221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1278703
Những vùng đất chết khi chưa kịp… “sống”
1
Article
null
Bài 3:
Những vùng đất chết khi chưa kịp… “sống”
,

– Chắc chắn, Cao Bằng là tỉnh miền núi đang đau đầu nhất trong việc đối mặt giải quyết những hậu quả nghiêm trọng của ngành công nghiệp khai thác khoáng sản tại địa phương, khi hàng loạt những hậu quả về phá vỡ môi sinh, môi trường, cảnh quan – cuộc sống bị đảo lộn…; vấn nạn khai thác khoáng sản thổ phỉ và xuất lậu quặng thô sang Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch.

Đó là điều dễ hiểu, khi có thời điểm, trong một ngày Cao Bằng ban hành tới… 4 văn bản xử lý, dừng mỏ, đình chỉ sản xuất… những đơn vị khai thác khoáng sản do chính họ ký quyết định cấp phép, bởi họ hiểu, vấn nạn ấy phải được xử lý không thể chậm trễ hơn!

Phóng viên VietNamNet đã có cuộc xâm nhập gần 10 ngày trong lòng vùng đất quặng để tái hiện phần nào bức tranh nhức nhối về thực trạng nói trên. Và có những điều, chúng tôi dám khẳng định, chính lãnh đạo của Cao Bằng cũng chưa bao giờ biết đến…

Bài 1: Nín thở theo chân ngựa thồ quặng lậu vượt biên
Bài 2: Xâm nhập chợ quặng lậu vùng biên
Clip 1: Trắng đêm theo ngựa thồ quặng lậu vượt biên
Clip 2: Chợ quặng lậu "hiên ngang" họp giữa ban ngày

Tan hoang Nguyên Bình

Đi giữa những ánh mắt dò xét và nghi ngờ, chúng tôi vượt qua gần 80 cây số đường 3 cũ để thâm nhập vào vùng lõi của huyện miền núi Nguyên Bình dưới “mác” những người đi hoa tiêu để tìm kiếm một cung đường du lịch mạo hiểm.

Mô tả ảnh.

Đường vào Nguyên Bình.

Bởi, như là một mặc định, những người lạ tìm đến mảnh đất này, nếu không phải là dân “quặng tặc” đi tìm đất làm ăn, không phải là những tư thương đi thu mua quặng khai thác trái phép thì chắc chắn phải là những “đại gia” đi săn mỏ để đầu tư khai khoáng!

Từ ngã tư Km5, cửa ngõ vào thủ phủ thị xã Cao Bằng, vượt qua con đường quốc lộ 3 già nua cũ kỹ mỗi ngày bị hàng trăm lượt xe tải trọng lớn chở quặng thay nhau cày nát khiến nó xuống cấp hơn, men theo cung đường từ thị trấn Nguyên Bình vòng lên Mỏ Thiếc, qua Tĩnh Túc, vượt đèo Gôlia, đèo Phia Đén, nơi bốn xã và thị trấn Tĩnh Túc, Phan Thanh, Thành Công, Quang Thành (nằm ở thượng nguồn sông Năng thuộc phía Đông của huyện Nguyên Bình), cùng với các “điểm nóng” về vấn nạn khai thác quặng, vàng sa khoáng… ở các xã Thể Dục, Tam Kim, Hoa Thám, Hưng Đạo…

Bức tranh về vùng khai thác khoáng sản nhức nhối và nóng bỏng của Nguyên Bình đã dần được hình thành.

Mô tả ảnh.

Không ngạc nhiên nếu gọi thung lũng bản Nùng, xóm Pắc Bó là "vùng đất chết"...

Được người dẫn đường cảnh báo, nếu không có người dân bản địa đi cùng, hoặc xe biển số lạ thâm nhập vào “vùng nóng” khai khoáng Nguyên Bình, việc tác nghiệp cần phải hết sức cẩn trọng và kín kẽ, nếu như muốn bảo đảm an toàn cho tính mạng và… phương tiện tác nghiệp.

Để thận trọng hơn, chúng tôi quyết định chọn ngày mưa, với lô-gic hồn nhiên, rằng thời gian đó, các điểm khai khoáng sẽ nghỉ làm, và như thế sẽ đảm bảo an toàn hơn cho mình.

Nhưng, điều đó là không đúng với quy luật đào bới ở vùng đất này…

Mô tả ảnh.

Chính tay những người dân địa phương đã lật tung, đào xới để đào, đãi, hút quặng sa khoáng trên mảnh đất mà trước kia họ canh tác nông nghiệp.

Bản Nùng và thôn Pắc Bó (xã Thể Dục) hoàn toàn có thể gọi tên là những vùng đất chết, bởi nó tan hoang hơn những gì mà các phương tiện thông tin đã từng phản ánh.

Cũng khó có thể tin được rằng, trước đấy, nó là một thung lũng bằng phẳng và đẹp với một con suối hiền lành, mềm mại như bất kỳ con suối nào được hình thành ở vùng địa hình núi đá cax-tơ của vùng Đông Bắc.

Bản Nùng và Pắc Bó liền kề nhau tạo thành một thung lũng rộng lên tới cả chục ha. Trước năm 2007, khi cơn sốt khai thác khoáng sản sa khoáng chưa vào tới xã Thể Dục, nó vẫn là vùng đất canh tác nông nghiệp một năm một vụ lúa và một vụ hoa màu của hàng trăm hộ dân.

Mô tả ảnh.

Và kết cục là bộ mặt tan hoang như thế này!

Mọi chuyện thay đổi khi một doanh nghiệp của ông chủ tên Đ. được cấp phép vào khai khoáng tại đây. Tổng diện tích khai khoáng được UBND tỉnh cấp cho chủ dự án là 6,7ha nằm trọn vẹn trong thung lũng xóm Pắc Bó. Theo kế hoạch, chủ đầu tư này phải đền bù toàn bộ diện tích hoa màu cho bà con.

Nhưng, vì sự tính toán quá cẩn trọng và khôn ngoan, họ đưa ra hình thức đền bù cuốn chiếu, nghĩa là khai thác tới đâu đền bù tới đó, tránh vấp phải “quả đắng” nếu như trữ lượng khoáng sản không giống như hồ sơ khảo sát kỹ thuật.

Thế nhưng, đến khi khai thác, lợi nhuận thu được nhiều hơn cả sự tính toán của họ, bao gồm quặng thiếc, quặng sắt và vàng sa khoáng, doanh nghiệp này mới gấp rút giải phóng mặt bằng và đền bù thì vấp phải sự phản đối của người dân.

“Cuộc chiến” tranh giành đòi đất và giữ đất của doanh nghiệp – người dân dai dẳng mấy năm trời. Kết cục của “cuộc chiến” ấy, người dân xóm Pắc Bó và bản Nùng trở thành… quặng tặc. Chính tay họ lật tung, đào xới mảnh đất trước kia họ trồng cấy lương thực, hoa màu… để mót, đãi, đào, hút… các loại sa khoáng.

Mô tả ảnh.

người người đào quặng...

Mô tả ảnh.
Nhà nhà làm quặng...
Kết cục của quãng thời gian nói trên, suối Nùng và thung lũng Pắc Bó biến thành một bãi chiến trường ngổn ngang những núi đất, đá thải khổng lồ, cùng những vũng nước tù đọng như những chiếc ao lớn, xanh lét hóa chất thủy ngân sử dụng trong quá trình chưng đãi vàng, trâu bò không dám uống.

Từ đầu cầu ngay sát với trụ sở UBND xã Thể Dục, con suối Nùng dẫn ra điểm khai quặng Pắc Bó dài chừng 2km. Lòng suối bị lật tung và khoét thủng với những hố quặng sâu hoắm. Những đống đất đá thải khổng lồ chất đống và che lấp con đường độc đạo.

