Rào cản SV Hà Nội - tỉnh lẻ trên giảng đường?

Cập nhật lúc 07:41, 30/10/2010 (GMT+7)
“Họ trêu chọc ngôn ngữ địa phương của tôi”, “Sinh viên Hà Nội luôn ngồi riêng một góc”...

>> Sinh viên ngoại tỉnh sống như đại gia...



Khoảng cách SV  ngoại tỉnh - Hà Nội?

Hôm trước, tôi ngồi cafe với nhóc em họ mới tập tễnh từ Hưng Yên lên nhập học ở trường đại học luật. Chị em ríu rít hỏi han vào lớp đã quen với bạn bè chưa. “Bạn bè thì cũng quen rồi chị ạ! nhưng không chơi được với các bạn Hà Nội”.

Hỏi tại sao thì nhỏ ngập ngừng: “Em cũng không biết, các bạn ấy ngồi riêng 1 chỗ, có lần em gọi hỏi mượn quyển sách, gọi mấy lần mà họ giả vờ như không nghe thấy gì, cứ như em là con kiến”…

Mô tả ảnh.
Có khoảng cách giữa SV Hà nội - SV ngoại tỉnh?
(Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Minh Tâm, SV ĐH dân lập Đông Đô:
“Các bạn Hà Nội ăn mặc rất sành điệu, khác xa với những người ở quê tôi. Tôi thực sự sốc khi họ cười thẳng vào mặt tôi và bạn tôi: sao thời buổi này vẫn còn người đi dép lê đi học. Tôi nghĩ đi cái gì đi học không quan trọng, quan trọng là tôi học được cái gì? Thực sự rất bức xúc khi mà bạn bè cùng học 1 lớp với nhau, cùng một đất nước mà có sự phân biệt Hà Nội và ngoại tỉnh như vậy”.

Thu Hà (Nghệ An), SV Học viện Tài chính: “Mới vào lớp thì mình rất ngại với các bạn ở Hà Nội. … Mình sợ giọng của mình các bạn không hiểu được. Một phần cũng vì các bạn trong lớp, nếu mình nói giọng trong kia - như là răng hay rứa thì các bạn ấy lại nói một số câu trêu chọc nên bọn mình ngại không nói ra nữa”.

Nhưng Phương Thảo, SV ĐHQG Hà Nội cho rằng những người bạn Hà Nội cũng không khó kết bạn như vẻ ngoài của họ: “Theo tôi nghĩ chơi với nhau phụ thuộc vào tính cách người này người kia có hợp nhau không thôi chứ không phải vì giữa vùng miền này với vùng miền kia, nó không quan trọng”.

Lê Dương, SV ĐH Thương Mại: “Trong lớp Dương mọi người thoải mái lắm, chẳng ai phân biệt gì nhiều. Không phải Hà Nội ai cũng kiêu, thể hiện ra mình là người giàu. Bởi vì thật ra mình cũng chơi với một số bạn, gia đình của họ cũng rất giàu, khá giả nhưng các bạn ấy cũng không phân biệt nhiều như thế. Vì ai cũng thế thôi, người ta có đủ tiền mua được những thứ người ta dùng, đó là quyền của người ta. Cái chính là cách người ta đối xử với bạn bè thế nào mà thôi”.

Chúng tôi không cậy "mác" Hà Nội


Bích Nhung, SV ĐH Ngoại thương: “Không phải chúng tôi cậy cái mác Hà Nội mà kiêu, phân biệt đẳng cấp. Cũng là SV giống các bạn, tôi cũng muốn được học và chơi trong một môi trường thoải mái. Chẳng cớ gì mà gây chuyện phân biệt đẳng cấp, vùng miền ở đây. Học cùng với nhau bao lâu mà ghét”.

Minh Trường, SV ĐH Công Nghiệp: “Các bạn SV ngoại tỉnh khi bên cạnh những người bạn đồng hương của họ thì vẫn là những con người vui vẻ, thậm chí nghịch ngợm. Nhưng khi bước vào lớp, không ai nhìn thấy những tính chất ấy ở họ nữa. Không hiểu sao lại như vậy. Trong lớp tôi có rất ít người có hộ khẩu Hà Nội. Vậy thì không biết ai mới là người bị cô lập đây?”.

Rào cản mang tên... tự ti?


Lan Anh (Hưng Yên), SV ĐH Ngoại Thương:  “Họ không phải lo lắng gì cả, họ luôn tươi cười, họ ăn mặc đẹp. Họ cũng rất hiện đại và tự tin vì họ có nhiều cơ hội tham gia những hoạt động mới mẻ. Tôi thấy họ luôn nổi bật và xinh đẹp. Một cô bạn lớp tôi còn vừa rinh về một chiếc iphone4, nó cũng là niềm mơ ước của tôi. Nhưng với số tiền bố mẹ cho tôi mỗi tháng thì chắc chẳng bao giờ tôi có được một chiếc như vậy”.

