,
221
781
Ký sự nhân vật
nhanvat
/psks/nhanvat/
837038
Mối tình của vị Trưởng ban tổ chức Ngày Độc lập
1
Article
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
,

Mối tình của vị Trưởng ban tổ chức Ngày Độc lập

Cập nhật lúc 07:17, Thứ Bảy, 02/09/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Nhiều người biết đến cái tên Nguyễn Hữu Đang như một nhân vật gắn với vụ “Nhân văn giai phẩm” của nửa cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước, nhưng không nhiều người biết rằng nhân vật này chính là người đảm nhận trách nhiệm là chỉ trong vài ngày phải tổ chức sự kiện mà ngày nay, hàng năm chúng ta đều làm lễ kỷ niệm trọng thể: Ngày Quốc khánh.

Sự kiện diễn ra vào ngày 2/9/1945 trên Quảng trường Ba Đình khi đó được gọi là “Ngày Độc lập”. Khi trao nhiệm vụ cho Nguyễn Hữu Đang, người đã được bầu vào Uỷ ban Giải phóng Dân tộc tại Quốc dân Đại hội Tân Trào và khi thành lập Chính phủ lâm thời, ông cũng là một thành viên nhưng phải sau Ngày Độc lập, ông mới được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Thanh niên, cụ Hồ căn dặn ý nghĩa của Ngày Độc lập là “sự kiện lịch sử lớn kết thúc Cách mạng tháng Tám và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.

Soạn: AM 515785 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945.
Sinh ra ở Thái Bình, khi 16 tuổi ông đã tham gia Học sinh Hội của tổ chức Việt Nam Thanh niên Đồng chí mà sau đó là Đông Dương Cộng sản Đảng. Cuối năm 1930, ông bị bắt rồi bị đưa ra toà án Thái Bình xét xử, nhưng vì chưa đến tuổi thành niên nên chỉ bị quản thúc tại quê nhà. Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Hữu Đang tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ (1936-1939) trên lĩnh vực báo chí.

Ông cộng tác cùng Trần Huy Liệu, Phan Bôi, Trường Chinh trên các tờ “Thời Báo”, ”Ngày Mới’, ”Đời Nay”... Ông rất năng động trong cuộc vận động Truyền bá Quốc ngữ cùng Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai trong Ban trị sự trung ương. Vì vậy, sau khi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (1943) ông luôn được phân công làm công tác trí thức vận và là một trong những người có trách nhiệm tập hợp lực lượng cho việc thành lập Hội Văn hoá Cứu quốc...

Ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Hữu Đang 32 tuổi. Ở cái tuổi “tam thập nhi lập” thuở ấy, lẽ thường đã phải yên bề gia thất, nhưng ông vẫn độc thân sau những năm tháng mải mê với những công việc xã hội.

Trong một hồi ức không rõ ông viết vào thời điểm nào mà bản thảo đã rơi vãi mất những trang đầu và đã ngả màu, Nguyễn Hữu Đang kể lại mối tình đầu với một thiếu nữ Hà Nội có tên là Huyền Nhiên “năm ấy mới 19 tuổi là con một gia đình thương nghiệp trung lưu sống theo nền nếp cổ truyền, chưa học hết bậc thành chung, phong cách thuỳ mị... không thích đua đòi” .

Ông tự sự: “Tôi đang ở lứa tuổi ba mươi, trẻ trung, năng động như một sinh viên, có thói phong lưu hình thức tuy nghèo... nhưng xu hướng lãng mạn trong con người tôi không nhỏ”. Là một người chỉ biết ngụp lặn trong các phong trào xã hội khiến ông chưa khi nào cảm thấy cô đơn vì “hoà mình vào những phong trào sôi nổi ở đây tôi được thương yêu giúp đỡ”. Nhưng khi gặp người con gái này, lần đầu tiên ông cảm nhận có một tình yêu đã đến.