Hàng trăm người dân với các dụng cụ khai khoáng thủ công ẩn hiện dưới những hố quặng sâu hoắm, những đống đất đá ùn ùn vô tội vạ…

Tiếng máy nổ chạy dầu gào khản tiếng đêm ngày. Những chiếc lán tạm bợ phủ vải bạt xanh là nơi cất giữ các phương tiện khai khoáng, đồng thời cũng là chỗ ngủ nghỉ của dân quặng thổ phỉ.

Mô tả ảnh.

Địa điểm này trước đây có tên là suối Nùng.

Cảnh tượng tan hoang không kém khi chúng tôi đặt chân tới thôn Pắc Bó. Chừng vài chục người dân chia thành 3, 4 nhóm đang mải mê, cặm cụi với cuốc xẻng, sàng… Những hố quặng sâu chừng 3 – 4 mét, rộng cả chục mét. Ống cao su đường kính chừng 20cm nối với những đầu máy nổ chạy dầu cáu cẳn nhả ra những vộc nước đục ngầu bùn.

Dòng nước sền sệt đỏ quạch này tự tìm đường, len lỏi dưới chân những đống đất đá thải dồn về những vũng trũng, sâu, tạo thành những chiếc ao tự tạo…

Điều này đã lý giải băn khoăn của chúng tôi trước đó, khi đoạn đầu suối chảy qua trụ sở UBND xã Thể Dục cũng đục ngầu, đỏ quạch, mặc dù nó nằm cách xa điểm khai khoáng vài ba cây số.

Một điều chắc chắn có thể khẳng định, con suối Nùng và thung lũng phì nhiêu rộng gần chục ha của thôn Pắc Bó đã không còn cơ hội để tái sinh, khi bề mặt của nó bị cày xới tan hoang tới mức độ này. Điều tệ hại hơn, trước đấy nó là vùng đất nông nghiệp trù phú nuôi sống cả trăm hộ dân.

Sẽ là vĩnh viễn hoặc có thể cả trăm năm nữa, xã Thể Dục mới lại có thể bổ sung khoảng diện tích này vào… quỹ đất nông nghiệp của địa phương!

Chặn nguồn nước của 4 xã thượng nguồn

Từ điểm khai khoáng Pắc Bó, bản Nùng tới vùng rừng phòng hộ Phia Oắc, Phia Đén chừng 30km, đi theo đường vành thúng, và vượt qua công trường khổng lồ của mỏ thiếc Tĩnh Túc, chúng tôi tới các xã nằm phía Đông của huyện Nguyên Bình, gồm có Phan Thanh, Quang Thành, Thành Công.

Những xã này cũng nằm gối đầu lên khu rừng đầu nguồn rộng hơn 300ha, chủ yếu là rừng nguyên sinh với loài thông đặc dụng.

Mô tả ảnh.

Điểm khai thác cao lanh tại xã Phan Thanh, thượng nguồn rừng phòng hộ Phia Oắc, Phia Đén.

Hai năm trước, ngày 17/7/2008, UBND tỉnh Cao Bằng ký Quyết định số 1246/QĐ – UBND về việc xây dựng khu sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, giao UBND huyện Nguyên Bình là đơn vị thực hiện dự án xây dựng khu sinh thái nằm trọn vẹn trong vùng Phia Oắc, Phia Đén này.

Thế nhưng, QĐ ký chưa ráo mực, cũng vẫn lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng lại phê duyệt cấp phép cho HTX Vận tải Chiến Công được phép khai thác khoảng sản tại mỏ Tài Soỏng (thuộc xã Phan Thanh) và một doanh nghiệp khác (Cty Khai thác khoáng sản Tiến Hiếu) khai thác cao lanh trên đỉnh núi, nằm liền một vệt thượng nguồn con suối cung cấp nước cho sông Năng, cũng là nguồn nước sinh hoạt cho hàng ngàn người dân thuộc các xã Hoa Thám, Hưng Đạo, Tam Kim nằm dưới chân dãy Phia Oắc, Phia Đén.

