, những cơn lốc xoáy làm tốc mái biết bao nhà dân, giao thông bị cô lập.

Không biết mai này khi những cơn mưa dài của mùa lũ đến, xóm nhỏ của Lam Điền có bị chìm trong biển nước, cây cầu có còn đủ sức chống chọi với nước lũ. Rồi đây những thửa ruộng trắng nước mênh mông người nông dân biết làm gì khi gác cày trong xó bếp? Những em học sinh nghỉ học kéo dài không theo kịp hai năm mới lên được một lớp có còn được đi học?...

Đám trẻ cười giòn tan, sự hồn nhiên đến vô tâm trước những suy nghĩ, âu lo của người lớn. Chúng vẫn không ngớt tiếng cười đùa mà không hề biết bố mẹ chúng đang lo lắng điều gì cho ngày mai, khi mùa lũ lên… Và đêm đêm, không ít người dân Lam Điền lại mơ về một cây cầu vươn trên những mùa lũ, một cây cầu đơn sơ, bé nhỏ nhưng nó là cây cầu bắc đến bến bờ của niềm vui lớn.

  • Vũ Lam

 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,