221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1265159
Chưa có giấy phép, công ty nước ngoài hối hả trồng rừng
1
Article
null
Bài 2:
Chưa có giấy phép, công ty nước ngoài hối hả trồng rừng
,

– Thông tin từ UBND xã Đông Quan (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) cho VietNamNet biết, hiện Công ty Innov Green (Hồng Kông – Trung Quốc) có chi nhánh tại Lạng Sơn đã tiến hành trồng thử nghiệm 60 ha tại đây nhưng đã được cấp phép hay không thì họ không biết. UBND xã chỉ nhận được chỉ đạo từ tỉnh và huyện là đồng ý cho doanh nghiệp này tiến hành trồng rừng. Ngoài ra, tại huyện Lộc Bình, công ty này cũng đã trồng rừng tại 3 xã khác.

Những lời hứa hẹn…

Mô tả ảnh.

Chị Khiết ở thôn Song Sài đưa chúng tôi băng qua nhiều đồi núi đến địa điểm công ty Innov Green đã thuê chị và người dân trồng bạch đàn nhưng vẫn còn nợ tiền người dân. Ảnh: Vũ Điệp

Thông tin thực tế về những rừng cây bạch đàn đã được Công ty Innov Green thuê người dân ở thôn Song Sài trồng nhưng chưa thanh toán hết tiền công cho người dân, ông Vi Sỹ Phóng, Chủ tịch UBND xã Đông Quan thừa nhận đúng là có chuyện trên.

Ông cho biết, hiện tại công ty này đã trồng được 60 ha cây bạch đàn tại thôn Song Sài, còn ở thôn Nà Lâu cũng đã đi khảo sát rồi nhưng chưa giải phóng mặt bằng xong nên vẫn chưa triển khai. Hình thức là tự “hợp đồng bằng miệng” với người dân thông qua một vài nhà thầu. Một số nhà thầu đã thanh toán 65% tiền công cho dân.

Tuy vậy thực tế một số người dân “làm thuê trên đất của mình” ở thôn Song Sài cho biết, trong thời gian họ làm thuê cho công ty này trồng rừng chỉ thỉnh thoảng nhận được một vài trăm tiền tạm ứng, còn lại đến bây giờ họ vẫn đang bị nợ. Có hộ 1 triệu có hộ hơn, nhưng cùng chung hoàn cảnh là không nhận được lời hứa hẹn sẽ trả dứt điểm vào khi nào.

Xã Đông Quan có 4500 dân gồm 974 hộ, 7 thôn bản, tổng diện tích Công ty Innov Green đã tiến hành khảo sát và thuê lại tại đây là 1390 ha trên địa bàn 4 thôn là: Song Sài, Bản Nùng, Nà Lâu và Phiêng Ét. Trong đó 2 thôn Song Sài và Phiềng Ét là hẻo lánh và khó khăn nhất, chưa có đường và điện.

Khi chúng tôi hỏi: UBND xã có biết công ty nước ngoài này dựa vào cơ sở nào để tiến hành trồng rừng thử nghiệm trên địa bàn thì ông Phỏng mới cho biết: “Dự án đã làm xong đâu, mới chỉ trồng thí nghiệm. Được sự đồng ý của tỉnh và của huyện vào đầu tư ở đây”.

Số diện tích mới trồng đấy có giấy phép hay chưa thì chúng tôi không được biết, họ không qua xã. Chúng tôi được chỉ đạo từ tỉnh và huyện là đã đồng ý cho công ty này vào trồng thử nghiệm. Hôm họp ở huyện, lãnh đạo có nói: Do dân mình nên cứ để đất trống đồi núi trọc, cho doanh nghiệp vào họ làm”, ông Phỏng nói thêm.

Mô tả ảnh.