Thời điểm chúng tôi có mặt vào chiều 15/4/2010, HTX Vận tải Chiến Công (đơn vị được cấp phép khai thác mỏ Tài Soỏng) đang gấp rút khai thác đất đá đổ thành những núi đất tại các bãi chứa. Một công nhân của HTX Vận tải Chiến Công giải thích, đây là việc làm cần thiết khi mùa mưa đang đến gần, phải nhanh chóng xúc đất từ dưới lòng suối lên đồng thời ngăn vách tạo thành một cái hồ chứa. Đây sẽ là nguồn nước dùng vào công đoạn tuyển rửa quặng.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, thượng nguồn của con sông Năng đã chính thức bị chặn nguồn và những xã nằm dưới chân núi Phia Oắc, Phia Đén cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng về nguồn nước sinh hoạt và nước nông nghiệp.

Được biết, HTX Vận tải Chiến Công được cấp phép khai khoáng mỏ Tài Soỏng nằm ở chân núi Phia Đén, nhưng đơn vị này đã tiến hành đền bù đất nông nghiệp cho các hộ dân liền kề thuộc xã Phan Thanh.

Mô tả ảnh.

Đất thải bị rửa trôi sau những cơn mưa làm những đám ruộng dưới chân núi của người dân xã Phan Thanh bị cao lanh hóa.

Từ công trường Tài Soỏng nhìn hắt ngược theo hướng thượng nguồn, một khai trường khai thác cao lanh của doanh nghiệp Khai thác khoáng sản Tiến Hiếu cũng đã tham gia tàn phá đầu nguồn của rừng Phia Đén, Phia Oắc.

Nước thải công nghiệp phục vụ trong quá trình khai thác cao lanh của đơn vị này, theo dòng suối và mưa rửa trôi đã lấp đầy lòng suối, và cao lanh trắng xóa đã làm hoang hóa những vạt ruộng của bà con người Mán dưới chân dốc.

Nhãn tiền, những hộ dân người Mán của xã Phan Thanh, sau khi phải chấp nhận nhận tiền đền bù của HTX Vận tải Chiến Công và đất nông nghiệp bị “cao lanh hóa” đã trở thành những “nông dân danh nghĩa” vì không có ruộng.

Trong một ngày không xa, rất có thể họ sẽ trở thành những quặng tặc tìm tới khai thác khoáng sản trái phép ở chân núi Phia Đén, Phia Oắc và trở thành những đối tượng khiến chính quyền huyện Nguyên Bình coi đó là vấn nạn và đang đau đầu tìm cách giải quyết trong suốt một thời gian dài.

Mô tả ảnh.

Những hố quặng sâu hoắm này đã đục thủng lòng suối Nùng, khiến cho toàn bộ hệ thống nước ngầm của xã Thế Dục bị cạn kiệt. Không ai dám khẳng định, đến khi nào xã Thể Dục mới bổ sung khu đất này vào... quỹ đất nông nghiệp của xã.

Cùng với một phần không nhỏ những hộ nông dân người Mán của xã Phan Thanh, 70 hộ dân của xã Tam Kim (xã nằm chân núi Phia Đén, Phia Oắc) cũng đang phập phồng lo lắng trước nguy cơ, họ cũng sẽ phải “hiến” đất nông nghiệp của mình cho một doanh nghiệp khai thác vàng.

Không chỉ những người nông dân của xã Tam Kim nhất quyết phản đối quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh để GPMB cho doanh nghiệp khai thác vàng sa khoáng tại đây, ngay cả chủ tịch xã Tam Kim cũng khẳng định, ông sẵn sàng từ chức chủ tịch xã nếu như dự án này tỉnh vẫn nhất quyết bắt xã phải trả đất.

  • Nhóm PV Điều tra
    (Còn tiếp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,