,
221
451
Phóng sự
phongsu
/psks/phongsu/
498054
Kỳ II: Rối ren Diện chẩn, thực hư "Việt Y đạo"
1
Article
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
,

Kỳ II: Rối ren Diện chẩn, thực hư 'Việt Y đạo'

Cập nhật lúc 14:38, Thứ Sáu, 13/08/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Hành nghề "chui", những người sáng lập Diện chẩn đang tranh cãi bản quyền; hàng nghìn người ngơ ngác nên tin theo hay không... "Việt Y đạo" hư nhiều hơn thực?

Diện chẩn giữa Hà thành

Cháu ông Kỳ cũng làm Diện chẩn.

Vừa đến số 4 phố Thể Giao, hỏi vào nhà ông Phan Xuân Quyên để xin chữa trị bằng "bấm huyệt", chúng tôi đã bị "giội một gáo nước lạnh": Người của cửa hàng thuốc Đông y ngay cạnh đó tiết lộ: "Nhà đó vừa bị ngành y tế nhắc nhở xong đấy. Muốn biết rõ, cứ lên Sở Y tế Hà Nội hay Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng là ra ngay..."

Chị Vọng Hương, Trưởng Ban Thanh tra, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng có thông tin cho chúng tôi ngay sau buổi họp giao ban có đề cập đến địa chỉ số 4 Thể Giao. Chị Hương cho biết: "Thanh tra của Trung tâm đã đến đến kiểm tra và lập biên bản địa chỉ này. Bà Phương đã ký vào cam kết sẽ không tiếp tục hành nghề..."

Chúng tôi tìm đến nhà ông Quyên một lần nữa. Ông không có nhà nhưng vợ ông là bà Phương đang ngồi bấm huyệt, lăn đôi cào gai khắp mặt một bệnh nhân cao tuổi. Một bệnh nhân nữ khác ngồi chờ tới lượt. Tôi được gọi vào chữa bệnh cận thị. Bà Phương khẳng định: "Em chữa cận thị ở đây, 3,5 đi-ốp không chắc chắn có thể bỏ kính ngay được nhưng đảm bảo chỉ có... giảm mà không có tăng". Để tôi thêm tin tưởng, bà Phương lấy ra một cuốn sách photocopy mỏng, đọc cho nghe bài thơ lục bát của một người mẹ có con đã được chữa khỏi mắt cận 2 đi-ốp. Có vẻ như vẫn chưa tin vào chính phương pháp chữa bệnh của mình nên bà Phương còn bảo "chữa là một chuyện, nhưng có khỏi hay không còn phụ thuộc vào cái duyên, cái số (!)".

Hai vợ chồng Ông Quyên, bà Phương và con gái hiện vẫn đang dùng "Diện chẩn điều khiển liệu pháp" để chữa bệnh tại nhà cho khá nhiều khách. Không những thế, địa chỉ này còn là "trung tâm chữa bệnh không dùng thuốc", nơi bán dụng cụ Diện chẩn của toàn khu vực phía Bắc. Chỉ mấy ngày trước khi chúng tôi đến đây, ông Quyên cho biết, những người hành nghề Diện chẩn khu vực phía Bắc đã họp mặt ở nhà ông. Ông khuyên tôi, nếu muốn chữa bệnh viêm khớp thì cứ đến, sẽ được chữa khỏi, chi phí tuỳ tâm. Nếu muốn ông dạy nghề cho luôn để tự chữa trị. Hiện tại ông Quyên đã tổ chức dạy diện chẩn đến khoá 11, mỗi khoá ba tháng, học vào sáng Chủ nhật. Hỏi đến xuất xứ của Diện chẩn, ông cho biết do "thầy" Bùi Quốc Châu sáng tạo ra, có nguồn gốc từ Kinh dịch. Nhưng khi hỏi, cơ sở của ông có giấy phép hoạt động chưa thì ông Quyên... ngắc ngứ.

Tranh cãi bản quyền vì y đạo hay vì "chìa khoá vạn năng"?

"Đồ nghề" và sách vở của Diện chẩn điều khiển liệu pháp.

Theo lời những người đang hành nghề chữa bệnh bằng Diện chẩn, ông Bùi Quốc Châu - người sáng lập ra Diện chẩn - đã được công nhận bằng Tiến sĩ danh dự tại một trường ĐH ở Srilanca. Để tìm hiểu rõ hơn về "Diện chẩn điều khiển liệu pháp", chúng tôi đã tìm đến ông. Ông Châu nói, hiện nay đã có gần một vạn người theo học phương pháp này. Cơ sở chữa bệnh của ông (ở Phạm Ngọc Thạch, quận Phú Nhuận) đón trung bình 100 bệnh nhân mỗi ngày. Trong khi nhiều người đang hành nghề Diện chẩn coi đây là "thần y" thì ông Châu nói: "Phương pháp này chủ yếu chữa trị những bệnh về rối loạn chức năng. Có những bệnh chữa nhanh hơn uống thuốc và có trường hợp bớt nhiều trường hợp bớt ít. Ví dụ cận thị 5 đi-ốp thì khó chữa khỏi nhưng 3 đi-ốp thì có thể điều trị được".

Một thông tin khá tế nhị nhưng ông Châu đã tiết lộ với chúng tôi đầy vẻ bức xúc - về chính học trò của mình - ông Trần Dũng Thắng, gần 80 tuổi. "Ông Thắng đã vi phạm tác quyền. Sách Diện chẩn do tôi viết, nhưng ông ta đã đem in tùm lum sang tiếng Trung, đàng hoàng đứng tên Trần Dũng Thắng. Mọi bằng chứng tôi đều có trong tay đây, đủ cả, quay phim, ghi âm...". Ông Châu nói thêm, "chính tôi mới là người sáng lập ra "Diện chẩn điều khiển liệu pháp". Bây giờ phương pháp này không chỉ dừng lại ở các huyệt trên mặt mà tôi đã tìm ra các huyệt trên toàn cơ thể".

Nói chuyện với PV VietNamNet, ông Thắng kể quá trình hình thành phương pháp chữa bệnh bằng Diện chẩn "do Bùi Quốc Châu phát minh" và cũng thừa nhận "ông Châu đang rất giận chuyện cuốn Chìa khoá vạn năng bản tiếng Trung in tên tôi". Tuy nhiên ông Thắng cho rằng đó là "lỗi của người dịch" vì đã in chữ "nguyên tác: Trần Dũng Thắng" ở ngoài bìa, chứ không phải do ông (!?).

Cũng tại quận Phú Nhuận, ông Trần Dũng Thắng có một cơ sở chữa bệnh tại gia. Ông và người con dùng Diện chẩn để chữa trị. Theo ông Thắng, cơ sở của ông có giấy phép hoạt động y dược do Phòng Y tế quận cung cấp. Tuy nhiên, ông cũng không giấu giếm: "Phương pháp chữa bệnh bằng bấm huyệt được gọi là "Diện chẩn điều khiển liệu pháp" chưa được Bộ Y tế công nhận cho dù nó được khai sinh từ tháng 3/1980. Cơ sở của ông Châu đã mấy lần bị phạt. Nếu muốn hoạt động phải núp dưới danh nghĩa này khác...". Có lẽ cũng vì không dám trưng biển điều trị bằng Diện chẩn, bấm huyệt nên cơ sở của ông Thắng đề biển là "Chuốc sơ cấp cứu - Hội chữ thập đỏ phường 12".

Diện chẩn sẽ là "đạo y của người Việt"?

Bảng huyệt thường dùng của "Diện chẩn điều khiển liệu pháp".

