'Ai' hưởng lợi 'gì' từ truyền thông?
Bài viết dưới đây là cách nhìn truyền thông qua "góc" kinh tế. Theo đó, mỗi người trong chúng ta được hưởng lợi khác nhau trước tác động của truyền thông.
Một ví dụ điển hình về ngoại tác tiêu cực là việc hút thuốc lá. Một người hút thuốc là không đơn thuần chỉ bỏ tiền mua thuốc để thỏa mãn cơn nghiền. Anh ta sẽ sử dụng dịch vụ y tế nhiều hơn và làm tăng số tiền chính phủ phải trợ cấp cho y tế. Khói thuốc anh ta thải ra còn đầu độc cả những người xung quanh, cho dù những người này không trực tiếp tham gia sản xuất hay tiêu dùng thuốc lá.
Nếu đem khái niệm ngoại tác đối chiếu với báo chí và truyền thông, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều những ví dụ điển hình về ngoại tác tích cực.
Khi người mua báo trả tiền để đọc tin tức hay giải trí, là quan hệ này giữa bên thu tiền và bên trả tiền. Nhưng các tác động không chỉ dừng ở đây.
Weblog - truyền thông của tương lai gần?! Các nhà báo ở các nước khác nhau chịu áp lực khác nhau. Nhà báo ở Mỹ cũng vậy. Đó cũng là lý do vì sao người ta tìm đến Weblog. Có thể họ thấy CNN quá thương mại hoặc không yêu nước. Tuy nhiên, Weblog không cần giống CNN, NY Times hay Fox News. Ở đây, bạn có thể nói lên quan điểm của mình. |
Tác động tăng cường điều tốt
Tin về một gương tốt, ví dụ như một bác nông dân hiến đất để xây trường, khi được báo chí phổ biến và ca ngợi sẽ thành nguồn động viên để những người khác làm theo. Các em học sinh là người hưởng lợi trực tiếp, dù trong đó có em còn chưa biết chữ và chưa từng bỏ tiền ra mua báo. Đó là ngoại tác tích cực.
Những ý tưởng kinh doanh, những thông tin toàn diện về thị trường sẽ giúp cho các chủ DN tìm ra hướng phát triển tốt hơn, tạo thêm nhiều việc làm có thu nhập cao cho người lao động, dù những người lao động này có thể không bỏ tiền ra mua báo.
Những thông tin về quá trình thảo luận luật của QH hay những phân tích về chính sách mới của Chính phủ, một ý kiến sắc sảo của ĐBQH được tường thuật trực tiếp qua vô tuyến có tác động làm cho mọi người tin tưởng vào một xã hội ngày càng dân chủ hơn, một tương lai tươi sáng hơn. Báo chí đăng tải một ai đó dám công khai chịu trách nhiệm về việc mình làm sai cũng tác động tốt, khẳng định niềm tin của mọi người.
Niềm tin đó mang lại sức sống cho cả xã hội, trong đó có cả những người không trực tiếp trả tiền cho báo chí. Đó là ngoại tác tích cực.
Tác động làm giảm điều không tốt
Phải nhìn nhận truyền thông là một ngành kinh tế. "Thương hiệu" sẽ là một phần không thể thiếu, và xã hội hóa sẽ khiến truyền thông phát triển nhanh hơn. |
Khi các phương tiện truyền thông phân tích thủ đoạn của kẻ xấu và sự trừng phạt dành cho họ, ví dụ như một kẻ rải đinh trên đường hay một luật sư lừa đảo, một kẻ tham nhũng bị ra toà... sẽ làm cho những kẻ khác không còn cơ hội hay phải chùn tay trước khi làm điều xấu.
Trong trường hợp này, người được lợi ích là những người có thể bị hại nếu điều xấu xảy ra. Đó là ngoại tác tích cực, vì lợi ích này vượt ra ngoài phạm vi những người trực tiếp mua báo.
Khi báo chí phản ánh những trở ngại không đáng có đối với DN sẽ góp phần làm cho môi trường kinh doanh trở nên thuận lợi hơn, nền kinh tế phát triển nhanh hơn. Người lao động, người tiêu dùng, và nhà đầu tư đều có thể được lợi, tuy không phải ai trong họ cũng tham gia mua báo. Đó là ngoại tác tích cực.
Vài lời về báo điện tử
Khác với báo giấy, báo điện tử có một yếu tố rất đặc biệt mà kinh tế học gọi là “tính không tranh giành”. Một tờ báo giấy phát hành mười ngàn bản, người thứ mười ngàn lẻ một dù có tiền cũng đành đi tìm người đã mua để xin đọc ké. Nhưng một tờ báo điện tử thì dù bao nhiêu người đọc cũng không ảnh hưởng đến những người tiếp theo.
Những người Việt ở xa Tổ quốc tuy không bỏ tiền ra mua báo nhưng ngay lập tức có thể biết tin về một chính sách đổi mới của Chính phủ, một cơ hội kinh doanh trong nước, hay một trận thắng của đội bóng mình yêu thích. Họ gắn bó với đất nước hơn. Đây là ngoại tác tích cực hết sức to lớn của báo điện tử.
Vai trò của Chính phủ
Khi có ngoại tác xảy ra, Chính phủ cần thể hiện vai trò của mình. Đối với ngoại tác tiêu cực của thuốc lá, Chính phủ thường phải đánh thuế mạnh để giảm lượng tiêu thụ, đồng thời dùng tiền thuế để cải thiện môi trường và tài trợ y tế. Đối với ngoại tác tích cực của báo chí, nếu tổng lợi ích xã hội cao hơn chi phí làm báo, nhưng doanh thu trực tiếp không đủ bù đắp, thì Chính phủ thường phải trợ giá.
Tuy nhiên khi đã được trợ giá thì lại thường xảy ra tác động không tốt đến hiệu quả. Một tờ báo có nội dung nghèo nàn, lượng phát hành èo uột, biên chế cồng kềnh, nhưng vẫn được trợ giá thì thường không có động cơ cải thiện để trở hiệu quả hơn.
Một số đài truyền hình địa phương chẳng làm gì nhiều ngoài việc chiếu phim Hồng Kông và tiếp sóng các chương trình của Trung ương (mà không có các đài này thì người dân vẫn xem trực tiếp được đài TƯ). Tuy vậy nhờ trợ cấp mà những đài địa phương vẫn sống khỏe năm này qua năm khác, chẳng thấy nhu cầu phải cải thiện.
Vai trò của thị trường
Có những tờ báo hay phương tiện truyền thông hiện nay đã hoạt động hiệu quả, doanh thu trực tiếp vượt trên chi phí. Thông tin của họ nhanh nhạy, phân tích sâu sắc, thỏa mãn được nhu cầu người đọc. Nhờ vậy họ tăng được số độc giả và doanh thu quảng cáo cũng tăng lên. Tuy rằng trường hợp đó ở chúng ta chưa nhiều, nhưng cũng gợi nên một ý tưởng: Chính phủ nên trợ giá như thế nào cho báo chí?
Có lẽ sẽ đến lúc phải có một hệ thống chấm điểm các phương tiện thông tin đại chúng để quyết định mức trợ cấp của Nhà nước. Mà trong việc chấm điểm, ngoài nội dung tích cực còn một yếu tố quyết định là số lượng người đọc.
Đó là một khuyến khích cho những ai tạo ra ngoại tác tích cực cao hơn trong công việc của mình.
-
Bùi Văn
Tác động xã hội của báo chí
VietNamNet: Sự "hậu mãi" của nghề báo
"Mỗi nhà báo hãy là ngọn lửa của "Cái tâm"
Tuổi trẻ: Không thể đánh đồng sự hấp dẫn với khuynh hướng thương mại hóa
Mỗi nhà báo phải là một Lục Vân Tiên
Tiền phong: Sức mạnh của sự thật trong những bài báo chống tiêu cực
Nhờ báo, tôi đã được trở lại bục giảng
Báo chí góp phần tích cực ổn định tình hình chính trị - xã hội
Người lao động: Trực tuyến từ cuộc sống
Nghề không nhàn nhã
Xu hướng của báo điện tử
Thanh Niên: Báo điện tử đã khẳng định vị thế
Tuổi trẻ: Cần phát huy lợi thế báo điện tử