,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
568976
Nỗi đau Hậu Lộc- Nhà có việc mới biết lòng con
1
Article
null
,

Nỗi đau Hậu Lộc- Nhà có việc mới biết lòng con

Cập nhật lúc 10:36, Thứ Bảy, 22/01/2005 (GMT+7)
,

Đến Toà soạn VietNamNet và tận mắt chứng kiến những gì diễn ra mấy ngày qua, giúp tôi hiểu ra một điều: lớp trẻ giờ đây đâu có thờ ơ với thời cuộc...

Suốt cả tuần qua, đứa cháu nội tôi, một sinh viên VN đang học tại Bắc Kinh liên tiếp gọi điện, gửi thư về nhà hỏi về vụ cảnh sát biển Trung Quốc giết hại ngư dân Hậu Lộc. Cháu khẩn thiết: ông biết tiếng Trung Quốc, ông hãy vào các tờ báo điện tử lớn của Trung Quốc mà xem họ đổ tội cho những người dân lành chúng ta như thế nào!

Họ nói tàu Việt Nam vô cớ bắn tàu cá Trung Quốc. Họ nói tàu cá của ta là "hải khấu" tức là cướp biển. Điều đáng bức xúc nhất là họ mập mờ mô tả lực lượng trên tàu là lực lượng vũ trang "những nhân viên vũ trang này không mặc "đồng phục" để làm cho dư luận lên án, chửi bới chúng ta một cách thậm tệ. Có rất nhiều lời lẽ xúc phạm chúng ta mà theo cháu là "cháu không thể nhắc lại, dịch lại cho ông và gia đình nghe được". Ngay cả những câu mà cháu dẫn ra, thì tôi cũng không thể đọc lại cho bạn bè tôi nghe, chứ đừng nói để đăng lên báo, ấy thế mà theo cháu nói "họ vẫn cho đăng nhan nhản lên mục bình luận trên cái mạng Internet lớn nhất".

Thú thật từ trước tới nay, tôi quá coi thường bọn trẻ - con cháu nhà tôi, tôi phàn nàn vì chúng bàng quan với tình hình thời sự, lúc nào cũng chúi đầu vào Chat với Games, rồi hip - hop... ấy thế mà chuyện tuần qua, tôi bất ngờ lại có những đứa con, đứa cháu khác hẳn. Chúng thông tin cho nhau thế nào mà đứa học trong nước, đứa học ngoài nước, tận Mỹ, Pháp, Phần Lan, Nga, Séc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều có một tiếng nói giống nhau trước vụ cảnh sát biển Trung Quốc giết hại dân thường đánh cá Việt Nam. "Bàng hoàng, xúc động" sẵn sàng đóng góp, chia sẻ, sẵn sàng làm bất cứ việc gì có thể làm được để làm cho công lý sáng tỏ, buộc những kẻ giết người phải bị trừng trị đúng pháp luật quốc tế.

Là người đang sống tại Thủ đô Trung Quốc, cháu bức xúc hơn tất cả các bạn bè, cháu bảo cháu đã viết mấy thư liền gửi về báo điện tử VietNamNet, nhưng cháu sợ thư cháu lẫn trong hàng trăm, hàng ngàn lá thư từ khắp nơi gửi về nên cháu nài nỉ nhờ tôi mang thư của cháu đến Tòa soạn VietNamNet, số 4 đường Láng Hạ. Cháu còn ghi rõ: "Đối diện với Đại sứ quán Mỹ, cạnh cái khách sạn mà ông đi ăn cưới chị Hòa ấy". Hiểu tấm lòng cháu và cũng là thực hiện ý kiến chung của các cụ ngõ phố tôi khi nghe nói ở Hà Nội có tờ báo Điện tử sẵn sàng đứng ra nhận tiền của bạn đọc giúp đỡ, chuyển đến tận tay bà con ngư dân Hậu Lộc bị nạn, chúng tôi đến VietNamNet để đưa thư cháu và góp chút ít tiền vào việc làm tình nghĩa này.

Chúng tôi đến Tòa soạn VietNamNet sáng 20 tháng 1, mấy anh chị trong ban Bạn đọc bận rộn, tất bật, máy nào cũng  dồn dập thư gửi về. Hầu như đến 99,9% hôm đó là thư  phản hồi "Cần xử lý nghiêm những kẻ giết hại ngư dân  Việt Nam". Bài báo được đưa lên từ sáng sớm, chỉ sau mấy tiếng đồng hồ đã có hàng ngàn thư gửi về. Cô phóng viên phân trần vì là thư phản hồi cùng một chủ đề bài viết, thành ra phải đọc từng thư mới biết được thư của ai, ý kiến như thế nào. Còn thư chủ động viết gửi đến tòa soạn như thư cháu tôi thì dễ tìm hơn nhưng mấy ngày qua cũng có tới hàng ngàn lá.

Cô nhường máy cho tôi đọc thử. Không ai bảo ai, sao mà tất cả cùng một suy nghĩ, cùng một tấm lòng. Một lần nữa, bất ngờ lại đến với tôi là có khá nhiều thư của bà còn Việt kiều ở Mỹ, Pháp, Nga, Nhật dù họ ra đi trước 1975, hay sau 75, 80, 90… đều có một tiếng nói chung - "Tiếng Nói Việt Nam" từ bày tỏ thái độ, đến việc làm cụ thể. Bạn đọc có địa chỉ locnguyen@yahoo.com viết "Xin Tòa soạn vui lòng cho tôi xin địa chỉ liên lạc với hai cháu Mạnh và Thúy con của anh Trần Nghiệp Hùng, người bị cảnh sát biển trung Quốc bắn chết. Tôi thật sự muốn giúp đỡ một cách lâu dài đối với những đứa bé mồ côi vô tội này. Cuộc đời của chúng bây giờ hoàn toàn phụ thuộc vào lòng hảo tâm và sự cố gắng của tất cả chúng ta".

Có những bức thư quyết liệt hơn, so sánh những người dân chài vô tội của chúng ta bị bắt giữ cũng như những người công nhân lam lũ Trung Quốc làm việc tại Iraq  bị bắt làm con tin… Nhiều bức thư đòi hỏi phía ta phải có những hành động quyết liệt. Nhiều bức thư thông báo chuyện anh em đi thu thập chữ ký đòi mit tinh, biểu tình… thanhtrung, hero792003@yahoo.com, một nghiên cứu sinh Việt Nam tại Hàn Quốc viết: "Tôi rất bức xúc và bất bình trước hành động giết người của cảnh sát biển Trung Quốc. Tòa soạn đã có những hành động rất tốt và phù hợp với nguyện vọng của đông đảo bạn đọc xa gần là đưa những thông tin cần thiết đến độc giả. Tuy nhiên Tòa soạn cần có những hành động mạnh hơn để tỏ rõ thái độ của nhân dân Việt Nam về thực tế đau lòng này. Cần mit tinh kêu gọi chính quyền Trung Quốc phải có trách nhiệm với những người bị hại như chính những người Trung Quốc đã làm trước tòa đại sứ Mỹ trong cuộc chiến ở Nam Tư".

…Đúng là lớp trẻ có những suy nghĩ mạnh mẽ, quyết liệt, cụ thể... tôi hỏi chị phóng viên "sao các bạn không làm ngay những điều mà bạn đọc đòi hỏi". Chị đưa cho tôi xem một lá thư mà tôi xin chép lại: Họ và tên: Nguyễn Việt Cường, địa chỉ: Thị xã Lào Cai Email: CuongDT2000@yahoo.com "Là công dân Việt Nam, tôi rất đau buồn khi nhận được tin các tàu đánh cá Việt Nam bị cảnh sát biển Trung Quốc tấn công và giết hại. Là một người Việt Nam đã được nghe nhiều về khẩu hiệu "Việt Nam - Trung Hoa láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, hướng tới tương lai" mà lãnh đạo hai bên đã dày công xây dựng trong nhiều năm qua, chúng tôi yêu cầu những người có trách nhiệm cần hợp tác, xem xét vấn đề một cách nghiêm túc, xác đáng theo các thỏa thuận hợp tác song phương và công ước quốc tế để trừng trị đích đáng những kẻ giết người vô tội và sớm trả những người dân làm ăn lương thiện về với gia đình họ trước dịp Tết Nguyên đán hết sức thiêng liêng của Việt Nam cũng như Trung Quốc. Cần phải giải quyết thỏa đáng vấn đề này để không làm ảnh hưởng tới quan hệ láng giềng mà hai nước đã dày công vun đắp..." Có lẽ là một người dân biên giới, bạn đọc này có cái nhìn cụ thể bằng thực tế và ước nguyện của mình…

Tuổi tôi, tôi cũng thấu hiểu điều ấy, nhưng làm sao để nói cho cháu tôi nghe cũng không đơn giản. Tôi đang định trao đổi tiếp với cô phóng viên trẻ về nhưng ý nghĩ của mình thì có mấy thanh niên xin vào gặp ban Bạn đọc. Một anh rút ví ra đếm đủ 10 tờ 100 ngàn tức là 1 triệu đồng xin góp giúp nạn nhân Thanh Hóa. Một phóng viên khác giơ máy ảnh định chụp làm tư liệu, nhưng anh bạn góp tiền nhất định từ chối. Anh yêu cầu Toà soạn không đăng tên, địa chỉ lên báo. Người tiếp theo rồi người tiếp theo nữa… Đúng là những gì diễn ra mấy ngày qua, giúp tôi hiểu ra một điều: lớp trẻ giờ đây đâu có thờ ơ với thời cuộc.

Tôi kể chuyện này với các cụ trong tổ hưu của tôi, ai cũng à lên một tiếng, và các cụ giục tôi thấy sao viết vậy, nhờ Tòa soạn đăng lên để trả lời chung cho con cháu khắp nơi đang hàng ngày hàng giờ viết thư, gọi điện về hỏi.                                                   

  • Phan Lương Anh 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,