,
221
781
Ký sự nhân vật
nhanvat
/psks/nhanvat/
532394
Trò chuyện với "Mảnh gạch vỡ của hoàng thành Thăng Long"
1
Article
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
,

Trò chuyện với 'Mảnh gạch vỡ của hoàng thành Thăng Long'

Cập nhật lúc 16:29, Thứ Tư, 13/10/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Trong ký ức của nhà toán học, tiến sĩ Đỗ Long Vân, cha mình - nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện là một kẻ sĩ, một doanh nhân lịch lãm; và mẹ - nhà  cách mạng Trịnh Thị Điền - là người phụ nữ mẫu mực. Của cải vô giá mà ông thừa hưởng được ở cha mẹ mình là tấm gương sáng về sự trung thực, là sự  hi sinh hết tất cả những gì mình có vì số đông...

 
Soạn: AM 170579 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Ông Đỗ Long Vân trước bàn thờ cha mẹ.
Chúng tôi đến ngôi nhà 76 Nguyễn Du - biệt thự đẹp, sang trọng và rộng rãi bên hồ Hale (Hà Nội) - vào ngày 10/10/2004, sau khi tiến sĩ Đỗ Long Vân vừa đi dự cuộc gặp gỡ một số doanh nhân tiêu biểu - do Câu lạc bộ Doanh nghiệp tổ chức - trở về.

Cậu bé 5 tuổi ngày nào ở đồn điền Chinê (Hoà Bình) sáng sáng nín thở chờ đợi cha mẹ từ nội thành trở ra nay đã trở thành ông nội. Hiện người con trai của ông - cháu nội  nhà tư sản Đỗ Đình Thiện  - đang ở Bỉ để làm luận án tiến sĩ. Ngôi nhà 76 Nguyễn Du qua bao thăng trầm của lịch sử, qua thời gian, vẫn giữ được vẻ thanh lịch, sang trọng và ấm cúng.

"Trong buổi gặp gỡ hôm nay - (cuộc gặp gỡ của các thế hệ doanh nhân - TG), tôi được mời với tư cách đại diện cho các cụ - doanh nhân yêu nước đầu thế kỷ trước. Không hiểu sao, ngồi giữa những doanh nhân của hiện tại, tôi cứ cảm giác mình giống như mảnh gạch vỡ của Hoàng thành Thăng Long. Những thăng trầm của lịch sử, những định kiến của  thời cuộc, những mất mát do chiến tranh, và thời gian... đã khiến cho những giá trị đôi khi bị vỡ nát, bị vùi sâu dưới lòng đất; và rồi lại được tôn vinh nhờ đổi mới, nhờ mở cửa. Dẫu sao, nghĩ tới cha mẹ mình, tôi rất kiêu hãnh. Sự kiêu hãnh xen lẫn xót xa" - ông tâm sự.

...Gia tộc Đỗ Đình Thiện rất nổi tiếng ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ trước. Cụ ông Đỗ Đình Thiện khi còn đang là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Canh nông đã vì tham gia tổ chức cách mạng mà bị trục xuất khỏi nước Pháp; cụ bà Trịnh Thị Điền là cán bộ hoạt động bí mật từ những năm ba mươi của thế kỷ trước, lại trở thành nhà đại tư sản những năm 40. Căn nhà 54 Hàng Gai của hai cụ trước đây là nơi đi lại của những lãnh tụ cách mạng như Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Nguyễn Tạo... Sau thời đầu của chính quyền cách mạng, nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng nơi đây để tiếp khách nước ngoài và những nhân sĩ trí thức như cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Đỗ Đình Thiện từng là một trong hai người tháp tùng Bác Hồ trong chuyến ngoại giao đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Fontainebleau (Pháp) từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1946. Là thư ký riêng, ông đã có một cuốn nhật ký tỉ mỉ về hành trình, làm việc của Bác tại nước Pháp trong chuyến đi đó. Gia đình hai cụ Đỗ Đình Thiện và Trịnh Thị Điền là một cơ sở tài chính lớn của Đảng và Chính phủ trước và sau ngày nắm chính quyền. Đã từng có chuyện khi ngân quỹ của Đảng chỉ còn 24 đồng bạc thì cụ bà Trịnh Thị Điền đã đưa cho ông Nguyễn Lương Bằng 3 vạn đồng để "các đồng chí hoạt động".

Trong Tuần lễ vàng và Quỹ Độc Lập, gia đình này đã đóng góp đến gần chục kilogram vàng, là người đóng góp gần nửa cổ phần của Việt Nam công thương Ngân hàng. Đồn điền Chinê (Nông trường Sông Bôi - Hòa Bình bây giờ- TG) của các cụ mua với giá 2000 lạng vàng thời đó cũng được đặt làm cơ sở in tiền đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nơi đây, còn có nhiều nhà máy, cơ sở của Chính phủ đặt cơ sở trong những năm đầu của cuộc kháng chiến. Trong cuốn "Nhật ký của một bộ trưởng" của nguyên Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến, có nhiều lần nhắc đến gia đình hai cụ Đỗ Đình Thiện với những đóng góp hết sức to lớn cho Chính phủ kháng chiến.

Đặc biệt, nhắc đến vụ oanh tạc của máy bay Pháp tại Chinê này 24/2/1947, nhật ký bộ trưởng Lê Văn Hiến đã ghi những dòng hết sức xúc động: "25/2/1947. Cho làm tờ tường trình về vụ oanh tạc. Số thiệt hại về người và máy móc thì không có gì nhưng về vật liệu trong đó thì cũng khá quan trọng, kể cũng đến non hai triệu đồng, trong đó có sở gần 1 triệu vì sự sơ suất của 1 nhân viên, hai vựa cà phê của ông Đỗ Đình Thiện bị tiêu ra tro, cháy trong 1 tuần lễ vẫn chưa tắt. Trong cuộc kháng chiến này, sự hi sinh của gia đình Đỗ Đình Thiện đối với quốc gia rất lớn, một sự nghiệp to tiêu tan không mấy chốc".

Gia đình Đỗ Đình Thiện là trong số những người Hà Nội đầu tiên đi kháng chiến; để lại hai ngôi nhà, một nhà máy và rất nhiều của cải; đi theo Cách mạng và Cụ Hồ cho đến ngày Điện Biên Phủ toàn thắng. Hòa bình về, gia đình họ cũng chỉ là những lương dân bình thường, thậm chí cụ ông còn không hưởng lương cho đến khi mất, năm 1972...

...Với chúng tôi, Giáo sư tiến sĩ toán học Đỗ Long Vân - người con trai út của hai cụ Đỗ Đình Thiện và Trịnh Thị Điền đã trở thành chỗ thân tình. Vì thế, phần nào chúng tôi có thể chia sẻ với ông những cảm xúc về hai cụ thân sinh...

- Việc chia tay Hà Nội lên sống ở chiến khu của gia đình ông năm 1946 diễn ra như thế nào?

- Năm 1946, tôi mới 5 tuổi, nhưng vẫn còn nhớ khung cảnh của Hà Nội những ngày sắp sửa kháng chiến chống thực dân Pháp. Lúc đó, bố tôi là Phó chủ tịch ủy ban kháng chiến khu Hoàn Kiếm, ông nói với mẹ: "Lúc này nhiều người nhìn vào mình, mình đi tản cư thì ai ở lại kháng chiến". Bốn chị em tôi được gửi ra Vân Đình, còn bố mẹ thì ở lại. Trên gác ba của nhà tôi trước nổ súng đã có sẵn vài chục khẩu súng và vài chục quả lựu đạn.

Mẹ tôi làm cứu thương, hằng ngày đi tới các cửa hàng người ta đã bỏ đi tản cư, nhặt nhạnh thuốc, gạo cho tự vệ. Lúc ấy các nhà ở phố đã được đục tường thông nhau... Nhưng rồi ta đã không giữ được Hà Nội. Sau mười ngày chiến đấu, bố mẹ tôi đưa một đoàn 300 người đi ra ngoại thành.

Cụ Đỗ Đình Thiện (tại Paris, 1946)

Bố mẹ tôi kể, đêm 29/12/1946, lúc đi qua gầm cầu Long Biên, đèn pha của địch rọi xuống và vài loạt súng nổ vu vơ, mọi người phải nằm rạp xuống. Bố mẹ tôi đã bảo nhau: "Cố sống lấy một người để nuôi con". Đêm đó, bốn chị em chúng tôi (chị lớn 13 tuổi) đứng trên bờ đê nhìn về bầu trời Hà Nội đỏ rực, lòng vô cùng lo lắng. Rồi các cụ cũng về được Vân Đình, đón các con lên đồn Chi Nê của gia đình. Nơi đây lại trở thành trạm trung chuyển cho cán bộ từ đồng bằng lên Việt Bắc; ở đây còn có cả nhà máy in tiền của Chính phủ. Cơ sở bị lộ, Pháp ném bom, gia đình tôi lại chuyển lên Việt Bắc.

