,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
614294
Tản mạn những cây cầu
1
Article
null
,

Tản mạn những cây cầu

Cập nhật lúc 08:21, Thứ Năm, 14/04/2005 (GMT+7)
,

Những cây cầu mới đã được dựng lên nhưng bên cạnh còn giữ lại những cây đã gục xuống. Giữ lại để mà thương, mà nhớ, để mà nghe quá khứ kể lại những trang sử đau thương và hào hùng của dân tộc chúng ta dọc thế kỷ XX...

Thời không quân Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam, mục tiêu đầu tiên là nhằm vào những cây cầu. Những cây cầu ngày đêm nâng bước chân người, nâng bánh những đoàn tàu, đoàn xe thoi đưa mắc cửi... bỗng trở thành những "túi bom" trên thân mình Đất nước.

Làng tôi nằm gọn giữa bốn trục đường lớn: đường số Một, đường sắt, đường số Bảy và đường số Ba Tám, nơi có con sông Bùng uốn quanh ôm bóng tre xanh, ôm bóng cầu Đò Đao, cầu Bùng, cầu Đò Đông, cầu Thực phẩm, chính là "trọng điểm" của những cuộc không kích suốt mấy năm liền. Bom Mỹ ném vào cầu, ném vào trận địa pháo phòng không, ném vào nhà dân, trường học. Dưới bóng vườn dừa rộng rãi của gia đình nhiều lần đã là nơi tập kết của những xác người bị bom đạn Mỹ sát hại. Chúng tôi dập lửa, cứu nhà, cứu người, cõng thương binh và cõng những xác chết người già, trẻ em và đào huyệt chôn cất những oan hồn ngay dưới tiếng động cơ và tiếng gầm rít của bom đạn Mỹ.

Những cây cầu bị gãy đổ ban ngày, được sửa lại vào ban đêm. Và những con phà xuất hiện trên sông Bùng quê tôi, chở những đoàn xe, đoàn quân đi vào mặt trận. Hầu hết thanh niên làng tôi thời ấy đã trở thành những người lính lên đường bảo vệ Tổ quốc. Tôi cũng trở thành một người lính như thế. Lúc ấy tôi có cảm giác là những đoàn quân chính là cây cầu đang nối liền lại đất nước bị cắt chia:

Vô tận chiều dài là những đoàn quân
Muôn chóp núi Trường Sơn xây trụ cầu vững chắc
Lửa đạn cầu vồng trút xuống đầu lũ giặc
Là chiếc cầu anh bắc lúc xung phong!

Hầu như suốt cuộc chiến tranh ấy, không còn một cây cầu nào nguyên vẹn. Bom đạn Mỹ không từ bất cứ cây cầu nào, dù là cây cầu chỉ dài vài chục mét. Và từ những cây cầu ấy là những trận địa đối lửa với kẻ thù. "Muốn tấn công bầu trời, hãy tựa vào mặt đất". Quân dân ta đã tựa vào đất đai của mình để chiến đấu với không quân Mỹ. "Giặc phá, ta cứ đi". Đó là ý chí của cả dân tộc trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Và nhiều nơi, chính chúng ta đã phải tự phá những cây cầu để chặn đường rút lui của giặc. Nhiều cây cầu ở chiến trường miền Nam đã phải hi sinh cho trận chiến thắng cuối cùng. Cầu Tràng Tiền qua sông Hương đổ xuống trong chiến dịch Mậu Thân là một sự hi sinh lớn, còn rớm máu hồn ta suốt mấy chục năm sau mới hàn gắn được.

Nhưng cũng có những cây cầu được dựng lên bằng chính xương thịt của người chiến sĩ.

"Hãy bước lên người tôi mà tấn công!". Tiếng hô của người lính bị thương tự nằm vắt mình qua hàng rào dây thép gai làm cầu cho đồng đội vượt lên.

Sự tự nguyện hi sinh cho Tổ quốc của nhiều thế hệ cũng chính là những cây cầu bắc về tương lai.
Ba mươi năm đất nước thống nhất, chúng ta nhớ về cây cầu Hiền Lương ngót 20 năm bị chia cắt. Cây cầu 198 mét thôi mà hai màu sơn, mà ly cách hai miền.
"Bên ven bờ Hiền Lương/ Chiều nay ra đứng trông về/ Mắt đượm tình quê..." Câu hát như dao cắt thịt, như muối xát lòng. "Ôi cây cầu dài chưa đầy 200 mét/ Hai mươi năm dân tộc mới đi qua"!

Ba mươi năm. Hàng ngàn cây cầu mới đã được dựng lên. Sánh vai với cầu Long Biên hơn trăm năm tuổi là những chiếc cầu mới bắc qua sông Hồng thật là to đẹp, đàng hoàng: cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, rồi cầu Vĩnh Tuy... Bên cạnh cầu Hàm Rồng sừng sững trên bom đạn xưa là cầu Hoàng Long rộng dài tít tắp. Cầu Bến Thủy, cầu Gianh... đã thay những chuyến phà. Cầu treo Mỹ Thuận đẹp nhất nước đã nối lại ước mơ đôi bờ qua bao nhiêu thế kỷ. Vâng, hàng ngàn cây cầu đã làm rạng rỡ 30 năm dựng xây, kiến thiết. Qua sông Bến Hải đã có cầu Hiền Lương mới, rộng hơn, đẹp hơn, nhưng chúng ta không quên giữ lại cây cầu Hiền Lương xưa. Giữ lại để mà thương, mà nhớ, để mà nghe quá khứ kể lại những trang sử đau thương và hào hùng của dân tộc chúng ta dọc thế kỷ XX.

Quá khứ cũng chính là một cây cầu nâng chúng ta đi xa trên đường thiên lý.

Những cây cầu đã gục xuống. Những cây cầu đã dựng lên, và còn bao nhiêu cây cầu nữa sẽ được dựng xây. Và chúng ta không quên những lời thơ điệu hát gửi gắm niềm hi vọng bên những "Nhịp cầu nối những bờ vui" của một thuở xa nào:

Những cây cầu ngày đêm bom dội
Vẫn nguyên vẹn đứng trên lửa khói
Những chiếc cầu vẫn nối hai quê
Đêm trăng sáng chân cầu em giặt áo
Anh lại về sau ngàn ngày chiến đấu
Ngồi trên cầu thổi sáo đón em...
Hà Nội, những ngày tháng tư 2005.

  • Nguyễn Trọng Tạo
,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,