,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
1034703
KTS Trần Thanh Vân: Chúng tôi không "ăn ngon ngủ yên"
1
Article
null
,

KTS Trần Thanh Vân: Chúng tôi không 'ăn ngon ngủ yên'

Cập nhật lúc 08:31, Thứ Ba, 19/02/2008 (GMT+7)
,

- Ngay sau khi đăng tải bài viết: “Hà Nội, những tình yêu không kỷ niệm” của tác giả Hiệu Minh, Thư Hà Nội chúng tôi nhận được bài của kiến trúc sư (KTS) Trần Thanh Vân. Bài viết là sự phản hồi với tinh thần “cần phải hành động” bởi thời gian không chờ đợi, là sự trăn trở day dứt, không "ăn ngon ngủ yên" của một KTS lâu năm, tâm huyết trước thực trạng quy hoạch và xây dựng Hà Nội.

Chào bạn,

Sau bài “Những đứa con không cha thành Thăng Long”, hôm nay tôi lại “gặp” bạn qua bài viết “Hà Nội, những tình yêu không kỷ niệm” và muốn qua Thư Hà Nội, giãi bày với bạn đôi điều.

Tôi nhận ra bạn rất yêu Hà Nội, cho dù không phải là KTS,  bạn khá am hiểu và rất quan tâm đến kiến trúc Hà Nội. Điều đó khiến một KTS đang sống chết vì Hà Nội như tôi, như nhiều KTS khác tìm thấy một chút an ủi pha chút chạnh lòng. An ủi vì những lo nghĩ, trăn trở của mình đang có người quan tâm và trăn trở không kém. Nhưng chạnh lòng vì hình như bạn nghĩ chúng tôi “vẫn đang ăn ngon ngủ yên, hạnh phúc trong vinh quang kiến trúc vô hồn” như anh bạn KTS nào đó đã nói trong bài viết của bạn.     

Hôm nay, nhân ngày đầu xuân, tôi muốn mời bạn đọc vài bài trên Thư Hà Nội, trên Làm báo cùng VietNamNet, trên mục Văn hóa và trên Tuần Việt Nam… mà tôi đã viết trong những ngày rất gần đây, để bạn hiểu đôi chút về những trăn trở của tôi, để bạn không nghĩ là chúng tôi đang “ăn ngon ngủ yên ”.

Buổi sáng trên cầu Long Biên. Theo Vnphoto.net

Buổi sáng trên cầu Long Biên. Theo Vnphoto.net

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trong một con phố bên Hồ Hale, nay gọi Hồ Thiền Quang. Trong ký ức tuổi thơ, tôi vẫn nhớ như in cái buổi chiều đông Hà Nội giá rét trước Tết Ất Mùi 1955, cha tôi khi đó tham gia đội tự vệ biệt động thành, đón chúng tôi đi tản cư trở về Hà Nội. Khi đi đến giữa cầu Long Biên, xe dừng lại. Đứng trên cầu, khoác trên mình chiếc áo bluson Mỹ đúng kiểu biệt động thành, cha tôi đọc mấy câu thơ :

Hà Nội ơi Hà Nội,
Đau đớn 9 năm ròng,
Quê ta thành đất giặc,
Ôi ngàn năm Thăng Long...

Lần đầu tiên nghe mấy câu thơ lạ đó ngay trước cửa ngõ Hà Nội, tôi ngơ ngác nhìn theo tay cha chỉ về phía trước… Đó là những ấn tượng rất đặc biệt, đã đeo đẳng theo tôi suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Những năm tháng sau đó, với chiếc xe đạp cọc cạch, tôi cùng các bạn đi khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội. Hà Nội, thành phố “bên trong sông” của chúng ta thật đẹp. Các KTS người Pháp đã rất thành công khi tạo nên một Thủ đô Đông Dương thuộc địa có một vẻ đẹp duyên dáng, thanh lịch, nhưng đầy cam chịu. Thành phố vốn rất nhỏ bé với số dân chưa đầy 20 vạn nhưng đã chia ra đẳng cấp rõ rệt. Khu 36 phố phường là nơi cho dân bản địa làm ăn sinh sống theo nền nếp xưa. Các biệt thự ở khu phố Tây thì gần như không có người Việt, trừ ít đốc học, bác sĩ, hoặc một số ít người có gắn bó với chính quyền bảo hộ và có đặc quyền đã gia nhập “làng Tây”.

Ngoài ra, ngay giữa lòng Hà Nội, chỉ cách Phủ toàn quyền Đông Dương và Trường Albert Sarault không xa, vẫn tồn tại các làng như Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên, Vạn Phúc, Liễu Giai, Ngọc Khánh… rồi  Yên Phụ, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân, Võng Thị…, các xóm lao động tối tăm bên các cửa Ô Đông Mác, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền và các khu nhà tạm bợ ở Thanh Nhàn, Mai Động, Tân Mai và Hoàng Mai… Ở đó đường thì mấp mô, ao hồ, cống rãnh nước ngập ngụa trong những ngày mưa. Những ngôi nhà lụp xụp lợp mái tôn, giấy dầu, cả xóm chỉ có một vòi nước công cộng và suốt ngày đêm lao xao tiếng cười nói, lẫn tiếng cãi cọ của những người hứng nước về để cả nhà tắm giặt, thổi nấu.  

Nhớ đến điều kiện hạ tầng thấp kém đó là nhớ đến những hố xí thùng và hố xí hai ngăn. Đó là “di sản” để lại của “thời Tây” mà cho đến những năm 70 của thế kỷ trước, Hà Nội đêm đêm vẫn có những người phụ nữ làng Cổ Nhuế quang gánh lầm lũi đi dọn dẹp các hố xí thùng loại đó.    

Tôi không biết anh bạn KTS đang ở bang California ấy xưa kia sống ở đâu trên đất Hà thành.  Những căn biệt thự xinh đẹp ở khu “phố Tây” với lối đi rải sỏi sạch sẽ dưới giàn hoa leo? Hay những căn nhà phố cổ bề ngang chật hẹp sâu hun hút, bên ngoài là cửa hàng, có phòng khách sập gụ tủ chè, bộ tràng kỷ gỗ sang trọng, cái sân trời có bể cá hòn non bộ… nhà chật chội nhưng ngăn nắp vì mỗi nhà chỉ có một gia đình sinh sống? 

Hà Nội thân thương hình thành trong tôi vừa duyên dáng hoa lệ, vừa lam lũ bần hàn như vậy. Tình cảm đó không bao giờ mờ nhạt trong tôi.

Năm 1961, tôi sang Thượng Hải (Trung Quốc) học ngành kiến trúc. Thượng Hải những năm đó tuy chưa hoành tráng như hiện nay, nhưng so với Hà Nội thì Thượng Hải lộng lẫy như chốn thiên đường. Tôi được tiếp xúc với nền văn minh của cả thế giới vì Thượng Hải có các Tô giới như Anh, Pháp, Đức và Hà Lan... Thành phố lúc đó đã có 11 triệu dân, nhưng người ta đã tiên lượng số dân sẽ tới 17 triệu, bởi thế nên Thượng Hải là nơi đầu tiên trên thế giới có hai thành phố vệ tinh ở cách khu trung tâm trên 50 km. Do vậy nên từ khi còn là sinh viên, chúng tôi đã hiểu thế nào là thành phố vệ tinh.

Năm 1966, khi chúng tôi trở về đất nước đang chiến tranh. Hà Nội trở thành nơi vườn không nhà trống. Tôi cùng nhiều bạn tốt nghiệp từ Liên Xô, Đức, Tiệp, Ba Lan… họp mặt nhau ở khu sơ tán. Kiến thức thì đầy mình, nhưng việc làm thì không có. Bộ trưởng Bùi Quang Tạo khi đó (nay đã mất) tập hợp chúng tôi lại để nghiên cứu một Hà Nội tương lai.

Khi phố cổ không còn cổ. Ảnh: VNN

 Phố cổ không còn "cổ" ?. Ảnh: VNN

Trong bài viết cách đây không lâu, với tiêu đề “Thủ đô mở rộng theo hướng nào?", tôi đã có nói, rằng loay hoay ở phía bắc sông Hồng chán rồi, chúng tôi đã trở về phía nam và đã khẳng định đó là hướng duy nhất đúng. Bằng chứng để lại đến hôm nay sau 40 năm là con đường Cu Ba, do các bạn Cu Ba giúp thi công và Trục Thần Lộ đi từ vòng cung Núi Tản Ba Vì, qua Hồ Tây, qua Cổ Loa, lên tới biên cương phía bắc.

Bốn mươi năm trôi qua, những nghiên cứu sâu sắc ấy của chúng tôi đã được cọ sát với thời gian. Từ một kết quả bị coi là nông nổi, thiếu cơ sở thực tế nhưng đầy tính lãng mạn, dần dần  những nghiên cứu đó đã được coi là có cơ sở khoa học và có tầm nhìn xuyên thế kỷ.

Xưa kia, bị coi là mê tín và “lẩm cẩm như một thầy đồ”, tôi đi học tiếng Anh và tôi đã chứng minh được “người Tây” cũng tôn thờ những cái mà tôi tôn thờ khi tôi có cuốn FENG SHUI - PHONG THUY, do một tác giả người Mỹ viết.

Hôm nay đã có nhiều người hiểu ra rằng Vòng cung núi Tản - Ba Vì đến Xuân Mai Hòa Bình là một cái lưng vững chắc cho thành phố Hà Nội dựa vào, từ đó nhìn ra Hồ Tây mênh mông, một đại Minh Đường hình bán nguyệt, rồi sông Hồng, một đại Long mạch chảy theo hướng của chòm sao Cang Kim Long mà 1000 năm trước Vua Lý Thái Tổ đã tìm ra, ở đó có một huyệt đạo quan trọng để thờ Hồn thiêng sông núi mà hơn 700 năm trước, Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương đã tìm ra. 

Khẳng định và thuyết phục mọi người chấp nhận được những điều đó chúng tôi đã tốn bao nhiêu công sức, mồ hôi, nước mắt. Thủ đô hôm nay không thể vẫn nhỏ bé, xinh đẹp nhưng nghèo nàn một cách tội nghiệp, người dân chen lấn để hứng từng xô nước ngoài vòi nước công cộng nơi đầu phố. Cũng không thể để cho dân tự vẽ tự xây các củ hành củ tỏi lai căng. Cũng không thể thức thời thô bạo mời người nước khác vào, biến sông Hồng trở thành cái lạch nước chật hẹp với nhà cao tầng xây san sát hai bên, rồi anh hùng dân tộc cũng bị gạt ra để cắm cờ người ta lên đó.

Trở lại chuyện xây dựng Hà Nội.    

Mấy chục năm qua Hà Nội trải qua nhiều bước thăng trầm rất đáng ngại khiến nhiều người lo lắng không yên. Ví dụ như ở Hồ Hoàn Kiếm, hơn 10 năm trước rộ lên chuyện xây Khách sạn Vàng cao 11 tầng, bao nhiêu người phải mất công sức, trí tuệ và ý kiến mới ngăn cản được. Vừa rồi lại rộ lên tòa nhà của EVN cao 54m và chiếm tới 14000 m2, cả nước phải lên tiếng can thiệp thì dự án đó mới chịu “lui quân”.

Mấy ngày giáp Tết vừa rồi lại có tin “người ta” đòi xây Đền thờ Lý Thái Tổ ở Vườn hoa Chí Linh, khiến Giáo sư Sử học Lê Văn Lan phải kêu lên. Tôi thấy cần phải hành động, vì thời gian không còn chờ đợi chúng tôi nữa, nên viết ngay bài hưởng ứng với nhan đề "Sốt sắng vì 1000 năm Thăng Long" có làm ai phật lòng?. Chưa yên tâm, tôi đi in bằng bản mầu các bài báo điện tử đó để gửi đến những nơi tôi thấy cần thiết.

Kiến trúc nhà kho + 2 chiếc mũ hiệp sĩ. Ảnh: VNN

"Tân cổ giao duyên". Ảnh: VNN (Chỉ mang tính minh hoạ)

Một buổi chiều giáp Tết Mậu Tý, tôi đặt tập tài liệu đó trước mặt một quan chức Hà Nội và dồn dập hỏi: “Tôi biết, các anh không phải là “thủ phạm” của những trò vô lối này. Nhưng ai là người đề xuất, các anh có biết không. Họ báo cáo trình bày lúc nào anh có biết không. Liệu vài bữa nữa họ khởi công xây dựng thì anh có kịp đến ngăn cản được không?”. Anh bạn quan chức kia lúng túng trả lời: “Tôi thực sự không biết, các cuộc họp trình bày xét duyệt, họ nhớ thì mời bọn tôi, họ quên thì đành chịu… Để lúc nào có dịp gặp, tôi sẽ trình bày với lãnh đạo thành phố”.

Nghe vậy, tôi dồn thêm luôn: “Sao lại phải chờ dịp? Nhờ anh báo cáo với lãnh đạo thành phố rằng hôm nay đồng hồ chạy ngược đã lùi về số 950 rồi. Chi Hội Kiến trúc sư cao tuổi Hà Nội trực thuộc Hội Kiến trúc sư Việt Nam có kiến thức và kinh nghiệm, có khả năng huy động nhân lực và kinh phí. Chúng tôi đã đề xuất vị trí và hình thức xây dựng Đền thờ Lý Thái Tổ và Tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo rồi, liệu thành phố có giao cho chúng tôi làm hay không? Chỉ một năm là xong, chỉ cần trả lời đồng ý hay không là đủ, tiền bạc không quan trọng, nếu kinh phí thành phố không còn, chúng tôi sẽ tự kiếm”. Anh bạn kia vội trả lời: “Vâng, chúng tôi sẽ báo cáo”.

Tôi chưa tin lắm vào câu trả lời đó, nhưng ít ra tôi cũng yên tâm ăn Tết vui vẻ để sau Tết đủ sức dấn thêm một bước nữa.

Thưa bạn, nếu các bạn thực sự yêu Hà Nội, xin các bạn bằng sức lực và công việc của mình tìm mọi cách để Con Rồng Thăng Long đang luẩn quẩn hàng trăm năm nay lại được bay lên và con tầu đất nước đủ vững vàng rẽ sóng ra khơi. Bạn hãy nhắn với anh bạn KTS là hãy về góp sức cùng chúng tôi phục hồi hào khí Thăng Long và khôi phục Hồn phố cổ. Ông Nguyễn Cao Kỳ đã có thể về Hà Nội nhiều lần, có thể  vui mừng vì đất nước đổi thay. Không lẽ gì anh bạn gốc Hà Thành chỉ biết quê  mình bằng trí nhớ tên vài phố “Hàng” khi xưa? 

  • Trần Thanh Vân

Thư Hà Nội: Rất ngẫu nhiên, trước khi nhận được bài viết của KTS Trần Thanh Vân, Thư HN chúng tôi cũng nhận được tin người KTS trong bài viết “Hà Nội, những tình yêu không kỷ niệm” Tết Mậu Tý này, đã mua vé về Hà Nội ăn Tết, sau hàng mấy chục năm xa cách. Biết đâu, đó có thể là một sự khởi đầu tốt đẹp?    

Ý kiến đóng góp và bài vở gửi cho Thư Hà Nội xin liên hệ với địa chỉ: kyduyen@vasc.com.vn hoặc hpthao@vasc.com.vn

>> Suy nghĩ của bạn?

 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,