- Nhật ký của bộ trưởng Lê Văn Hiến cũng nhiều lần nhắc đến đồn điền Chinê với rất nhiều ký ức của Chính phủ Cách mạng những ngày đầu kháng chiến, trong đó có ghi nhớ công lao và kỷ niệm với gia đình nhà tư sản Đỗ Đình Thiện? Sau này, ông có dịp nào trở lại nơi này không?

- Tôi vẫn nhớ rõ buổi sáng chia tay với đồn điền Chinê để lên Việt Bắc năm 1947. Hôm đó - tinh mơ, thật đẹp và đượm buồn dù tôi còn bé tí, lòng không khỏi nao nao, khi sắp phải rời xa (có thể nói là vĩnh viễn) với một nơi gắn bó với những kỷ niệm ấu thơ của mình.

Thực sự, đồn điền Chinê rất đẹp. Tôi đã về thăm lại sau 52 năm xa cách. Tôi có gặp lại 4 người giúp việc cho gia đình khi xưa. Họ đã già, gặp lại người cũ họ rất quyến luyến. Tôi còn gặp một người dân đã từng đặt tên con theo tên cha tôi vì kính trọng quý mến nhà tư sản Đỗ Đình Thiện. 

Tôi vẫn coi Chinê là một kỷ niệm thiêng liêng của gia đình một thời đã qua.

- Hoàn cảnh gian khổi của  cuộc kháng chiến chống Pháp có làm cho những đứa trẻ... tư sản như ông hồi đó khó khăn nhập cuộc lắm không?

- Thực ra thì dù mang tiếng giàu có nhưng gia đình tôi cũng sống một cách giản dị thôi. Và những ngày ở chiến khu Việt Bắc, gia đình chúng tôi đã có cuộc sống hết sức vui vẻ dù  thiếu thốn. Có nhiều bữa, chỉ có măng tươi chấm muối mà vẫn vui, vẫn vượt qua. Cha tôi là người thông minh, hài hước, biết tạo niềm vui cho mình và những người xung quanh... Cha tôi đã đem đến cho chúng tôi cảm giác và niềm tin: cuộc kháng chiến chống Pháp đẹp như 1 bài thơ.

- Ông có thể kể về câu chuyện "ngôi nhà xưa" ở 76 Nguyễn Du?

- Ngôi nhà 76 Nguyễn Du này, bố mẹ tôi mua năm 1946, chưa kịp ở  thì bỏ đi theo kháng chiến luôn. Trong 9  năm  một gia đình người Pháp đã sinh sống ở đây. Năm 1954, mẹ tôi sau khi làm công việc tiếp quản khu đấu xảo (Cung Văn hoá hữu nghị Việt Xô bây giờ) có ghé qua "xem nhà mình thế nào?". Ở đây, cụ bà đã gặp một người bồi của Pháp. Anh ta được chủ Pháp dặn lại: "Chủ của nhà này đi kháng chiến, anh ở lại trông coi, đợi người ta về giao lại".

Cha mẹ tôi đã nhường nửa nhà cho mấy cơ quan ở nhờ. Năm 1972, đồng chí Lê Duẩn biết chuyện, ra lệnh cho cấp dưới: "Phải trả lại nhà cho anh chị Thiện. Anh chị tham gia Cách mạng từ những ngày đầu. Đảng và Chính Phủ thiếu thì thiếu nhiều chứ không thiếu chừng ấy mà phải tận dụng nhà của anh chị ấy".

Cũng vẫn còn một số phòng ở tầng 1, đến năm ngoái đây, mới được "giải phóng" và trao trả nốt

- Thưa tiến sĩ, hai cụ thân sinh ra ông là một trường hợp đặc biệt: tham gia tổ chức cách mạng, rồi lại trở thành nhà đại tư sản - sau đó lại rũ bỏ tất cả để đi theo kháng chiến - nghe qua có vẻ như mâu thuẫn... Là người rất thấu hiểu cha mẹ mình, ông có thể lý giải?

