Oxfam: Vào WTO, Việt Nam đang bị các nước giàu "ép"
09:20' 03/11/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Steve Price-Thomas, đại diện Oxfam Anh ở Việt Nam, đã nhận xét như vậy trong bản Báo cáo mới nhất “Gia nhập WTO - Liệu VN có giành được những điều kiện có lợi cho phát triển?”, công bố hôm 1/11. Theo đó, các nước giàu đang ép VN tham gia WTO với những điều kiện có thể gây trở ngại cho nỗ lực giảm nghèo.

Soạn: AM 185233 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Nông nghiệp là khu vực nhạy cảm dễ bị tác động nhất khi Việt Nam gia nhập WTO.

Báo cáo của Oxfam cho rằng, việc gia nhập WTO lẽ ra phải tạo cho các nước nghèo một cơ hội. Song, thay vào đó, các nước này lại bị ràng buộc nhiều điều kiện hơn các nước giàu. Việt Nam không chỉ phải tuân thủ tất cả các luật lệ hiện hành của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mà còn phải nhượng bộ thêm những đòi hỏi gọi là “WTO-cộng”  của nước giàu, đổi lại mới được các nước này ủng hộ. Việc thiếu những quy định đồng bộ về kết nạp thành viên mới đã tạo điều kiện cho các thành viên cũ muốn yêu cầu gì thì cứ việc đòi bằng được. Những đòi hỏi quá mức này có thể cản trở mục tiêu gia nhập WTO của Việt Nam và ảnh hưởng đến sinh kế, nhất là ở khu vực nông thôn.

Những chỉ số cơ bản của Việt Nam

 

- GDP: 35,1 tỷ USD (2002)

- GDP trên đầu người: 435 USD (2002)

- Tăng trưởng GDP/người: 6% (1990-2001)

- Tỷ lệ nghèo: 29% (2002)

- Tỷ lệ biết chữ: 92% (1998)

- Hoàn thành bậc tiểu học: 97% (2002)

- Tuổi thọ: 69,7 năm (2002)

- Tỷ lệ tử vong trẻ em: 20/1000 trẻ (2002)

- Trẻ suy dinh dưỡng: 25,7% (2002)

- Nhiễm HIV (phụ nữ 15-24 tuổi) 0,2% (2001)

 

Nguồn: Dữ liệu Chỉ số Phát triển Thế giới 2004, “Báo cáo Phát triển Việt

Nam 2004”

Bất lợi nhất: khu vực nông nghiệp

 

Theo Oxfam, nông nghiệp là một khu vực đặc biệt nhạy cảm. 69% lực lượng lao động của Việt Nam hoạt động trong khu vực nông nghiệp và 45% dân cư nông thôn sống ở mức nghèo khổ.

 

Trong khi đó, bất chấp tính dễ bị tổn thương và tầm quan trọng của khu vực nông nghiệp, nơi 90% người nghèo Việt Nam sinh sống, các thành viên WTO yêu cầu Việt Nam phải tự do hóa khu vực này vượt quá những gì cam kết. Dưới sức ép của các nước phát triển, thuế bình quân mới nhất mà Việt Nam chào là 25,3%, một mức có thể đe dọa sinh kế của người dân nông thôn. Trớ trêu, mức thuế đó tuy đã thấp hơn 10% so với các nước láng giềng (Thái Lan - 36% và Philippines - 34% đã là thành viên WTO), nhưng Việt Nam vẫn bị các nước công nghiệp thúc ép phải hạ thấp hơn nữa.

 

Gia nhập WTO, Việt Nam phải được phép duy trì một mức bảo hộ thỏa đáng cho những sản phẩm nhạy cảm, như đường, ngô, súc sản, mà nhiều nông dân nghèo lệ thuộc. Đường và ngô bị đe dọa hơn cả bởi những mặt hàng này hiện đang đứng trước sự cạnh tranh quyết liệt của sản phẩm nhập khẩu được trợ cấp rất cao từ EU, Hoa Kỳ. Những chủ điền trồng ngô của nước Mỹ hàng năm được trợ cấp tới 10 tỷ USD, còn  các nhà sản xuất đường của EU cũng nhận được khoản hỗ trợ ngầm 833 triệu EUR cho các mặt hàng xuất khẩu mà trên danh nghĩa là không được trợ giá.

 

Việt Nam đặc biệt quan tâm đến khả năng sử dụng hạn ngạch thuế suất (TRQ) và các biện pháp tự vệ đặc biệt (SSG) để chống lại những trường hợp hàng nhập khẩu tăng đột biến. Với diện tích canh tác bình quân chỉ 0,7 ha/hộ, nông dân Việt Nam cực kỳ dễ bị tổn thương khi giá xuống thấp. Đa số các nước thành viên của Ban Công tác WTO yêu cầu Việt Nam không áp dụng TRQ và SSG, mặc dù đề xuất áp dụng SSG với thịt heo, thịt bò, thịt gia cầm và TRQ cho 8 sản phẩm khác của Việt Nam khiêm tốn hơn nhiều so với Trung Quốc. Những thành viên không đòi hỏi về TRQ và SSG thì lại yêu cầu Việt Nam giảm mức thuế.

 

Oxfam cho biết, điển hình cho lề thói tiêu chuẩn kép, một siêu cường hàng đầu về trợ giá là Mỹ cùng với Australia và New Zealand đã đòi Việt Nam giảm trợ cấp nông nghiệp. Trong khi những khoản này chủ yếu giúp cho tiểu nông và rất có ý nghĩa đối với nông dân các vùng xa xôi hẻo lánh, nơi tỷ lệ đói nghèo cao nhất và nông nghiệp là nguồn thu nhập chính.

