,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
904384
"Non sông Hồng Lạc gấm thêm hoa"
1
Article
null
,

'Non sông Hồng Lạc gấm thêm hoa'

Cập nhật lúc 17:06, Chủ Nhật, 04/03/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Với một dân tộc từng trải qua thử thách dài của chiến tranh và phân ly thì sự Đoàn kết và Dân chủ còn góp phần hoà giải những vấn đề của quá khứ, hoà hợp sức mạnh của dân tộc… Ông Dương Trung Quốc viết.

"Non sông Hồng Lạc gấm thêm hoa" là câu kết trong bài thơ chúc Tết năm Quý‎ Mùi của nhà cách mạng Hồ Chí Minh. Hơn sáu mươi năm về trước, năm 1943, tác giả lời chúc Tết sau khi phân tích tình hình thế giới đang trong cuộc đại chiến đã đi đến nhận định:”Ấy là cơ hội tốt cho ta – Cơ hội này ta chớ bỏ qua - Phấn đấu hy sinh đừng quản ngại - Tuyên truyền tổ chức phải xông pha - Đồng tâm, một triệu người như một – Khởi nghĩa ba kỳ giạy cả ba” và kết bằng lời chúc “Năm mới quyết làm cho nước mới – Non sông Hồng Lạc gấm thêm hoa”.

Các kiều bào được Vinh danh năm nay đang trao đổi trong buổi gặp gỡ trước  lễ Vinh danh tối nay (4/3) tại Văn Miếu. Ảnh: Lê Anh Dũng

Cho dù thời thế đã đổi thay, sau hơn một hoa hội, Đất nước Việt Nam không những đã độc lập và thống nhất mà những thành tựu của công cuộc Đổi mới và Hội nhập đã làm cho VN ngày một thêm mới. Nhưng vần thơ chúc Tết của Bác Hồ vẫn còn nguyên ý nghĩa như một lời chúc muôn thuở của một ước vọng không bao giờ cũ “Năm mới quyết làm cho nước mới” và hướng tới một mục tiêu không khi nào kết thúc: ”Non sông Hồng Lạc gấm thêm hoa”.

Hơn thế nữa, trong lời chúc ấy còn chứa đựng một nguyên lý để đạt tới sự thành công, đó là “Đồng tâm, một triệu người như một”. Bài học đại đoàn kết trên nền tảng “đặt lợi ích dân tộc lên trên hết”. Kết thúc bài thơ chúc Tết năm Ất Dậu, nhà lãnh đạo cuộc Cách mạng sắp bùng nổ vẫn nhắc lại cái ước vọng ngàn đời: ”Nghìn thu danh vọng Rồng - Tiên”.

Hơn bao giờ hết, với công cuộc Đổi mới được khởi động đến nay đã hai thập kỷ, với công cuộc Hội nhập vừa đạt tới một thành tựu quan trọng khởi đầu cho năm 2007, đọc lại vần thơ chúc Tết của những năm vận động cho sự ra đời của chế độ Dân chủ - Cộng hoà vẫn thấy sâu sắc một khát vọng mà dân tộc Việt Nam đã phấn đấu. Và cái khát vọng ấy chỉ có thể đến thành công nếu khối đoàn kết của toàn dân được củng cố và tăng cường .

Cũng trong thời kỳ vận động giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của ngoại bang, Bác Hồ đã từng đúc kết một bài học rút ra từ thực tiễn lịch sử: ”Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn” (1942).

60 năm qua, chúng ta còn biết đến một câu nói đúc kết như một chân lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh: ”Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”. Vậy thì, nguy cơ “bị nước ngoài xâm lấn” cũng như giá trị của “Độc lập - Tự do” sẽ có ý nghĩa như thế nào trong thời kỳ hội nhập?

Để trả lời câu hỏi đó có thể phải phân tích, nghiên cứu kỹ càng những đổi thay trên thế giới cũng như trong nước với biết bao nhiêu thách đố cũng như cơ hội của một thế giới ngày càng trải rộng trên một “mặt phẳng” hay ngày càng phức tạp của sự phân hoá và cạnh tranh quyết liệt. Nhưng điều có thể trả lời ngay như một tiên đề đã được lịch sử kiểm chứng là “đoàn kết là sống, đoàn kết là phát triển”. Đoàn kết lại phải được xây dựng trên nguyên tắc cũng là giá trị chung của thời đại, đó là Dân chủ. Do vậy, Đổi mới thực chất chính là “Đoàn kết hơn nữa và Dân chủ hơn nữa”.

Với một dân tộc từng trải qua một thử thách dài của chiến tranh và phân ly thì sự Đoàn kết và Dân chủ còn góp phần hoà giải những vấn đề của quá khứ, hoà hợp sức mạnh của dân tộc ngay từ trong những di sản đau thương như những bài học sâu sắc “trái lại với đoàn kết thì sẽ bị nước ngoài xâm lấn” như đã từng xảy ra trong lịch sử…

Đầu năm 2007, chúng ta không chỉ thấy những biến đổi to lớn của công cuộc hội nhập với thiên hạ có thể tính đếm bằng con số những tỷ đô la mới đầu tư, những triệu khách du lịch vừa đổ vào Việt Nam mà còn trân trọng ghi nhận cuộc hội nhập của toàn dân vào những đạo nghĩa vốn có của tổ tiên: những triệu người hành hương cầu nguyện cho quốc thái dân an, những dòng người Việt từ muôn phương trở về với quê hưng không chỉ làm ăn, thăm hỏi người thân trên cõi dương gian mà còn góp phần hàn gắn những vết thương lòng của quá khứ, mong sự siêu thoát tới cõi tâm linh…

Sự kiện "Vinh danh nước Việt” lần thứ III diễn ra đêm nay tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hà Nội cũng chính là một khúc ca hòa chung vào giai điệu của bài ca đoàn kết và hoà hợp mà dân tộc Việt Nam đang tiếp tục cất cao vào Mùa Xuân này. Nó là sự tiếp nối của sự nghiệp phấn đấu cho ước vọng ngàn đời của dân tộc được gửi gắm trong những câu thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Non sông Hồng Lạc gấm thêm hoa” (Quý‎ Mùi - 1943) hay “Nghìn thu danh vọng Rồng Tiên" Ất Dậu - 1945).

  • Dương Trung Quốc

Ý kiến của bạn:

,
,