- Nhận định các sai lầm của tòa sơ thẩm và phúc thẩm vụ án “Lập quỹ trái phép” tại Nông trường Sông Hậu (NTSH) “là nghiêm trọng”, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) vừa có kháng nghị đề nghị Tòa Hình sự Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) tuyên “cần phải hủy cả bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án từ giai đoạn điều tra”.
>> Toàn cảnh: Những day dứt từ Nông trường Sông Hậu
Sau hơn 4 tháng kể từ phiên tòa phúc thẩm vụ án “Lập quỹ trái phép” tại NTSH mở tại TAND TP. Cần Thơ (kết thúc ngày 19/11/2009) tuyên y án 8 năm tù giam, buộc bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng đối với bà Trần Ngọc Sương, khiến dư luận đặc biệt quan tâm, rốt cuộc thì vào đầu tháng 4/2010, VKSNDTC đã có kháng nghị đề nghị TANDTC tuyên hủy cả 2 bản án đã tuyên trong vụ án này.
Bà Trần Ngọc Sương, nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu, tại phiên xét xử phúc thẩm vụ án "Lập quỹ trái phép" mở tại Tòa án Nhân dân TP. Cần Thơ. Ảnh: GVT. |
Vì vậy, phía VKSNDTC đã đề nghị TANDTC “xét xử Giám đốc thẩm hủy các bản án hình sự nêu trên để điều tra lại theo thủ tục chung”.
Một hành vi bị khởi tố 2 lần
Cụ thể, về thủ tục tố tụng, VKSNDTC nhận định rằng tòa sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của kiểm sát viên tại tòa tách phần tiền hơn 301 triệu đồng và phần tiền 850 triệu mà cáo trạng đã truy tố về tội “lập quỹ trái phép” để điều tra về tội “tham ô tài sản” là vi phạm điều 117 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS).
Điều 117 quy định việc tách các hành vi phạm tội chỉ được thực hiện trong giai đoạn điều tra, không được thực hiện trong giai đoạn xét xử.
Mặt khác, VKSNDTC nhận thấy rằng việc tách 2 hành vi nêu trên thực chất là rút một phần quyết định truy tố. Việc này vi phạm điều 195 và điều 221 BLTTHS. Bởi lẽ, 2 điều này quy định việc kiểm sát viên tại tòa có thể rút một phần quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn.
Trong khi đó, việc tách 2 hành vi của kiểm sát viên lại dẫn tới việc khởi tố một tội nặng hơn (tội “Tham ô tài sản”) so với tội danh đã khởi tố và đưa ra truy tố tại tòa (tội “Lập quỹ trái phép”).
Thực tế diễn biến sau phiên sơ thẩm là việc TAND huyện Cờ Đỏ đã yêu cầu VKSND huyện Cờ Đỏ khởi tố vụ án hình sự “Tham ô tài sản” đối với 2 hành vi đã tách nói trên là vi phạm quy định của BLTTHS về việc một hành vi vi phạm của bà Trần Ngọc Sương không thể khởi tố đến 2 lần.
Ngoài ra, tòa án sơ thẩm còn tuyên về số tiền nợ - vay giữa NTSH với các ông/ bà Trần Thị Nhanh, Quách Quỳnh Tương, Đặng Quang Khang, Trần Minh Trang là không đúng quy định của pháp luật. VKSNDTC nhận định đây là giao dịch dân sự, nếu có tranh chấp thì giải quyết theo pháp luật tố tụng dân sự. Nói một cách dễ hiểu, thì ở đây tòa hình sự sơ thẩm đã “đá lộn sân”.
Hàng loạt sai lầm, thiếu sót trong điều tra, xét xử
Nhận định rằng từ 2001 đến tháng 12/2007, Trần Ngọc Sương và đồng phạm đã lấy từ các nguồn thu của NTSH duy trì một số lượng quỹ tiền mặt chi tiêu để ngoài sổ sách tài chính, không báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền là “có thật”, VKSNDTC khẳng định việc điều tra, truy tố, xét xử theo điều 166 BLHS “là đúng”.
Sau phiên phúc thẩm bị tuyên ý án 8 năm tù giam và buộc bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng, bà Sương tiếp tục kháng án kêu oan lên cấp Giám đốc thẩm. Ảnh: GVT. |
Chẳng hạn khoản tiền hơn 2,6 tỷ đồng bán 4 lô đất. Nguồn gốc 4 lô đất này được cố giám đốc Trần Ngọc Hoằng mua từ năm 1993 và 1997 (từ tiền ngân sách và quỹ trái phép) tổng cộng hơn 245 triệu đồng. Như vậy, số tiền mua 4 lô đất này được ông Hoằng đưa vào quỹ trái phép trước khi bà Sương lên làm giám đốc.
Việc cả 2 phiên tòa tại Cần Thơ quy kết số tiền mua đất đưa vào quỹ trái phép thuộc trách nhiệm của Trần Ngọc Sương và đồng phạm là “không có căn cứ”.
Liên quan đến số tiền gần 2,3 tỷ đồng tiền vay các cá nhân bị coi là khoản thu đưa vào quỹ trái phép, kháng nghị của VKSNDTC yêu cầu điều tra làm rõ khoản tiền 950 triệu chưa được xem xét (trong tổng số tiền 1,5 tỷ đồng các bị cáo vay của Trương Anh Dũng, đưa 550 triệu vào quỹ trái phép, 950 triệu vào bù đắp thâm hụt quỹ nông trường. Sau đó bà Sương phải bán cổ phiếu cá nhân trả 1,5 tỷ cho ông Dũng), vì trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử mới chỉ cấn trừ số tiền 550 triệu.
Kháng nghị của VKSNDTC cũng liệt kê hàng loạt khỏan chi yêu cầu điều tra làm rõ vì “chưa đủ cơ sở để xác định là thiệt hại và buộc các bị cáo phải bồi thường”.
Về số tiền gần 2,3 tỷ đồng chi phí đi công tác trong và ngoài nước của bà Trần Ngọc Sương, VKS nhận thấy trong hồ sơ chỉ có các bản kê của thủ quỹ về số tiền “chi cán bộ đi công tác” có chữ ký xác nhận của bà Sương.
Vì vậy, VKSNDTC yêu cầu điều tra lại để làm rõ số lượng, tính chất, nhu cầu, mục đích của các chuyến công tác; đối tác; số người đi; các chi phí quy định và chi phí cần thiết.
VKSNDTC nhận định việc buộc bà Trần Ngọc Sương phải hoàn trả toàn bộ tiền tạm ứng đi công tác mà không xem xét đến các vấn đề trên là “chưa chính xác và hợp lý”.
Về số tiền 233 triệu được cho là chi bồi dưỡng đoàn kiểm toán Nhà nước năm 2004, VKSNDTC kháng nghị yêu cầu điều tra lại, nếu đúng thì thu hồi chứ không bắt bà Sương phải bồi hoàn số tiền này.
Liên quan đến số tiền hơn 1 tỷ đồng chi lấp âm quỹ ngân sách, chuyển từ quỹ trái phép sang, kháng nghị của VKSNDTC nêu rõ nếu không chứng minh được việc chi lấp âm quỹ này nhằm “che giấu các hành vi vi phạm pháp luật khác” thì không có cơ sở kết luận là thiệt hại và buộc bà Sương phải bồi thường.
Liên quan đến các khoản tiền chi mua quà sinh nhật, chi lương kiêm nhiệm, chi trợ cấp…, VKSNDTC khẳng định “không đúng quy định về chi tiêu tài chính”. Tuy nhiên, nhận thấy do các khỏan tiền này chi hỗ trợ khó khăn cho gia đình người đã chết, hỗ trợ công tác cán bộ, số tiền hằng tháng không lớn, kéo dài trong nhiều năm nên VKSNDTC chỉ khuyến nghị cần xem xét lại các khoản tiền này để “quyết định xử lý cho phù hợp, thấu tình đạt lý”.
Liên quan đến số tiền hơn 678 triệu đồng bị cáo buộc “thiệt hại” do chi biếu tặng các cá nhân, ban, ngành địa phương và Trung ương, nay buộc bà Trần Ngọc Sương bồi thường toàn bộ, VKSNDTC khẳng định là “chưa đủ cơ sở”, bởi trong quá trình điều tra đã không xác minh làm rõ các cá nhân, đơn vị nhận tiền để xác định có thực chi hay không, từ đó mới có căn cứ thu hồi.
-
Trường Minh