Trong hồi ức, ông viết “Đối với tôi lúc ấy, sắc đẹp là tất cả, biết bấy nhiêu về Nhiên đã là thừa. Không cần biết gì về Nhiên mới đúng. Có ai lại ngớ ngẩn chỉ chú ý đến tài năng, đạo đức, học vấn, gia sản, lý lịch Hằng Nga, Tiên nữ bao giờ?... Nhớ lại ngày bắt đầu làm quen với văn học Pháp, đọc một cuốn sách của E. Renan, tôi phải lấy bút ghi một câu nói sắc đẹp của phụ nữ là ân huệ lớn mà Thượng đế ban cho loài người, chúng ta có nghĩa vụ kính trọng người phụ nữ đẹp.

Không theo sách mà theo lòng mình, tôi kính trọng Huyền Nhiên có lẽ còn quá ý muốn của nhà học giả lão thành, tới mức yêu nhau nửa năm trờ tôi chưa từng dám chạm vào thân thể Huyền Nhiên, dù chỉ cầm tay cũng đã coi là xúc phạm. Còn nói chi đến ôm hôn...” Hồi ức còn viết rất nhiều, bằng những lời lẽ mà chỉ đọc vẫn nhận ra tình cảm rất nồng nàn của người viết sau nửa thế kỷ đầy những truân chuyên.

Soạn: AM 883613 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Các thành viên Ban tổ chức Ngày Độc lập.

Cuối cùng, như lời ông kể, vị Trưởng ban Tổ chức Ngày Độc lập cũng quyết định phải thổ lộ với người mình yêu bằng việc tặng cho nàng một chiếc vòng tay bằng bạc như một giao ước kết hôn.

Người con gái yêu kiều đã đáp lại bằng một nụ cười khiến “tôi hồi hộp chờ cái thời điểm thần tiên diễn ra theo tưởng tượng của mình từ hôm mua bộ vòng: nàng từ từ chìa cổ tay ngà ngọc cho tôi luồn bộ vòng vào và tôi mạnh bạo những lễ phép đặt môi hôn vào cả bộ vòng lẫn chỗ cổ tay đeo vòng trong khi Nhiên nín thở má ửng hồng, mắt nhắm lại, rưng rưng ngấn lệ...” Nhưng rồi sự việc đã không diễn ra theo trí tưởng tượng của chàng trai si tình.

Nàng đã đặt chiếc vòng cầu hôn vào hộp, nói những lời cam kết là sẽ yêu chàng suốt đời, sẽ đến lúc thành hôn, sẽ chúng sống với nhau trọn đời... nhưng với một điều ước muốn. Chàng đáp lại bằng một lời quả quyết rằng nếu cần chặt đứt một bàn tay... chàng cũng chặt. Căn vặn mãi, cuối cùng người đẹp chỉ có một yêu cầu:

”Thế này, anh Đang ạ, em chỉ ước ao được đến gặp Cụ Hồ, được đứng gần Cụ. Mà anh thì đến chỗ Cụ luôn, anh cho em đến chỗ Cụ một lần, chỉ một lần thôi”.

Tuy công việc đang làm khiến vị Thứ trưởng Thanh niên có nhiều cơ hội gặp Cụ Chủ tịch nước, nhưng ông cũng e ngại vì không muốn lẫn lộn việc công tư. Nhưng tình yêu đã giúp ông thực hiện được một cách mỹ mãn ý nguyện của người mình yêu. Đó là vào dịp, một nhà tư sản yêu nước ở tỉnh Bắc Giang tên là Ngô Tiến Cảnh từng quen biết trong thời kỳ tham gia chống thất học, lúc bấy giờ đang làm Chủ tịch cuộc vận động “Mùa Đông binh sĩ”.

Cuộc vận động này từng được Cụ Hồ phát động nhằm cung cấp trang phục cho lực lượng vũ trang cách mạng mới được thành lập còn nhiều thiếu thốn. Cuộc vận động đã làm được 1 vạn chiếc áo trấn thủ và còn có khả năng làm thêm được 1 vạn chiếc nữa. Nhân dân rất phấn khởi hưởng ứng, nhưng để mở rộng cuộc vận động, ông Cảnh muốn được gặp Cụ Hồ để báo cáo tình hình và có ý định trao tặng tượng trưng tấm áo cho người đã đề xướng để cổ vũ cho cuộc vận động.