Tùng (Nam Định), SV ĐH Xây dựng: “Chắc chắn là có một chút tự ti. Các bạn ở thành phố có điều kiện sống tốt hơn, biết nhiều thứ hơn. Nhiều khi ngồi nghe họ nói chuyện mà không hiểu họ đang nói cái gì, vì họ được tiếp xúc với nhiều điều mà tôi chưa biết tới. Vì thế tôi có cảm giác bất cứ điều gì mình nói ra họ cũng đã biết hết rồi”.

Trong mỗi chúng ta đều có một ngọn lửa của lòng nhiệt tình, của khao khát khẳng định mình và sống tích cực. Với những bạn sinh viên ngoại tỉnh, thậm chí ngọn lửa của họ còn có phần mãnh liệt hơn, bởi đi cùng với họ là ước mơ khẳng định mình ở một vùng đất mới...

Có thực khoảng cách giữa SV Hà Nội  và SV tỉnh lẻ? Hay SV ngoại tỉnh chưa thực sự tự tin để hòa nhập… Hãy chia sẻ với Radio Vietnamnet những câu chuyện, những suy nghĩ của bạn qua hộp thư radio.vietnamnet@gmail.com, hoặc comment ở hộp phản hồi bên dưới.


  • Phương Chi - Hương Giang   

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

thức, NEU, 18:03, 30/10/2010

sao mình thấy các bạn ở lớp mình rất hòa đồng? Các bạn Hà Nội rất thích chơi với bọn mình,mình nghĩ là do từng trường như vậy, đa phần các bạn học ở các trường dân lập đều là người có điều kiện, tiếp xúc nhiều với thời đại nên sẽ có tư tưởng khác, nhưng ko phải như thế là xấu, việc đối xử ko tốt là do từng người, do bản chất tốt hay xấu, kiêu hay ko kiêu... mình thấy đó chỉ là một số ít thôi.

Thắng, Hà Nội, 17:31, 30/10/2010

Mình mới vào đại học năm nay, mình thấy các bạn ở các tỉnh khác rất thân thiện, các bạn ý còn năng động hơn cả mình.
Tuy mình ở sinh ra ở Hà Nội nhưng cứ nhìn thấy mấy bạn khác chê bai, làm ra vẻ mình cảm thấy rất khó chịu, các bạn ý cứ tưởng mình là giỏi giang, đẳng cấp hơn người. Đó chính là trình độ văn hóa.

M.B, Học Viện Hành Chính, 17:19, 30/10/2010

Mình cũng là một sinh viên ngoại tỉnh. Trong ăn diện mình cũng chỉ bình thường không xịn quá và cũng không nhem nhuốc quá. Cá nhân thì mình nghĩ là do mọi người mặc cảm quá nhiều về bản thân mình, các bạn quá đề cao những giái trị bên ngoài, các bạn ở HN và ngoại tỉnh có thể có người này người kia, nhưng nói chung cùng là sinh viên sao không thoải mái trong cách nghĩ. Lớp mình hiện tại có gần 100 người và mình học thêm một trường nữa lớp có khoảng 30 người, mình đều chủ động làm quen với mọi người ngay trong năm đầu tiên mình đã nói chuyện với tất cả mọi người. Tất nhiên trong số đó có người hợp tính của mình có người không, nhưng mình vẫn coi là bạn vì trong một lớp, có có cái gì phải thù hằn hay lé tránh nhau cả. Những người chơi với mình đều rất tốt, khi gặp mặt thì nụ cười chính là câu chào nhau kể cả những người bạn bình thường hau những người bạn có vip một tẹo..., Túm lại là hình thức có thể ảnh hưởng tới giao tiếp một chút, nhưng quan trọng là các bạn là người chủ động trong giao tiếp và thể mình là người luôn tôn trọng mọi người, các bạn sẽ thấy niềm vui khi đến lớp như thế nào ..!

voicoi, Hải Dương, 15:54, 30/10/2010

Tôi cũng học đại học 5 năm ở Hà nội, tôi thấy những người bạn Hà nội rất tốt, cũng rất thân thiện, tất nhiên khi tôi lần đầu đặt chân về Hà nội sống, cũng có nhiều tự ti, nhưng khi càng chơi với các bạn ở Hà nội, tôi thấy họ cũng rất bình thường, có lẽ cả hai bên đã quá đề phòng lẫn nhau, thành ra tạo ra khoảng cách vô hình.

