,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
1044401
Quá khứ chờ đợi lẽ công bằng(II)
1
Article
null
,

Quá khứ chờ đợi lẽ công bằng(II)

Cập nhật lúc 02:47, Thứ Tư, 19/03/2008 (GMT+7)
,

 - …Sứ mệnh lịch sử dân tộc giao cho hậu thế chúng ta biết nhận ra trong bức tranh thời đại đầy biến động và phức tạp ấy những điểm tối, sáng đan xen nhau. Đan xen giữa những vị hoàng đế công trạng khác nhau, thậm chí tương phản nhau đối với dân tộc. Đan xen mặt tốt và mặt xấu, công lao và tội lỗi trong cả bản thân một nhân vật lịch sử.…Quá khứ chờ đợi thế hệ đang sống một sự cư xử công bằng.

 

 

Vỡ lòng hai chữ “yêu nước”…

 

Ở Huế, vẫn còn truyền tụng những câu chuyện mang màu sắc huyền thoại, nhiều câu hò, bài vè về hai vị vua yêu nước Duy Tân, Thành Thái.

 

Thế hệ chúng tôi cũng đã từng lớn lên trong tiếng ru: “Đứng trước Văn Lâu/Ai ngồi ai câu /Ai sầu ai thảm/Ai thương ai cảm/Ai nhớ ai trông/Thuyền ai thấp thoáng bên sông/Đưa câu mái đẩy động lòng nước non”. Lời ru day dứt và thương xót một nhà vua trẻ luôn u hoài  với đất nước đang trong cảnh nô lệ.

 

Và vẫn nhớ những câu đối thoại (hỏi và tự trả lời) đặc sắc của vua Duy Tân:  Hỏi: Tay nhớp (bẩn) lấy nước mà rửa. Nước nhớp lấy chi mà rửa?. Trả lời: Lấy máu (gươm) mà rửa!”. Khí phách một Duy Tân tuổi trẻ mà chí lớn ấy đã từng lay động tâm can các lớp thanh niên con cháu.  Những lời ru, những câu chuyện kể về các vị vua ái quốc Duy Tân, Thành Thái tự lúc nào đã thấm sâu vào tâm hồn non trẻ thế hệ chúng tôi hai chữ “yêu nước”.

 

Về cựu hoàng Thành Thái, nhiều người lứa tuổi chúng tôi ở Huế còn nhớ một sự kiện, trước khi qua đời một năm, năm 1953, ông được phép từ Sài Gòn ra Huế, về An Lăng thăm mộ thân phụ, thân mẫu. Nhiều học sinh thời đó, trong đó có học sinh Trường trung học Khải Định chúng tôi (tức Trường Quốc học bây giờ)  khi biết được tin này đã rủ nhau đi đón vị cựu hoàng yêu nước, tỏ lòng ngưỡng mộ và tôn kính, dù biết rằng xung quanh không ít những con mắt lính tráng và mật thám Pháp.

 

Sự xuất hiện của cựu hoàng Thành Thái như hâm nóng thêm tinh thần chống đối chế độ thực dân và hướng về kháng chiến trong tầng lớp thanh niên học sinh yêu nước đất cố đô. Giữa lúc đó, bao nhiêu cảnh bất bình hàng ngày diễn ra, lính Pháp chiếm nhà thờ và trường học làm đồn bốt và nhà tù, đốt phá nhà cửa và làng xóm, bắt bớ và bắn giết nhiều người ruột thịt và đồng bào mình. Trong trường, thỉnh thoảng bùng lên một số bài giảng của các vị thầy đáng kính: Tôn Thất Dương Kỵ, Nguyễn Hữu Ba v.v… ẩn chứa lòng yêu nước, thổi thêm ngọn lửa “lên đàng” trong trái tim của nhiều học sinh thành phố.

 

Họ càng sôi sục khi nghe tin một số bạn bè bị bắt bớ, tra tấn và náo nức khi biết được một vài nhóm học sinh nữa lại lặng lẽ rời xa mái trường, theo “tiếng gọi thiêng” đi lên chiến khu.  

 

Rồi Hiệp định Geneve 1954 ký kết, đất nước chia làm hai miền. Nhiều học sinh thuộc lứa tuổi chúng tôi theo sự hưóng dẫn của tổ chức, từng tốp nhanh chóng rời thành phố, theo nhiều ngả khác nhau đi ra phía bắc, đến nơi không còn bóng ngoại xâm, để học hành, may mắn được hít thở không khí hoà bình, độc lập.

