221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
957252
"Phép lạ" dưới chân đèo Tô Na
1
Article
null
'Phép lạ' dưới chân đèo Tô Na
,

(VietNamNet) - Già buôn Fùm Ang (xã Ia R’Sươm – Krông Pa – Gia Lai), nhẩn nha với từng ngụm khói xanh lét toả ra quanh chiếc tẩu. Ông kể câu chuyện về một cựu chiến binh, “dám đến vùng đất này để "thức nó dậy", viết cho nó một cái “Hơri” mới". Đó là Đặng Ngọc Giang, một "phép lạ" dưới chân đèo Tô Na.

Sinh linh được cứu thoát

a
Ông Đặng Ngọc Giang.
Người phụ nữ nằm bất động như một thân cây khô ai đặt lên sạp nứa. Tóc tai bù xù. Đầu nghiêng về một bên. Tay phải dang ra tựa đầu cho đứa trẻ và như không muốn để nó ngã xuống đất sợ lũ kiến vàng ăn thịt.

Đứa bé nằm trong lòng mẹ. Đôi môi người đàn bà khô rộp, không còn cả sức để ngậm miệng lại nữa…

Nhìn thảm cảnh trước mắt cả đám người lặng phắc, không ai dám cả thở mạnh. Mãi mới có người bước lại gần rút từ cạp hà bềnh sợi chỉ… Người mẹ có lẽ đã chết ba bốn hôm rồi, đứa con nhờ chút sữa héo, nhưng nó như ngọn đèn đã hết dầu, chỉ nhập nhoà đôi chút nữa thôi…

Cả buôn Bu ai cũng biết con người khốn khổ này. “Nó” là H’Eách. Mẹ chết, cha đi lấy vợ khác nên từ nhỏ đã lủi thủi một mình trong căn lều bên bờ sông Ba. Có lần, làng để ý thấy một người đàn ông cứ thậm thụt ra vào. Thế rồi H’Eách có thai.

Lệ làng không chồng mà chửa là phải phạt. Nhưng già làng sau khi hết khói mấy cái tẩu thuốc đã bảo H’Eách nghèo, không lấy đâu ra tiền… Tha cho nó vậy. Cái lều H’Eách đã ít dấu chân người nay lại ít hơn. Và H’Eách như cái bóng trên vách khi bếp không còn cháy nữa…

Người mẹ đã về với “làng ma” nhưng còn đứa bé ? Người người đưa mắt nhìn nhau. Không nói nhưng ai cũng hiểu… “Đừng giết cháu, để tôi nuôi cho!”. Tiếng nói nghe quen quen từ cửa ngõ ngôi nhà, khiến mọi người cùng quay mặt nhìn ra. Ô, Ma Thanh! (người trong buôn thân mật gọi Giang bằng tên con).

Không ai lạ lòng tốt, nhưng nhìn thằng bé đang hấp hối bên người mẹ đã chết, nhiều người dân nói nhỏ, trong tiếng thở buồn: “Thằng nhỏ sắp chết rồi, mày không nuôi nổi đâu!”, “Để nó theo mẹ về với Yàng, được bú, được ăn...!”.

"Tôi nuôi được! Cháu đang còn sống, phải cứu cháu, bỏ nó chết là có tội đấy!" - Giang nói rồi cởi phăng chiếc áo đang mặc, cuộn thằng bé vào chiếc áo, chạy về nhà. Những tiếng gọi lao nhao đuổi theo: “Thằng nhỏ chết mày phải làm ma cho nó đấy, làng không chịu đâu!”

Mặc kệ, việc đầu tiên của Giang là cứu được một sinh linh bé nhỏ đang hấp hối trên tay.

Phép lạ của Yàng!

g

Đặng Ngọc Giang và con nuôi được ông cứu sống.

… Người hai buôn Fùm Ang, Fùm Ji vẫn còn nhớ rất rõ, giữa năm 2000 có một người đàn ông Kinh dắt díu vợ con đến giải đất hoang dưới chân đèo Tô Na dựng nhà. Không ít người đã biết “nó” khi còn ở trên xã.