Nhà tư sản nhờ ông Thứ trưởng quen biết đề đạt, và Cụ Hồ tỏ lòng sẵn sàng tiếp một đoàn đại biểu “Mùa Đông binh sĩ”. Thế là ông Đang mượn dịp này bàn với ông Cảnh những nghi thức của buổi tiếp, để thêm phần trang trọng khi tặng áo cho cụ Chủ tịch nước, sẽ có một thiếu nữ bưng một cái khay trên đó đặt tấm áo được trao . Ông Đang hứa sẽ tìm người giúp ông Cảnh làm công việc đó và đương nhiên người đó chính là cô thiếu nữ Hà thành đang mong ước được gặp Cụ Hồ. Nhất cử lưỡng tiện. Cuộc gặp được kể lại:

“Tới ngày giờ Cụ Hồ hẹn, tôi dùng xe hơi đưa Nhiên đến trụ sở “Mùa Đông binh sĩ” rồi đến Bắc Bộ phủ. Cụ Hồ ra phòng khách lớn tiếp đoàn đại biểu trong đó có cả Huyền Nhiên đứng cạnh ông Cảnh, tay bưng sẵn chiếc khay trên đó một áo trấn thủ. Ông Cảnh nói đến câu “...xin kính biếu Chủ tịch tấm áo trấn thủ đầu tiên may được...“ thì Nhiên bước nhanh đến sát Cụ Hồ, khây nâng ngang mặt dáng điệu uyển chuyển cung kính. Cụ cầm áo xem xét kỹ, khen “tốt lắm!”, rồi đưa cho Vũ Đình Huỳnh giữ.

Với phong cách quen thuộc, ý tứ khuôn mẫu và lời lẽ cân nhắc, cụ nói chuyện với đoàn đại biểu có vẻ tự nhiên cởi mở. Rồi như thường lệ, cụ không quên cử chỉ quan tâm đến ngưồi con gái vừa dâng áo, hãy còn cầm khay đứng đó... Ông Cụ đặt bàn tay lên đầu Nhiên vỗ vỗ nhẹ mái tóc uốn, nói dịu dàng:

“Cháu mang đến cho bác áo chống rét, quà quý của Uỷ ban Mùa Đông binh sĩ, bác cảm ơn cháu. Cháu sẽ rủ các bạn của cháu cùng với cháu giúp các chiến sĩ bộ đội nhiều hơn giúp bác, đem lại cho họ những món quà tỏ tình thương yêu của đồng bào. Cháu làm được không?”

Tất cả mọi người có mặt đều đổ dồn sự chú ý vào Nhiên và chờ cô đáp lại. Phần vì cảm động quá, phần vì chẳng biết trả lời thế nào, Nhiên e lệ cúi mặt nói yếu ớt tiếng run run như sắp khóc “vâng”. Ông Cụ cười độ lượng, khuyên nhủ ngọt ngào: ”Phụ nữ thời cách mạng phải mạnh bạo. Có mạnh bạo mới đấu tranh được”.

Hồi ức kể lại niềm sung sướng và hạnh phúc của Nguyễn Hữu Đang khi thấy món quà cầu hôn của mình đã “lấp lánh trên cổ tay Nhiên, hằng ngày thầm lặng khẳng định sự hoà hợp của hai tâm hồn”.

Niềm hạnh phúc ấy cổ vũ ông lao vào công việc lúc đó là chuẩn bị cho Hội nghị Văn hoá toàn quốc. Nhưng đến ngày hội nghị khai mạc thì cũng là ngày “Võ Nguyên Giáp đến dự với Cụ Hồ rỉ tai tôi: ”Pháp đã đánh Hải Phòng hôm qua. Nên rút ngắn chương trình, tạm hoãn thảo luận các vấn đề cho đến ngày họp lại được. Bảo quản tài liệu. Duy trì liên lạc”.

