Nam Trung bộ vẫn loay hoay chưa biết nuôi, trồng gì
09:24' 02/06/2003 (GMT+7)
(VietNamNet) - Trước thực trạng người nông dân trong vùng vẫn loay hoay với câu hỏi: Trồng cây gì, nuôi con gì cho có hiệu quả?... hôm qua (1/6) tại thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ chủ trì hội nghị quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Đây là khu vực kinh tế sau cùng của cả nước tổ chức hội nghị này.
Nông dân Nam trung bộ vẫn loay hoay với câu hỏi: Trồng cây gì, nuôi con gì.

Khu vực kinh tế nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ (từ Đà Nẵng đến Khánh Hoà) vốn là địa bàn không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp do điều kiện khí khậu khắc nghiệt và đất đai cằn cỗi. Đã vậy, thời gian qua nông dân còn phải chịu nhiều thiệt thòi mà một trong những nguyên nhân là chưa có quy hoạch về cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Nhiều người cứ loay hoay với việc trồng cây gì, nuôi con gì nhưng vẫn chưa tìm được lời giải. Vì lẽ đó, theo Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, mục đích của hội nghị lần này là ''tìm ra giải pháp về mặt kinh tế kỹ thuật tổng hợp để xây dựng một nền nông nghiệp an toàn về sinh thái, đa dạng về sinh học và bền vững''.

Theo báo cáo quy hoạch trình bày tại hội nghị, đến năm 2010, giá trị GDP nông nghiệp bình quân khu vực duyên hải Nam Trung bộ sẽ đạt 3,1 triệu đồng/người/năm, đứng thứ 3/7 vùng kinh tế nông nghiệp của cả nước. Tổng giá trị nông nghiệp đạt trên 42.000 tỷ đồng và sẽ tạo việc làm cho 2 triệu lao động. Từ bây giờ, các địa phương phải nghĩ ngay đến việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho phù hợp quy hoạch. Ông Võ Văn Tiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ: ''Chúng tôi coi trọng vấn đề giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Bởi nói cho cùng, việc mở rộng diện tích sản xuất đến mức nào đó rồi cũng hết, cho nên vấn đề đặt ra là đưa giá trị trên một đơn vị diện tích làm mục tiêu''.

Tuy vậy, trong quá trình dịch chuyển cơ cấu nông nghiệp, nhiều địa phương cũng nhìn thấy khó khăn, như lời của ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Bình Định: ''Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nông dân gặp không ít khó khăn. Chúng tôi sẽ nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với quy hoạch chung mà hiện nay chúng tôi đang triển khai''. Theo nhiều đại biểu, quy hoạch này có ý nghĩa định hướng, tạo tác động tích cực cho kinh tế nông lâm nghiệp khu vực duyên hải Nam Trung bộ phát triển.

Tuy vậy, quy hoạch này cũng bộc lộ một số điều cần bổ sung thêm. Theo đánh giá của Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, trong quy hoạch này, công tác dự báo thị trường chuẩn bị chưa được tốt lắm: ''Ở mặt này, quy hoạch còn nhiều hạn chế. Bảo dân làm kinh tế nhưng bán cho ai, bán ở đâu, bán như thế nào lại chưa có. Thứ hai là chưa lường hết những khó khăn của vùng này khi phải đương đầu với thiên tai, cần phải tính toán thêm''. Ngoài ra, trong nhóm các giải pháp thực hiện, báo cáo quy hoạch cũng chưa nêu cụ thể phần việc của trung ương và phần việc của địa phương để tránh sự trông chờ, dựa dẫm. Một vài số liệu cũng còn thiếu chính xác, chưa có cơ sở khoa học và thực tiễn. Tuy nhiên điều người nông dân cần trong báo cáo quy hoạch không phải là những trang giấy, mà họ đang muốn biết cần phải trồng cây gì, nuôi con gì và tiêu thụ ở đâu để có thể nâng cao đời sống kinh tế của mình?

  • Thanh Hải
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Giá cao su xuất khẩu tăng 10% (02/06/2003)
Hàng qua cảng Đà Nẵng tiếp tục tăng (02/06/2003)
Chậm sắp xếp DNNN vì muốn... ''giữ quốc doanh'' (02/06/2003)
Thành lập quỹ bảo hiểm xuất khẩu hồ tiêu (02/06/2003)
Giá gas tăng 7.000 đồng/bình 12 kg (02/06/2003)
Võng Duy Lợi thắng kiện ở Nhật (01/06/2003)
Có thể thanh toán qua tài khoản tiết kiệm bưu điện (01/06/2003)
Furama xây khu nghỉ mát cao cấp nhất Nha Trang (01/06/2003)
Khi hàng hoá ''ở tù'' oan (01/06/2003)
Mua đất - mua giá trị kỳ vọng (01/06/2003)
Vì sao chi phí sản xuất tại DN cao? (01/06/2003)
Chế tạo thành công máy gieo lúa tự động (31/05/2003)
Khách du lịch quốc tế đến VN bắt đầu tăng trở lại (31/05/2003)
Mía giảm giá vào cuối vụ (31/05/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang