,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
879060
Thị trường chứng khoán Việt Nam: Những phiên chợ cuối năm
1
Article
null
,

Thị trường chứng khoán Việt Nam: Những phiên chợ cuối năm

Cập nhật lúc 16:45, Thứ Sáu, 22/12/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - "Nguyên nhân gây ra sự gia tăng bất hợp lý của thị trường chủ yếu là do tính không chuyên nghiệp của các nhà đầu tư dẫn đến thái độ tin tưởng một cách “ngây thơ” vào các tin đồn". Bình luận của tác giả Huỳnh Thế Du về sự  biến động của thị trường chứng khoán cuối năm.

"Song song với hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán là một kênh huy động vốn hữu ích". Ảnh: Đặng Vỹ

Chỉ còn hơn một tuần nữa là khép lại năm 2006, một năm đánh dấu rất nhiều thành công của Việt Nam. Nằm trong nhóm dẫn đầu về những thành công này không thể không kể đến sự bùng nổ của thị trường chứng khoán.

Nếu không có gì đột biến, kết thúc năm 2006 sẽ có khoảng 170 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ của các công ty và quỹ đầu tư được niêm yết và đăng ký giao dịch trên hai trung tâm giao dịch chứng khoán ở TP.HCM và Hà Nội với tổng giá trị vốn hóa trên 10 tỷ đô-la, bằng 17% GDP năm 2006, cao hơn cả kế hoạch đến năm 2010 (10-15%). Cộng thêm khoảng 5 tỷ đô-la giá trị trái phiếu, con số này sẽ bằng 25% GDP, 35% tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng và chiếm 1/5 tổng tài sản tài chính của cả nước. Một thành công ngoài sự mong đợi của tất cả mọi người, kể cả những người lạc quan nhất.

Thị trường chứng khoán đang lên ngôi?

Ai cũng biết rằng, song song với hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán là một kênh huy động vốn hữu ích, nhất là vốn dài hạn cho các doanh nghiệp. Nhưng nhìn kỹ một chút sẽ thấy trong thời gian qua, dường như thị trường chứng khoán Việt Nam chưa làm được điều này. Trong 170 công ty hiện có, chủ yếu mới đưa chứng khoán đã phát hành ra niêm yết là chính chứ chưa có nhiều doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn.

Như vậy, chỉ có một tỷ trọng nhỏ trong giá trị vốn hóa 10 tỷ đô-la nêu trên là nguồn vốn thực sự được đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Một ví dụ hết sức điển hình là trường hợp của Sacombank. Ngay khi niêm yết, giá trị vốn hóa của Sacombank vào khoảng 16.000 tỷ đồng, nhưng họ đã không thể huy động ngay 200 tỷ đồng như dự kiến mà phải sau một thời gian dài, kế hoạch này mới được thực hiện.

Những phiên chợ cuối năm

Nếu ai đã từng đi chợ hoa những ngày cuối năm (sau giờ giao thừa, số hoa còn lại sẽ trở nên “vô giá”) thì có thể thấy tình trạng tương tự của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay. Đó là nhờ việc thay đổi chính sách ưu đãi về thuế thu nhập do Bộ Tài chính đề xuất.

Nếu không có chính sách ưu đãi giảm thuế thu nhập 50% hai năm sau khi niêm yết hoặc Bộ Tài chính không đề xuất bãi bỏ chính sách này từ đầu năm 2007 thì chắc sẽ không có làn sóng ồ ạt lên sàn. Và có lẽ các doanh nghiệp mà hoạt động chính cũng như các cổ đông hầu hết ở TP.HCM cũng không lặn lội ra Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đăng ký giao dịch làm gì.

Một phép tính đơn giản cho trường hợp của ACB. Với mức lợi nhuận vào khoảng 600 tỷ một năm, với quyết định lên sàn vào năm 2006, ngân hàng này đã “tiết kiệm” được gần 170 tỷ đồng. Không quyết định nào đáng giá hơn. Đó là chưa kể những lý do khác như khả năng giảm sốc khi thực hiện đăng ký giao dịch sau đó mới lên sàn chính thức.

Điều dường như chắc chắn sẽ xảy ra là sau tuần thứ 52, nếu doanh nghiệp nào chưa có được giấy phép lên sàn thì họ sẽ không hối hả tìm kiếm như bây giờ.

Nguy cơ bong bóng đang hiện rõ

Tính đến ngày 15/12, chỉ số VN-Index đã tăng trên 140% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi, cũng cùng thời gian này, chỉ số chứng khoán toàn cầu chỉ tăng 17%; chỉ số chứng khoán của các thị trường đang lên chỉ tăng 40% và chỉ số chứng khoán của các nước ASEAN chỉ tăng 35%. VN-Index đã tăng quá nóng. (Nguồn: FTSE và Công ty Chứng khoán Đệ Nhất và tính toán của tác giả. Số liệu từ ngày 15/12/2005-14/12/2006).

Nguyên nhân gây ra sự gia tăng bất hợp lý của thị trường chủ yếu là do tính không chuyên nghiệp của các nhà đầu tư dẫn đến thái độ tin tưởng một cách “ngây thơ” vào các tin đồn.

Điển hình là việc tin tưởng thái quá vào đánh giá lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam của Merrill Lynch, một trong những tổ chức kinh doanh chứng khoán hàng đầu thế giới, và tin đồn rằng sau tháng sáu các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ồ ạt đổ vào Việt Nam đã tạo ra cơn sốt vào thời gian giữa tháng tư. Tiếp đến, việc trở thành thành viên thứ 150 của WTO và tổ chức thành công hội nghị APEC vào tháng 11 cộng với dự báo về khả năng có một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam có thể là nguyên nhân chính tạo ra cơn sốt cuối năm.

Những đánh giá, những tin tức nêu trên là tốt và có thực, nhưng bản thân chúng đã bị thổi phồng tạo ra sự kỳ vọng quá mức.

Ngược lại, chỉ với cảnh báo cách đây hai ngày của Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã làm chỉ số VN-Index giảm gần 10% sau khi lên đến đỉnh điểm 810 điểm vào ngày 20/12. Cho dù sự sụt giảm này trùng hợp với “ngày thứ ba đen tối” của thị trường chứng khoán Thái Lan, khi mà chỉ số chứng khoán của họ giảm đến 15%, nhưng không thể nói rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đã “hòa nhập” với thế giới. Thực ra, khi giá tăng do tin đồn thì tin đồn làm nó đảo chiều là điều không cần bàn cãi.

Thị trường biến động mạnh: ai được, ai mất?

Khi giá cổ phiếu phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp, nền kinh tế tăng trưởng ổn định thì nhìn chung, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận, lúc đó hầu như tất cả các nhà đầu tư “đều thắng” vì trò chơi có tổng lớn hơn không. Ngược lại, khi giá bị đẩy lên quá cao, phần chênh lệch ảo sẽ tạo ra trò chơi có tổng bằng không (giống như một ván bài), lúc đó, có người thắng ắt có kẻ thua. Câu hỏi đặt ra là ai được, ai mất?

Điều mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần lưu ý đó là khi bức màn thông tin bất cân xứng vẫn còn lớn, các nhà đầu tư có tổ chức và các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường có lợi thế rất nhiều. Do vậy, không thể nghĩ một cách đơn giản là mình chỉ nắm một ít cổ phiếu nên dễ bán hơn khi giá đi xuống. Thực ra, một nhà đầu tư cá nhân thì giữ rất ít, nhưng tất cả số này cộng lại sẽ là một khối lượng khổng lồ, thậm chí lớn hơn rất nhiều phần nắm giữ của các nhà đầu tư có tổ chức. Khi mà những người có lợi thế hơn về mặt thông tin biết mua lúc giá thấp, bán lúc giá cao và rút khỏi thị trường đúng lúc thì phần thiệt thòi chắc chắn sẽ thuộc về các nhà đầu tư đơn lẻ.

Một thị trường phát triển nhanh là điều đáng mong đợi, nhưng việc tăng trưởng quá nóng tạo ra những biến động bất ổn trên sẽ là điều không mong đợi của cả cơ quan quản lý và hầu hết các nhà đầu tư, trừ những người có lợi thế, có khả năng kiếm lợi khi thị trường hỗn loạn.

  • Huỳnh Thế Du

Ý kiến của bạn:

,
,