,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
919154
Quốc hội có nhiệm kỳ, nhưng đất nước không nhiệm kỳ!
1
Article
null
,

Quốc hội có nhiệm kỳ, nhưng đất nước không nhiệm kỳ!

Cập nhật lúc 23:23, Chủ Nhật, 08/04/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - QH khoá XII mở đầu thời kỳ đất nước chuyển lên một giai đoạn phát triển mới và hội nhập toàn diện vào quá trình toàn cầu hoá của thế giới. Với trọng trách như thế, QH khoá XII chỉ có thể xếp sau khoá I về mặt ý nghĩa và tầm vóc.
Khi phiên họp cuối cùng QH khoá XI kết thúc, ra về các ĐB, người hồ hởi vì đã làm xong việc lớn, người có vẻ mặt lâng lâng, lại có người sụt sịt.. những cái bắt tay lắc mạnh, những vòng tay da diết. Ống kính nhà báo còn đem đến cho khán giả truyền hình những giọt nước mắt chia ly. Phải,  năm năm cùng nhau gánh vác trọng trách thay dân làm chủ đất nước chứ ít ỏi gì, mãn nhiệm ra về sao tránh khỏi quyến luyến.

"QH khoá XII sắp tới sẽ mở đầu thời kỳ đất nước chuyển lên một giai đoạn phát triển mới và hội nhập toàn diện vào quá trình toàn cầu hoá của thế giới"
Tôi trông màn hình TV đến mỏi mắt, cố dõi tìm những vẻ mặt đăm chiêu, những suy tư có thể đọc được trên các nếp nhăn của trán, trong các khoé sâu của mắt... nhưng không thấy. Các nhà báo làm việc quá tồi chăng?! Không còn cách nào khác, tôi đành tìm đọc lại Báo cáo công tác của QH khoá XI do Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng trình bày. Những việc mà QH khoá XI đã làm được quả là nhiều. Song, việc chưa làm được, làm chưa tốt, làm không đúng cũng còn không ít (xem phần B/I và chương II của Báo cáo vừa nêu). Tuy nhiên, điều day dứt trong tôi là câu hỏi: QH khoá XI đã chuẩn bị gì cho QH khoá XII?
Câu hỏi xuyên ngang sống lưng ấy rất tự nhiên: QH có nhiệm kỳ, nhưng đất nước không có nhiệm kỳ, những gì khoá này làm chưa tốt hay chưa làm được thì còn là những tồn tại nguyên vẹn cho khoá sau, thậm chí có thể cho nhiều khoá tiếp theo, càng để chậm, tỷ lệ lãi “âm” càng lớn…

Hơn nữa, QH khoá XII mở đầu thời kỳ đất nước chuyển lên một giai đoạn phát triển mới và hội nhập toàn diện vào quá trình toàn cầu hoá của thế giới. Với trọng trách mở đầu một thời kỳ mới như thế, QH khoá XII chỉ có thể xếp sau khoá XI về mặt ý nghĩa và tầm vóc. Chính vì lẽ này, tôi dán mắt vào báo cáo của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng - cố tìm hiểu xem người đi trước chuẩn bị cho người đi sau như thế nào.

Chuyển giao?
Đất nước phải chuyển vào thời kỳ phát triển mới cao hơn, chất lượng hơn và cũng quyết liệt hơn, đó là tất yếu của phát triển sau 20 năm đổi mới.

