,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
761200
“Tôn trọng những ý kiến khác biệt”
1
Article
null
,

“Tôn trọng những ý kiến khác biệt”

Cập nhật lúc 11:44, Thứ Sáu, 03/02/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Tôn trọng những ý kiến khác biệt là điều không dễ dàng, nhất là những ý kiến khác biệt đó lại là ý kiến khác biệt góp ý cho một đảng cầm quyền, một đảng nắm quyền lực tuyệt đối trong hơn nửa thế kỷ giữ nước và dựng nước.

>> Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng X

TBT Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Trần Đức Lương cùng các đại biểu thanh niên Việt nam tiêu biểu. (Ảnh: Lưu Quang Phổ)

Sinh thời Bác Hồ đã nhiều lần nhắc nhở các đồng chí đảng viên, đặc biệt là các cán bộ phải lắng nghe ý kiến của nhân dân. Bác cho rằng, vũ khí sắc bén nhất của Đảng là tự phê bình và phê bình. Lịch sử loài người đã chứng minh, chỉ khép kín trong nội bộ chính quyền, bộ máy nhà nước chưa bao giờ tự chấm dứt được quá trình quan liêu hóa, phình to ban bệ, chưa bao giờ tự mình gột rửa được khỏi tham nhũng, tư lợi và lạm dụng chức quyền. Chỉ có dân mới giúp được Nhà nước làm được việc đó, dân phải được giám sát, dân phải kiểm tra, dân phải bãi miễn mới cải cách được Nhà nước. Và dân phải tự tổ chức để tự quản đời sống địa phương, làng xóm.

Trong phê bình tự phê bình, nếu mọi ý kiến đều đồng nhất sẽ là điều không bình thường, đó là chưa nói đến sự thiếu chân thành, thậm chí là không trung thực. Nhưng những ý kiến khác biệt không phải lúc nào cũng được tôn trọng, được tiếp thu một cách thành khẩn.

“Tôn trọng những ý kiến khác biệt” là câu mà Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nói trong cuộc họp tổng kết năm 2005 của Hội đồng lý luận được chương trình thời sự của Đài truyền hình Việt Nam đưa ngày 24/01/2006.

Tại cuộc mít tinh kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Đảng 3/2 tại Hà Nội, trong diễn văn kỷ niệm, ông Nguyễn Phú Trọng, Uỷ viên BCT, Bí thư thành uỷ Hà Nội cũng nhắc lại: “Sẵn sàng lắng nghe những ý kiến khác nhau” của các tầng lớp nhân dân. Điều này đã khẳng định tính ưu việt của Đảng ta, một đảng cầm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong 75 năm qua.

Trong lịch sử vẻ vang của Đảng, dẫu có những bước thăng trầm khác nhau của lịch sử, nhưng Đảng ta luôn luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, dẫn dắt dân tộc giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống giặc ngoại xâm. Bước vào thời kỳ xây dựng đất nước, dẫu có lúc sai lầm, duy ý chí, nhưng biết dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của dân, Đảng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới, đưa đất nước thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng.

Việc tôn trọng những ý kiến khác biệt cũng đã được thể hiện bằng quyền tự do ngôn luận của nhân dân, được thể chế hoá bằng Điều 69 Hiến pháp: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. (Hiến pháp CHXHCNVN sửa lần thứ tư 1992).

Nhà nước ta cũng đã tham gia ký kết Công ước Quốc tế về quyền con người từ 1982, điều 19 về quyền dân sự và chính trị của Công ước này ghi rõ: “Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp vào. Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tùy theo sự lựa chọn của họ”. (Việt Nam với Công ước Quốc tế về quyền con người. Nhà xuất bản Sự Thật 1992).

Đó là những sự thật chứng minh bản chất nhân văn của Đảng ta. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có những sơ suất đáng tiêc. Những kẽ hở này đã được một số thế lực thù địch khai thác, xuyên tạc.

Tự do ngôn luận là quyền cơ bản của công dân. Quyền của dân phải được trả lại cho dân và thực thi đầy đủ. Một xã hội như vậy sẽ tạo ra không gian không hạn chế cho tinh thần kinh doanh, trí sáng tạo của mọi tầng lớp, của mỗi người Việt Nam. Trong một xã hội thực sự sôi nổi, sống động như vậy, mỗi người có thể trực tiếp và gián tiếp đóng góp cho việc quản lý xã hội, đóng góp cho quê hương, cho đất nước.

Ngày Xuân năm Bính Tuất, cùng với những thành tựu khá toàn diện trên mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, người dân Việt Nam được nghe những lời nói tâm huyết từ các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng. Lời của Tổng bí thư không chỉ là sự tôn trọng quyền tự do ngôn luận của dân chúng mà còn thể hiện sự cầu thị của Đảng ta, một đảng cầm quyền luôn lấy mục đích phục vụ dân chúng làm phương châm hành động.

Tôn trọng những ý kiến khác biệt là điều không dễ dang, nhất là những ý kiến khác biệt đó lại là ý kiến khác biệt góp ý cho một đảng cầm quyền, một đảng nắm quyền lực tuyệt đối trong hơn nửa thế kỷ giữ nước và dựng nước. Việc tôn trọng những ý kiến khác biệt theo tinh thần của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh sẽ góp phần quan trọng cho công cuộc đổi mới mạnh mẽ hơn và nâng lên một tầm cao mới.

  • Phan Thế Hải

      Ý kiến của bạn?

,
,