Quan điểm của tôi với tất cả bạn bè đó là" Ờ nhà các bạn giàu, nhưng đó là do bố mẹ các bạn làm, chứ các bạn cũng như mình được chu cấp hàng tháng vậy thôi". Tất nhiên họ có điều kiện thì họ ăn mặc sành điệu, nhưng họ cũng luôn đón nhận sự hòa đồng từ các bạn ở tỉnh lẻ, vì mỗi người, mỗi vùng đều có một đặc thù mà không phải ai cũng có được. Do đó các bạn hãy tự tin, tự tin để vượt quá ý nghĩ tự ty thì lập tức bạn sẽ thấy không có khoảng cách nào cả! Chúc các bạn luôn có những giờ học bổ ích!

Nguyễn Duy Phước, Đà Nẵng, 14:17, 30/10/2010

Có thể do mấy bạn ở tỉnh mới lên thành phố nên sự hòa đồng có chút khó khăn. Vì thói quen, thẩm mỹ, cách giao tiếp...tạo sự ngăn cách giữa các bạn. Hơn nữa, việc chơi với nhau trên bậc đại học không như hồi trung học, ít gắn kết theo nhóm lớn, theo lớp. Rồi từ từ sẽ quen

Tô Bá Tón, 14:02, 30/10/2010

Là người bắc, tôi phải thừa nhận rằng đây là tính xấu của đa số người miền bắc: nghèo hơn mình thì khinh, giàu hơn mình thì ghét.
Tón.

Hip, Hà Nội, 13:32, 30/10/2010

E là SV trường Dược và cũng là SV Hà Nội, nhưng e muốn nói với mọi người rằng, e thú thật là có sự phân biệt trong giảng đường, nhưng mọi người lại chỉ đánh đồng việc quê hay tỉnh, với việc phân biệt . Trong lớp e có khoảng 20/70 bạn là ở HN, nhưng e lại ko chơi với bạn nào, e chơi với các bạn ở quê lên học.Không chơi không phải vì không cùng đẳng cấp, mà e cảm thấy, có bạn rất giả tạo, giả dối, trong khi đó e lại chơi với các ban ở quê rất vui vẻ và thoải mái

Đức Chiến, Lạng Sơn, 13:20, 30/10/2010

Thật đáng buồn đây lại là sự thật. Các bạn có để ý là khi làm việc theo nhóm sẽ thể hiện rõ nhất về khoảng cách này. Bởi vì, thực tế là đa phần các gia đình người Hà Nội sống khép kín ít quan hệ với các gia đình khác.
Mình cũng đang là sinh viên. Mình không nghĩ đây là rào cản, mà là thử thách cho các bạn. Điều này sẽ giúp các bạn hòa nhập môi trường tốt hơn.

Như Hoa, 13:18, 30/10/2010

Đúng là có sự khác biệt giữa sv tỉnh lẻ và sv Hà Nội, nhưng đó là do chưa hiểu nhau thôi. Như tôi hồi đi học cũng vậy, thấy các bạn Hà Nội ăn mặc sành điệu, điện thoại xịn cũng e ngại lắm, nhưng khi có cơ hội tiếp xúc thì thấy các bạn ấy rất cởi mở, nhiệt tình. Các bạn ý cũng tâm sự là rất phục các bạn ngoại tỉnh vì hầu hết các bạn ngoại tỉnh đều học giỏi nên các bạn ý ngại tiếp xúc vì các bạn ngoại tỉnh nghiêm túc quá

Dieu Linh, Hanoi, 13:14, 30/10/2010

Tôi từng đi học ở Mỹ và Canada trong 6 năm liền nhưng suốt thời gian đó tôi chưa bao giờ bị người bản xứ phân biệt đối xử qua cái nhìn, giao tiếp, vv... chỉ vì ngôn ngữ, quốc tịch, gốc gác gia đình, mặc dù tiếng Anh của tôi chỉ là trung bình so với sinh viên Việt Nam, chứ chưa nói gì tới so với người bản xứ. Tôi kể chuyện này là để cho các bạn thấy rằng lý do tại sao nước ta còn lâu lắm (hàng trăm, trăm năm) mới bằng các nước phát triển hiện nay (Anh, Mỹ, châu Âu, Úc, vv...) về mức độ văn minh, cho dù thu nhập/kinh tế nước ta đang tăng khá nhanh. Ngay cả người Việt với nhau mà còn phân biệt Hà nội thật với tỉnh lẻ thì thử hỏi đến bao giờ mới có chuyện nước Việt thu hút được nhân tài ở mọi nơi giống như nước Mỹ hiện nay. Chắc chắn là không một người nước ngoài nào, dù giỏi đến mấy, được trọng dụng đúng mức ở nước ta!!!