 

Cổng vào khu lăng mộ hai vị vua. Ảnh: Thuỷ Tiên

 

Ngót mấy mươi năm phiêu bạt, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc còn có cơ hội trở về thành phố quê hương, nơi đã lớn lên và ra đi. May mắn thăm lại An Lăng, được đứng trước mộ phần các vị vua yêu nước Thành Thái và Duy Tân, cúi đầu thầm nói lời biết ơn các bậc “tiền nhân”, những người đã lưu cho hậu thế bài học vỡ lòng đầu đời quí giá, bài học về lòng yêu nước.

 

Công bằng với quá khứ

 

Trở lại cố đô, thăm các đền đài lăng tẩm, với nhiều người cũng là một dịp để đối diện với quá khứ và suy ngẫm về những ứng xử của thế hệ hôm nay. Với tôi, điều day dứt và mong mỏi nhất là về các vị vua yêu nước Thành Thái và Duy Tân.

 

Qua nhiều năm tháng và đời người, trong con tim mỗi người dân cố đô, những con người Việt Nam vẫn khắc sâu niềm sùng kính đối với hai vị.

 

Bởi vậy, khó tránh được sự chạnh lòng, bâng khuâng khi đứng trước ngôi mộ  đơn sơ, vắng lạnh của các vị ở An Lăng. Càng không bình an trong lòng khi  các di tích trong, ngoài thành phố Huế đã và đang được tiếp tục trùng tu, nhưng  những nơi này vẫn còn ít bàn tay chăm lo, tôn tạo.

 

 

ThThai_moTT.jpg
 Mộ vua Thành Thái. Ảnh: Thuỷ Tiên

 

 

Khi viết bài này, tôi vẫn băn khoăn biết đâu bây giờ trong ấy đã đổi thay. Liền gọi điện bảo đứa cháu đang ở Huế, đến ngay An Lăng chụp mấy tấm hình gửi ra. Nhưng qua những tấm hình mới nguyên, tình hình chưa có gì đổi khác. Những nấm mộ các cựu hoàng Thành Thái và Duy Tân vẫn vậy. Cổng vào thăm mộ hai vị vẫn đóng chặt và vắng bóng người. Một mái hiên rách xệ chưa ai sửa lại v.v…

 

Có phải một dự án tôn tạo đã có, nhưng vẫn chưa được bắt đầu? Chắc ai cũng mong sớm được thấy sự “bắt đầu” này. Dĩ nhiên, không ai lại ảo tưởng một ngày nào đó lăng mộ hai vị vua yêu nước sẽ cũng bề thế hoành tráng như các vị vua tiền bối khác. Đây là chuyện không công bằng của số phận, của lịch sử, thế hệ chúng ta không thể làm gì khác.

 

Chỉ mong một điều giản dị hơn, thế hệ đang sống săn sóc, chăm chút để khu lăng mộ của hai vị vua Thành Thái và Duy Tân đàng hoàng hơn, xứng đáng với vị trí của các vị trong lịch sử, đáp ứng sự thành kính của lòng người  dân Việt Nam. Các cấp quản lý nên tạo thuận lợi để người dân có thể thăm viếng, tỏ lòng tri ân các bậc tiền bối và ôn lại bài học làm người Việt Nam, không bao giờ xưa cũ. 

  

 

Ththai_langminhmang.jpg
Mộ vua Duy Tân. Ảnh Thuỷ Tiên

 

 

Về cố đô Huế, chiêm ngưỡng và tự hào trước các công trình, lăng mộ của tiền nhân, nhiều người Việt Nam có dịp bình tâm suy ngẫm mọi lẽ nhân tình thế thái về một giai đoạn lịch sử đã đi qua. Phải chăng, đã đến lúc mọi người, trước hết các nhà làm sử thời nay có trách nhiệm nhìn nhận khách quan và toàn diện, đánh giá thật sòng phẳng toàn bộ giai đoạn lịch sử của triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta.

Cửa Ngọ Môn (Hoàng thành Huế). Ảnh tư liệu

 

Sứ mệnh lịch sử dân tộc giao cho hậu thế chúng ta biết nhận ra trong bức tranh thời đại đầy biến động và phức tạp ấy những điểm tối, sáng đan xen nhau. Đan xen giữa những vị hoàng đế công trạng khác nhau, thậm chí tương phản nhau đối với dân tộc. Đan xen mặt tốt và mặt xấu, công lao và tội lỗi trong bản thân một nhân vật lịch sử. Đan xen giữa công lao mở mang bờ cõi và sự hèn yếu trước hoạ xâm lăng bởi ngoại bang…

 

Quá khứ đang chờ đợi thế hệ đang sống một sự cư xử công bằng.

 

  • Trần Thanh Minh
     
    Ý kiến đóng góp và bài vở gửi cho Thư Hà Nội xin liên hệ với địa chỉ: kyduyen@vasc.com.vn
     

    >> Cảm nhận của bạn về bài viết?

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,