Nhìn vào mọi phương diện, có thể nói tất cả những gì đã khơi dậy, phát huy được theo phương thức phát triển chiều rộng như vừa qua đã đạt tới trần: Sản phẩm lao động cơ bắp, hàm lượng công nghệ thấp đã được khai thác tới ngưỡng, tiếp tục xu hướng lợi thế so sánh này sẽ ngày càng tụt hậu; Khai thác tài nguyên thiên nhiên đã tới mức cho phép, môi trường tự nhiên xuống cấp quá mức so với thành tựu kinh tế đạt được; Chỉ số ICOR những năm gần đây là 5 và 6 (số tròn) với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 8% (số tròn) cho thấy hiệu quả chung của nền kinh tế là thấp và có nhiều thất thoát lớn (các chuyên gia ước tính tham nhũng và thất thoát hàng năm chiếm khoảng 10% GDP hoặc hơn nữa); Nhìn vào hệ thống đường xá lạc hậu, việc cung cấp điện năng thiếu hụt, tình trạng khan hiếm nước… có thể thấy ngay kết cấu hạ tầng hiện nay không kham nổi sức phát triển năng động của kinh tế.

Nền kinh tế đang tràn đầy sức sống, nhưng thị trường còn nhiều khuyết tật hoang dã vì thiếu nền tảng vững chắc của nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự; Là đất nước có tỷ lệ cao về dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào, nhưng tỷ lệ người không có việc làm và người thiếu việc làm rất lớn, mặt khác lại thiếu trầm trọng lực lượng lao động có nghề và nguồn nhân lực có kỹ năng cao; Giáo dục và y tế đang là hai vấn đề bức xúc lớn kéo dài từ hàng chục năm nay, hiện vẫn chưa có lời giải.

Với GDP tính theo đầu người hiện nay khoảng 700 - 800 USD nền hành chính quốc gia nói riêng và bộ máy điều hành đất nước nói chung đang có nhiều bất cập lớn, cải cách hành chính gần như giẫm chân tại chỗ suốt nhiệm kỳ QH vừa qua. Nếu GDP theo đầu người lên tới 1.500 USD, 2.000 USD… tình hình sẽ ra sao? Thực trạng này sẽ cho phép VN thoát khỏi nước nghèo và chậm phát triển vào năm 2010 (còn khoảng 3 năm nữa)?.v.v...

Đất nước đứng trước tình hình: Những thành tựu của 20 năm đổi mới lớn bao nhiêu, thì những đòi hỏi của phát triển càng bức xúc bấy nhiêu, nếu không đáp ứng được, sự phát triển năng động sẽ chuyển hoá dần thành quá trình tích tụ năng lượng huỷ hoại.

Rõ ràng, QH khoá XII đứng trước những nhiệm vụ, những vấn đề hoàn toàn mới của thời hội nhập toàn diện vào đời sống thế giới.

Về kinh tế: Chẳng những phải làm cho nền kinh tế nước ta có khả năng chấp nhận luật chơi chung, có khả năng tham gia hiệu quả vào sân chơi chung toàn cầu, mà còn phải có sức sống bên trong đủ mạnh để đối mặt được với mọi sóng gió đến từ bên ngoài, dù là trên mặt trận tài chính tiền tệ, hay là cuộc khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng chính trị, quân sự bất kỳ nơi nào, bất kể từ đâu tới. Hơn nữa, nước ta đang nằm trong lòng khu vực kinh tế phát triển năng động nhất thế giới, không theo kịp sự phát triển năng động này đồng nghĩa với thảm bại.

Về chính trị: Phải chăm lo mọi mặt sao cho lòng người thu về một mối, để trong có ấm thì ngoài mới yên, có mạnh bên trong mới đứng vững được với bên ngoài. Trong lịch sử của mình, nước ta chưa bao giờ đứng trước tình hình phát huy sức mạnh dân tộc trở thành vấn đề sống còn quyết liệt như trong thời đại ngày nay. Muốn cạnh tranh kinh tế thắng lợi, phải phát huy được sức mạnh dân tộc. Muốn không bị đè bẹp dù là trên phương diện văn hoá hay trên bất kỳ phương diện chính trị, sức mạnh nào, rất cần đến sức mạnh dân tộc. Không muốn là cái bóng của bất kỳ ai, không phải cầu cạnh núp bóng ai, càng phải có sức mạnh dân tộc. Quan trọng hơn nữa, để được tất cả các đối tác tôn trọng, và để có hợp tác thật sự, nhất thiết phải phát huy sức mạnh dân tộc.

