,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
655308
Tập bơi trên biển...
1
Article
null
,

Tập bơi trên biển...

Cập nhật lúc 15:45, Thứ Sáu, 03/06/2005 (GMT+7)
,

Bài viết này của nhà báo Việt Lâm nằm trong chủ đề: "Đường vào WTO"  nhưng lại "dính dáng" đến những vụ kiện quốc tế mà chúng ta là bị đơn... VN sẽ "bơi" như thế nào khi thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo kỹ, giỏi ngoại ngữ và hiểu rõ luật chơi quốc tế?

Chúng ta sẽ "bơi" như thế nào khi gia nhập WTO?

Tin trên các báo cho hay, VN vừa hoàn tất đàm phán gia nhập WTO với Hàn Quốc. Ngay trong tháng 6, đoàn đàm phán VN lại tất bật với các phiên thương thảo dày đặc cùng các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Trung Quốc. Các phát biểu trên báo chí của giới chức VN tràn đầy lạc quan về khả năng nước ta trở thành thành viên của tổ chức Thương mại Thế giới cuối năm nay.

Thiếu nhân lực hiểu rõ luật chơi quốc tế

Nhưng không biết có vô lý không khi sự kiện này khiến chúng ta nhớ lại những vụ "hầu kiện" tại toà án nước ngoài mà trong đó Việt Nam (Nhà nước hoặc DN) là bị đơn, những vụ kiện đều liên quan đến những vụ làm ăn có yếu tố nước ngoài. Phân tích của các chuyên gia trên các phương tiện truyền thông cho hay: Chúng ta bị kiện vì thiếu hiểu biết luật chơi quốc tế. Chung quy lại vẫn là yếu tố con người.

Quay trở lại câu chuyện WTO mà chúng ta đang đối diện? VN sẽ "bơi" như thế nào khi thiếu hụt một nguồn nhân lực được đào tạo kỹ, giỏi ngoại ngữ và hiểu rõ luật chơi quốc tế?

Việc gia nhập WTO không chỉ là việc lợi hại đối với một vài ngành hay một vài sản phẩm mà toàn xã hội đều bị cuốn vào quy tắc của cuộc chơi toàn cầu hoá.

Cái giá phải trả

Kinh nghiệm cay đắng  từ những nước đang phát triển đã phải trả giá đắt sau khi gia nhập WTO, rằng họ chưa lường hết những áp lực không dễ vượt qua từ "sàn đấu nghiệt ngã" này. Chỉ có thể chơi khi ta đã nắm vững quy tắc của cuộc chơi. Hoặc đơn giản: ta sẽ bị gạt ra ngoài lề.

Hiển nhiên, khó mà nói VN đã đủ những người hiểu thuần thục luật chơi quốc tế.

Nhận định trên không phải là cảm tính nếu căn cứ vào những cuộc điều tra gần đây. Một cuộc điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tiến hành cuối năm 2002 cho thấy  85% DN biết rất ít hoặc không biết gì về WTO, ngay cả đối với những DN ở trung tâm, có điều kiện tiếp cận với thông tin.

Bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng cho biết, ngay cả những DN nói là biết thì kiến thức họ nắm được cũng vẫn là "lơ mơ" và thiên về "cảm tính".

 "Tất cả các cơ quan của Chính phủ đều phải đối mặt với khoảng trống năng lực như: kỹ năng chuyên môn và các vấn đề đàm phán của WTO, các bộ ở vị thế bất lợi trong đàm phán do thiếu thông tin về các hàng rào quốc tế, không có thông tin về các tác động xã hội của hội nhập kinh tế..." - Phân tích từ Nghiên cứu của văn phòng Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế quốc tế do UNDP tài trợ năm 2003 không biết có làm chúng ta phải bất ngờ, hoặc giả là giật mình.

Kết quả nghiên cứu công bố hồi tháng 1 năm 2005 của nhóm tác giả Đặng Như Văn, Phan Chí Thanh và Lê Kim Sa mang tên "VN trên đường vào WTO: kinh nghiệm của nước đang gia nhập" cũng chỉ rõ rằng hạn chế về nguồn nhân lực là vấn đề nổi bật của đất nước trong toàn bộ tiến trình đàm phán và chuẩn bị gia nhập. Bạn nghĩ gì khi chưa biết bơi mà đã bị đẩy ra biển?

Đó là thực trạng của nhân lực hiện tại? Còn việc đào tạo đội ngũ kế cận, như sự thừa nhận của nhiều chuyên gia, lại rất lạc hậu so với quốc tế. Luật sư Phạm Liêm Chính, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính và các cộng sự kể rằng, nhiều sinh viên luật tốt nghiệp ra trường đến xin việc tỏ ra "không có một kiến thức gì đáng kể của cử nhân luật".