Thu Minh, Hà Đông, Hà Nội, 13:09, 30/10/2010

Thời sinh viên mình là người ngoại tỉnh nhưng mình không thấy rào cản nào giữa sinh viên tỉnh lẻ và các bạn ở Hà Nội đâu. Mình chăm học, kết quả tốt hơn cả các bạn ở HN nhưng ăn mặc giản dị mà các bạn ấy rất tôn trọng, quí mình và chúng mình sống rất hòa đồng với nhau. Ra trường gần 10 năm rồi mà chúng mình vẫn chơi với nhau đấy thôi. Vì vậy, mình nghĩ có "rào cản" hay không cũng là do chính bản thân chúng mình thôi, là người ngoại tỉnh nhưng các bạn đừng tự ti, hãy tự tin, sống thật hòa đồng, vui vẻ nhé!

nguyễn cảnh long, 124 Minh Khai HN, 12:56, 30/10/2010

Tôi thấy ý kiến của mọi người đều có lý.
Tôi xin có ý kiến, bản thân tôi đã trải qua thời SV được 4 năm rồi.
Có khoảng cách giữa SV Hà nội và tỉnh lẻ không? trả lời: có. Tất nhiên không phải là tất cả.
Hồi trước tôi ở quê Miền Trung, ra HN trọ, đi học bằng xe đạp, đi dép tổ ong (dép lê). Các bạn ý đi giày hoặc dép da. Trong lớp cũng có vài người bạn (là người HN) tỏ ý xem thường, không muốn chơi. Tôi hiểu điều đó nên cũng không chơi với các bạn ý (bản thân tôi là người vui vẻ, hoà đồng, hay kết bạn với mọi người). Dĩ nhiên trong lớp, SV Hn cũng có gia đình có điều kiện, cũng có gia đình cũng bình thường thôi. Trong số đó thì tôi xin khẳng định gia đình các bạn SV HN có điều kiện bình thường dễ chơi hơn là với các bạn con nhà giàu khác. Có thể vì điều kiện sống khác nhau, dân tỉnh lẻ mấy ai có điều kiện để tham gia chơi với nhóm bạn đây (nếu không phải là con nhà giàu ở quê, hoặc con quan chức địa phương).
Do đó, tôi xin khuyên các bạn: hãy cố học thật tốt, sống hoà đồng, vui vẻ, chọn bạn mà chơi. Nếu hợp thì chơi, chơi vô tư và cùng nhau học tốt. Đó là tình bạn. Nói thật:
Các bạn tỉnh lẻ, đi dép lê, ở trọ, không có máy tính, xe.... nhưng kết quả các bạn học rất tốt, khá thì mấy ai xem thường các bạn? các bạn tự ti cái gì? vì nghèo, vì nông dân..? Thế thì ngược lại: tỉnh lẻ thì sao? nông dân thì sao: các bạn tỉnh lẻ có ngửa tay xin tiền các bạn SV HN không? Vì thế không có gì mà phải tự ti cả.
Hãy học thật tốt, sống vui vẻ, hoà đồng... không tự ti, không xem trọng vật chất thì chắc chắn sẽ có nhiều người muốn kết bạn với bạn.

lê pHước Dũng, Đông Hà. Q.trị, 11:25, 30/10/2010

ôi mấy em ơi.
Anh cũng từng là sinh viên Hà Nội nè! Bây giờ anh đã là Kiến trúc sư rồi.
Đúng là có khoảng cách khá lớn thật sự. Ngày xưa anh học vào cái thời buổi nhập nhằng giữa mới xóa bỏ bao cấp và cuộc sống mới. Lớp anh lúc đó toàn là người HN. một số rất ít SV là người ngoại tỉnh. Lớp anh chỉ chiếm khoảng 1/6 của khóa thôi. Anh lại ở xa. Quê anh ở tận Quảng Trị. nên sự "quê" của anh có phần rất lớn trong mắt bận bè cùng lứa.
Nhưng khi anh nghiệm lại cuộc sống. Sau khi anh ra trường và trở lại HN, mới thấy được sự " khoảng cách" đó là cái gì. Nhiều bạn anh khi đi học vì điều kiện gia đình khá giả nên không chịu học, đến khi ra trường cú lông bông không biết làm việc gì.
Nên anh cảm thấy sự t ự hào khi được là SV nhà quê đấy!

