XKLĐ huyện nghèo Thanh Hóa:

Khẩn trương chấn chỉnh những sai phạm báo VietNamNet nêu

Cập nhật lúc 07:37, 05/08/2010 (GMT+7)

- Sau khi VietNamNet đăng tải loạt bài về Xuất khẩu lao động (XKLĐ) huyện nghèo ở Thanh Hóa. UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh – Xã hội (Sở LĐTBXH), Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa kiểm tra, chấn chỉnh lại những thông tin báo nêu và nếu có sai phạm thì kiến nghị với UBND tỉnh xử lý.

“Rõ ràng XKLĐ ở Thanh Hoá có vấn đề”

Bài 1: Mất tiền oan vì cả tin công ty XKLĐ

Bài 2: “Miếng ngon” chưa đến tay người nghèo!

Bài 3: Huyện hậu thuẫn, doanh nghiệp tuyển “chui” lao động xuất khẩu

Bài 4: "Tau làm sai tau chịu"!

Ngày 2/8, trao đổi với VietNamnet, ông Nguyễn Hữu Dinh cho biết: Sau khi báo VietNamNet nêu tình trạng sai phạm của hai công ty VILACO và GMAS Thanh Hóa ở huyện nghèo Thường Xuân, Ngân hàng CSXH Thanh Hóa đã yêu cầu ông Lê Doãn Vân, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện khắc phục và làm kiểm điểm lại quy trình cho vay, kiểm tra kiểm soát những sai sót báo nêu.

Mô tả ảnh.
Những lao động ở xã Luận Khê đã được công ty VILACO thanh Hoá hoàn trả lại số tiền chênh lệch vay đi Trung Đông nhưng laị đi Malaysia. (Ảnh: GV).

Đối với các huyện nghèo cho vay đi XKLĐ theo QĐ 71 Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa cũng đã yêu cầu họp kiểm điểm và phải gửi về tỉnh trước ngày 10/8. Xem xét xử lý đối với các sai phạm của cán bộ ngân hàng cụ thể là về các trường hợp Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trường hợp ký dịch vụ giữa người lao động với các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Riêng việc phát ngôn thiếu tính xây dựng và xem thường ý kiến dư luận của ông Lê Doãn Vân – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Thường Xuân khi ông Vân thẳng thắn tuyên bố với PV báo VietNamNet: “Tau làm sai Tai chịu”, ông Dinh cho biết, Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa đã làm việc và yêu cầu ông Vân viết bản tường trình và kiểm điểm về những lời lẽ và thái độ với nhà báo như nội dung báo đưa.

Trước những sai phạm của Ngân hàng CSXH huyện Thường Xuân, ông Dinh cũng khẳng định: “Phải xử lý nghiêm khắc, vì nếu xử lý không nghiêm thì sẽ khó khăn vô cùng cho việc quản lý cho vay XKLĐ không chỉ ở Thường Xuân mà còn ở các huyện khác nhất là khi Thanh Hóa có tới 7 huyện nghèo”.

Đối với hai doanh nghiệp VILACO và GMAS Thanh Hóa, ngay sau khi phát hiện những tồn tại do lỗi của doanh nghiệp tuyển dụng, ông Dinh cũng đã yêu cầu 2 doanh nghiệp này tạm dừng chuyển số tiền vay vốn của lao động trên tài khoản của doanh nghiệp; Thông báo tạm dừng cho lao động vay vốn tuyển dụng qua các doanh nghiệp sai phạm.

Ngoài ra ông Dinh còn yêu cầu hai doanh nghiệp nêu trên phải thực hiện các biện pháp xử lý hoàn trả phần vốn vay để ngân hàng thu nợ của những lao động đi XKLĐ ở những nước có mức chi phí thấp hơn nước ngân hàng đã cho vay vốn; Hoàn trả toàn bộ vốn vay kể cả tiền vay do lỗi của đơn vị dẫn đến lao động không tiếp tục đi nước ngoài làm việc; Yêu cầu doanh nghiệp đẩy nhanh việc hoàn trả vốn vay đưa những lao động đã vay vốn đi XKLĐ theo hợp đồng tuyển dụng đã ký với người lao động.

Cũng theo số liệu từ Ngân hàng CSXH Tỉnh Thanh Hóa cung cấp, tính đến ngày 30/7, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu hai Công ty VILACO và GMAS Thanh Hóa giải quyết được cho 137 lao động đi làm việc ở nước ngoài, hoàn trả lại 1tỷ 658 triệu đồng chênh lệch vốn vay để ngân hàng thu nợ của 93 lao động chuyển từ thị trường nước có chi phí cao sang nước có chi phí thấp hơn.

Tính đến ngày 30/7, số lao động đi sai thị trường của 2 công ty VILACO và GMAS Thanh Hóa 28 lao động, số tiền vay là 1 tỷ 75 triệu đồng, số tiền dự tính còn phải thu hồi 410 triệu đồng. Lao động chưa đi (từ 1 đến 2 tháng) là 53 lao động số tiền là 2 tỷ 286 triệu đồng.