Một luật sư (xin được giấu tên) cũng kể câu chuyện khiến ta có thể buồn: Tại một số hội thảo chuyên ngành hẹp do Bộ Tư pháp tổ chức, phát biểu của một số người có chức trách trong các khoa, ban của trường luật khiến ông cảm thấy ngạc nhiên vì kiến thức quá lỗi thời và xa rời với kiến thức luật quốc tế hiện đại.

Cái giá phải trả của việc không rành luật chơi không đâu xa. Vụ bồi thường 3 tỷ đồng đầy ấm ức của Liên đoàn Bóng đá VN cho HLV Letard từ lỗi soạn hợp đồng, cho tới vụ Vietnam Airlines bị kết án "oan" 5 triệu euro từ một toà án Ý...

Đến bao giờ chúng ta sẽ thôi không phải trả những cái giá đắt từ việc không rành và coi thường luật chơi quốc tế?

Nhân lực lấp chỗ trống? Người Việt được đào tạo ở nước ngoài 

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, chỉ còn cách "dốc sức tự trang bị cho mình đủ năng lực cần thiết để vào và chơi một cách thành công trên sân chơi mới đó" song như bà thừa nhận "đó là cả núi công việc cần phải làm trong khi thời gian đang bay nhanh".

Giải pháp tạm thời cho nguồn nhân lực, theo một số chuyên gia, chính là đội ngũ những người được đào tạo ở nước ngoài. Họ không chỉ được trang bị những kiến thức về kinh tế, luật pháp quốc tế một cách hết sức bài bản mà còn được trực tiếp va chạm với thực tế. Có người đặt câu hỏi làm thế nào thu hút những người học hành từ nước ngoài về nước làm việc khi mà đồng lương thấp, cơ chế đãi ngộ chưa cao.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng lại cho rằng, mấu chốt không phải nằm ở đồng tiền. "Cái mà họ cần là được sử dụng một cách đúng đắn và phát huy tối đa những kiến thức đã học được để phục vụ hệ thống". Tiến sỹ Dũng kể câu chuyện một người em họ của ông, tốt nghiệp cử nhân luật tại Úc và hiện đang làm việc cho một công ty ở Sydney với mức lương ở VN "không thể mơ tới".

Thế nhưng, người này nói rằng anh ta sẵn sàng trở về VN làm việc miễn có một môi trường phát huy những kỹ năng đã được trang bị.

 

Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều chuyên gia được đào tạo ở nước ngoài, như Tiến sĩ Đại học Harvard Vũ Minh Khương.

 

Trong một cuộc trò chuyện với VietNamNet, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Việt Kiều ở Bỉ cho biết nhiều trí thức Việt kiều trẻ tha thiết muốn về giúp sức cho đất nước trong thời kỳ hội nhập, "cho dù cha mẹ họ có thể có những vướng víu về quá khứ".

 

"300 000 người Việt là trí thức, nếu tưởng tượng: cá nhân tôi đào tạo cho VN gần 400 thạc sĩ, 20 tiến sĩ mà tôi chỉ là người bình thường. Vậy chỉ cần 1%, tức là 3000 người thôi làm cái việc như tôi thì hiệu ứng về công cuộc hiện đại hoá đất nước vượt bực như thế nào". Giáo sư Hưng nói.

 

Cái mà những trí thức đạt chuẩn quốc tế này thực sự cần, như khẳng định của những người trong cuộc là "một sự mở thoáng về mặt tư duy". Nói cách khác, họ cần được tin tưởng và được sử dụng.

  • Việt Lâm

Sự kiện qua các báo:

 

VietNamNet: VN còn ít thời gian để gia nhập WTO theo kế hoạch

Thanh niên: Việt Nam và Hàn Quốc kết thúc đàm phán gia nhập WTO

Thanh niên: Gia nhập WTO: Việt Nam gần đến đích

Tuổi trẻ: Thúc đẩy lộ trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam

Tuổi trẻ: Ủng hộ mạnh mẽ VN gia nhập WTO cuối 2005

Tiền phong: Công khai, minh bạch để gia nhập WTO

Tuổi trẻ: Mỹ ủng hộ mạnh mẽ VN gia nhập WTO

Tuổi trẻ: Gia nhập WTO: “Càng muộn, càng bất lợi”

Tuổi trẻ: Vào WTO: ngày càng khó, nhưng vẫn phải vào

Sài gòn giải phóng: Gia nhập WTO: Cuộc đua “nước rút”

Lao động: Vào WTO chỉ là cơ hội

Người lao động: Mỹ ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam gia nhập WTO

Thanh Niên: Đường vào WTO rộng mở

Thanh NiênCựu Tổng giám đốc WTO: Gia nhập WTO vì lợi ích của chính các bạn

Tiền phong: Công khai, minh bạch để gia nhập WTO

Tiền phong: Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Gia nhập  WTO là nhu cầu khách quan của kinh tế Việt Nam

,
,