Anh Lành Văn Nga đang chỉ vào khu rừng rộng 60 ha mà doanh nghiệp nước ngoài này đã trồng bạch đàn. Anh cho biết sẽ không giao đất cho công ty này mà để lại cho con cháu anh. Ảnh: Duy Tuấn

Tuy vậy, một lúc sau vị Chủ tịch xã này lại nói tiếp rằng dự án trồng rừng này vẫn chưa được tỉnh cấp phép. Tỉnh Lạng Sơn có giao cho huyện hướng dẫn cho xã đi khảo sát đất rừng rồi trình lên để cấp. “Nhưng giờ đã trình đã cấp gì đâu mà họ đã trồng rồi, cả ở huyện Tràng Định cũng tiến hành trồng rồi. Vừa rồi Sở Tài nguyên Môi trường cũng nói là chưa cấp gì đâu nhưng cứ cho họ (Cty Innov Green - Nv) làm đi”, ông Phỏng cho biết.

Ông Phỏng cũng cho biết, công ty nước ngoài này đã vào địa bàn xã Đông Quan khảo sát để thuê đất từ năm 2007. Dự án sẽ thuê đất trồng gỗ nguyên liệu cao cấp trong vòng 50 năm. Tự họ (Cty Innov Green - NV) làm, tự vào thuê đất nhà nước, thuê dân mình làm công nhân, họ trả cho người dân theo hợp đồng hàng năm, bảo vệ rừng cho họ. Sau này họ bán sản phẩm thì sẽ cho phần trăm. Họ bảo thế”.

Dự án họ bảo vào trồng rừng thì sẽ mở con đường, kéo điện vào khu vực khó khăn cho 2 thôn. Dân rất thích đường được mở, công ty này còn hứa sẽ xây dựng công trình công cộng, nhà văn hoá, trường học cho dân mình và tạo việc làm cho người dân”, ông Phỏng kể về những lời hứa của dự án khi thành công.

Còn chị Vi Thị Khoản, cán bộ địa chính xã Đông Quan thì thông tin rằng: “Hôm đi họp dự án này vào ngày 28/5/2009, lãnh đạo Sở NN&PTNT phát biểu rằng hoàn toàn nhất trí với việc trồng rừng của Cty Inov Green và cho trồng. Tôi hỏi chưa có quyết định thì làm thế nào thì người đó nói tiếp trồng đến đâu giao đến đấy”.

Mô tả ảnh.

Con đường dài 7km mà công ty có nguồn gốc từ nước ngoài này mới làm được mấy trăm mét thì bị người dân không cho làm nữa do họ chưa nhận được tiền đền bù. Chị Vi Thị Lơ cũng như nhiều người dân khác ở Đông Quan ban đầu đã tin vào những lời hứa hẹn của dự án. Họ đều muốn có đường, có điện nên đã giao đất cho dự án... Ảnh: Duy Tuấn

Không chỉ nợ tiền trồng bạch đàn của người dân làm thuê, hiện con đường nối liền từ thôn Nà Xã vào đến khu vực trồng rừng dài 7km do dự án này thực hiện mới chỉ làm được mấy trăm mét vì vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng, chưa đền bù đất đai cho người dân bị lấy đất.

Chị Vi Thị Lơ, một người dân thôn Nà Xá là người mất đất nhiều nhất trong việc làm đường với diện tích hơn 2000 m2 đất có rừng thông. “Năm ngoái, chúng tôi đồng ý cho mở đường và họ hứa với chúng tôi là sẽ trả tiền đền bù trước 15/10/2009 nhưng đến hẹn không thấy tiền nên người dân chúng tôi không cho làm nữa”, chị Lơ cho biết.

Dự án nước ngoài chồng lên dự án trong nước

Chị Vi Thị Khoản, cán bộ địa chính xã Đông Quan cho biết, hiện tại UBND xã đã nhận được bản đồ khu đất do huyện và tỉnh gửi xuống về việc cho Cty Innov Green Lạng Sơn thuê đất trồng rừng tại địa bàn xã Đông Quan. Tuy vậy, đến nay chị và Chủ tịch xã vẫn chưa ký vào bản đồ đó bởi hiện tại 2 dự án trồng rừng trước đây tại xã vẫn chưa được thanh lý.

Đầu tiên là Dự án trồng rừng nguyên liệu giấy do UBND tỉnh Lạng Sơn triển khai từ năm 2004 nhưng đã thất bại. Dự án này giao cho người dân ở thôn Song Sài và Nà Lâu trồng cây thông trồng 225 ha cây thông tại thôn Nà Lâu và Song Sài.

Tuy vậy, khi đã trồng phủ kín số đất đồi trên thì người dân được nhà nước thuê trồng không được thanh toán. Số hộ dân bị nợ lên tới 60 hộ. Ông Khoảng cho biết: Dân đi trồng rồi nhưng nhà nước không trả tiền cho dân nên không ai bảo vệ, có thời điểm bị cháy gần hết nay chỉ còn ít cây, nay dân tự quản lấy. Tôi cũng đã kêu nhiều lần lên tỉnh rồi nhưng vẫn không được.

Mô tả ảnh.

Chủ tịch, cán bộ địa chính xã Đông Quan và tấm bản đồ khu đất ở 2 thôn trong xã đang còn nhiều khúc mắc. Họ nói sẽ không ký vào những bản đồ này khi mà dự án cũ chưa được thanh lý, người dân vẫn đang còn bị nợ tiền. Toàn bộ dự án chủ yếu thông qua tỉnh và huyện, họ, những người sát với dân với rừng nhất chỉ nhận được chỉ đạo từ trên và làm theo. Ảnh: Vũ Điệp

Cán bộ xã xác nhận, chỉ có người dân ở thôn Nà Lâu được cấp sổ xanh từ trước còn ở thôn Song Sài, người dân nhận đất trồng rừng 5 năm nay nhưng vẫn chưa được cấp giấy tờ. Tuy họ không phải là chủ nhưng họ là những người đã sử dụng đất rừng lâu năm.

Theo cán bộ địa chính xã này thì hiện tại dự án trên vẫn chưa được thanh lý, người dân vẫn đang quản lý số rừng có mật độ khoảng 50 cây thông/1ha này. Ngoài ra, tại thôn Bản Nùng và Phiềng Ét còn có 1 dự án trồng rừng khác của Lâm trường Lộc Bình (Dự án 661) thuê dân trồng rừng vẫn chưa được thanh lý.

Dự án cũ chưa xong, dân đang còn bị nhà nước nợ tiền thì xã Đông Quan lại nhận được thêm dự án mới cho người nước ngoài thuê rừng chồng lên cả phần diện tích rừng cũ đã có dân sử dụng.

Mô tả ảnh.

Trường học với lá cờ Tổ quốc nằm giữa núi rừng Lạng Sơn. Chúng tôi thấy cảm động khi người nông dân chỉ mới học hết lớp 3 Lành Văn Nga nói rằng: "Mình không giao đất cho công ty của Trung Quốc đâu, giữ đất là giữ nước nữa". Ảnh: Duy Tuấn

Thế nhưng, trong 2 bản đồ khu đất do Liên đoàn quan trắc địa hình lập ra tại 4 thôn ở Đông Quan thì đều chú thích rằng gần 1000 ha đất đồi tại 4 thôn Song Sài, Nà Lâu, Phiềng Ét và Bản Nùng đều chưa sử dụng (?!) Đó là chưa kể đến việc tại thôn Nà Lâu, người dân đã được cấp sổ xanh từ lâu.

Do việc dự án cũ chưa thanh lý nên UBND xã Đông Quan vẫn chưa ký xác nhận vào 2 tấm bản đồ này. “Hôm vừa rồi, phòng TNMT huyện Lộc Bình có điện vào 3 lần cho xã giục ký vào bản đồ, hồ sơ để cho công ty nước ngoài thuê đất nhưng chúng tôi vẫn không ký. Việc thắc mắc: thứ nhất chưa thanh lý 2 dự án trước kia, hai nữa là chồng chéo với việc giao đất lâm nghiệp vừa rồi vẫn chưa được giải đáp”, cán bộ xã Đông Quan thông tin thêm.

Điều đáng lưu ý là tại xã Đông Quan, năm 2002 tỉnh Lạng Sơn đã quy hoạch một thao trường rộng 38 ha. Chủ tịch xã này đã xác nhận thông tin trên và cho biết địa điểm của thao trường cách UBND xã khoảng 1 km.

Ngoài xã Đông Quan, tại huyện Lộc Bình còn có thêm 3 xã khác là Hữu Lân, Minh Phát và Nam Quan, Công ty Innov Green cũng đã tiến hành trồng rừng thử nghiệm.

  • Duy Tuấn - Vũ Điệp

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,