Ít lâu sau, chiến tranh bùng bổ trên cả nước. Người thiếu nữ đã đính hôn của Nguyễn Hữu Đang phải theo gia đình tản cư khỏi Hà Nội. Trước khi đi, nàng nhờ người gửi cho người đàn ông của mình chiếc xe đạp mà nàng thường vẫn đi và những dòng thư đầy chất lãng mạn của thời chiến “Anh sẽ dùng chiếc xe xấu xí này như Quan Vân Trường dùng con ngựa xích thố và mỗi khi ngồi trên xe, anh hãy coi như có em ngồi sau lưng”.

...Năm 1948, từ khu vực Hà Nội quân Pháp đánh rộng ra các tỉnh xung quanh, càn quét liên miên hai bên các trục đường giao thông lớn. Gia đình Nhiên vẫn tản cư, không chịu nổi gian khổ phải trở về Hà Nội. Không thể một mình ở lại vùng tự di, Nhiên đành theo gia đình. Từ đấy tôi không còn dịp nào gặp lại Nhiên. Chia ly do biến cố lịch sử, chúng tôi làm sao tránh được?”.

...Năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ đưa đến Hiệp định Geneva, giải phóng miền Bắc. Tôi trở về Hà Nội, trong toà soạn báo “Văn Nghệ”, có ý định tranh thủ điều kiện hoà bình lập gia đình để bình thường hoá cuộc sống. Nhưng rồi tôi phải trải qua hoàn cảnh khó khăn, ác nghiệt đến chẳng những không thể mơ tưởng cái hạnh phúc nhỏ nhất với “hai trái tim và một túp lều tranh” mà ngay cả cái thế giới xung quanh cũng trở nên hoang vắng... Dường như không cố ý, tôi thờ ơ với một Huyền Nhiên thông thường ấy để thuỷ chung với một Huyền Nhiên kiều diễm đã trở thành Giáng Tiên ẩn hiện trong nội tâm, không lệ thuộc xã hội, không có tuổi, không bao giờ chết”.

*
*                 *

Mùa thu này, Nguyễn Hữu Đang đã 93 tuổi. Cụ vẫn sống độc thân cùng một người cháu. Bây giờ thì Cụ không nói được nữa, không nghe thấy gì. Bộ mặt với những vết hằn khắc khổ của thời gian lại chứa đựng một vẻ hiền lành như trẻ thơ. Cụ nhận mặt người quen bằng một nụ cười mỉm, gặp người thân thì nụ cười nở hơn.

Dường như con người đương sống ấy đã thuộc về quá khứ cho dù trong lời viết cuối bản tự thuật của mình viết khi còn viết được, cụ viết: ”Tháng 11/1992 đông đảo anh em văn nghệ sĩ tổ chức mừng thọ tám mươi. Thời gian sống thêm: cầu bình yên trong cảnh thanh bần, tìm an ủi trong tình cảm của những người thân quen, hưởng thú vui trong thái độ sống để xem” (3 chữ cuối cụ viết bằng chữ in hoa) .

Ngày ngày Cụ vẫn ngồi đăm chiêu, và thi thoảng liếc nhìn một tấm ảnh. Đó là chân dung của chính mình. Những ít ai biết rằng, kẹp đằng sau tấm hình của Cụ là tấm hình người thiếu nữ của mối tình duy nhất. Cụ ít cho ai xem vì lẽ không muốn làm tổn hại đến hạnh phúc của ai.

Viết lại câu chuyện tình của Nguyễn Hữu Đang tôi không chỉ có ý định nhân đấy ôn lại một vài sự kiện lịch sử thời Cách mạng huy hoàng mà Nguyễn Hữu Đang là một “người trong cuộc” mà còn muốn gợi lại cho người đọc hôm nay, nhất là các bạn trẻ biết đến một thế hệ đã sống, đã yêu, đã lãng mạn và đã cống hiến một cách sôi nổi tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp chung, đôi khi phải chấp nhận cả những mất mát không chỉ với tình yêu mà đôi khi còn cả sự nghiệp. Cái bi có thể thuộc về những số phận cụ thể còn cái hùng thường thuộc về toàn thể. Cuộc cách mạng nào chẳng có lẽ thường này.

  • Dương Trung Quốc
    9/2006

,
,