Trong xu thế cơ bản là hoà bình, ổn định, thế giới ngày nay đang tích tụ những yếu tố của các biến động khó lường. Không nên hoang tưởng tự vẽ ra những con ngoáo ộp để hù doạ mình, song không thể không dự trù đến những tình huống bất trắc. Giả sử phiêu lưu của Mỹ tại Iraq dẫn tới thảm bại, rồi lại một phiêu lưu mới nào nữa do những tính toán khát nước? Rồi đồng đô-la Mỹ bị kéo chìm vì nhiều lẽ, do hoàn cảnh bắt buộc hay do chính phủ Mỹ cố ý, chúng ta sẽ tính sao đây nhất là thị trường tài chính đang mở cửa?

 Không phải ngẫu nhiên OPEC (tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) cũng như nhiều nơi khác đang chú ý hơn đến đồng Euro. Chắc chắn thế giới sẽ có nhiều cuộc chiến tranh mới, những cuộc chiến về năng lượng, nguyên liệu, thị trường. Chúng ta sẽ tồn tại hay sống sót  thế nào trong điều kiện này? Vừa qua, chúng ta đã có dăm ba cuộc giao chiến lẻ tẻ về cá ba-sa,  tôm, hàng may mặc.v.v...

Chiến tranh lạnh kéo dài 45 năm, nhưng thế giới một siêu đa cường cho đến nay tồn tại mới được 15 năm mà đã bắt đầu chuyển dần sang thế giới đa cực. Ngày nay mọi chuyện trên toàn cầu đều nhanh và khác trước. Chúng ta phải làm gì đây, để vừa là đối tác thực chất của tất cả những “cực” hiện có hoặc đang nổi lên, đồng thời để không bao giờ rơi vào cảnh “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”?

Bài học của quốc tế

C

Xem kỹ hồ sơ ĐB là trách nhiệm của cử tri. Ảnh: V.A

Để biết mình biết người trong thế giới hôm nay, xin hãy đưa mắt nhìn quanh.

Mỹ đang làm nhiều cách duy trì thế siêu cường, nhưng đồng thời đã phải tính đến những  nước cờ toàn cầu khác. Còn trong nước, ráo riết cải cách giáo dục nhằm duy trì lợi thế lâu dài.

Thủ tướng Abe đang muốn cơ cấu lại nền kinh tế và thức tỉnh tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ Nhật Bản, với ý định đưa nước Nhật trở thành một trong những "diễn viên chính" của thế kỷ 21.

Trung Quốc đang hun đúc tinh thần “trỗi dậy hoà bình” để giành lại 5 thế kỷ bị đánh mất, hiện nay là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tính theo GDP - PPP, và đang trên đường trở thành siêu cường mới. Ấn Độ đang tiến bước vững chắc thành cường quốc khu vực. Nga đang làm mọi việc phục hồi vị thế của mình.

Thái Lan, láng giềng, mấy năm qua đã đưa ra chiến lược kinh tế mới với nhiều trung tâm, song nửa đường đứt gánh với cuộc đảo chính 19/09/2006. Nếu tin tức báo chí là đúng thì 10 năm qua kinh tế Campuchia tăng trưởng bình quân 8%/năm, riêng năm 2006 GDP tăng 10% - nghĩa là năng động hơn nền kinh tế Việt Nam…

Cả thế giới là một cuộc chạy đua ráo riết. Đứng trước tình hình này QH khoá XII sẽ thức tỉnh dân tộc mình điều gì? Làn sóng đổi mới cơ cấu kinh tế đang dồn dập, nhất là ở châu Á, Việt Nam ta phải làm gì để cưỡi làn sóng này (nắm lấy cơ hội này đổi mới cơ cấu kinh tế trong nước), nhưng quyết không để tái diễn kịch bản “mía đường”, “xi măng lò đứng” đang trở thành những tượng đài của sự ấu trĩ thảm hại?.v.v...

