,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
717338
Giám sát lãnh đạo địa phương: Cách nào hiệu quả?
1
Article
null
,

Giám sát lãnh đạo địa phương: Cách nào hiệu quả?

Cập nhật lúc 19:44, Thứ Ba, 11/10/2005 (GMT+7)
,

Một địa phương khi xảy ra bê bối thì mọi công dân đều có quyền chất vấn lãnh đạo. Một địa phương bị tụt hậu thì lãnh đạo nên tự động giải trình, chẳng nên chờ đến lúc bị “sờ gáy” mới lên tiếng.

Soạn: AM 581452 gửi đến 996 để nhận ảnh này

ĐB tỉnh Hà Tây chất vấn tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Ảnh: LAD

Trên mặt báo hôm nay, như tình cờ, có nhiều "vụ" nóng đều liên quan đến trách nhiệm của lãnh đạo địa phương: Sai  phạm về đất đai ở Khánh Hoà, những "lổ hổng" ở cầu chui Văn Thánh TP. HCM và tình trạng 'ngại" tiếp dân được phản ánh trong Hội nghị tổng kết thực hiện chỉ thị 09 và pháp luật về khiếu nại tố cáo...

Phân cấp trách nhiệm

Nếu nhìn vào bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của các địa phương, cũng như phản ứng của lãnh đạo địa phương, hiển nhiên ai cũng thấy mặt ưu của việc phân cấp mạnh cho địa phương.

Từ khi thuật ngữ “phân cấp quản lý” được phổ biến, tất cả các địa phương đều trong một trào lưu đề nghị cấp trên cho mình được nhiều quyền tự chủ hơn. Đây là một xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà đã diễn ra ở nhiều nền kinh tế đang chuyển đổi. Thay vì ngồi chờ cấp trên phân công, các địa phương học cách chủ động và sáng tạo để cạnh tranh nhau và vươn lên trước.

Có thể kể ra nhiều ví dụ của các địa phương có điều kiện chẳng hơn gì các nơi khác, nhưng sau khi phân cấp thì một địa phương đã vượt lên, điển hình là hai tỉnh Bình Dương và Vĩnh Phúc.

Đã có nhiều phân tích khác nhau về sự vượt lên ngoạn mục như vậy, nhưng không bản phân tích nào có thể bỏ qua vai trò của lãnh đạo địa phương, từ việc trực tiếp vận động đầu tư một cách năng động và thân thiện, đến việc xây dựng “hạ tầng mềm” ít tham nhũng, minh bạch cao, chi phí thấp…

Mặt trái của phân cấp?

Tuy nhiên, khi mà các địa phương đòi được quyền tự chủ ở mức độ này hay khác, câu hỏi tiếp theo là liệu các địa phương có đủ năng lực và bản lĩnh để phát huy quyền tự chủ đó?

Khi phản ánh về Hội nghị tổng kết thực hiện chỉ thị 09 và pháp luật về khiếu nại tố cáo ngày hôm qua, hầu như báo nào cũng xoáy vào trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, từ việc trích những con số trong báo cáo đến việc dẫn lời những thành viên tham dự hội nghị. Chỉ riêng khiếu nại tố cáo về đất đai có tới 80% đơn thư thuộc trách nhiệm giải quyết của cấp huyện và cấp tỉnh. 

Sự lạm quyền của lãnh đạo địa phương khi được phân cấp mạnh đã dẫn tới tình trạng nhiều nơi đất và tiền bị nát vì đầu tư vụn hoặc lãng phí lớn vì đầu tư sai.

“Mở đường qua nhà một ông lãnh đạo, người ta phải uốn cong nó, để bảo vệ nhà của lãnh đạo... Làm thế, dân không khiếu kiện mới lạ!".

Việc ông Vũ Đức Khiển, Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã nhắc đi, nhắc lại câu này tại Hội nghị “Tổng kết Chỉ thị 09 của Ban Bí thư và chính sách, pháp luật về khiếu nại, tố cáo” khiến cho người viết bài này nhớ lại lời than phiền của một nhà báo: "Ở nhiều nơi, người đứng đầu một tỉnh nếu không có sự giám sát gắt gao của dư luận và các cơ quan tư pháp sẽ có nguy cơ hành xử như một ông vua con".

Tại hội nghị hôm qua, các ý kiến phát biểu đều phản ánh: khiếu kiện ở các địa phương hiện nay phần lớn đều "dồn" vào đất đai. Bộ trưởng TN - MT đã nhiều lần phải điều trần trước QH là các Sở địa chính và UBND tỉnh có quyền quyết định rất lớn.

"Bộ quyết định về chính sách, nhưng có quyền can thiệp việc thực hiện không? Như có thể cách chức hay xử lý giám đốc Sở không?"

Trong bàn tròn trực tuyến cách đây 20 ngày, khi nói về xử lý sai phạm về đất đai ở địa phương, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn đã đặt câu hỏi  với Bộ trưởng TN – MT Mai Ái Trực “Hiện Bộ trưởng đã đặt vấn đề với chủ tịch tỉnh nào về giám đốc Sở của họ chưa?"