 

Công nghiệp ô tô có thể bị chết yểu

 

Bản báo cáo của Oxfam cũng nêu rõ, vào WTO Việt Nam còn chịu những đe dọa đối với khu vực công nghiệp chế tạo. Áp lực buộc phải giảm thuế xuống mức thấp hơn 17% có thể đe dọa sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô non trẻ của Việt Nam, cắt mất nguồn việc làm lớn đang gia tăng.

 

Đối với lĩnh vực dịch vụ, Việt Nam đã đồng ý cho các công ty quốc tế tham gia 92 tiểu lĩnh vực trong khu vực dịch vụ, bao gồm tài chính, nghiệp vụ chuyên môn, viễn thông và dịch vụ pháp lý. EU đang thúc đẩy Việt Nam cam kết nhiều hơn nữa cho dù sự nhất trí của Việt Nam nói trên đã thể hiện tự do hóa rộng lớn hơn các láng giềng gần gũi nhất trong vùng. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ đồng ý cho tiếp cận 85 tiểu lĩnh vực, Thái Lan 74 và Philippines 50.

 

Không chạy đua theo thời gian

 

Việt Nam là quốc gia có tới 80,44 triệu dân, có tiềm năng của một thị trường lớn nên nhiều nước quan tâm đến gói đàm phán gia nhập WTO. Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO được thành lập từ tháng Giêng 1995. Ban Công tác đã họp 8 lần, lần gần đây nhất là tháng 6/2004. Phiên thứ chín dự tính họp vào tháng Chạp 2004. Theo Ban Thư ký WTO, bản dự thảo đầu tiên của Ban Công tác có thể hoàn thành vào thời điểm này. Biểu thời gian đó cho thấy mong muốn của Việt Nam được kết nạp vào tháng Giêng 2005 khó có thể thực hiện được. Nhiều thành viên Ban Công tác cho rằng, còn rất nhiều việc phải làm. Thêm nữa, mặc dù đàm phán song phương vẫn đang được tiến hành, nhưng chỉ mới có Cuba là hoàn tất.

 

Một điều đáng hoan nghênh là những nhà đàm phán của Việt Nam sẽ không vì thời hạn chót 2005 mà bất chấp những hậu quả. Một quan chức Việt Nam ở Washington mới đây tuyên bố, Việt Nam mong muốn trở thành thành viên WTO càng sớm càng tốt, nhưng không muốn làm điều đó bằng bất cứ giá nào; Việt Nam không để cho “biểu thời gian chi phối các cuộc thương lượng”. Điều cực kỳ quan trọng là Việt Nam cũng như các nước đang đàm phán gia nhập phải dành thời gian thích đáng để nghiên cứu cẩn thận thực chất của các vấn đề, nhằm nhận rõ những hệ lụy đối với công cuộc phát triển của đất nước.

 

Mặc dù gia nhập WTO có thể là một mục tiêu chính trị và kinh tế đối với nhiều nước, nhưng khi đã bắt tay vào thương thảo thì bao giờ chi tiết của các hiệp định cũng mang tính chất then chốt.

 

Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam, Oxfam đã khuyến nghị, các thành viên WTO hãy ngừng đưa ra những điều kiện WTO-cộng nghiệt ngã trong đàm phán với Việt Nam. Ví như, không nên trói buộc thuế nông nghiệp ở mức thấp hơn 25%; Việt Nam cần có khả năng sử dụng tất cả các công cụ dành cho các nước đang phát triển là thành viên WTO để bảo vệ khu vực nông nghiệp dễ tổn thương; không nên đòi hỏi Việt Nam có thêm cam kết về quy mô, thời gian giảm hỗ trợ nội địa và trợ cấp xuất khẩu cao hơn những gì các nước đang phát triển trong WTO đã cam kết; thuế công nghiệp không nên bị trói buộc ở mức thấp hơn 17%; Việt Nam cần có được thời kỳ quá độ đủ dài để tương thích với các Hiệp định Rào cản Kỹ thuật trong Thương mại, các biện pháp Vệ sinh và Kiểm dịch động thực vật, Định giá Thuế quan, nhằm kéo giãn chi phí thực thi cũng như xây dựng năng lực kỹ thuật cần thiết.

  • H.Phương

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bán hàng trực tiếp giá rẻ (02/11/2004)
Từ 7h tối 1/11: Xăng tăng thêm 500 đồng/lít (01/11/2004)
Thu nhập từ lúa mạch gấp đôi trồng lúa (01/11/2004)
Tour VN cao giá vì Hàng không chưa "kết" Du lịch? (01/11/2004)
HSBC với những "toan tính" từ cuộc đua thuyền (31/10/2004)
Đua thuyền buồm: Việt Nam đứng thứ 6 (30/10/2004)
Một máy bay Airbus gặp sự cố khi hạ cánh (30/10/2004)
DNNN thua lỗ 3 năm liền sẽ bị giải thể (30/10/2004)
Ngân hàng ''đòi nợ'' các DN giao thông (29/10/2004)
Tiểu đô thị - xu hướng kinh doanh nhà đất mới (29/10/2004)
Triển lãm "gọi" đầu tư cho dầu khí và điện (27/10/2004)
TP.HCM sẽ giao cấp phép xây dựng cho phường, xã (25/10/2004)
Nhập khẩu đồ gỗ tăng, nhưng nhu cầu Nhật giảm (25/10/2004)
Thêm một hãng hàng không Mỹ sẽ phá sản (24/10/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang