,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
1215808
Những đốm lửa nghề vẫn thắp sáng giấc mơ
0
Article
null
,

Những đốm lửa nghề vẫn thắp sáng giấc mơ

Cập nhật lúc 09:04, Thứ Tư, 24/06/2009 (GMT+7)
,

-...Và mỗi khi đến ngày 21/6, tôi cứ muốn tìm một nơi thật vắng vẻ để tư lự một mình, để mường tượng một sớm mai nào đó mình thảng thốt bật dậy khi nghe tiếng rao: “Báo mới đây!”

Dù ngày nào cũng thao thức với nghề, nhưng công việc bề bộn cứ kéo đi, khiến tôi không mấy khi có dịp suy tư một cách trọn vẹn về con đường báo chí mà mình đang theo đuổi. Tuy nhiên, trong những giấc mơ cũng thường vội vã, tôi vẫn thấy những đốm lửa thắp sáng trên những trang bản thảo dang dở hoặc những trang báo còn thơm mùi mực in. Vì vậy, lấy không khí của ngày 21/6, tôi ngồi xuống viết đôi dòng tản mạn, như một cách tri ân những phút giây vui buồn, những bận rộn ngổn ngang cùng đồng nghiệp!

Ảnh minh họa. Nguồn: Blog.360.yahoo.com
Tập tễnh viết lách từ khi còn là một cậu học trò tỉnh lẻ, nên tôi chẳng đắn đo gì để chọn khoa báo chí khi bước chân vào giảng đường đại học. Đối với tôi, cái danh xưng nhà báo đồng nghĩa với khát vọng được đi, được viết, được chứng kiến, được hồ hởi với sự đổi thay từng ngày của xã hội. Những người đã gặp, những điều đã nghe, những chuyện đã thấy cứ chảy ngược vào lòng tôi mà thành những bài báo.

Có thể những bài báo ấy bao nhiêu bạn đọc hờ hững quên đi, thì chúng vẫn ở lại trong lòng tôi để minh chứng cho một niềm tin cuộc sống. Ngày tôi hăm hở nhón chân theo nghiệp truyền thông, những đồng nghiệp đi trước thương tình nhắn nhủ: “Cực nhọc lắm đấy!”. Tôi cất giữ lời cảnh tỉnh chân thành ấy như một lá bùa bí ẩn, để mỗi khi mỏi mệt thì lấy ra động viên mình, rằng sự cực nhọc cũng là sự khích lệ cho niềm đam mê chưa bị nguội lạnh!

Thỉnh thoảng tấp xe vào quán nhỏ bên đường để kiếm món ăn lót dạ, tôi cứ vẩn vơ nghĩ về những bữa cơm gia đình. Đàn ông làm báo đã khổ, phụ nữ làm báo còn khổ hơn rất nhiều. Đành rằng phúc đức ở đời không biết ai nhiều ai ít, nhưng cái nghề phấp phổng từng giờ với những tin tức mới thì làm sao còn thời gian vun vén cho tổ ấm cá nhân.

Chưa có một thống kê đầy đủ nào, nhưng hình như không mấy nhà báo có được hôn nhân mỹ mãn, trừ những ai quan niệm làm báo chẳng khác gì công chức. Làm báo in cũng thế, mà làm báo hình cũng thế. Cách đây không lâu, một cô bạn ở đài truyền hình bày tỏ ý định muốn chuyển nghề, vì đang làm phát thanh viên được chuyển sang làm biên tập viên thời sự. Nỗi hốt hoảng của cô ấy không phải hoàn toàn phi lý, có nữ đồng nghiệp của cô ấy đang yên vui với chồng con, nhưng chỉ sau một năm tác nghiệp ở Trung tâm Tin tức đã ly dị. Trước một kết cục lỡ làng, chúng ta có thể trách ai đó hơi ích kỷ hoặc thiếu độ lượng, nhưng trong thời đại hối hả này ai cũng muốn níu giữ những khoảng trời riêng tư bình dị.

Đôi khi rong ruổi viết báo, tôi bất giác thấy thương những người thân của mình vẫn mong ngóng. Nồi canh có thể hâm lại mấy lần, còn ngọn đèn có thể chở che ánh mắt đợi chờ không? Cô bạn tôi thổ lộ, khoảnh khắc hân hoan nhất mỗi ngày là lúc tự tay rửa chén bát ở nhà mình. Câu nói vô cùng đơn giản kia bỗng khiến tôi giật mình!

Dẫu không tự gán ghép bất kỳ sứ mệnh cao cả nào, thì một người làm nghề chân chính bao giờ cũng hướng tới sự thành đạt trong lĩnh vực đã chọn. Đó là ước ao lương thiện và đáng trân trọng. Đã từ rất lâu rồi, tôi vẫn tin sự thành đạt mang tính đa dạng của nghề báo. Chức vụ tòa soạn hay bậc lương hành chính cao thấp cũng là nhà báo thành đạt, mà giá trị từng bài báo trong lòng bạn đọc cũng là thước đo nhà báo thành đạt. Nhà báo đi tìm sự công bằng thì sự công bằng cũng hiện ra trên chính trang báo.

Một người làm nghề chân chính bao giờ cũng hướng tới sự thành đạt trong lĩnh vực đã chọn... Nguồn ảnh: Photobucket.com

Chữ nghĩa kỳ diệu lắm, không phân biệt đối xử với bất kỳ ai. Sắc sảo hiện ra đấy, tài hoa hiện ra đấy, tâm tính hiện ra đấy, đau đớn hiện ra đấy và khuất tất cũng hiện ra đấy. Thế nhưng, khi sự bồng bột của mình qua đi, khi sự hiếu thắng của mình ít dần, tôi bất giác thấu hiểu những cuộc đời thầm lặng khác phía sau trang báo. Đó là khi tôi nhìn thấy tấm lưng nhẫn nại của người nhân viên kỹ thuật. Đó là khi tôi nhìn thấy bàn tay tỉ mỉ của người nhân viên phát hành. Đó là khi tôi nhìn thấy khuôn mặt chăm chỉ của người nhân viên kế toán. Tất cả họ chẳng có độc giả nào biết, và chính tôi cũng có lúc vô tình lãng quên sự lặng lẽ của họ. Chỉ có họ cặm cụi và cần mẫn yêu công việc khiêm nhường của họ cho những trang báo ngày mai đàng hoàng rời khỏi nhà in. 

Có một câu chuyện nhiều năm rồi mỗi lần nhắc lại vẫn nhói lên trong tôi một cảm giác xúc động. Ngày 21/6 năm ấy, sau bao nhiêu cuộc thăm viếng và bao nhiêu lời chúc tụng, tôi rời cơ quan khi trời đã tối mịt. Tôi nhìn thấy một dáng người loay hoay bên những giỏ hoa các đoàn thể và cá nhân mang tặng nhân dịp vui các nhà báo. Tôi đến gần và nhận ra chị tạp vụ. Chị đang chậm rãi gỡ vài cành hoa trên các lẵng hoa thành một bó trong tay mình. Chị ngẩng lên ngượng ngùng: “Bỏ cho xe rác hết cũng uổng phí. Tui mang về nhà, vì chồng con cũng biết tui làm ở tòa soạn báo!”. Tôi nghe cay xè khóe mắt. Những đồng nghiệp khác có mối quan hệ ngoài xã hội, nên đã được tặng từng giỏ hoa riêng. Còn chị tạp vụ không ai biết đến chị để tặng hoa.

Chưa bao giờ tôi thấy những món quà mình nhận được trong ngày 21/6 lại trở nên vô duyên như vậy. Tôi lúng túng như một người có lỗi. Cũng may trước khi quay đi, tôi cũng nói được một câu ái ngại: “Chị đừng gỡ nữa, trên phòng tôi vẫn còn một giỏ hoa, chị mang về giúp tôi nhé! Chúc mừng chị nhân ngày báo chí Việt Nam!”

Cuộc sống ngày càng sôi động, thông tin càng nhiều hơn thì làm báo càng khó hơn. Cái nghịch lý ấy không phải khó lý giải. Giữa bốn bề thông tin, chọn thông tin nào để đưa cũng trở thành bài toán phải cân nhắc thường xuyên. Với sự phát triển vượt bậc của internet, thông tin không còn tính bằng ngày, mà tính bằng giờ, bằng phút. Chất lượng đào tạo cử nhân báo chí không theo kịp nhu cầu của báo chí hiện đại, khiến cho nền báo chí nước nhà khủng hoảng thừa nhà báo có thẻ hành nghề, nhưng lại khủng hoảng thiếu nhà báo có nghiệp vụ. Những hình ảnh hở hang có xu thế thay dần những góc nhìn phóng viên.

Không hề ác cảm với khái niệm hấp dẫn, nhưng tôi vẫn thường tự hỏi: độc giả đang dễ dãi hay chúng ta đang dễ dãi? Nếu cứ chuồi theo thị hiếu bình dân thì báo chí bỏ rơi giới tri thức ư? Chưa bao giờ báo chí cần những cộng tác viên chuyên ngành như bây giờ. Kinh tế, pháp luật, tài chính, y tế, nông nghiệp… đều đòi hỏi những bài viết thực sự ra tấm, ra món. Vai trò phản ánh của nhà báo từng bước hé lộ sự khập khiễng và hời hợt. Thực sự trên những trang báo ào ạt những tin tức có vẻ kịp thời, đã thấy có tín hiệu đơn điệu và già nua.

Mỗi khi đến ngày 21/6, không hiểu sao tôi cứ khắc khoải về một tương lai Việt Nam sẽ có được những nhà báo lỗi lạc! Và mỗi khi đến ngày 21/6, tôi cứ muốn tìm một nơi thật vắng vẻ để tư lự một mình, để mường tượng một sớm mai nào đó mình thảng thốt bật dậy khi nghe tiếng rao:

“Báo mới đây!”

  • Tuy Hòa

Ý kiến đóng góp và bài vở gửi cho Thư Thăng Long - Hà Nội xin liên hệ với địa chỉthuthanglong@vietnamnet.vn 

   Ý kiến bạn đọc: 

 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,