Lã Thị Kim Oanh đã được các quan chức tiếp tay như thế nào?
11:10' 21/10/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Vụ án xảy ra tại Công ty Tiếp thị thương mại nông nghiệp - công nghiệp thực phẩm (TTNCT) kéo dài nhiều năm kể từ khi thành lập (1995 - 6/2001), liên quan nhiều đối tượng từ trung ương đến địa phương. Kẻ chủ mưu - Lã Thị Kim Oanh, nguyên Giám đốc của công ty biển thủ số tiền hơn 72 tỷ đồng và 110.659 USD, cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại hơn 34 tỷ đồng và 3.000 USD. Hành vi phạm tội của Kim Oanh đã được sự tiếp tay của một số quan chức cao cấp trong Bộ NN&PTNT.

Các chiến sĩ công an khám nhà Lã Thị Kim Oanh

Cái gọi là Công ty TTNCT và thủ đoạn trắng trợn của Lã Thị Kim Oanh

Đây là công ty thành viên của Tổng Công ty XNK Công nghiệp - Thực phẩm, được thành lập tháng 4/1995 có trụ sở tại Ba Đình, Hà Nội với vốn kinh doanh ban đầu 1.083 triệu đồng. Công ty được phép hoạt động các lĩnh vực kinh doanh tư liệu tiêu dùng, tư liệu sản xuất chuyên ngành Nông nghiệp - Công nghiệp Thực phẩm, tư vấn và đầu tư kỹ thuật cơ điện phục vụ ngành. Với "siêu thủ đoạn" là tạo dựng cho Công ty nhiều chức năng kinh doanh, Lã Thị Kim Oanh (sinh năm 1955, quê Bình Lục, Hà Nam, tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội) đã xin thực hiện nhiều dự án, sau đó tìm cách vay tiền ngân hàng và các tổ chức, cá nhân. Tiền vay được khá dễ dàng vì lúc nào Kim Oanh cũng có công văn xác nhận của lãnh đạo Bộ NN&PTNT về nhu cầu vay vốn cũng như của Cục Đầu tư phát triển Hà Nội về kế hoạch ngân sách cấp cho dự án. Bà ta luôn khẳng định khi nào có tiền do ngân sách cấp sẽ trả lại cho ngân hàng, nhưng khi có rồi thì lập tức lại đề nghị Bộ NN&PTNT và Cục Đầu tư chuyển hết tiền về Công ty của mình, sau đó rút ra chi tiêu mà không trả cho các nơi đã vay. Hậu quả là hiện nay, Công ty TTNCT còn nợ gần 103 tỷ đồng gốc và hơn 35 tỷ đồng lãi. Kim Oanh đã vay tiền và quyết định chi tiêu không qua hệ thống sổ sách kế toán cũng như thủ quỹ, đến nỗi nay không thể giải trình được đã chi vào dự án cụ thể nào! Bà ta chỉ còn biết nói "đã chi số tiền trên cho các hoạt động của Công ty, chi quà biếu lễ Tết cho các cơ quan và cá nhân liên quan...". Số tiền bà ta chi "điếu đóm" cho các VIP trong Bộ NN&PTNT trong quá trình phạm tội hiện nay vẫn là ẩn số.

Thuộc cấp của Lã Thị Kim Oanh quá thạo việc ký khống giấy tờ!

Sau một vài lần viết tay gửi Kim Oanh khuyên "sếp nên thực hiện đúng quy định trong chi tiêu và nên thông qua hệ thống kế toán tài chính" không thành công, Đỗ Đức Thuần (sinh 1957, quê Hà Nội, nguyên Kế toán trưởng công ty) lại quay sang làm theo sự chỉ đạo của Kim Oanh, giúp bà ta dấn sâu vào những hành động tội phạm. Thuần cùng Kim Oanh lập khống chứng từ và chỉ đạo các cán bộ dưới quyền lập khống nhiều giấy tờ thanh toán tiền tỷ. Số tiền mà e-kip này gây thiệt hại cho Nhà nước qua việc làm trái các quy định về Pháp lệnh kế toán và thống kê lên tới 34,3 tỷ đồng cộng 3.000 USD. Chỉ riêng Dự án xây dựng nhà Dịch Vọng, Thuần thừa nhận đã viết và ký vào 11 phiếu thu tiền của 10 cá nhân và 1 Công ty (Công ty KD&XD nhà) với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Là Kế toán trưởng nhưng đây là giai đoạn ông Thuần "không được bàn giao sổ sách, thu tiền thì không vào sổ thu chi, không biết Kim Oanh đã chi tiền cho việc gì, chỉ biết ký theo chỉ đạo của sếp", và ông ta khai thêm "sổ sách kế toán do Kim Oanh quản lý".