Trở lại chuyện ông Kỳ "bấm huyệt" ở Thái Bình. Theo ông đây là phương pháp chữa bệnh "thần diệu", ông tự "tầm sư học đạo chứ không phải đảng cử dân bầu". Ông Kỳ tin tưởng vào Diện chẩn nên trong nhà ông có treo trang trọng hai khung ảnh lớn, ông Bùi Quốc Châu bên trái, ông Trần Dũng Thắng bên phải. Không chỉ ông Kỳ mà tất cả những người hiện đang hành nghề chữa bệnh bằng phương pháp "lạ" này đều cho rằng diện chẩn có thể "biến bệnh nhân thành thầy thuốc", tức là người bệnh có thể học phương pháp này và tự chữa bệnh cho mình.

Về tài liệu của phương pháp này, ông Kỳ đưa chúng tôi xem các cuốn sách photocopy đều không có địa chỉ xuất bản. Ông Trần Dũng Thắng - người từng trực tiếp dạy ông Kỳ - cho biết, "số sách vở này bao gồm đồ hình (phản chiếu các bộ phận ngoại vi nội tạng trên cơ thể); tài liệu xác định các huyệt và tài liệu hướng dẫn chữa các bệnh thông thường".

Ông Thắng kết luận, "nhiều bệnh Đông y, Tây y bó tay thì Diện chẩn chữa được. Ví dụ bệnh viêm gan siêu vi C vốn chưa có thuốc đặc trị, nhưng Diện chẩn chữa tốt. Hay nhiều trường hợp viêm xoang, Tây y chịu thua, phải mổ xẻ để hút mủ, và nếu uống nhiều thuốc còn thêm bệnh, trí nhớ giảm, mắt mờ, bao tử loét... thì Diện chẩn chữa khỏi hoàn toàn...". Có lẽ vì quá đề cao Diện chẩn nên những người đang theo đuổi nó gọi đây là "Việt Y đạo", là niềm tự hào của Y dược Việt Nam...

Để trả lời câu hỏi liệu người dân có thể tin tưởng vào phương pháp chữa bệnh có vẻ như đang được người hành nghề tâng bốc quá đáng, phóng viên VietNamNet đã trao đổi với các cấp có thẩm quyền và nhà chuyên môn.

Tại Thái Bình, bà Hoàng Thị Ngát, Trưởng Bộ môn Mắt - ĐH Y Thái Bình hoàn toàn ngỡ ngàng khi chúng tôi nhắc đến "Diện chẩn điều khiển liệu pháp", chữa mắt cận bằng bấm huyệt. Bà Ngát nói: "Tôi chuyên khoa mắt nhưng chưa bao giờ nghe nói đến chuyện chữa cận thị bằng bấm huyệt. Cũng có nhiều bệnh nhân chữa bệnh bằng mọi phương pháp, kể cả phương pháp... đắp lá. Ban đầu họ nói là thấy đỡ, nhưng về sau đến đây khám thì có trường hợp mắt vẫn bệnh như chưa chữa, có trường hợp cận nặng gấp đôi!".

Vì coi là "Việt Y đạo" nên những người hành nghề chữa bệnh bằng Diện chẩn coi đây là phương pháp "không thuộc Đông y, không thuộc Tây y cũng không thuộc Y học cổ truyền" (!). Tuy nhiên, ông Lý Ngọc Kính, Vụ trưởng Vụ điều trị - Bộ Y tế, cho rằng đây thuộc lĩnh vực y học cổ truyền. Ông có lời khuyên cho người bệnh: "Cơ sở hành nghề bằng phương pháp này đều chưa được Bộ Y tế công nhận. Phương pháp này cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu một cách khoa học vì thế chưa có cơ sở để tin theo... ".

Hơn hai mươi năm ra đời, đã có rất nhiều người trên cả nước đến với Diện chẩn vì thế rất cần Bộ Y tế sớm có những kết luận chính thức để giải tỏa thắc mắc của người dân về phương pháp điều trị này.

Kỳ I: Chuyện lạ ở nhà ông Kỳ "bấm huyệt"

  • Bùi Dũng - Nguyễn Đình

,
,