Tranh cãi xung quanh tên gọi cá tra, cá basa
09:09' 11/11/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trước tình trạng một số DN chế biến, xuất khẩu thủy sản bán sản phẩm cá tra dưới tên gọi basa, gây ra nhiều tranh cãi về tên gọi, UBND tỉnh An Giang, Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, các Sở KHCN, Công nghiệp, NN-PTNT và một số công ty thủy sản  vừa họp bàn thống nhất cách xử lý tên gọi, đăng ký tên gọi xuất xứ hàng hóa An Giang cho cá basa và chỉ dẫn địa lý An Giang cho cá tra.

Có nên gọi chung tên basa cho các loại cá da trơn Việt Nam?

Ông Ngô Phước Hậu, Giám đốc Công ty Cổ phần XNK Thủy sản An Giang (Agifish), cho biết, năm 1999, Agifish đã xuất khẩu cá basa (lúc này chưa có cá tra) vào thị trường Mỹ. Cùng với một Việt kiều Mỹ, công ty này đã đăng ký thương hiệu cho cá basa tại thị trường này là Mekong Basa. Trước sức tiêu thụ basa tăng mạnh, nhiều DN khác của Việt Nam đã tham gia chế biến, xuất khẩu cá basa. Song, do nguồn cung basa có hạn, nhu cầu lại lớn, cá tra đã được đưa vào tiêu thụ. Từ đó có sự lẫn lộn tên gọi, đánh đồng giữa cá tra và basa. Thị trường Mỹ lúc này đã xuất hiện tên gọi mới là Basa Catfish. Hiện nay, các nhà nhập khẩu cũng đã phân biệt rõ hai loài cá này.

Trên thực tế, tuy giá basa xuất khẩu cao hơn nhiều so với cá tra, song, nhu cầu lại không lớn do họ thấy giá cá tra thấp, mà chất lượng lại tương đương nhờ được nuôi bè, thịt trắng. Sau các vụ tranh chấp về tên gọi, năm 2001, VASEP (Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản) đã thống nhất tên "basa" dùng để sử dụng chung cho các loài cá da trơn thuộc giống Pangasius của Việt Nam. Hiện tên khoa học để phân biệt hai loài này là P.Bocourti (basa) và Pangasius hypophthamus (cá tra).

Thống nhất tên gọi

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị, do yếu kém trong điều hành thị trường cũng như vì lợi ích cục bộ, hiện đã xảy ra tình trạng gian lận thương mại, lẫn lộn về tên gọi, và thậm chí bán hàng không có nhãn hiệu với số lượng lớn, có khả năng khách hàng sẽ tái chế xuất khẩu vào nước thứ ba mà DN Việt Nam không biết. Điều này thực sự nguy hiểm trong giai đoạn hội nhập, trong tình hình tranh chấp thương mại hiện nay.

Tại cuộc họp, ông Ngô Phước Hậu đề nghị, cần thống nhất phân biệt tên gọi cá basa và cá tra. Riêng cá tra, có thể ghi chú thêm cấp loại căn cứ về điều kiện nuôi và chất lượng sản lượng sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn, với giá cả hợp lý và phù hợp với thực tế.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Công ty XNK Nông sản thực phẩm An Giang (Afiex) cho rằng, hiện hầu hết các DN đang bán ra với tên chung là basa, vì thế, việc thực hiện tên gọi tra, basa là khó khăn cho các DN An Giang do chưa thống nhất trong cùng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Ông Bảy đề nghị, tiến trình thống nhất phân biệt tên gọi có thể được làm chậm lại, trước mắt, đẩy mạnh quảng cáo cho cá tra, basa để người tiêu dùng quen dần.

Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang (AFA), ông Nguyễn Hữu Khánh, bày tỏ sự chưa nhất trí với VASEP về cách gọi tên chung "basa" cho hai loài cá. Ông này cho rằng, việc đặt tên cho cá tra, basa sẽ được tiến hành đồng bộ với đăng ký thương hiệu, công bố quy trình nuôi theo tiêu chuẩn SQF 1000 do Sở NN-PTNT và Đại học An Giang đang nghiên cứu. Các DN trong tỉnh, trước mắt, nên thống nhất ngay tên gọi cho thị trường nước ngoài. Riêng thị trường nội địa, do tâm lý người tiêu dùng hiện nay chỉ biết tên gọi basa, hoặc bông lau, nên có bước đi thích hợp.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị cũng khẳng định, quan điểm của tỉnh cũng như AFA, các DN là thống nhất tên gọi, không để tình trạng lập lờ, gian lận. Đồng thời, không đồng ý tên cá "basa" dùng để gọi tên chung các loài cá da trơn thuộc giống Pangasius như quy định của VASEP, bởi basa là loài cá có đặc điểm rất riêng do phần mỡ bụng của cá có 3 miếng như mỡ sa nên mới gọi là basa (dân gian còn gọi là cá bụng). Theo ông, tên gọi chung có thể là "cá da trơn Việt Nam", hoặc cá "basa - tra", chứ không thể dùng tên basa để gọi chung cho cá da trơn. Khi xuất khẩu, các DN cũng phải ghi rõ tên cá basa và tra. Tại thị trường trong nước, bước đầu có thể phân biệt thống nhất như sau: cá basa, cá tra nuôi bè (chia làm hai loại, ký hiệu R1 và R2), cá tra nuôi ao hồ (chia làm hai loại, P1 và P2). Đây là cách phân loại  của Công ty Afiex, được đại diện công ty Agifish, TNHH Tuấn Anh, TNHH Nam Việt đồng tình.

Ông Nguyễn Minh Nhị đã giao AFA làm chủ sở hữu, đứng ra đăng ký thương hiệu và quản lý. Năm 2002, sản lượng cá tra, basa của riêng An Giang đã đạt 110.000 tấn, năm 2003 dự kiến là 120.000 tấn, chiếm tỷ trọng chi phối sản lượng cá tra, basa trong vùng. Đây cũng là tỉnh có nghề nuôi cá lâu đời nhất, ít nhất là từ năm 1925.

"Thiếu tiêu chuẩn và hệ thống kiểm soát"

Trao đổi với PV VietNamNet, Tổng Thư ký VASEP, ông Nguyễn Hữu Dũng, lý giải, trong xuất khẩu, các sản phẩm cá da trơn Việt Nam (chủ yếu là cá tra) luôn được đề rõ tên khoa học là P.Hypohthalmus đối với cá tra và P.Bocourti đối với cá basa. Trong các văn bản chính thức của Việt Nam, bao giờ cũng công khai tên hai loại cá trên. Song, mỗi vùng trong nước lại có một cách gọi khác, có thể là tra, basa hay bông lau... Về mặt sinh thái cũng như hình thái học, hai loài cá này rất gần nhau, khi nuôi trong cùng điều kiện thì cơ thịt, chất lượng thịt của chúng gần giống nhau. Tuy nhiên, do basa nhiều mỡ hơn, khả năng hô hấp yếu hơn nên tốc độ phát triển chậm hơn, lại khó sinh sản nhân tạo cá giống nên giá thành cao. Ngược lại, cá tra phổ biến, lớn rất nhanh và gây giống dễ, giá thành thấp, cộng với điều kiện nuôi được cải tiến cả về vệ sinh, thức ăn, thuốc chữa bệnh… nên DN nghiêng về sản phẩm này. Đó là lý do để con cá tra phát triển mạnh trong 5 năm vừa qua, bắt nguồn từ những ưu thế của nó.

Ông Dũng nhận xét: "Tên gọi “tra” dở ở hai điểm: cách phát âm khó, người nước ngoài không dễ đọc; DN cũng muốn có một tên gọi đẹp cho sản phẩm, đó là quyền của họ. Vì thế mà có chuyện trước đây, các thành viên VASEP đã thống nhất gọi chung là tên basa. Song, cá basa thì được gọi đúng là basa; còn tra thì phải có tính ngữ trước chữ basa, ví như Mekong Basa, Hypo Basa… Quan điểm của các DN Việt Nam là làm sao bán được nhiều sản phẩm, tạo đầu ra cho người nuôi. Muốn thế, việc lựa chọn tên gọi hết sức quan trọng. Tạo ra một cái tên cho thuận miệng, dễ gọi, nghe một lần là nhớ ngay khi đưa hàng mới tiếp cận thị trường, đó là điều DN luôn làm, miễn là không phạm luật".

"Trường hợp An Giang tiến hành đăng ký thương hiệu cho cá tra, basa của tỉnh là rất cục bộ địa phương. Nếu chứng minh được cá basa nuôi ở An Giang khác cá basa nuôi ở nơi khác về chất lượng, phẩm cấp thì mới tính chuyện xây dựng thương hiệu. Hiện nay, An Giang chỉ có 5.000 tấn cá basa nguyên liệu, trị giá không đáng kể. Còn đối với cá tra, thực tế là nó đã được bán với cái tên… basa. Người tiêu dùng các nước chấp nhận ăn, người dân Việt Nam chấp nhận ăn. Nếu bây giờ lật lại vấn đề, thì lúc đó họ sẽ lại ăn thử con cá tra, chính là con cá mà họ đã từng ăn", Tổng Thư ký VASEP nói.