Còn nhiều câu hỏi mới, nhiều vấn đề mới đặt ra cho QH khoá XII, đặt ra cho cả đất nước mãi mãi về sau, nhưng hướng đi tìm câu trả lời chỉ có một: Một nước Việt Nam có sức sống mãnh liệt và có ích cho mọi đối tác của mình. Xin đừng quên 2 chữ "có ích" mang ý nghĩa sống còn này .

Đứng trước những đòi hỏi mới, QH khoá XI đã chuẩn bị gì cho người kế nhiệm?

Con người là quyết định
Báo cáo của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nêu lên rất đúng rằng chất lượng hoạt động của QH trước hết phụ thuộc vào đại biểu QH, nhất là đại biểu chuyên trách. Điều quan trọng không kém là phải đổi mới sự lãnh đạo của Đảng.

Thế nhưng QH khoá XI đã làm được những việc gì cụ thể cho QH khoá XII trong hai việc cực kỳ quan trọng này?

Có rất nhiều việc phải làm, nhiều việc có thể làm ngay được. Trong suốt hai tháng qua báo chí đã đăng tải nhiều ý kiến tâm huyết của công dân, trong đó có những người đã từng giữ trọng trách trong QH các khoá trước... Họ đã nêu lên rất rõ những thay đổi phải làm, những việc trong tầm tay. Xin hãy so sánh những gì đã kiến nghị trên báo hai tháng qua, những gì đã thực hiện được trong những tháng hiệp thương.

Có ý kiến giải thích: Thời gian ngắn quá, nên không làm được nhiều việc; Luật bầu cử và những quy định khác chưa thay đổi nên về cơ bản cũng không thay đổi được nhiều… Một nội dung quan trọng của hiệp thương là làm cho cử tri và ứng cử viên (dù là được đề cử hay tự ứng cử) cùng nhau bàn luận để thấu hiểu những yêu cầu mới của tình hình và nhiệm vụ, nhờ đó mà sàng lọc, mà dễ dàng hơn cho việc chọn mặt gửi vàng, song việc này cũng chưa làm được như mong muốn.

Ngày bầu cử đang mỗi lúc một gần. Thời gian còn lại có thể làm được việc gì tốt thì nên cố tận dụng, nhất là về phía người cầm phiếu đi bầu. Nhưng một khi đã bầu ra được QH khoá XII, thì mong QH khoá XII hãy toàn tâm toàn trí và một ý chí phục vụ đất nước - với tất cả nhận thức sâu sắc về tình hình và nhiệm vụ mới đang đặt ra.

Ngay ban đầu, QH khoá XII nên vạch ra một phương thức làm việc để từng ĐB được bồi dưỡng những năng lực cần thiết mà trọng trách đòi hỏi, để mỗi ĐB có điều kiện tự bộc lộ mình trước sự giám sát và giúp đỡ của nhân dân. Đây là cách làm khả thi để nâng cao năng lực QH trong điều kiện hiện nay.  Chăm lo thu hút ý kiến và trí tuệ của dân, đồng thời công khai minh bạch mọi hoạt động, QH khoá XII sẽ có những điều kiện tốt để thực hiện trọng trách là cơ quan quyền lực cao nhất của cả nước, đôn đốc, giám sát sự vận hành của bộ máy chính quyền quốc gia và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước với tính cách là cơ quan lập pháp. Rõ ràng, công dân cả nước rất quan tâm xây dựng QH với những ý kiến xác đáng.

Trong tình hình chung cả nước, thực hiện công khai minh bạch đời sống mọi mặt của đất nước và phát huy dân chủ trong nhân dân sẽ là chìa khoá để nắm bắt cơ hội và là sức mạnh để đối phó với mọi thách thức, là điều kiện để QH khoá XII làm tiếp những việc QH khoá XI để lại.

Lẽ đơn giản là đất nước không có nhiệm kỳ.

  • Nguyễn Trung

Ý kiến của bạn:

,
,