Đặng Ngọc Giang hồi đánh Mỹ là lính B3 Tây Nguyên. Có 4 đứa con đều bị nhiễm chất độc da cam cả, chán nản “nó” bỏ đi đãi vàng. Giang lang bạt khắp nơi. Đến lúc vợ đẻ được đứa con trai, may sao không việc gì, Giang mới chịu ở nhà. Thấy Giang làm ăn giỏi, dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội nông dân xã…

Giang được giao nhiệm vụ của cán bộ. Nhưng đất dưới chân đèo này hòn đá cũng không yên được vì nắng gió, nữa là cây lúa. Có người bảo, rồi cũng chỉ được “no cái tai mà bụng vẫn đói” thôi.

Nhưng Giang không nói đến cây lúa của ông bà, mà vận động bà con trồng bông để bán cho nhà máy. Nhưng nhiều người nghĩ, người Jrai xưa cũng biết trồng bông nhưng chỉ trồng chơi chơi trên rẫy thôi, nay đưa ra giữa đồng cả loạt biết có được không? Có người thì ậm ờ, có người như lạc đường giữa ngã ba chưa tìm ra lối rẽ…

Giang tự mình làm trước. Vụ đầu trồng 1ha, thu được hơn 3 tấn. Vụ sau Giang làm luôn 4 ha, lãi hơn 30 triệu đồng… Ba mươi người đàn ông khoẻ, làm lúa rẫy cả năm cũng không được thế.

Người Jrai khi con mắt đã thấy thì cái bụng tin ngay. Ai cũng đua nhau trồng bông. Giang đi từng rẫy chỉ bảo kỹ thuật. Anh lại mua bò cho 8 hộ nghèo nhất buôn chăn để có phân làm cho tốt… “Đất này, cây bông sẽ là phép lạ của Yàng” - Giang đã nói thế và bây giờ mọi người mới hiểu ra.

Nhưng không chỉ đứng nguyên một chỗ với mình cây bông, Giang lại vận động hai buôn làm lúa nước. "Không lo hột gạo thì việc xa việc gần cũng nghĩ tới" – Giang bảo thế. Cái lý đúng quá rồi nhưng cả hai buôn xưa nay đất ven suối chỉ để cho con trâu, con bò đi chơi. Lại có người bảo: Yàng H’ri (thần lúa) sống trên rẫy, đưa xuống nước thì Yàng H’ri chết, lại càng thêm đói nữa.

Biết việc khó không xong một lần, Giang chọn người hiểu biết đi khai hoang, ngăn suối làm mương. Rồi Giang bỏ tiền mua giống cho, chỉ cách làm từng tí một. Vụ đầu thu hoạch bằng 10 cây lúa rẫy mà chỉ hơn bốn tháng là có ăn.

Không ai còn bàn ra nói vào nữa. Trước không một mẫu ruộng nước, bây giờ hai buôn có đến 21ha. Cái đói giáp mùa đã hết.

Hồi Giang mới về, cả hai buôn Fùm chỉ có 6 cái nhà tôn cũ. Bây giờ thì chẳng còn ai phải ở nhà tranh. Xe máy, ti vi cũng chẳng phải là cái lạ… Chuyện Giang giúp đỡ bà con làm ăn kể còn nhiều nữa, nhưng bà con thật bụng biết ơn Giang nhiều nhất vẫn là được "mở cho sáng" cái đầu nhiều người.

Hồi năm 2001, Tây Nguyên xảy ra sự lộn xộn, bọn Fulro lợi dụng mang vào đây cái gọi là "Tin lành Đê Ga". Chúng bảo theo Đê Ga thì lúa tốt, bò đẻ nhiều. Mai mốt còn được cho đi nước ngoài để cấp cho nhà lầu, xe hơi nữa.

Tưởng thật, hai buôn theo luôn 27 hộ và phong Nay Sáu làm “trùm”. Biết tin, Giang buồn lắm. Vốn có rẫy kề bên, Giang từng bước vận động làm cho Sáu hiểu. Biết Sáu một phần làm ăn khó khăn nên nghĩ bậy, Giang giúp tiền ủi ruộng làm lúa nước, bày cho cách làm ăn. Sau vài vụ, nhà Sáu khá hẳn.

Bụng no thì cái đầu cũng sáng, Sáu tự giác bỏ cái “Tin lành Đê Ga”. Sáu bỏ, 8 hộ lì nhất cũng học theo. Thế là hai buôn hết hẳn cái luôn rình ám mọi người.

Vị mặn của hạnh phúc

y

Hạnh phúc của cha con ông Giang mang vị mặn của mồ hôi, nước mắt

Trời về chiều, bóng nắng trên đỉnh đèo Tô Na lịm tắt. Đặng Ngọc Giang vừa ở rẫy trở về. Cởi chiếc áo đẫm mồ hôi vắt lên thành ghế, anh phân trần: "Mải tưới cho xong đám bắp nên để các anh phải chờ. Năm nay tôi trồng thử bắp trái vụ xem sao. Hoá ra rất tốt. Với 2 ha chắc chắn tôi sẽ thu không dưới 30 triệu đồng. Thành công này tôi sẽ đem phổ biến cho bà con dân tộc trong buôn…"

Trong ánh hoàng hôn nhợt nhạt đang lan xuống chân đèo, đàn bò, dê hàng trăm con của Giang rầm rập về chuồng. Nhìn cậu bé tóc hoe vàng vì nắng vung roi vun vút đuổi đàn gia súc, tôi đoán có lẽ đây là con nuôi của anh, con của H’Éach ngày xưa.

"Cháu đấy! Tôi đặt tên là Đặng Ngọc Sang. Có ai ngờ được phải không?". Đặng Ngọc Giang kể thêm... Lúc anh mang cháu về, vừa giở tấm áo ra, vợ anh đã xây xẩm mặt mày. Một dúm thịt khô đét, tanh tưởi, đầu cháy sém một bên do khi đó bếp lửa bắt lan sang người cháu.

Phải tiêm hai mũi hồi sức cháu mới cất được tiếng khóc. Đoán chắc là cháu sống được, Giang trở lại buôn Bu để thắp cho mẹ cháu nén hương. Tới nơi, xác mẹ cháu vẫn còn để đó. Hỏi, người ta bảo không có quan tài. Giang bỏ tiền ra mua áo quan chôn cất cho mẹ cháu.

Mọi việc xong xuôi, bấy giờ già làng mới bảo: "Con H’Eách chết để lại một đám rẫy với 4 con bò. Mày đã làm ma, nuôi con cho nó thì cũng như là “chồng”. Rẫy và bò của nó là phần mày!”. Giang cười, bảo: nhà tôi đủ sức nuôi cháu khôn lớn. Những thứ H”Eách để lại, làng hãy đem cho người nghèo.

Nỗi đau những đứa con tật nguyền của Giang lẽ ra sẽ vơi đi một phần nếu cháu lớn lên bình thường. Buồn thay, do bị cháy một phần đầu lúc nhỏ, trí nhớ của cháu rất kém. Học 3 năm mà không lên nổi lớp 1, Giang đành cho cháu ở nhà.

Anh đã có tất cả nhưng nỗi buồn cũng bao trùm lên tất cả. Những lúc như vậy, anh lại đọc mấy câu "Hạnh phúc và bất hạnh, niềm vui và nỗi buồn trong cuộc đời mỗi con người luôn là sự song hành" của một nhà thơ Liên Xô. Anh đọc để an ủi, động viên và nhắc nhở mình vươn lên.

Đèo Tô Na dần chìm trong hoàng hôn tím sẫm núi rừng Tây Nguyên. Tôi nhìn thấy được nụ cười mãn nguyện, niềm vui, hạnh phúc của nhiều người dân quê thân thuộc. Đâu đó, có thoảng chút hương đất, vị mặn mồ hôi của một cựu chiến binh sống hết mình, vì bà con làng bản.

  • Hân Minh

    Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,