Vị Phó Giám đốc Công ty - Phạm Tiến Bình (sinh 1957, quê Hải Phòng) lại có hành vi phạm tội nghiêm trọng qua việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ký khống chứng từ tạm ứng hơn 42 tỷ đồng để che dấu cho sự phạm tội của Kim Oanh trước đó. Chỉ riêng việc lợi dụng được giao bán nhà 79 Hàng Bồ, Bình đã viết giấy bán cho Nguyễn Đình Bang (nhân viên Công ty TNHH Liên Minh) không đúng thủ tục pháp lý để "cuỗm" hơn 5 tỷ đồng. Tay trợ lý Giám đốc Nguyễn Chính Nghĩa thì biết rất rõ việc chi tiêu của Kim Oanh là trái với các quy định của Nhà nước, nhưng vẫn ký khống 10 phiếu tạm ứng và 10 phiếu chi do Kế toán Thuần đưa sẵn với tổng số hơn 10 tỷ đồng cũng nhằm che giấu cho hành vi phạm tội của sếp. Nghĩa khai việc ký các phiếu tạm ứng mà không nhận tiền là theo yêu cầu của Kim Oanh để cân đối lại thu chi hợp thức chứng từ phục vụ báo cáo đoàn Thanh tra. Đương nhiên, bà giám đốc đã hứa sau khi bị thanh tra xong thì sẽ làm lại hoàn ứng khống cho Nghĩa. Nhưng Bình và Nghĩa không phải những người duy nhất biết ký khống giấy tờ để tạm ứng hơn 53 tỷ đồng. Theo chỉ đạo của Kim Oanh, một số đối tượng khác cùng ký nhận khống số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Như vậy, "ký khống giấy tờ" giúp bà ta "mù mờ thoải mái" gần 56 tỷ đồng!

Bàn tay "ma" của một số VIP trong Bộ NN&PTNT

Mối quan hệ giữa Lã Thị Kim Oanh và một số quan chức trong Bộ NN&PTNT khiến việc móc ruột Nhà nước của Oanh rất thuận chèo mát mái. Ông Nguyễn Quang Hà (sinh 1937, quê Hà Tây, nguyên Thứ trưởng thường trực) đã xuống tay ký 7 công văn xác nhận nhu cầu và xác nhận bảo lãnh cho Công ty TTNCT đi vay vốn ở 4 ngân hàng mà không có căn cứ để đầu tư vào Dự án Khu hội chợ triển lãm, trong khi tiền ngân sách Nhà nước cấp đã đủ cho dự án. Thế là, bà Oanh "vô tư" chi sai nguyên tắc và chiếm đoạt gần 52 tỷ đồng vay từ 4 ngân hàng này, không thực hiện cam kết trả nợ, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tiền của Nhà nước (cho đến ngày khởi tố vụ án, Công ty TTNCT nợ 4 ngân hàng hơn 71 tỷ đồng gồm tiền gốc và lãi). Trong 7 công văn trên, 3 công văn gửi Cục Đầu tư phát triển Hà Nội đề nghị chuyển tiền Ngân sách Nhà nước cấp cho Khu triển lãm để bà ta chiếm đoạt chi tiêu sai nguyên tắc 8 tỷ đồng, chỉ có 4 công văn còn lại được thông qua ký nháy của các vụ. Các công văn ông Hà ký không đúng quy chế của Bộ, có công văn ký trực tiếp cho Lã Thị Kim Oanh không qua Vụ tham mưu hoặc không qua Văn phòng Bộ, dẫn đến việc nhiều ông thứ trưởng ký nhưng không trao đổi với nhau.