Theo cam kết của 2 doanh nghiệp tuyển dụng lao động, đến ngày 10/8/2010 sẽ giải quyết dứt điểm với người lao động.

Sở Lao động chưa thực hiện được vai trò quản lý nhà nước

Sáng ngày 30/7, trao đổi với VietNamnet, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở LĐTB - XH tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sau khi báo VietNamNet nêu về tình trạng XKLĐ huyện nghèo ở Thanh Hóa UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo kiểm tra và chấn chỉnh lại hoạt động XKLĐ và nếu có dấu hiệu sai phạm thì kiến nghị với UBND tỉnh xử lý.

Mô tả ảnh.
Ông Lê Hồng Sơn. (Ảnh: GV).

Trước chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động cũng đã chỉ đạo phòng việc làm về huyện Thường Xuân kiểm tra và yêu cầu xử lý. Và đến ngày 30/8, theo thông tin từ Ngân hàng Chính sách XH tỉnh thì hai doanh nghiệp VILACO và GMAS Thanh Hóa đã xử lý cơ bản những trường hợp báo nêu.

Khi được hỏi tại sao hai công ty VILACO và GMAS Thanh Hóa không được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định làm huyện nghèo nhưng phòng Lao động thương binh xã hội Thường Xuân vẫn chứng nhận cho người lao động đi theo chương trình huyện nghèo để rồi người lao động gặp phải rủi ro?

Ông Sơn cho biết: Để xảy ra sự việc này là do quản lý ở phòng, ở huyện. Nhưng cái này cũng là cái khó vì người lao động họ cứ muốn đi nhanh.

“Ở đây doanh nghiệp chỉ không có thẩm định đơn hàng theo Quyết định 71 thôi. Bản thân cái 71 Bộ LĐTB - XH muốn có đơn hàng tốt ổn định để giới thiệu cho các doanh nghiệp nhưng bản thân người lao động người ta lại muốn tự tìm đến các công ty có tín nhiệm mà người ta thấy phù hợp thì người ta đi mình cũng không cấm được”, ông Sơn giải thích.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng thừa nhận, trước sự việc xảy ra đương nhiên Sở Lao động phải có trách nhiệm kiểm tra, chấn chỉnh.

Sở quản lý anh em chưa quan tâm đúng mức, chưa thực hiện được vai trò quản lý nhà nước, quản lý công việc nên mới xảy ra chuyện này. Qua sự việc này cho thấy công tác quản lý cần phải thiết chặt hơn nhất là các phòng lao động Thương binh – Xã hội, ban chỉ đạo XKLĐ các huyện cần phải có sự kiểm tra thường xuyên, cần phải nghiên cứu các quy định pháp luật, các đơn hàng, các nghị định thông tư cho chặt chẽ hơn để thực hiện chính sách cho nó chặt chẽ”, ông Sơn thừa nhận.

Sau khi đăng loạt bài về XKLĐ huyện nghèo ở Thanh Hoá, Báo VietNamNet cũng đã nhận được báo cáo từ Công ty CP Nhân lực Quốc tế Việt (VILACO) gửi báo VietNamNet về kết quả giải quyết vụ việc tuyển lao động ở huyện nghèo Thanh Hoá.

Trong Báo cáo của Công ty VILACO cho thấy, qua quá trình kiểm tra, rà soát đến thời điểm hiện tại (29/7) số lao động đã đăng ký Hợp đồng vay vốn đi Malaysia chưa bay là 69 lao động, trong số đó có 38 lao động dự kiến xuất cảnh trước ngày 15/8. Hiện tại Chị nhánh VILACO Thanh Hoá đang hoàn tất thủ tục và hồ sơ cho lao động xuất cảnh.

Số lao động đăng ký mới nhưng chưa làm thủ tục vay vốn đi Malaysia là 148 lao động. Số lao động này mới tham gia khoá đào tạo được 1 tuần dự kiến xuất cảnh trong tháng 10/2010.

Về số lao động đi Malaysia về nước trước hạn do Viêm gan B, đến nay có 5 lao đông do Chi nhánh VILACO Thanh Hoá đưa sang Malaysia làm việc, sau khi sang Malaysia khám lại sức khoẻ bị phát hiện Viêm gan B công ty đã chỉ đạo chi nhánh tiến hành thanh lý hợp đồng với người lao động và giải quyết trả tiền phí xuất cảnh và hỗ trợ người lao động thoả đáng. Trường hợp lao động Tạ Quang Gần Chi nhánh VILACO Thanh Hoá hoàn trả ngân hàng đủ số tiền người lao động vay của ngân hàng nộp cho công ty để đi Malaysia. Số tiền còn lại 18 triệu người lao động đã ký nhận nợ trực tiếp với cán bộ tín dụng và có trách nhiệm về khoản nợ trên với ngân hàng.

Đến thời điểm hiện tại Công ty VILACO tiếp tục đôn đốc Chi nhánh VILACO Thanh Hoá kiểm tra và giải quyết dứt điểm những vấn đề còn vướng mắc.

  • Vũ Điệp

Các tin khác