,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
1135397
Vua Minh Mạng mới là vị Tổ ngành than
1
Article
null
,

Vua Minh Mạng mới là vị Tổ ngành than

Cập nhật lúc 02:36, Thứ Hai, 08/12/2008 (GMT+7)
,

- Không chỉ là một thương hiệu “rượu thuốc Minh Mạng” và những huyền thoại, vị vua này còn lưu lại cho hậu thế nhiều di sản vật thể và phi vật thể đặc sắc…và là người nước Nam khai sinh một ngành công nghiệp quan trọng- ngành than nước Nam.

 

Rời Thăng Long- Hà Nội trong một chuyến về thăm lại đất cố đô, tôi đến Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và có cuộc nói chuyện với vị Giám đốc của Trung tâm, dù ông đang rất bận rộn với công việc điều hành và thường xuyên phải tiếp chuyện với khách từ xa đến. Rất thú vị khi được luận bàn về những vấn đề đang đặt ra trong việc nhìn nhận và đánh giá lại một giai đoạn lịch sử của dân tộc dưới triều đại nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng Việt Nam  

Hiển Đức Môn trong quá trình trùng tu - Nguồn: sgtt.com.vn

 Tấm lòng với tiền nhân

 

Không thú vị và bất ngờ sao được, khi tôi nhận được thông tin: Toàn thể công nhân viên chức thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, mỗi người đã góp một ngày lương để trùng tu Hiển Đức Môn, một di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu trong lăng vua Minh Mạng thuộc quần thể di tích cố đô Huế.

 

Tôi bất ngờ vì tấm lòng những con người của một ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, ở thế kỷ 21 này, dành riêng cho vị hoàng đế thế hệ thứ hai trong chín đời chúa và mười ba đời vua nhà Nguyễn ở vài thế kỷ trước.

 

Giờ đây, khi đang ở Hà Nội hoàn thành bài viết này thì ở cố đô Huế, công trình Hiển Đức Môn đang được gấp rút sửa sang. Màu sắc tươi mới đang sáng lên như tấm lòng của những người thợ mỏ, mà vẫn gìn giữ những đường nét cổ kính sâu lắng của người xưa. Lăng Minh Mạng với Bi Đình, Hiển Đức Môn, điện Sùng Ân và Minh Lâu, và với trăm ngàn ô chữ chạm trổ cả một bảo tàng thơ chọn lọc của nền thơ ca nước ta đầu thế kỷ 19.

           Cùng một tác giả

Tất cả hoà quện vào khung cảnh thiên nhiên bát ngát, soi bóng xuống nơi hợp lưu các nguồn nước Hữu Trạch và Tả Trạch tạo thành dòng sông Hương thơ mộng chảy về thành phố Huế nên thơ.   

Bỗng nhớ về vùng đất mỏ miền đông bắc. Ký ức của lớp người ở lứa tuổi năm mươi, bảy mươi như chúng tôi còn hằn sâu hình ảnh những người thợ mỏ phủ đầy bụi than đẩy chiếc xe goòng ở mỏ Hà Lầm hay lái chiếc xe nặng đầy than cheo leo trên sườn Đèo Nai, Cẩm Phả, hoặc hình ảnh một chiếc tàu chở than rẽ sóng trắng xoá trên biển Hạ Long. In sâu cả giai điệu và những câu hát quen thuộc: “Tôi là người thợ lò, sinh ra trên đất mỏ, trong những ngày cờ đỏ, bay trên núi Bài Thơ”, hay: “Tiếng còi tàu sớm mai rộn ràng, trong tiếng máy giục ăn than…”.

 

Hiển Đức Môn sau trùng tu. Nguồn: www.ibst.vn

 

Những thăng trầm của ngành than cũng là nỗi buồn niềm vui những ai quan tâm đến việc thế sự, chuyện đất nước trong một thời nghèo khó. Suốt bao nhiêu năm trước đây, hàng xuất khẩu cả nước hầu như chỉ trông chờ vào tài nguyên vàng đen. Nhưng sản lượng than hàng năm ì ạch mãi mới vươn tới con số 6 triệu tấn, rồi 10 triệu tấn. Giờ đây tình hình đã khá hơn: 39 triệu tấn trong năm 2006 và đang vươn tới mốc cao, 50 triệu vào năm 2010.

 

Trẫm muốn ra ân cho dân

 

Nội dung bản Chỉ Dụ ghi rõ: “Tháng này Tổng đốc Hải Yên (tỉnh Quảng Ninh ngày nay) là Tôn Thất Bật (một võ quan nổi tiếng triều Nguyễn) tâu xin thuê dân công đào mỏ lấy than ở núi An Lãnh, xã Đông Triều (nay thuộc xã Yên Thọ, huyện Đông Triều)”. Và lệnh vua Minh Mạng cũng dứt khoát: “Nay nghĩ dân trong hạt phần lớn nghèo hèn, đáng thương xót chu cấp. Lệnh chuẩn theo lời cầu xin. Các ngươi nên thận trọng chớ sơ suất để an úy lòng Trẫm muốn ra ân cho dân”.    

Những cái tên gắn liền với vùng than như Hòn Gai, Cẩm Phả, Đông Triều…từ trong trang sách đã đi vào ký ức chúng tôi từ thuở mới đến trường. Như là điều tự nhiên, ai cũng hiểu lịch sử ngành than có tuổi dài hơn tuổi của thế hệ chúng tôi. Cũng như rất tự nhiên cho rằng vàng đen trong lòng đất nước Nam chỉ mới phát hiện và khai thác bởi người Pháp và chỉ người Pháp, sau khi xâm chiếm nước ta.  Nhưng điểm khởi đầu, mốc ra đời ngành than thì chẳng có ai nói cho chính xác.

 

Vì vậy, cũng có lý khi ngày 12.11.1936, ngày nổ ra cuộc bãi công rộng lớn của thợ mỏ, từ lâu, đã được chọn làm “Ngày truyền thống của ngành than”.  Bảy mươi năm! Lịch sử ngành công nghiệp than Việt Nam tưởng như vậy cũng là dài lắm rồi nếu so sánh với nhiều ngành công nghiệp, kinh tế khác. Ai cũng biết, rất nhiều ngành kinh tế, xã hội khác đều lấy năm ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945) làm năm khai sinh ngành mình.  

 

Nhưng, lịch sử ngành công nghiệp than nước ta bỗng có sự thay đổi căn bản, khi một tài liệu lịch sử, bản Chỉ Dụ của vua Minh Mạng được phát hiện, bởi chính Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế. 

 

Nội dung bản Chỉ Dụ ghi rõ: “Tháng này Tổng đốc Hải Yên (tỉnh Quảng Ninh ngày nay) là Tôn Thất Bật (một võ quan nổi tiếng triều Nguyễn) tâu xin thuê dân công đào mỏ lấy than ở núi An Lãnh, xã Đông Triều (nay thuộc xã Yên Thọ, huyện Đông Triều)”. Và lệnh vua Minh Mạng cũng dứt khoát: “Nay nghĩ dân trong hạt phần lớn nghèo hèn, đáng thương xót chu cấp. Lệnh chuẩn theo lời cầu xin. Các ngươi nên thận trọng chớ sơ suất để an úy lòng Trẫm muốn ra ân cho dân”.

 

Khai thác than ở Đông Triều, Quảng Ninh - Nguồn ảnh: baoquangninh.com.vn
 
 Chi tiết đáng quan tâm nhất là thời điểm vua Minh Mạng ban ra Chỉ Dụ. Và thời điểm đó đã được xác định: “Minh Mệnh năm thứ 20 ngày mồng 6 tháng 12 (tức ngày 29 tháng 12 năm 1840)”.  

Rõ ràng, công việc khai thác mỏ than ở Hải Yên (Quảng Ninh bây giờ) đã được khởi đầu cả trước thời kỳ Pháp thuộc. Thậm chí, trước cả Chỉ Dụ ngày 29.12.1840 một ít năm tháng, như vua Minh Mạng đã viết, rằng “Trước đây Bộ (Hộ) đã tư cho hạt đó (Hải Yên) đào lấy mười vạn cân than đúng kỳ chở về Kinh đô giao nạp”.

 

Dẫu vậy, hoàn toàn xác đáng, khi HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam lấy ngày 29 tháng 12 hàng năm làm ngày chính thức khai sinh ngành than Việt Nam, đồng thời vinh danh vua Minh Mạng là người nước Đại Nam (quốc hiệu thời Minh Mạng) có công khai sáng ngành than - khoáng sản nước Việt Nam.

Ngành than và toàn thể thợ mỏ, toàn thể cán bộ công nhân viên ngành than thật đáng được trân trọng khi có sáng kiến tưởng nhớ công lao cựu hoàng đế Minh Mạng bằng cách đóng góp 3,2 tỷ đồng, cộng thêm khoản tài trợ khoảng 1 tỷ đồng nữa từ Quỹ Di tích Thế giới (WMF-Mỹ), để trùng tu công trình Hiển Đức Môn.  

Di sản một đời vua

 

Như quy luật muôn đời, thời gian quả là quan tòa công bằng của lịch sử. Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến một khúc ngoặt của lịch sử dân tộc: Những gì thuộc công lao của vua tôi nhà Nguyễn đang được minh định để trả lại cho họ.

 

Trong tiến trình này, vua Minh Mạng được vinh danh không chỉ là người khai sinh ngành than, một ngành công nghiệp quan trọng của đất nước. Lịch sử không bao giờ quên tên tuổi của Minh Mạng trong một loạt sự kiện trọng đại khác. Vị vua nhà Nguyễn có công đầu xây dựng phép trị quốc quy củ và chống nạn tham lam nhũng nhiễu mạnh mẽ nhất. Vị vua đầu tiên triều Nguyễn mở trường Quốc Tử Giám (1821), mở các khoa thi Hội thi Đình kén chọn nhân tài cho đất nước. Lập Quốc Sử Quán (năm 1821) trong kinh thành và ban Chỉ Dụ sưu tầm trong cả nước nhiều Châu Bản Triều Nguyễn và “phần lớn những sách vở Hán Nôm..., các quốc báu của Việt Nam của nhiều đời trước…” 

 

 
 
Lăng Vua Minh Mạng - Nguồn ảnh: xomnhiepanh.com

 Không ai khác, chính vua Minh Mạng chính thức lập Nhà hát tuồng Quốc gia trong Đại Nội (1826), gọi là Duyệt Thị Đường. Ông có công lớn khai mở ngành tơ tằm Việt Nam (1832) và suốt 21 năm trị vì là 21 năm chăm lo phát triển nghề nông, “dĩ nông vi bản”, hoàn chỉnh hệ thông đê điều Bắc bộ…xứng đáng là “vị hoàng đế của cây lúa”. Quan tâm đến võ bị, nhất là thủy quân, cử người học cách đóng tàu ở các nước châu Âu với mong ước người Việt đóng được tàu kiểu Tây và biết lái tàu vượt đại dương v.v…

Không chỉ quyết đoán và mạnh mẽ trong trị vì đất nước, vua Minh Mạng còn nổi tiếng là người đàn ông đầy khí chất “nam tính” với câu tương truyền “bất hủ”: “Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử”, với thương hiệu rượu bổ dương mang tên “rượu Minh Mạng”, và với số lượng con “đáng nể”: 142 người con (78 hoàng tử, và 64 công chúa)

Người đời có được mấy ai hoàn hảo. Vua Minh Mạng cũng vậy. Ông chịu trách nhiệm riêng và chung cùng các đời vua nhà Nguyễn khác trước những chủ trương, quyết sách có ảnh hưởng tới bước tiến của dân tộc. Nhiều câu hỏi còn để ngỏ: Minh Mạng và những vụ án oan sai? Minh Mạng và Ki tô giáo? Minh Mạng và chính sách bế quan toả cảng với phương Tây? v.v…

May mắn thay, thời đại đã đổi thay với tầm tư duy mới: Lịch sử rồi đây sẽ được đánh giá, được xem xét dưới nhiều góc độ công bằng hơn, trung thực và khách quan hơn. Hy vọng, từ tư duy mới này, mọi uẩn khúc của lịch sử trong quá khứ sẽ được sáng tỏ, mọi thang bậc giá trị sẽ được soi rọi, với tất cả sự tiến bộ và hạn chế của hoàn cảnh và thời cuộc đầy biến động cùng thăng trầm…

Dẫu vậy, Minh Mạng vẫn xứng đáng được nhắc đến như một vị vua văn võ song toàn, có tư chất thông minh, học rộng, năng động và quyết đoán. Di sản  vua Minh Mạng để lại cho hậu thế quả là đồ sộ. Cuộc đời của vua Minh Mạng để lại cho lịch sử những dấu ấn quả là sâu đậm và thú vị. Thú vị như “rượu Minh Mạng” và sâu đậm như sự kiện lịch sử: Vua nước Nam khai sinh ngành công nghiệp than nước Nam.

  • Trần Thanh Minh

Ý kiến đóng góp và bài vở gửi cho Thư Thăng Long - Hà Nội xin liên hệ với địa chỉ: kyduyen@vietnamnet.vn 

PHẢN HỒI CỦA ĐỘC GIẢ:

E-mail: hoangsatruongsa@...
Tieu de: Vua Minh Mạng và chủ quyền trên biển Đông Noi dung: Vua Minh Mạng chính là người đã củng cố chủ quyền của Đại Nam ta trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bài báo nên bổ sung chi tiết này. Xin cảm ơn.

Email: tuan_qrio@...
Tieu de: Tôi đồng ý với ý kiến trên
Noi dung: Cảm ơn bạn đã cho tôi biết thêm chi tiết này. Tinh thần Tổ quốc, tinh thần dân tộc vì Hoàng Sa - Trường Sa bất diệt.
 

Ý kiến bạn đọc : 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,