Q.Huy, hcm, 11:24, 30/10/2010

Tôi đồng ý với ý kiến bạn Tam Thanh. Tôi là người ở Hòa Bình và sống ở 1 ngôi làng miền núi rất nghèo. Từ hồi nhỏ đi học tôi thấy mình cảm thấy rất tự ti khi tiếp xúc với các bạn có điều kiện hơn. Không phải khi ra HN học tôi mới thấy tình trạng tự ti của mình mà ngay hồi đi học ở quê mình thấy đã có rất nhiều khoảng cách giữa thị trấn và ở làng,ở Tỉnh với dân quê. Khi vào làm việc tại TP.HCM mới thấy con người trong Nam sống rất hay, hòa hợp với mọi người và đặc biệt nói chuyện rất vui

minhtinh, Hà nội, 11:18, 30/10/2010

Chuyện này quá quen rồi.
Những người sống ở HN, trước khi vào ĐH, bạn bè của họ đương nhiên đều là người sống ở HN. Sau khi vào ĐH, mới có sự giao tiếp với người tỉnh lẻ. Người HN cảm thấy họ khác đi, có người thấy mình danh giá, nên kiêu và chỉ chơi với ai ở HN. Có người thấy tò mò, thú vị và chơi với người ngoại tỉnh.
Người kiêu căng, lúc nào cũng tự hào là mình ở HN, chơi với ai cũng phải hỏi trước là có ở HN không.
Người hòa đồng thì cũng hỏi có ở HN không, nhưng mục đích là để khai thác con người. Họ chơi với ngoại tỉnh để học hỏi, nhất là sự cần cù, chăm chỉ, ý chí.
Tôi là người sống từng sống ngoại tỉnh, từng HN, và bi giờ thì lúc HN, lúc lại ngoại tỉnh. Tôi không thích sự khoe khoang, kiêu căng của 1 số người có hộ khẩu ở HN.
TÔi thấy, sự thành đạt của những người ngoại tỉnh, làm ăn trên đất Hà thành cao hơn những người có hộ khẩu HN từ trước. Sự thành đạt này tính về số lượng, quy mô theo chiều rộng ( Tôi chưa muốn nói đến chiều sâu)
Các bạn sinh viên mới nhập học ở HN, chưa quen nên có cảm giác tự ti. Sau 1 - 2 năm rồi, họ sẽ thấy hòa nhập hơn.

Thanh Nguyen, Nghe An, 11:14, 30/10/2010

Thực ra nguyên nhân có từ cả hai phía: phía sinh viên ngoại tỉnh cũng có phần tự ti và với sinh viên Hà Nội có nhiều bạn cũng tự kiêu với "mác" Hà Nội, khi xuất hiện một trong hai đối tượng này thì sẽ có khoảng cách. Lớp ĐH của mình cũng có những bạn Hà Nội và trong số ấy cũng có bạn khó gần và "kiêu" nhưng cũng có những bạn chơi rất tốt.

Ở đâu thì cũng có người này, người nọ nên không nên phân biệt vùng miền, không phải bạn sinh viên Hà Nội nào cũng giàu có, sành điệu và ngược lại cũng không phải bạn sinh viên ngoại tỉnh nào cũng nghèo đói, quê mùa.

Không thể đánh giá một sinh viên chỉ vì anh ta mặc cái gì, từ đâu đến (những thứ không phải do anh ta tạo ra) mà cần xem trí tuệ anh ta thế nào và sau này khi ra trường rồi thì lúc đấy mới nên so sánh một bạn sinh viên này và một bạn sinh viên khác. Tôi đã từng là một sinh viên tỉnh lẻ, cũng đã từng tự ti và cũng học để nói "giọng Hà Lội" nhưng giờ thì tôi tự tin hơn - Tôi là sinh viên tỉnh lẻ

Toi la nguoi tinh le, 11:02, 30/10/2010

Thực ra chuyện này không đáng phải bàn luận. Tuy nhiên, tôi thừa nhận rằng, khoảng cách giữa sinh viên nông thôn và thành phố là có thật. Mọi người có thể nhìn nhận vấn đề dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Tôi thì cho rằng, tất cả chỉ tại chúng ta chưa có triết lý giáo dục. Ở đó, mọi người đến trường phải biết và thừa nhận những tiêu chí, tiêu chuẩn để từ đó họ soi vào để thấy mình như thế nào. Trong môi trường giáo dục (đặc biệt ở bậc đại học), lẽ thông thường thì hệ thống tiêu chí đó phải là năng lực, kết quả học tập, kỹ năng ứng xử... chứ không phải là xe đẹp, quần áo thời trang... Tôi cũng nhận thấy rằng, thuộc tính của môi trường giáo dục của ta không khác nhiều so với ngoài đường, ngoài chợ... là mấy. Tất cả đều nhốn nháo, hỗn độn.
Trăn trở với vấn đề này, thầy hiệu trưởng của tôi chỉ còn biết nói rằng, sau 5 đến 10 năm ra trường, năng lực và vị thế của các bạn sẽ được khẳng định.

quanlh, Hà nội, 10:51, 30/10/2010

Ke...ke... Tôi đồng ý với bạn Nguyên. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội cũng đã 35 năm nay. Thời sinh viên tôi chẳng thấy có vấn đề gì cả, tất cả cũng chỉ là do tự các bạn cảm nhận thế thôi. Ở đâu chẳng có người thế nọ thế kia.Hà Nội bây giờ bị mang tiếng nhiều quá. Còn các bạn kêu người HN ăn mặc sành điệu, kênh kiệu.....Nhưng thực sự họ có là phải là người HN không hay mới chỉ nhập khẩu. Tôi thấy con cái quan chức các tỉnh bây giờ ở Hà Nội đông như quân nguyên, họ mua nhà, mua xe, hoặc thuê nhà xịn, nhiều người Hà Nội mơ không được thì tầng lớp đó các bạn cho vào đâu ?
Tóm lại: Chọn bạn mà chơi thôi. Đừng đổi lỗi cho vùng miền. Địa danh không có lỗi.

Huy Thuc, DG Giao thong van tai, 10:50, 30/10/2010

Theo tôi thì sinh viên tỉnh lẻ lên thành phố sẽ còn nhiều bỡ ngờ từ giọng nói đến những hiểu biết về cuộc sống nơi đây. Nhưng không vì vậy mà sinh viên tỉnh lẻ và Hà Nội có khoảng cách, phải chăng chỉ là một bộ phận nhỏ thôi các bạn a!Mình cũng đã được tiếp xúc với nhiều bạn Hà Nội và những miền quê khác.Mình thấy họ vẫn nhiệt tình và tốt bụng mà, chơi với họ mình còn học hỏi thêm nhiều điều nữa đó. Chúng ta cứ tự tin và luôn mở rộng lòng mình thì sẽ thấy mọi người gần nhau lắm a!Chúng ta cũng nên học cách tôn trọng sự khác biêt nữa!

Quang Huy, Hà nội, 10:31, 30/10/2010

Đồng ý là có rào cản, bởi khoảng cách về vật chất là khá lớn giữa sinh viên ngoại tỉnh và hà nội. Mình sinh ra và lớn lên ở hà nội, hay nói chính xác hơn là tổ tiên không biết bao đời là người hà nội, và đã ra trường đi làm 10 năm nay rồi, nhưng có một nhận đinh rất đáng buồn cho người hà nội đấy là chỉ có bè mà không có bạn. Đa phần chơi với nhau là để lợi dụng lẫn nhau chứ không được như sinh viên các tỉnh, họ về đây yêu thương đùm bọc lẫn nhau, nhìn thấy mà thèm. Người Hà nội bây giờ hỏi được mấy người chia ngọt sẻ bùi cho những người sống quanh mình. Xét một cách toàn diện người hà nội hiện nay vô tình hơn rất nhiều người các tỉnh thành. Buồn.

Nguyễn Trường Sơn, Tp.HCM, 10:19, 30/10/2010

Tôi thấy chẳng có khoảng cách gì... Các bạn ở Hà Nội tôi chơi đều thấy rất thân thiện và rất tốt.
Các bạn ở Hà Nội mặt bằng chung là có điều kiện hơn các bạn ngoại tỉnh nhưng, nhưng nó chỉ là những lợi thế nhỏ thôi...Quan trọng là ở bản thân: Sống thân thiện, hòa nhập, có ý chí và sự kiên định, sự ham hiểu biết .... Thì sự thành công sẻ đến thôi. Người ta chỉ khâm phục người thành công, chứ đâu quan tâm anh ta từ đâu chứ?

Trà My, 10:19, 30/10/2010

ban tam.thanh nói rằng tính chất của người Bắc như vậy phải chăng chính bạn đang phân biệt thân thế đấy thôi. Theo quan điểm của tôi, cũng đang là sinh viên ở tại Hà Nội, ai cũng thế thôi, muốn chơi với nhau thì phải hợp tính mới chơi được. THế nên tôi không nghĩ là có sự phân biệt nào ở đây. Chẳng qua là có hợp nhau hay không thôi. Đôi khi sự tự ti của chính các bạn ý đẩy các bạn ý ra xa hơn chứ không phải do ai phân biệt hay định kiến gì cả.

Việt Hà, Hà Nội, 10:12, 30/10/2010

ở lớp mình thì gần như không có chuyện này, học kỹ thuật đông con trai anh em chơi tốt với nhau là chính chứ hà nội hay ngoại tỉnh thì không quan trọng. Bạn bè của mình là có nhiều là SV ngoại tỉnh hơn là SV Hà Nội.