-  Thực chất thì cũng không có gì là mâu thuẫn, các cụ nhà tôi là thanh niên yêu nước những năm ba mươi, những năm đó trong đa số những người dân Việt đều sục sôi một ý chí tìm đường cứu nước. Như một lẽ tự nhiên, họ tìm đến với các tổ chức cộng sản. Nhưng trong hoàn cảnh cụ thể, các cụ nhận ra một điều: hoạt động cách mạng cũng rất cần tiền.

Bà Trịnh Thị Điền (chụp tại Sài Gòn, 1937)

Mẹ tôi đã từng mở quán cơm tại Hải Phòng để làm cơ sở hoạt động, đã từng chứng kiến những đồng chí của mình vì thiếu tiền hoạt động mà trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, phải rơi vào tay địch. Hơn nữa, sau khi bị tù ra, bị quản thúc chặt chẽ, cụ không thể tham gia cách mạng một cách trực tiếp thì lo làm ăn để có tiền cho các đồng chí mình hoạt động. Cái cốt lõi là người yêu nước, cách mạng, nên mặc dù đã là những người rất mực giàu có, danh tiếng, họ lại sẵn sàng hy sinh những gì mình có để vì hạnh phúc số đông.

Nói ra thì có vẻ dễ nhưng làm thật không dễ. Với một tài sản đến 5-7 ngàn lạng vàng, bỗng chốc rũ bỏ hết để đeo ba lô đi kháng chiến? Tôi nghĩ rằng những điều bố mẹ tôi đã làm ngoài tinh thần cách mạng ra còn vì lòng yêu kính đối với Bác Hồ. Bác Hồ đã quy tập được tâm phúc của mọi thành phần dưới ngọn cờ độc lập dân tộc, trong đó có bố mẹ tôi.

- Không còn của cải, các cụ đã để lại những gì cho ông có thể nói là đáng giá?

- Chúng tôi lớn lên trong một gia đình mà chính cuộc đời bố mẹ là một tấm gương sáng. Làm giàu thì mỗi thời mỗi khác nhưng qua cuộc đời của hai cụ chúng tôi có thể thấy bí quyết thành công của hai cụ là ở chữ Tín và chữ Tâm. Chữ Tín đã giúp các cụ thành công trong làm ăn kinh tế, còn chữ Tâm đã khiến các cụ rất mực thuỷ chung với nước, với sự nghiệp chung. Đối với chúng tôi, các con cháu của hai cụ, thì tấm gương về đức độ của các cụ là tài sản quý giá nhất, là hành trang mà chúng tôi đem theo suốt cuộc đời.

Giàu có nhưng các cụ sống giản dị theo kiểu thanh bạch của người Hà Nội xưa. Cụ bà là một người kín đáo, sống mẫu mực theo kiểu phụ nữ Hà thành cũ. Còn bố tôi, cụ ông chịu ảnh hưởng của giáo dục châu Âu, ông thẳng thắn cương trực, đó là phẩm chất lớn nhất mà tôi thấy ở cụ. Ông không lý luận nhiều nhưng luôn dạy các con phải coi trọng sự trung thực. Ông cũng là người tinh tế, hấp dẫn, có khả năng cuốn hút với nhiều đối tượng. Đặc biệt, ông không màng danh lợi. Khi cách mạng thành công, người ta có đề nghị ông xuống Nam Định để ứng cử Quốc hội nhưng ông từ chối. Với tinh thần đó, sau kháng chiến, ông lại trở về cuộc sống của một thường dân mặc dù không ít cơ hội để lập quan...

- Tại sao ông cụ lại không... lập "quan" khi có quá nhiều cơ hội?

Cơ sở chính của đồn điền Chinê.
- Ông cụ không bao giờ nói với chúng tôi là vì sao. Tôi chỉ lý giải được rằng: có lẽ ông muốn đi ra khỏi cuộc "chơi" danh vọng. Thế thôi. Bởi vì đó là một phần tính cách của ông. Bởi không bao giờ thấy ông nói một lời buồn. Không bao giờ oán trách, bất mãn, bất bình trước một điều gì. Sáng sớm, chỉ thấy ông xách xe đạp ra cửa cho cụ bà, nhìn theo bóng vợ xa khuất rồi đi vào nhà... Những vị chính khách thân thiết của gia đình thỉnh thoảng vẫn qua lại chơi với cụ như hồi trước. Khi cụ ốm, nằm ở bệnh viện Việt - Xô, thấy có quá nhiều chính khách vào thăm, khiến nhiều người ngạc nhiên.

