,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
749442
Áp lực để khó từ chức?
1
Article
null
,

Áp lực để khó từ chức?

Cập nhật lúc 19:15, Thứ Tư, 28/12/2005 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Cuối cùng thì ông Lê Thế Thọ đã từ chức, quá chậm chạp sau nhiều sức ép của báo chí và dư luận. Cũng như ông Thọ, rất nhiều người cảm thấy khó khăn trước sự lựa chọn: NÊN hay KHÔNG từ chức? Vậy đâu là những lực cản chính? Làm thế nào để việc từ chức được coi là bình thường từ phía người phải từ chức và dư luận xã hội? VietNamNet Nhận định đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Sĩ Dũng.

Soạn: AM 662753 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nguồn: TTO

Chiếc GHẾ và sự tự do lựa chọn

Dư luận xã hội lâu nay vẫn nặng  nề với người mất chức. Có nhữngg xì xào và hiểu lầm, rằng ai mất chức chứng tỏ người đó không xứng đáng. Đó là lý do khiến nhiều quan chức cố gắng giữ lấy "ghế" vì mất ghế sẽ mất tất cả.

Điều  này càng nặng nề với một xã hội bao cấp, khi mà tất cả sự thăng tiến và thành đạt trong xã hội được đo đếm bằng "độ cao" của chiếc ghế quyền lực. Thăng tiến cao hơn nghĩa là "ghế" anh đang ngồi cao hơn.

Khi Việt Nam làm quen với thị trường, điều này đang dần được cởi trói. Vì cơ hội mở ra nhiều hơn. Bên cạnh những chiếc ghế người ta được "đặt" vào là những chiếc ghế do chính họ  tạo ra, như chủ động thành lập doanh nghiệp, sáng tạo và làm chủ.

Người ta ít phụ thuộc vào "ghế" hơn cũng có nghĩa là người ta tự do với chiếc GHẾ đó nhiều hơn. Ví dụ, một vị chủ tịch tỉnh nào đó xuất thân là một nhà khoa học, một giảng viên ĐH hoàn toàn kiếm sống được bằng nghề của mình sẽ cảm thấy nhẹ nhàng với việc từ chức bởi  ý nghĩa của cuộc đời "ông ta" không hoàn toàn phụ thuộc vào cái GHẾ đó.

Chúng ta cũng đang dần cởi trói để những quan chức trong hệ thống có thể làm kinh tế riêng ngoài việc đảm bảo trách nhiệm chính trị của mình do cái GHẾ quy định, nhưng để "mở hoàn toàn có lẽ phải đợi..." Nhưng xu hướng mới đang mở ra là sau khi người ta đã chuẩn bị một tiềm lực kinh tế đủ mạnh thì mới tham gia làm chính trị. Rất nhiều nhà doanh nghiệp nổi tiếng sau đó mới tranh cử vào QH. Tất nhiên, những người mà thượng đế "thiên vị" cho đủ cả tài kinh bang tế thế như vậy không nhiều.

Tất nhiên tiền lương cũng là một tác động và cải cách tiền lương nằm trong tổng thể cải cách xã hội. Có một vấn đề là, làm chính trị là việc khó, phải dựa trên một nền tảng nghề nghiệp đã được đào tạo bài bản. Khi đó, mặc dù làm chính trị nhưng "anh" sẽ không bị lệ thuộc quá nhiều vào chiếc ghế quan trường, làm nô lệ cho chiếc ghế. Nhiều người sau khi không làm quan, họ sẽ quay về làm chuyên gia, với nghề nghiệp được đào tạo. Miễn là xã hội không nên quá kỳ thị để người ta có thể sống với nghề của mình. Cần phân biệt rạch ròi giữa một ông bác sỹ giỏi với một ông Bộ trưởng giỏi. Một Bộ trưởng không giỏi không có nghĩa là không thể làm một bác sĩ nổi danh và kiếm được nhiều tiền.

Áp lực tâm lý?

Soạn: AM 662745 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Ông Lê Thế Thọ đã từ chức do sức ép của công luận. Nguồn: TTVNN

Nhưng có lẽ, nặng nề hơn lại chính là vấn đề tâm lý. Tâm lý này nên nhìn nhận từ hai phía, phía kỳ thị của người dân và mặc cảm của người từ chức.

Một ông bác sỹ, kỹ sư lên làm Thứ trưởng, Bộ trưởng là bình thường. Nhưng dư luận lại không xem bình thường khi ông Bộ trưởng, Thứ trưởng ấy từ chức và trở về cầm dao kéo, khám bệnh. Rất ít người vượt qua được mặc cảm này để có thể dễ dàng "chào" cái GHẾ Bộ trưởng kém để làm bác sĩ danh tiếng hoặc một kỹ sư giỏi giang.

Người Việt đã quen với tâm lý: thành đạt chính là được làm quan, được vinh quy bái tổ. Những gia đình, những người mẹ, người vợ hy sinh đủ mọi cách cũng là để được chứng kiến cảnh "Võng anh đi trước, võng nàng theo sau". Bởi thế, sau khi đã dành được một thứ chức tước quý giá thì rất khó để người ta từ bỏ được nó. Vấn đề là cần phải giảm đi tâm lý nặng nề và quan niệm được rằng, làm quan cũng chỉ là một sự phân công xã hội. Thành công ở những lĩnh vực khác cũng chính là sự thành đạt chứ đâu phải nhất thiết lên làm quan. Một người thuần túy giỏi chuyên môn mà lên làm quan, biết đâu lại là một sự lãng phí với chính người đó.

Với những người từ chức, nếu chúng ta cứ ghi  mọi giấy tờ liên quan như một thứ "án" suốt đời thì sẽ rất khổ cho họ.

Một yếu tố nữa cần tính đến đó là quan niệm xã hội. Xã hội thường không công bằng với người mất GHẾ. Chẳng hạn với một vị quan làm thơ, khi họ vẫn còn làm thơ, thì thơ dở, thơ hay đều được tung hô như nhau. Nhưng lẽ ra, không nên như vậy. Thơ hay vẫn hay, ngay cả khi ông ấy đã từ chức. Mà thơ dở thì vẫn luôn dở, dù nhà thơ ấy có làm quan hay không.

Cần phải khách quan khi nhìn nhận vấn đề thì áp lực xã hội sẽ bớt nặng nề hơn.

Ai phạm lỗi và phải từ chức vì lỗi gì thì nên khách quan đánh giá ở lỗi ấy, đừng "vơ đũa cả nắm". Không nên lẫn lộn. Ai yếu kém từ góc độ quản lý thì đánh giá từ góc độ quản lý mà thôi. Có ai "trắng bong" được như người  tuyết đâu. Sao lại "khinh"  như hủi sau khi người ta từ chức để trở về với nghề nghiệp chuyên môn của mình? Nên đánh giá đúng bản chất con người  khách quan góc nhìn đa diện và ít cảm tính hơn.

Có nghĩa là tạo được tiền đề xã hội tốt thì việc từ chức cũng dễ dàng hơn.

"Tín nhiệm nhân dân"

Ông Lê Thế Thọ từ chức do sức ép  báo chí, dư luận. Câu chuyện bóng đá ấy đã nói lên rằng, nền chính trị của chúng ta đang được đẩy lên bước phát triển mới cao hơn. Quan chức sẽ phải  chú tâm chăm lo cho hình ảnh công chúng của mình. Nếu hình ảnh ấy không được chấp nhận thì việc làm quan của "anh" sẽ khó thuận lợi. Trên thế giới, người ta đã quan tâm đến vấn đề này từ lâu, và ở VN, rõ ràng còn đang manh nha. Đây là dấu hiệu cho thấy bước hội nhập sâu của chúng ta.

Nhưng sẽ có người phản biện rằng: Bóng đá là của công chúng nên quan chức bóng đá chịu sức ép dư luận là hiển nhiên. Nhưng ở các lĩnh vực khác, xưa nay, phần lớn quan chức chỉ chịu từ chức khi đối diện với những bằng cớ mà cơ quan điều tra đưa ra.  Ở ta, hầu như chưa có ai bị từ chức vì hình ảnh của mình bị xấu đi trước công chúng. Vậy làm thế nào để quan chức, công chức nói chung bị giám sát chặt chẽ hơn bởi dư luận?

Câu trả lời là: đơn giản nhất nên phụ thuộc vào nhân dân. Có hai cách, thứ nhất là do dân bầu. Thứ hai là khi bổ nhiệm thì tín nhiệm của nhân dân rất quan trọng. Hàng năm phải có hệ thống kiểm nghiệm để xem mức tín nhiệm của công  chúng với từng quan chức thế nào? Như vậy, rõ ràng họ phải  bảo vệ hình ảnh của mình trước công chúng. Trên thế giới, người ta tuân thủ điều này rất nghiêm ngặt.

Hệ thống giám sát này sẽ tạo ra sự khách quan đối với việc ai đó phải từ chức

Bình thường với chuyện từ chức: vấn đề nhân bản

Điều cuối cùng mà chúng ta nên coi là quan trọng: phải xem từ chức là chuyện bình thường, đó là vấn đề nhân bản. Có nhiều người khi đã làm quan, họ mới nhận ra, mình có thể làm việc khác tốt hơn nhưng vì dư luận xã hội nặng nề nên không dám từ bỏ cái GHẾ để trở về với công việc chuyên môn.

Dư luận còn nặng nề thì thật khó cho người ta có cơ hội khác để thay đổi. 

  • Lương Bích Ngọc - Ngọc Nhung (thực hiện)

 

Theo dòng sự kiện

VietNamNet

Xin không cảm ơn ông, ông Lê Thế Thọ!

Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ: ''Ông Thọ nên từ chức''

Không chịu nổi sức ép, Phó CT Lê Thế Thọ từ chức

Nói lời xin lỗi

Tuổi trẻ

Ông Lê Thế Thọ: “Tôi không bao giờ quay trở lại VFF”

Ông Lê Thế Thọ nộp đơn từ chức

Tiền phong
Ông Lê Thế Thọ: "Sẽ không bao giờ quay lại VFF"

 

 

 Ý kiến của bạn:

 

 

,
,