Hà Vinh, 10:10, 30/10/2010

Rào cản thì chắc chắn là có. Chúng ta không thể chối bỏ rằng : giữa những người ở nhiều vùng miền, điều kiện kinh tế khác nhau mà lại không có sự khác biệt. Nhưng các bạn ngoại tỉnh nên xem xét lại mình đi. Các bạn nên nhớ các bạn phải nỗ lực hơn SV Hà Nội rất nhiều mới có thể ngồi tại giảng đường. Tại sao các bạn lại nghĩ rằng các bạn kém hơn ? Mình thấy SV Hà Nội phải khâm phục các bạn chứ? Điện thoại xịn, xe xịn chỉ là cái vẻ ngoài thôi. Chúng ta đến giảng đường là để học. Hãy phân biệt nhau bằng sức học, bằng kiến thức. Đừng dùng xe, điện thoại, quần áo để phân biệt nhau.

thanhthao, Gò quao kiên giang, 10:07, 30/10/2010

tôi thấy "đúng" vì không chỉ sinh viên Hà Nội mới khinh khỉnh đâu,mà sinh viên miền Tây Cần Thơ cũng thế đấy( họ ở TP Cần Thơ mà thực ra họ ko nghĩ họ cũng chỉ là dân miền Tây mà thôi).Trong lớp mình học quản lý đất đai chứ không phải là ngành gì ghê ghớm lắm lắm mà tôi thấy những bạn ở Cần Thơ cũng phân biệt đối xử "khinh" ra mặt.

Cái khinh ở đây là về vật chất thì nhiều: ví dụ bạn không có laptop, bạn không có xe máy xịn,thậm chí bạn không có điện thoại di động, bạn là hai lúa nhà quê không sành điệu thì cũng bị chê bai thẳng mặt.Tôi nghĩ không riêng gì ở Hà Nội mà ở đâu cũng thế vốn dĩ đã tồn tại rào cản giữa giàu và nghèo.Tôi thấy đều là sinh viên chưa đi làm mà đã thế,không biết mai mốt đi làm sẽ thế nào...Họ không biết "hai lúa" là từ dùng để ám chỉ tất cả dân sống ở khu vực ĐBSCL là vựa lúa số 1 cả nước, chứ không phải dùng để ra ám hiệu khinh miệt các bạn sống ở ngoại tỉnh, nông thôn.

Nguyễn Ngọc Thùy, 25 ngõ 219 Nguyễn Ngọc Nại -Thanh Xuân - Hà Nội, 10:01, 30/10/2010

Nguyễn Thùy (Nam Định)
Tôi thấy chẳng có gì khác biệt cả. Nếu như có khoảng cách sinh viên người tỉnh lẻ với sinh viên người Hà Nội thì tôi thấy cũng như có khoảng cách giữa sinh viên từ mọi nơi với nhau. Những trường hợp các bạn kể trên là thiểu số, các trường hợp như vậy ở đâu cũng có. Tôi cũng đã học Đại học Thủy Lợi, học thêm tiếng Anh tại trung tâm, lớp tôi cũng có người Hà Nội thế hệ thứ 4, thứ 5 năm rồi, nhưng tôi thấy bạn ấy chơi với bạn bè tỉnh lẻ còn thân hơn những người Hà Nội. Vậy là sao, cuộc sống là hội nhập, ai không theo kịp là người đó chậm chân và khả năng bị đào thải với xu thế chung là cao hơn, tỉnh lẻ hay Hà Nội không quan trọng, đó là suy nghĩ chủ quan. Theo tôi, tình thần học hỏi, không mặc cảm, tự ti, hòa đồng và có trách nhiệm thì môi trường nào, đối tượng nào bạn cũng thích nghi được, còn những người tự cho mình "riêng một góc" thì sẽ vẫn chỉ "riêng một góc" suốt cuộc đời còn lại nếu họ không sửa sai. Đó là cuộc sống của người ta không phải của mình nhưng không có nghĩa là mình không quan tâm, hãy vì lợi ích chung của cả cộng đồng.

Nguyễn Ánh Hồng Minh, Hà Nội, 10:01, 30/10/2010

Tôi thừa nhận giữa sinh viên thành phố và sinh viên miền núi, làng quê có sự khác biệt về điều kiện sống, nhưng chẳng có sự khác biệt giữa sinh viên ngoại tỉnh và sinh viên Hà Nội, nói thế chung chung quá, nói thẳng ra sinh viên ngoại tỉnh nhưng là dân thành phố thì còn sành điệu và giàu không kém gì dân Hà Nội. Vấn đề đặt ra như thế là khập khiễng.
Thứ 2, về mặt sành điệu ăn chơi, đấy là lối sống, không phải ai cũng thế. Bản thân mình là sinh ra lớn lên ở Hà Nội, gia đình khá giả nhưng do thói quen, lối sống phong cách, đến mình còn không thấy hợp với các bạn thích ăn vận ở ngay chính Hà Nội chứ đừng nói các bạn từ miền quê tới, vậy sao phải bức xúc nhỉ :) Đã không hợp thì thôi, tránh tiếp xúc đi, mua bực mình vào người làm chi :)

nguyen thi van hanh, Ha Noi, 09:55, 30/10/2010

Tôi cũng là người hà nội, đi học cũng bình thường nếu nói người Hà Nội chơi riêng với nhau thì chắc chơi được nhiều lắm là 3 người.

