,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
815291
Để khắc phục tình trạng luật "ngóng cổ" chờ nghị định
1
Article
null
,

Để khắc phục tình trạng luật 'ngóng cổ' chờ nghị định

Cập nhật lúc 09:17, Thứ Năm, 06/07/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) -  Từ 1.7.2006 có 8 luật đến thời hạn thi hành nhưng lại bị "tắc" vì chưa có nghị định hướng dẫn. Để khắc phục tình trạng luật ''ngủ, nghỉ'' chờ nghị định, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc (đại biểu QH TP.HCM) đã nói rằng, cần phải có kỷ luật và chế tài lập pháp. Giải quyết rốt ráo, theo ông, là tiến tới một QH lập pháp chuyên nghiệp.

Dân ngóng cổ lên trời chờ!

- Ông đánh giá thế nào về ''bệnh'' luật ''chờ'' nghị định, thông tư, tuy có hiệu lực rồi nhưng không đi vào cuộc sống được vì thiếu văn bản hướng dẫn?

"Có trường hợp chờ đợi mãi, hồi hộp mất đi mà văn bản hướng dẫn vẫn chưa thấy". Ảnh: Văn Tiến

Hiện nay, chúng ta đang bị tình trạng luật càng dài thì uỷ thác hướng dẫn càng nhiều. Cũng có khi QH làm được nhiều luật là phấn khởi vì đạt nhiều  thành tích. Người soạn thảo, người trình cũng nói: ''Năm nay chúng tôi khẩn trương, làm được rất nhiều dự án luật trình QH thông qua''. Còn QH hết kỳ họp này đến kỳ họp khác thông qua 10-15 luật, chất đống, xếp lại đấy.

Nhưng đến thời điểm thi hành thì vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. Dân phải ''ngửa cổ lên trời để ngóng'', còn các cơ quan thi hành  hồi hộp chờ đợi.

Có trường hợp chờ đợi mãi, hồi hộp mất đi mà văn bản hướng dẫn vẫn chưa thấy. Tức là luật nằm ''nghỉ và ngủ'' trong ngăn kéo.

Xem nghị định quan trọng hơn luật!

- Tình trạng này sẽ dẫn tới hậu quả gì, thưa ông?

Điều đó làm lòng tin của dân đối với luật, thái độ tôn trọng, đề cao pháp luật giảm đi. Dân vẫn làm việc hàng ngày, bao nhiêu chuyện không có căn cứ pháp lý. Và vì chưa có nghị định thì luật chưa có hiệu lực làm cho người dân, cơ quan thi hành pháp luật chỉ biết và tin vào nghị định, xem nghị định quan trọng hơn luật. Phương diện này làm giảm hiệu quả, hiệu lực của bản thân đạo luật. Nhìn dưới góc độ xây dựng nhà nước pháp quyền thì hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Ban hành luật để hướng dẫn xã hội. Nếu chậm đi, thiệt hại, lợi ích kinh tế đi theo điều luật đó ai chịu? Thay đổi một quy định về thuế chẳng hạn, chậm thực hiện nhiều khi mất hàng triệu, hàng tỷ đồng. Theo tôi, QH cũng cần phải điều tra xem, một luật ban hành bao lâu mới có hiệu lực thực sự? Điều đó ảnh hưởng đến phát triển đất nước như thế nào?

- Khi luật có hiệu lực rồi mà chưa có văn bản hướng dẫn sẽ tạo ra một ''khoảng trống'' về luật pháp. Vậy xử lý tình huống này như thế nào?

Về nguyên tắc pháp lý, luật mới có hiệu lực thì tất cả những văn bản cũ phải hết hiệu lực. Cho nên nếu chưa có hướng dẫn, một là ''hãy đợi đấy'' như tên phim hài của Liên Xô trước đây. Nhiều luật vẫn ''cứ đợi đấy'', hàng năm sau vẫn chưa được thi hành.

Trên thực tế, tôi nghe có bộ trưởng hướng dẫn: ''cứ theo văn bản cũ mà làm'' vì luật mới có nhiều điều giống luật cũ.

Nói thế nhưng về mặt pháp lý không được! Ban hành luật mới vì tình hình mới đòi hỏi có quy định mới khác hoặc trái với quy định cũ  Cực chẳng đã làm như thế thì hướng dẫn phải rất cụ thể, chi tiết điều nào có thể tạm thời áp dụng những văn bản cũ. Nhưng quy định mới chưa có hướng dẫn, dứt khoát chưa được thi hành.

Bộ muốn giữ nghị định để lợi cho mình?

- Luật ban hành văn vản quy phạm pháp luật có nói rằng, cơ quan nào trình dự án luật phải kèm theo dự thảo văn bản hướng dẫn?

Thực tế không có tác dụng. Vì dự án luật trình sang QH còn bao nhiêu sửa đổi nữa cho đến khi được thông qua.

Tuy nhiên, các bộ, ngành vẫn có "tâm lý" riêng là khi trình dự án luật muốn giữ lại cho mình cái gì đó. Nghĩa là không đưa vào luật. QH, Uỷ ban Thường vụ QH có quyền giám sát nội dung văn bản hướng dẫn nhưng mấy khi đi sâu vào được. Cho nên thực tế là nghị định, thông tư mới quan trọng. Đó mới là ý chí thực sự của anh làm luật, trình dự án. Đó là hiện tượng cần phê phán một cách quyết liệt!

Cho nên có tình hình: Một số dự thảo nghị định, thông tư kèm theo dự án luật, đại biểu QH xem thấy băn khoăn: "Cái này sao không đưa vào luật luôn?''. Nhưng cơ quan soạn thảo vẫn không đưa, vẫn giữ lại để tự mình ban hành. Khi luật chính thức rồi mới sửa sang lại nghị định hướng dẫn, thêm cái này, bớt cái kia. Anh trình như thế nhưng bớt đi mấy điều có ai biết đấy là đâu.

- Phải chăng việc tạo ra những quy định đó là nhằm mang lại đặc quyền, đặc lợi cho cán bộ và cơ quan quản lý?

 Khi soạn thảo luật thường thì sẽ tạo ra quy định thuận lợi cho mình. Điều ấy dễ hiểu, anh nào trong cuộc cũng thế! Đây là quan điểm quản lý, nhiều khi vì thế không tính đến thực tế của người phải thi hành.

- Nguyên nhân chính của tình trạng luật ''chờ'' nghị định, không đi vào cuộc sống được là nằm ở đâu?

Nhược điểm lớn nhất hiện nay trong công tác lập pháp là không đồng bộ từ khâu chuẩn bị cho đến khâu triển khai thực hiện. QH đã dự liệu trước. Điều 7, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có ghi, luật ban hành khi có hiệu lực phải thi hành ngay chứ không chờ đợi gì cả. Thế nhưng tình hình vẫn thế.

Bây giờ trách ai? Cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm hướng dẫn là Chính phủ. Luật nào cũng có câu: ''Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật này''. Vừa rồi QH đấu tranh bỏ câu ấy đi nhưng không bỏ được. Về pháp lý mà nói, Chính phủ chịu trách nhiệm. Trực tiếp hơn là cơ quan trình dự án luật, phần lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường...

''Bản thân tôi là đại biểu QH, cũng thấy có trách nhiệm!''

- Thưa ông, trách mỗi Chính phủ có đáng không khi chính QH biểu quyết thông qua luật đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn?

Trước đây chúng ta một năm chỉ ban hành 1-2 luật nhưng vẫn ra văn bản hướng dẫn chậm. Điều đó nói lên tính không đồng bộ, không khẩn trương của cơ quan soạn thảo. Thường thì mỗi luật QH thường dành 15-20 điều ''theo quy định của Chính phủ'', do bộ chủ quản hướng dẫn...

Chúng ta tự đặt mình vào một tình huống bất lực và khó xử. Về mặt pháp lý thì trách Chính phủ, trách bộ chủ quản nợ văn bản hướng dẫn luật? Nhưng về phía QH, bản thân tôi là đại biểu QH, cũng thấy có trách nhiệm! Vì mình biểu quyết thông qua tất cả những luật đó còn được thi hành đến đâu, nhiều khi mình không biết. Tôi đã phát biểu trước QH, mỗi kỳ họp thông qua 10 luật thì cố gắng xây dựng 1-2 luật, lúc có hiệu lực thi hành được ngay. QH cũng chưa làm được! Giữa nhu cầu lập pháp và khả năng QH đáp ứng nhu cầu đó còn khoảng cách lớn.

Soạn: AM 826159 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đường dẫn cầu Văn Thánh 2 lộ ra những lỗ hổng, ngõ ngách... Hình ảnh này dễ liên tưởng đến ''lổ hổng'' trách nhiệm. Ảnh: Tuổi trẻ 

Tiến tới một QH lập pháp chuyên nghiệp

- Trước ''căn bệnh dường như mãn tính'' này, đâu là liều thuốc đặc trị?

Những lần QH quy định ''theo quy định của Chính phủ'', hoặc ''do Chính phủ quy định'' vì người soạn thảo, QH chưa thấy có phương án hay bất kỳ đáp án nào. Cho nên mới viết một câu như thế là để ''thông cho qua''. Chính phủ nói, hướng dẫn này để dành Chính phủ. Còn QH giao cho Chính phủ, có người chịu trách nhiệm, nên yên tâm. Cứ thế làm luật không chặt, ai cũng có trách nhiệm nhưng rồi không ai chịu trách nhiệm. Cho nên tôi nghĩ chắc chắn phải có kỷ luật, chế tài lập pháp.

- Xin ông nói cụ thể về ''phương thuốc'' này?

Phải có chế tài, kỷ luật lập pháp, làm đồng bộ và nghiêm minh. Quy định rõ, luật hoàn toàn mới thì cho phép tối đa bao nhiêu điều giao cho Chính phủ hướng dẫn. Hoặc phải có kỷ luật ghi ngay tại điều luật. Điều này cấp bách, khi luật có hiệu lực phải ra ngay văn bản hướng dẫn... Chúng ta cứ lai rai với nhau là không làm được!