Câu trả lời của Bộ trưởng Trực là: "…Chúng tôi còn kiến nghị lên Thủ tướng để nhắc nhở các tỉnh đó nữa. Tất nhiên mình chỉ có quyền đề nghị thôi, còn giải quyết là việc của họ".

Chất vấn lãnh đạo địa phương ở đâu thì hiệu quả?

Người đứng đầu chính quyền địa phương là Chủ tịch tỉnh, thành phố sẽ chịu sự giám sát về trách nhiệm chính trị của Hội đồng Nhân dân. Nếu sự cả nể (như phản ánh của báo chí và Chủ tịch QH) vẫn còn xảy ra tại nghị trường, thì chất lượng chất vấn ở HĐND lại càng không thể lạc quan.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Thuận, phó chủ nhiệm Văn phòng QH bức xúc: Muốn chất vấn cũng không đơn giản, trước hết người chất vấn phải hiểu rõ vấn đề mình định hỏi và phải có bản lĩnh để truy đến cùng, truy đến nguồn gốc. Trong luật, ở các địa phương, Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn chính quyền  về việc thực hiện trách nhiệm nhưng các ĐB dân cử địa phương có làm được việc đó không thì lại là chuyện khác.

Ngay chất vấn tại QH mà Chủ tịch Quốc hội  cũng phải than phiền: Mấy anh đại diện chuyên trách ở QH này là những người biết nhiều chuyện nhất nhưng khi ra trước QH thì lại làm thinh?

Mặt khác, theo ông Thuận thì  QH, Hội đồng nhân dân là cơ quan dân cử nặng về giám sát chính trị thiên về tìm hiểu các chủ trương là chính, còn đi sâu để tìm ra những dấu hiệu cụ thể phải là các cơ quan chuyên môn như Uỷ ban kiểm tra Đảng (cơ quan Đảng) thanh tra các cấp, kiểm toán nhà nước, công an, viện kiểm sát... Những cơ quan đó mới có đầy đủ công cụ và phương tiện để đi sâu giám sát và xử lý sai phạm.

Có nhiều người nghĩ đến việc đề nghị chất vấn lãnh đạo tỉnh, thành phố tại Quốc hội, nhất là đối với những địa phương đang là điểm nóng về sai phạm. Ông Trần Quốc Thuận cho rằng: Chưa nơi nào trên thế giới làm như vậy...

Theo ông, khi QH thấy có "vấn đề" về y tế một địa phương thì  sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ y tế. Muốn chất vấn một vấn đề giáo dục cụ thể thì hỏi ông Bộ trưởng Bộ giáo dục. Chất vấn những vấn đề cụ thể liên quan đến Ban ngành nào thì hỏi ông Bộ trưởng đó. Trong trường hợp Bộ trưởng trả lời " lởm khởm", Thủ tướng sẽ trả lời sau đó.

Các Bộ trưởng nên thực hiện quyền "đề nghị cách chức"!

Giám đốc Sở, hoặc Chủ tịch tỉnh là do cơ quan dân cử nơi đó bổ nhiệm chứ không phải là do cấp trên chỉ định xuống nên hiển nhiên, một Bộ trưởng không thể có quyền cách chức họ. Ông Thuận nói: " Nhưng nếu có một ông Bộ trưởng đề nghị cách chức một Giám đốc Sở nào đó thì ông giám đốc ấy cũng không thể  yên chỗ được. Vấn đề là họ còn chưa thực hiện quyền "đề nghị" của mình".

Vấn đề là ở chỗ: Chưa từng có Bộ trưởng nào "đề nghị".

Tuy nhiên cần phải phân định rõ trách nhiệm giải trình theo luật và trách nhiệm chính trị. Một địa phương khi xảy ra bê bối thì mọi công dân đều có quyền chất vấn lãnh đạo. Một địa phương bị tụt hậu thì tự động lãnh đạo nên giải trình, chẳng nên ngồi chờ đến lúc bị “sờ gáy” mới lên tiếng.

Từ trước tới giờ, câu nói của nhiều người có trách nhiệm trước những chuyến sai phạm, những vấn đề nóng của một địa phương nào đó được báo giới ghi lại nhiều nhất là  "Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng, chờ xử lý".

Có nghĩa là với thói quen cả nể và né tránh va chạm  trong mỗi chúng ta, trách nhiệm của Thủ tướng quả là nặng nề.

  • Lương Thị Bích Ngọc

 

Theo dòng sự kiện

Tiền phong

"Làm thế, dân không kiện mới lạ!"

Giải quyết khiếu kiện : Cần có chế tài với người đứng đầu

Hội thảo về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo

Tuổi trẻ

Lãnh đạo chủ chốt một số địa phương… ngại tiếp dân

Lỗ hổng mặt cầu Văn Thánh 2: “Lỗ hổng” về trách nhiệm!

Giải quyết tốt khiếu nại tố cáo là góp phần an dân và phát triển

 

 Ý kiến của bạn về vấn đề này:

,
,