tam.thanh, Tp HCM, 09:53, 30/10/2010

Theo mình thì chắc chắn là có sự phân biệt., vì tính chất con người xứ Bắc là vậy rồi.
Mình học ở HCM nhưng chưa bao giờ thấy sự phân biệt giữa sinh viên Hồ Chí Minh với SV tỉnh lẻ trong giảng đường cả.
Sự phân biệt đó nếu có xảy ra thì chỉ trong những trường hợp ăn chơi đàn đúm hay đi chơi riêng mà thôi.

Lê Quang, Nha Trang - Khánh Hòa, 09:46, 30/10/2010

Lớp mình thì các bạn Hà Nội có khi chơi với nhau còn ít hơn là chơi với các bạn ở ngoại tỉnh. Mình cũng vậy. Chơi với 1 nhóm bạn mà đa số là các bạn ở ngoại tỉnh. Có phân biệt gì Hà Nội - ngoại tỉnh đâu nhỉ. Đây chính là trong cách nghĩ của các bạn thôi. Mình thấy rất nhiều bạn có suy nghĩ nó ở Hà Nội rồi là nó hơn mình rồi thế này thế kia...Chính những điều đó khiến các bạn ở Hà Nội cũng chưa chắc muốn hòa đồng với các bạn.

Hoàng Vĩnh Nguyên, Hà Nội, 09:24, 30/10/2010

Ở đâu cũng vậy. Tự tin chọn bạn mà chơi. Không quan tâm đến việc vùng miền. Ở Hà Nội, người nghèo nhiều vô thiên lủng. Cứ vào phố cũ mà xem. Tôi ở Hà Nội đã 37 năm, vẫn đi xe cũ, áo quần giản dị. Có sao đâu. Tôi tôn trọng thời trang người khác và lối sống người khác miễn là họ không vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức.

Bình An, TP Vinh, N.A, 09:02, 30/10/2010

Thực chất vấn đề là có, nhưng không "nghiêm trọng" như nhiều người nghĩ. Tôi cũng là người từ tỉnh xa về Hà Nội học cách đây hơn 10 năm. Bây giờ tôi trở về quê nhà công tác. Hiện nay mỗi lần ra công tác ở Hà Nội, các bạn sinh viên Hà Nội hồi học cùng bất cứ lúc nào gọi điện cũng ra giao lưu rất vui vẻ, không có khoảng cách gì là ngoại tỉnh hay Hà Nội cả. Thậm chí các bạn Hà Nội bây giờ mới nói rằng rất khâm phục các bạn tỉnh xa về HN học.

Kubi, Thanh Hoa, 09:02, 30/10/2010

Tôi là dân Thanh hóa, nói đến Thanh hóa mọi người đều tỏ vẻ không thích, không chỉ riêng người HN . Các bạn à, chính sự tự ti của các bạn làm cho khoảng cách này xa hơn. Bạn sợ gì họ, họ ăn mặc đẹp, xài đồ xịn. vì họ có điều kiện. Mình không bằng thì cũng không so đo, nhưng mình cũng phải tươm tất, không đến nội tệ, lạc loõng. Hà nội thì sao ? Hầu hết những người HN mà các bạn tiếp xúc đều gốc tỉnh lẻ. Ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu, người thế này thế kia. Không thể đánh đồng tất cả. Quan trọng là ở chính bản thân các bạn chơi với nhau như thế nào.

Nguyễn Thái Hoà, 08:58, 30/10/2010

Tuỳ điều kiện kinh tế của từng người thôi. Hồi tôi học đại học, mấy bạn Hà Nội trong lớp cũng nghẽo rớt mùng tơi nên chẳng có gì kênh kiệu cả, còn một số bạn tỉnh lẻ nhưng nhà giàu thì vẫn làm cao như thường. Nói chung thì giàu thì thường chơi chung với nhau, các thành phần còn lại thì chơi vơí nhau, không phân biệt địa phương.

Minh Thuận, Thái Bình, 08:40, 30/10/2010

Thế hệ 9x thì mình không biết thế nào. Nhưng 8x thì thấy SV Hà nội chẳng khác gì so với SV ngoại tỉnh. Họ cũng hòa đồng, cũng nhiệt tình như ai. Học ĐH với 7 bạn HN thì mình thân với 4 người rồi. Có một điều lạ là SV Hà Nội không hề ăn chơi. Họ ăn mặc bình thường, học hành cũng chăm chỉ. Có điều là ăn uống thì sành hơn.

Các tin khác