Ông Dũng cho rằng, phát triển thương hiệu là chuyện tất nhiên. Tuy nhiên, ngay chuyện tìm tên làm thương hiệu cũng phải cân nhắc kỹ để nhận được sự đồng cảm của thị trường. "Cái quan trọng nhất hiện nay mà chúng ta đang thiếu là việc xây dựng các tiêu chuẩn, tức là từ sản xuất giống: cá bố mẹ cỡ nào, bao nhiêu tuổi thì mới được đưa vào sản xuất; giống đó sản xuất thế nào để không có bệnh; thức ăn là gì; ương trong điều kiện nào; nuôi ra sao; thu hoạch, vận chuyển, đóng gói, ghi nhãn… Tất cả các khâu đó phải trở thành một quy trình sản xuất liên hoàn. Khi đó, theo tiêu chuẩn đã quy định, DN nào đạt mới được sử dụng thương hiệu. Xây dựng thương hiệu phải trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ thuật, chứ không đơn thuần là một tên gọi".

"Không thể đăng ký thương hiệu basa"

Chuyện An Giang xúc tiến đăng ký thương hiệu cho cá tra, basa bắt nguồn từ việc một số DN bán sản phẩm cá tra dưới tên gọi basa, nói theo lời ông Chủ tịch tỉnh này là "âm mưu đồng hóa tên gọi cá tra thành basa". Do vậy, trước khi có cuộc họp trên, UBND tỉnh An Giang đã có Công văn 2560/CV-UB, gửi tới 7 bộ, ngành về việc bảo vệ tên gọi cho hai loài cá này. Tuy nhiên, một số cơ quan báo chí lại đưa tin chưa chính xác, cho rằng, ông Chủ tịch tỉnh gửi công văn nhằm "bảo hộ thương hiệu cá basa", hay đòi thương hiệu cho cá basa.

Trên thực tế, trao đổi với PV VietNamNet, ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, cho rằng, tất cả tên chung của sản phẩm sẽ không được sử dụng, hoặc không được công nhận là nhãn hiệu hàng hóa (NHHH), nếu mục đích của nó là sử dụng để làm NHHH cho chính sản phẩm. Ví như, sẽ không cơ quan nào chấp nhận đăng ký NHHH cho ghế hay bàn cho bất cứ đồ nội thất nào, cũng như cá chép, cá quả cho bất kỳ loài cá nào. Theo ông Hùng, tất nhiên có thể sử dụng tên gọi này cho các sản phẩm hoàn toàn khác biệt về bản chất, như sản phẩm sơn đăng ký NHHH là Cá Chép; xe đạp có nhãn hiệu là Telephone... Với việc sử dụng như vậy, thương hiệu tạo nên sự độc đáo và chấp nhận được.

Đối với trường hợp đăng ký thương hiệu cho cá tra, basa, những tên chung như "tra", "basa" không bao giờ được chấp nhận đăng ký NHHH cho chính nó. Ông Hùng cho biết, khi tra cứu đăng bạ quốc gia về đăng ký nhãn hiệu của Hoa Kỳ, thì NHHH quen thuộc catfish lại không phải đăng ký cho sản phẩm cá, mà là cho một sản phẩm điện tử. "Ở Việt Nam không bảo hộ tên gọi catfish, cũng như cá tra, basa là thương hiệu độc quyền quốc gia", ông Hùng khẳng định. Trường hợp các DN bán cá tra nhưng ghi nhãn sản phẩm là basa, theo ông Hùng, lỗi đó thuộc về mặt kỹ thuật, phân loại hay đánh giá chất lượng, chứ không phải là sở hữu công nghiệp.

  • Hà Thành

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Lào Cai khai trương ngân hàng dữ liệu thương mại (10/11/2003)
Việt Nam - điểm đến được ưa chuộng nhất châu Á (10/11/2003)
Dán nhãn tiếng Việt cho điện thoại di động (10/11/2003)
'Ngành điện sẽ đến từng DN bàn cách tháo gỡ' (10/11/2003)
Pacific Airlines chuẩn bị mở lại đường bay thẳng Đà Nẵng - Bangkok (10/11/2003)
Lâm Đồng ồ ạt thu hoạch cà phê xanh (10/11/2003)
Lỗ hổng ''hậu'' đăng ký kinh doanh (10/11/2003)
Mở lại đường bay Jakarta - Singapore - TP.HCM (08/11/2003)
"Thay máu" cho nông, lâm trường quốc doanh (08/11/2003)
Chưa xem xét thời điểm tăng giá điện (08/11/2003)
Sẽ không xảy ra "sốt" gas vào dịp cuối năm (08/11/2003)
Sẽ xuất tự động hàng dệt may vào EU năm 2004 (08/11/2003)
Giá lúa gạo và một số loại nông sản tăng “kỷ lục” (07/11/2003)
Xóa nợ cho HTX phi nông nghiệp đã giải thể (07/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang