,
221
3761
Tết
tet
/tet/
574546
Chợ nón Gò Găng
1
Article
null
,

Chợ nón Gò Găng

Cập nhật lúc 11:38, Thứ Ba, 08/02/2005 (GMT+7)
,

Ba giờ sáng, cơn mưa phùn mùa đông thấm lạnh vào người, tôi lang thang một mình giữa chợ nón đêm Gò Găng, An Nhơn, Bình Định. Dưới ánh đèn dầu le lói bên những mái hiên nhà, những dáng người lom khom bên chồng nón trắng, tiếng nói cười xôn xao... Phiên chợ nón đêm bắt đầu...

Đêm Gò Găng

Chợ nón Gò Găng.

Không ai biết chợ nón Gò Găng có tự bao giờ. Chỉ biết chợ luôn họp cho tới 5 giờ sáng thì tan và chỉ bán duy nhất một thứ là chiếc nón lá! Như một thói quen, cứ giữa khuya thì bà Đỗ Thị Hậu (thôn châu Thành) khệ nệ ôm chồng nón đi cho kịp phiên chợ. Những năm đất nước đầy khói lửa chiến tranh thì chợ nón họp sớm hơn, ngay từ khi con gà trống lên tiếng gáy, bà đã ra chợ. Nón bán chạy thì chợ đông người, thị trường tiêu thụ chững lại thì vắng khách. Tuy nhiên, chợ nón vẫn hoạt động quanh năm...

Đến ba rưỡi sáng, chợ trở nên nhộn nhịp hơn. Người ở gần thì đội nón trên đầu mang tới chợ, người ở xa thì chở nón bằng xe đạp, xe gắn máy. Người mua nón ngồi tại chỗ và chuẩn bị sẵn một ngọn đèn dầu hột vịt. Khi những người đem nón đến chào mời thì họ chỉ cần thắp đèn lên xem qua một lần là biết nón tốt hay xấu và ra giá. Hoạt động mua bán diễn ra rất nhanh.

Dạo một vòng quanh chợ, tôi dừng chân trước bà chủ buôn hàng nón đi TP HCM - bà Nguyễn Thị Hạnh Dung với ba chồng nón trắng cao ngất ngưởng. Một tay cầm ngọn đèn dầu, một tay vạch từng chiếc nón trắng cao ngất ngưởng, bà nói: "Sở dĩ tui mua hàng nhanh là bởi mua của người quen. Để phân biệt nnón tốt hay xấu thì chỉ nhìn vào đường chằm, nước lá của nón. Buôn bán lâu năm trong nghề, chỉ cần nhìn sơ qua là biết ngay thôi...''. Một điều lạ mà tôi nhận thấy là dù phiên chợ diễn ra trong không khí nhộn nhịp, tấp nập cả trăm người mua bán, ấy vậy mà các chủ buôn nón ở đây không hề tranh giành khách lẫn nhau, không hề có một tiếng cãi cọ hay to tiếng như những phiên chợ khác. Trong đêm tối, bên ngọn đèn dầu, sắc trắng của chiếc nón bài thơ bỗng trở nên ấm áp và gây ấn tượng đến lạ lùng.

Chợ nón Gò Găng không chỉ là những nét đẹp văn hoá của một vùng quê mà còn là nơi giữ được nghề làm nón truyền thống. Từ nơi đây, những chiếc nón lá Gò Găng - Bình Định đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước. Mỗi tháng Gò Găng có thê cung cấp cho cả nước hơn 50.000 chiếc nón. Tháng bán chậm nhất cuntgx được gần 20.000 chiếc. Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, chợ nón bán rất chạy vì đến mùa thu hoạch trái cây ở các miệt vườn. Những năm trước, chiếc nón Gò Găng đã theo những chiếc xe tải xuất sang các nước láng giềng: Trung Quốc, Campuchia, Lào... dưới dạng cải biên hình thức cho hợp với xứ người.

Trời gần về sáng, khu bán nón người thưa dần. Tôi theo chân những người bán nón đi sâu vào con hẻm nhỏ của chợ nón. Đập vào mắt tôi là nguyên vật liệu phục vụ cho nghề làm nón ngổn ngang trên mặt đất, dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu. Các khúc giang chừng hai đốt dùng làm bộ khung nón lá được phơi khô, buộc lại thành bó. Ông Phan Minh Tâm - một người bán nguyên liệu làm nón ở thôn Phú Thành cho biết: ''Chợ nón có từ khi nào thì chợ nguyên liệu cũng có từ lúc ấy để thuận lợi cho người làm nghề. Bán nón ở chợ xong, có được ít tiền thì họ lại vô chợ mua thêm nguyên vật liệu để đan nón cho kịp buổi chợ hôm sau....''.

Cưới nàng đôi nón Gò Găng

Nghề làm nón Gò Găng có từ thời Tây Sơn Nguyễn Huệ, là nghề truyền thống của các làng Tân Nghi, Bình Đức, Vĩnh Phú, Châu Thành, Phú THành, Kiều An... Đây là những làng nghề chuyên làm nón cho quân lính Tây Sơn ngày xưa. Riêng thông Phú Gia, xã Cát Tường, Phù Cát lại nổi tiếng với chiếc nón ngựa dành cho vua quan quyền quý. Về những làng nghề này ban đêm, người ta dễ dàng nhìn thấy cảnh nhộn nhịp đầm ấm bên ánh đèn dầu. Cứ hai, ba nhà, chị em phụ nữ lại quây quần bên nhau làm nón. Trong một ngày đêm, một người thợ nón giỏi có thể làm từ 10-12 chiếc nón. Với giá nón hiện nay là 3.000 đồng/chiếc, sau khi trừ chi phí, mỗi ngày họ có thể thu trên dưới hai chục ngàn đồng...

Dù vậy, hiện nay ở Gò Găng chỉ còn vài chục hộ giữ được nghề làm nón lá. Bà Nguyễn Thị Ngọc Liên - thông Tiên Hội đã 77 tuổi rồi nhưng vẫn miệt mài với nghề. Bà tâm sự: ''Hồi tui còn trẻ, nhà nào trong thôn cũng làm nón. Giờ thì 10 hộ thì chỉ còn 5,6 hộ làm nón thôi. Tiếng là nón lá Gò Găng nhưng thực ra cũng từ nhiều làng khác mang tới. Gò Găng giờ chỉ như một điểm tập trung để bán nón. Người Gò Găng hiện tại đã chuyển sang làm thương lái nón nhiều hơn''.

Ngược lên huyện Phù Cát, tôi tìm đến thôn Phú GIa, xã Cát Tường, nơi nổi tiếng về nón ngựa. Tại đây, chiếc nón ngựa bao đời được làm rất công phu và tỉ mỉ. Nón được kết bằng những vành tre cật, chuốt nhỏ như cây tăm, đan thành ba lớp mê sườn. Bên ngoài phủ lớp lá kè non (lá làm nón) chằm bằng những mũi chỉ tàu thơm trắng muốt và đều đặn. Trên đỉnh nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ hình long lân quy phụng. Quai nón được làm bằng những dải lụa đỏ hoặc xanh, chỗ dưới cằm có chỏm tua. Để chằm được một cái nón ngựa phải mất tới cả tháng trời. Chính vì thế mà giá của nó rất cao. Ngày xưa, nó chỉ dành cho những người cao sang, quyền quý, những chức sắc quan lại của triều đình. Lâu dần, theo nhu cầu của giới bình dân, nón ngựa được cải biên thành ngựa đơn, nón buôn, nóm chùm rẻ... Các loại nón này đều không có chụp. Chụp được thay thế bằng tua ngũ sắc ở chóp nón cho đẹp. Hiện một chiếc nón ngựa có giá từ vài chục tới vài trăm ngàn, chủ yếu được bán ra Huế, Hà Nội và TP HCM... làm quà lưu niệm cho du khách.

Đám cưới ở những làng làm nón, nhà giàu rước dâu bằng kiệu, chàng rể thì đội nón đi ngựa. Nhà nào nghèo cũng ráng sắm đôi nón ngựa cho cô dâu chú rể đội đi trong ngày cưới. Bởi vậy mà trong ca dao Bình Định có câu: Anh về Bình Định thăm nhà. Tháng hai trở lại, tháng ba cưới nàng. Cưới nàng đôi nón Gò Găng. Xấp lãnh An Thái , một khăn trầu nguồn.

(Theo Khoa học & Đời sống Tết Ất Dậu)

,
,