Tất nhiên phải có quá trình. Một dự án luật trình ra QH phải rất hoàn chỉnh. QH chỉ cân nhắc những vấn đề lớn chứ không phải góp ý kiến vụn vặt như lâu nay. Chẳng hạn luật này chuẩn bị thông qua, có 15 chỗ giao Chính phủ, QH phải cân nhắc điều nào cần có ngay hướng dẫn, điều nào hướng dẫn sau. Thông thường, QH thông qua luật sau 7-8 tháng mới có hiệu lực, dành thời gian cho Chính phủ hướng dẫn.

Kỳ họp trước, QH đã giám sát và ra Nghị quyết về việc ban hành văn bản hướng dẫn luật. Nhưng đến nay tình hình vẫn thế vì mình chưa có chế tài, cơ chế thật chặt chẽ!

- Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An nhiều lần than phiền về tình trạng ''luật ống, luật khung''. Ông muốn luật ban hành, khi có hiệu lực, phải đi vào cuộc sống được ngay, không cần nghị định hướng dẫn?

Đồng chí Nguyễn Văn An nhắc để QH nhớ nhưng QH chưa làm được. Vì số lượng luật thông qua tại 1 kỳ họp lớn quá. Hai là phần lớn đại biểu không chuyên. Cho nên không đơn giản để ban hành một luật vào cuộc sống ngay, không cần hướng dẫn.

Nhưng tôi nghĩ, QH phải làm được luật không cần nghị định hướng dẫn. Đó là khả năng mà nhiều nước đang làm.

- Giải pháp rốt ráo là tiến tới một QH lập pháp chuyên nghiệp?

Nói về nguyên tắc, QH đúng với nghĩa QH là không thể làm như hiện nay được. Vì QH quyết những công việc quốc gia đại sự. Cơ quan đó ''xuân thu nhị kỳ'' mới họp thì những lúc QH không họp, việc quốc gia đại sự xuất hiện thì sao?

Tại sao QH Mỹ, bên Chính phủ có vấn đề gì họ quy định ngay. Bởi vì họ họp quanh năm. Tất nhiên một tuần 5 ngày không phải ngồi lỳ ở hội trường như chúng ta. Đó chưa phải là cách làm việc của QH. Có thể một ngày chỉ cần gặp nhau 1 tiếng để biểu quyết vấn đề lớn, phương án đã có những nơi khác làm, trình ra.

''Muốn mà chưa được''

- Có lẽ chúng ta chưa coi trọng công tác lập pháp, khi nhiều nước đội ngũ chuyên gia lập pháp bên QH, cũng như Chính phủ rất đông đảo?

Nhận thức thay đổi dần dần, vì nhận thức là một quá trình. Không phải cùng một lúc vẽ ra là làm ngay được. Chính thực tế đã đặt ra những vấn đề bức xúc cần giải quyết. Chẳng hạn, Uỷ ban Thường vụ QH lập ra Ban công tác lập pháp mà trước đó chưa có. Nhưng Ban công tác lập pháp làm cái gì và làm như thế nào, bộ máy như thế nào thì chúng ta lại chưa tính đến. (Bây giờ Ban đó chỉ tập hợp một số người). Đáng ra, chính Ban công tác lập pháp phải chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật, ý tứ tất cả những dự án luật trình ra QH. Chưa nói dự án luật phải có chữ ký của Ban này trước khi trình QH.

- Nghĩa là luật chờ nghị định còn tiếp tục là ''căn bệnh mãn tính?

Theo phương châm của chúng ta ''khó khăn, khắc phục''. Vì thật ra đây là quá trình nhận thức. Nhận thức được mới điều chỉnh cơ chế. Tình hình thực tế làm chúng ta bức xúc. Không thể để tình trạng QH cứ thông qua luật, rồi thi hành như thế nào không cần biết.

- Rất nhiều đại biểu QH, lãnh đạo QH đều đã nhận thức được điều này nhưng vẫn chưa làm được?

 Theo tôi, phải nghiên cứu kinh nghiệm của người đi trước. Nước ngoài làm được mình phải xem trong đó cái gì thích hợp để vận dụng. Đó là vấn đề đừng để phí sức của mình.

- Xin cảm ơn ông!

  • Văn Tiến thực hiện

Theo dòng sự kiện

VietNamNet

Dùng nghị định "kiềm chế" giấy phép con...

''Làm luật ''ống'', hướng dẫn lâu thì chết dân!''
"Nợ" ban hành văn bản hướng dẫn luật: Lỗi tại ai?
"Người gác cổng" không đủ sức chặn "xé rào"
"Muốn là được"?

Tuổi Trẻ

Luật chống tham nhũng bị… treo!

Cả 10 văn bản hướng dẫn chi tiết luật vẫn còn... "treo"
Ngày đầu tiên thực hiện Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư: Thấp thỏm chờ hướng dẫn!
Luật đầu tư sao còn phải chờ?

 

Ý kiến của bạn:

,
,