Trung thực, không ham danh vọng, không sợ cường quyền - tính cách đó có lúc đã làm cho đường đời của cha tôi không suôn sẻ; nhưng điều quan trọng nhất, chính điều đó làm nên nhân cách của cụ, và tôi tin là cha tôi vừa lòng với điều đó.

-  Thưa ông, thời thế đã khác. Người ta nói kẻ sĩ thời này phải có chí làm giàu cho đất nước và bản thân. Ông nghĩ thế nào về tiêu chí của một "kẻ sĩ" hiện đại?

- Các cụ nhà tôi đã đi trước một bước về quan niệm: "Làm giàu cũng là một tiêu chuẩn yêu nước", bởi các cụ làm giàu còn có ý định là để ủng hộ cách mạng thời khó khăn. Tôi quan niệm tiền chỉ là phương tiện, coi tiền là mục đích thì thật là bất hạnh. Về điểm này tôi thừa hưởng ở bố mẹ tôi... Đã gọi là trí thức thì cũng cần có chút "tính kẻ sĩ" trong người. Mà kẻ sĩ thời nào chẳng giống nhau: phải có nhân cách, phải có một chút bản lĩnh, không sợ cường quyền (phải dám nói sự thật).

- Đã có bao giờ ông tiếc rằng mình đã không trở thành doanh nhân?

- Giá như đất nước mở cửa sớm hơn thì biết đâu đấy, tôi cũng đã là một doanh nhân để nối nghiệp cha mẹ mình. Nhưng ở tuổi lập nghiệp của thế hệ chúng tôi, xã hội chưa thừa nhận kinh tế thị trường, chưa thừa nhận vai trò của doanh nhân. Thời đó, ở ta chưa có doanh nhân và chưa có khái niệm doanh nhân nữa, chỉ có một số người làm ăn buôn bán nhỏ nhưng cũng phải lén lút và được xã hội gọi một cách khinh miệt là "con phe".

- Ông nghĩ thế nào khi đến thời điểm này, trong các tác phẩm nghệ thuật của ta chưa có hình tượng doanh nhân; hoặc giả thử có chân dung doanh nhân thì thường đó là hình ảnh xấu?

- Thì cũng xuất phát từ quan niệm nhưng còn một vấn đề nữa: bản thân doanh nhân cũng phải ý thức về việc xây dựng cho mình một hình ảnh lịch lãm. Mà muốn lịch lãm thì phải có văn hoá.

- Ấn tượng trong ông về người cha - một doanh nhân lịch lãm?

- Cha tôi là người thấp bé nhưng phong cách rất đàng hoàng, lịch lãm. Điều đó có lẽ không hẳn chỉ vì ông đã từng ở Pháp nhiều năm. Tính ra, thời gian tôi ở châu Âu - đặc biệt là ở Pháp hơn ông cụ rất nhiều nhưng tôi biết mình thua xa cha mình về điểm này.

Tôi vẫn nhớ ông cụ dạy con từ những chi tiết nhỏ để mong các con mình trở thành người lịch lãm: đi vào nhà thì phải bỏ mũ; rằng là khi nói chuyện với ai thì phải nhìn thẳng vào mắt người ta, không được nhìn xuống hoặc nhìn đi chỗ khác; vào nhà rồi thì phải bỏ mũ; không thấy ai có cái gì mà mình thích cũng không được thèm muốn và không được xin. (Nếu ta dạy trẻ con điều này thì chắc cũng bớt tham nhũng).

Những điều cha dạy, tôi thấm đến bây giờ. Tôi vẫn nhớ, hồi ở chiến khu Việt Bắc, ông là Giám đốc Nhà máy may Trần Hưng Đạo, có lần có người vào văn phòng vẫn đội mũ, ông cười rất hóm rồi bảo mọi người xung quanh: "Anh em ơi, ai có mũ thì đội vào". Mọi người nghe thế đều cười, còn người kia, cũng cười, rồi bỏ mũ ra ngay.

- Và tại sao ông chọn Toán học làm con đường lập thân?

