,
221
451
Phóng sự
phongsu
/psks/phongsu/
1269058
Những "lá phổi xanh" giữa Thủ đô đang thở khò khè
1
Article
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
,
Hồ Hà Nội bị "bức tử":

Những 'lá phổi xanh' giữa Thủ đô đang thở khò khè

Cập nhật lúc 07:56, Thứ Năm, 25/03/2010 (GMT+7)
,

- Sau một thời gian dài báo VietNamNet đưa tin về nhiều hồ ở Hà Nội đang có nguy cơ bị “bức tử” bởi nạn xâu xé lấn chiếm lòng hồ, tưởng như các cơ quan chức năng vào cuộc sẽ chấm dứt được tình trạng này, nhưng cho đến nay, bất chấp sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại, nhiều hồ Hà Nội vẫn đang bị lấn chiếm không thương tiếc.


>> Chuyên đề: Hồ Hà Nội đang biến mất

Đã từ lâu nay, Hà Nội được biết đến là thành phố có nhiều hồ nhất cả nước, nhưng càng ngày diện tích ao hồ của thủ đô càng bị thu nhỏ lại. Hồ lớn thì bị xẻ thịt, hồ bé thì bị “nuốt” gọn. Theo ghi nhận của PV VietNamNet, hiện tại nhiều hồ lớn vốn được xem là những “lá phổi xanh” của thủ đô thì nay đang bị "xâu xé" một cách không thương tiếc bằng nhiều hình thức khác nhau.

Thi nhau “xâu xé” đầm Hồng

Đầm Hồng, một lá phổi xanh thuộc phường Khương Trung và Khương Đình - quận Thanh Xuân, hiện tại đang bị nhiều người xâu xé lấn chiếm. Hàng ngày cứ vào chập choạng tối, các loại xe cải tiến, xe thồ, thậm chí là cả xe tải thi nhau đổ phế thải xây dựng xuống đầm.

Theo bản đồ xã Khương Đình, tỉ lệ 1/1000 được đo năm 1992, toàn bộ khu đầm (gọi chung là Đầm Hồng) rộng 22,24ha, trong đó Đầm Hồng rộng 158.749m2, Đầm Sen rộng 49.646m2, Đầm Sòi rộng 14.375m2, Đầm Bà Cả Lợi rộng 14.005m2. Toàn bộ khu đầm rộng ngút tầm mắt, không khí thoáng đãng, nước hồ trong xanh nằm trên địa bàn hai phường Khương Đình và Khương Trung, quận Thanh Xuân.

Mô tả ảnh.

Cùng với thời gian, Đầm Hồng đang bị thu nhỏ lại do nạn lấn chiếm của các hộ dân ven hồ.

Trong bản đồ được xây dựng năm 2006, đầm Hồng vẫn còn giữ được một diện tích rộng lớn bao bọc xung quanh là những thửa đất nông nghiệp xanh mướt. Tuy nhiên, hiện tại đầm Hồng giống như lá phổi bị cắt đi nhiều bên bởi những đống đất to xung quanh mọc lên do nạn đổ trộm phế thải VLXD lấn chiếm.

Ông Nguyến Cự Trung, tổ trưởng tổ 9, Khu dân cư số 2, phường Khương Đình, người đã sống ở khu vực Đầm Hồng hơn 20 năm, cho biết: Trước đây ven hồ không có những khu nhà tạm mọc lên san sát như hiện nay. Với quá trình lấn chiếm diễn ra quá nhanh, nếu không có sự quản lý của nhà nước thì chẳng mấy chốc đầm Hồng sẽ bị chiếm hết.

Mô tả ảnh.

Bất chấp sự vào cuộc của chính quyền phường Khương Đình, các loại xe vẫn ngày đêm san đất lấn chiếm Đầm Hồng.

Cách đây hơn 4 tháng, khi VietNamNet phản ảnh về vấn đề Đầm Hồng đang bị lấn chiếm với chính quyền phường Khương Đình, chính ông Phạm Trí Tuệ (Chủ tịch UBND phường này) cho biết: Sẽ có biện pháp phân công lực lượng túc trực ban đêm để ngăn chặn xử lý những những đối tượng đổ đất lấn chiếm.

Thế nhưng những ngày gần đây, khi nhóm PV VietNamNet trở lại hiện trường đầm Hồng thì vẫn bắt gặp tình trạng lấp hồ lấn chiếm giữa ban ngày mà không thấy bị xử lý.

Chia hồ thành “ao” để kinh doanh

Tuyến đường kè vòng quanh Hồ Tây có chiều dài 17km, theo đó, diện tích lòng hồ sẽ được “bảo vệ” tuyệt đối bằng hệ thống đường kè. Tuy nhiên, hiện tại phía bên trong lòng hồ vẫn còn bị chia cắt bởi những “chiếc ao nhỏ” để kinh doanh cà phê và mở dịch vụ câu cá...

Mô tả ảnh.

Khu vực trồng sen (địa phận đình Quảng An) được “khoanh” riêng bằng một con đường đất, cắt Hồ Tây thành chiếc “ao con” khác.

Tại khu vực Hồ Tây thuộc địa bàn phường Quảng An, một quán cà phê lâu nay vẫn nằm ngạo nghễ giữa con đường đất được kè kiên cố bằng bê-tông, hai bên mép đã chia cắt Hồ Tây ở khúc này thành một chiếc "ao" nhỏ khác để mặc sức kinh doanh.

Một người dân sống ở khu vực này cho biết, trước đây chiếc “ao” này có tên là hồ Cá Đẻ - được nối thông với Hồ Tây bằng cửa cống rộng. Thế nhưng, đến nay bờ đất dọc theo quán cà phê này đã tách một phần Hồ Tây thành một chiếc… ao con.

Tình trạng “ngăn hồ thành ao” này cũng diễn ra tương tự tại khu vực địa phận đình Quảng An (phường Quảng An). Khu vực trồng sen trước đây được “khoanh” riêng bằng một con đường đất, cắt Hồ Tây thành chiếc “ao con” khác.

Mô tả ảnh.

Một quán cà phê lâu nay vẫn nằm ngạo nghễ giữa con đường đất được kè kiên cố bằng bê-tông, hai bên mép đã chia cắt Hồ Tây ở khúc này thành một chiếc "ao" nhỏ khác để mặc sức kinh doanh.

Tại đây, vài ba năm trước, một số người “khôn ngoan” đã xây một chiếc lầu bát giác rộng gần trăm mét vuông giữa hồ sen trước đình Quảng An, nằm liền kề khách sạn Công đoàn Quảng An. Nền móng bê tông cốt thép đã thành hình. Một chiếc cầu bán nguyệt đã được nối từ bờ hồ ra giữa ao sen.

Được biết, chính quyền phường Quảng An đã kịp thời ngăn chặn dự án dịch vụ giải trí hồ này lại, nhưng không hiểu vì lý do gì mà cho đến nay những tấm bê tông trơ lõi sắt vẫn nằm “trơ gan” chưa được cho tháo bỏ trả lại không gian phẳng lặng cho Hồ Tây.

Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Hồ Tây được thực hiện, những câu chuyện lùm xùm phát sinh xung quanh Hồ Tây vẫn còn vướng mắc cần phải được xử lý làm rõ.

Hồ thành bãi rác thải

Hồ Cầu Tình thuộc phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội, trước đây là một khu hồ rộng, thoáng đãng sạch sẽ, nhưng cùng với thời gian, hiện tại hồ chẳng khác một cái “ao tù” với nước thải của các hộ dân xung quanh đổ vào.

Một phần diện tích mặt hồ đã bị cây thủy sinh mọc lấp đầy, thậm chí cả rác của những hộ dân xung quanh thải ra bốc mùi nồng nặc.

Mô tả ảnh.

Hồ Cầu Tình không chỉ bị 139 hộ dân lấn chiếm mà còn trở thành hồ chứa nước thải bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Theo ghi nhận của PV VietNamNet, phía bờ bắc của hồ Cầu Tình dọc theo đường Ngọc Lâm hiện đang là nơi sinh sống của 139 hộ dân, phần lớn những hộ này ở trong những ngôi nhà tạm được lấn chiếm từ nhiều năm về trước.

Còn phía nam của hồ, một phần lớn diện tích đã được lấn kè đá làm đường và bãi đỗ xe của bến xe Gia Lâm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho hồ Cầu Tình đang bị thu nhỏ lại.

Một điểm chung ở đây là các ngôi nhà được xây thành nhiều cấp rồi cùng với thời gian lấn chiếm, những ngôi nhà này được giật cấp lấn dần về phía hồ.

Ông Hà Văn Tuấn, một người dân ở tổ 4, phường Gia Thuỵ, cho biết: Ở đây xung quanh hồ đều bị lấn chiếm hết. Dọc theo đường Ngọc Lâm hiện nay ít nhất mỗi hộ phải lấn ra hồ khoảng 6m, còn phía bên đối diện đường Ngọc Lâm thì cũng bị lấn chiếm làm nhà san sát mới được kè khoảng gần 2 năm nay.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.

Phía nam của hồ, một phần lớn diện tích đã được lấn kè đá làm đường (ảnh trái) và bãi đỗ xe của bến xe Gia Lâm (ảnh phải). Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho hồ Cầu Tình ngày đang bị thu nhỏ lại.

Trên bản đồ quy hoạch năm 1997, diện tích ban đầu của hồ Cầu Tình là 39.391m2. Tuy nhiên, theo những người dân sống ven hồ Cầu Tình cho biết thì diện tích của hồ chỉ còn rất nhỏ.

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, một người dân sống gần hồ Cầu Tình, cho biết: “Trước kia chưa được kè hồ rất rộng, nhưng sau khi kè thì diện tích hồ bị thu hẹp lại rất nhiều. Hiện tại diện tích hồ chỉ còn khoảng 40% so với diện thích gốc của hồ”.

Năm 2004 khi UBND phường Gia Thụy tiếp nhận lại hồ Cầu Tình, lãnh đạo phường cũng hết sức bối rối trước những vấn đề có "tính lịch sử để lại", mặc dù đã có dự án của UBND quận Long Biên cho kè đá và xây dựng rãnh thoát nước cho hồ từ năm 1997.

Ông Đặng Trần Phú, Phó Chủ tịch UBND phường Gia Thụy cho biết: Về cơ bản hiện tượng lấn chiếm hồ Cầu Tình phường quản lý được kể từ khi tiếp nhận từ xã Gia Thụy và thị trấn Gia Lâm. Nhưng khi được hỏi về việc phường có biết các hộ lấn chiếm hồ sao không xử lý thì ông Phú lại không trả lời được.

Lấn hồ làm bãi trông xe, kinh doanh vật liệu xây dựng…

Mấy năm trở lại đây, hồ Hào Nam (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) đang bị lấn chiếm không thương tiếc. Xung quanh hồ, các hộ dân ngang nhiên lấn chiếm xây nhà, làm nhà xưởng sản xuất kinh doanh...

Mô tả ảnh.

Những ngôi nhà cao tầng lấn đất hồ không hiểu được cơ quan nào cấp phép xây dựng lên trong nhiều năm qua để rồi phải tháo dỡ khi dự án đường Giảng Võ - Giang Văn Minh đi qua.

Dọc theo ven hồ đường Cát Linh kéo dài, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, tất cả đều là diện tích đất của lòng hồ Hào Nam bị lấn chiếm được chính quyền làm ngơ để họ xây nhà.

Đặc biệt, sau nhiều năm, hồ thành nơi chứa phế thải VLXD thì nay phần đất ven hồ dọc theo đường Vũ Thạch đã được chính quyền phường Ô Chợ Dừa đồng ý cho HTX Hào Nam “tận dụng” đứng ra làm bãi trông giữ xe ô tô, xe máy.

Mô tả ảnh.

Hồ Hào Nam đang được biến thành bãi trông giữ xe. Điều đáng nói trước bãi giữ xe có treo tấm biển UBND phường trông xe ô tô 24/24 (Trong đó chữ UBNDP được viết rất mờ nằm trên góc phải tấm biển. PV).

Theo ghi nhận của nhóm PV VietNamNet, hiện tại bãi trông giữ xe này có diện tích khoảng hơn 500m2 đã được bao bọc hàn rào thép xung quanh để nhận trông giữ xe 24/24. Theo nhiều người dân cho biết thì toàn bộ diện thích bãi trông xe nay 2 năm về trước chính là diện tích hồ Hào Nam đã được lấn chiếm mà thành.

Cạnh bãi trông xe này còn có thêm một phần diện tích cũng được khoanh lại bằng thép B40 dùng để bán vật liệu xây dựng gồm cát, sỏi đứng tên “Thịnh Hằng”.

Bằng nhiều thủ đoạn lấn chiếm lòng hồ, nhiều con hồ ở Hà Nội đang rơi vào tình cảnh “hấp hối” kêu cứu. VietNamNet sẽ lần lượt có những điều tra về vấn nạn lấn hồ để đồng hành cùng những người có tâm huyết bảo vệ “những lá phổi xanh” của Thủ đô.

  • Nhóm PV Điều tra
,
,