- Chuyện tôi đi theo Toán cũng không có gì đặc biệt. Thời chúng tôi, "lãnh địa" duy nhất để thi thố tài năng trí tuệ chỉ có khoa học cơ bản: "Nhất Tổng hợp, nhì Bách khoa...". Tôi học Tổng hợp Toán, 21 tuổi tốt nghiệp, bắt đầu dạy Đại học. Không biết có phải các cụ nhà tôi đã "gánh gạo đường xa" không mà mặc dù trong lý lịch thời phổ thông tôi ghi thành phần gia đình: địa chủ, tư sản, tôi vẫn gặp may. Giáo sư Tạ Quang Bửu là một nhà quản lý có tài và thoáng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người trên con đường nghiên cứu khoa học. Tôi bảo vệ luận án Phó tiến sĩ ở Liên Xô trước đây, viết luận án Tiến sĩ ở Pháp và bảo vệ ở Đức...

- Qua câu chuyện của gia đình mình, ông - "Mảnh gạch vỡ của hoàng thành Thăng Long" - có nhắn nhủ với thế hệ doanh nhân trẻ hôm nay điều gì không?

- Chúng ta nhắc lại câu chuyện này để thấy rằng các doanh nhân trẻ thời này thật hạnh phúc; họ không những được xã hội thừa nhận mà còn được tôn vinh, khuyến khích làm giàu cho bản thân và qua đó làm giàu mạnh cho đất nước.

Người Việt Nam ta trí tuệ đâu có thua kém gì các dân tộc khác, truyền thống anh dũng chống ngoại xâm thì thuộc hạng siêu đẳng, nhưng những ai có dịp ra nước ngoài thì sẽ thấy đầy mặc cảm vì nước ta còn nghèo. Do đó, theo tôi những ai thật sự yêu nước, thật sự có lòng tự tôn dân tộc thì phải thiết tha mong muốn cho dân ta chóng giàu, nước ta chóng mạnh. Trong sự nghiệp này, các doanh nhân trẻ, có trách nhiệm nặng nề nhưng hết sức vinh quang.

1/1/1947: "Vợ chồng anh Đỗ Đình Thiện về được hôm qua là 10 giờ. Một tin mừng lớn. Những lo hai ông bà không lọt được vào tay người Pháp... (không bị bắt - TG). Vợ chồng Thiện vẫn còn khoẻ. Gặp chị Thiện chẳng có gì lạ. Tinh thần quả cảm của hai vợ chồng ấy đáng khen. 22/1/1947 (1 Tết): Bắt đầu mua bông vải sợi để tổ chức xưởng dệt ở Chinê. Nhà máy in tiền cũng đã bắt đầu được tổ chức ở Chinê. "Cụ về ăn cơm với chúng mình. Mấy hôm vợ chồng anh Thiện, nhất là chị Thiện, tỏ vẻ sung sướng lắm vì được tiếp Cụ trong mấy bữa luôn. 24/2/1947: nghe tin  Pháp oanh tạc cơ quan ấn loát ở Chinê.

"8 giờ đến Chinê. Một cảnh tượng mới hiện ra. Một phần nhà cửa đổ nát, khói lửa đương còn nguyên. Ngày 22 hồi 3 giờ 30, 8 chiếc khu trục Pháp tấn công tại khu vực đây, 4 chiếc bắn phá tại Đồng Lãng, 4 chiếc oanh tạc và bắn phá tại cơ quan ấn loát. Tại đây thả tất cả 8 quả bom, 2 quả trúng đích làm hư hỏng nhà ở của vợ chồng anh Đỗ Đình Thiện. Chúng bắn đạn lửa rất nhiều vào cơ quan ấn loát làm cháy kho cà phê và kho vật liệu, thiệt hại khá lớn. Nhưng máy móc được nguyên vẹn không hư hỏng gì. Nhà ở của chúng mình bị bắn thủng rất nhiều, một áo mưa bị thủng nhiều lỗ, và được giữ làm kỷ niệm.

Sang tháng 3 năm 1947, cơ quan ấn loát dọn đi khỏi đồn điền Chinê thì quân giới khu 2 dọn lại làm việc. Xét kỹ, địa điểm Chinê vẫn là địa điểm an toàn hơn hết. Quân ta đã bắn rơi máy bay tại đây và ở đây đã lại xẩy ra 1 trận quần thảo lớn của máy bay Pháp vào ngày 24/3/1947...

(Nhật ký của một bộ trưởng - Lê Văn Hiến)

  • Lương Thị Bích Ngọc (thực hiện)

,
,