Triển lãm nông nghiệp Việt Nam - công trình bị tham nhũng nặng nề

Còn ông Nguyễn Thiện Luân (sinh 1941, quê Ninh Bình, nguyên Thứ trưởng) "phụ trách khối Công nghiệp thực phẩm và chế biến nông sản" (thực ra Bộ NN&PTNT không phân cụ thể ông Thứ trưởng nào phụ trách khối này) lại thiếu trách nhiệm hết sức đến mức khi ký 2 công văn xác nhận nhu cầu vay vốn cho Công ty TTNCT đi vay 23,6 tỷ đồng của Ngân hàng Đầu tư phát triển Hà Nội vay đệm để thanh toán cho công trình Triển lãm nông nghiệp Việt Nam và Khu CN Kim Hoa trong khi Ngân sách Nhà nước đã cấp đủ cho 2 dự án này mà lại không hề kiểm tra, kiểm soát. Kim Oanh đã thừa cơ chiếm đoạt và chi tiêu sai nguyên tắc số tiền trên.

Phan Văn Quán (sinh 1944, quê Nghệ An, nguyên Vụ trưởng Vụ tài chính kế toán) thì lại khác. Được Bộ phân công quản lý công tác Tài chính kế toán về đầu tư phát triển bao gồm vốn ngân sách; vốn tự có; vốn khấu hao cơ bản; vốn đầu tư của nước ngoài và các nguồn vốn khác, nhưng Quán không làm hết nhiệm vụ được giao, tuy có phân công cấp dưới tiến hành kiểm tra kiểm soát công tác quản lý Tài chính kế toán về đầu tư của chủ đầu tư. Không làm được nhưng Quán cũng không báo cáo Bộ và cũng không có biện pháp xử lý. Ngoài ra, Quán còn móc nối với Huỳnh Xuân Hoàng (sinh 1937, quê Phú Yên, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch & Quy hoạch) ký quyết định phê duyệt hợp đồng chuyển nhượng khách sạn 120 Quán Thánh trình lãnh đạo Bộ ký không đúng quy định Nhà nước (không có Hội đồng thẩm định giá). Chưa hết, Quán còn ký nháy Công văn 36 trình ông Nguyễn Thiện Luân ký gửi Ngân hàng Đầu tư Hà Nội đề nghị cho Công ty TTNCT vay hơn 12,5 tỷ đồng đầu tư vào Khu CN Vĩnh Phúc. Ngân hàng này đã cho vay 2,8 tỷ đồng, nhưng bà ta chỉ đầu tư vào Dự án nửa tỷ đồng, còn chiếm đoạt riêng 2,3 tỷ đồng.

Một số bị can đáng chú ý trong vụ án

1. Lã Thị Kim Oanh
2. Phạm Tiến Bình
3. Đỗ Đức Thuần
4. Nguyễn Quang Hà
5. Nguyễn Chính Nghĩa
6. Nguyễn Thiện Luân
7. Phan Văn Quán
8. Huỳnh Xuân Hoàng

Hàng năm, Huỳnh Xuân Hoàng thay mặt lãnh đạo Bộ NN&PTNT ký các văn bản thông báo vốn Ngân sách Nhà nước cấp cho Dự án khu Hội chợ triển lãm, nhưng lại không kiểm tra việc quản lý và sử dụng vốn của chủ đầu tư (tức Công ty TTNCT). Hoàng ký công văn số 45 gửi Ngân hàng Quân đội đề nghị cho vay 10 tỷ đồng; công văn 14 gửi Ngân hàng Đầu tư Hà Nội đề nghị cho vay hơn 37 tỷ đồng; ký 3 công văn đề nghị Bộ ký chuyển không đúng quy định Nhà nước, tổng cộng 43 tỷ đồng để mua khách sạn ở Quán Thánh. Hoàng chính là mắt xích quan trọng nhưng "dễ bẻ" nhất để bà ta cùng ê-kíp lợi dụng gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Khách sạn 120 Quán Thánh

Theo cơ quan điều tra, các ông Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Thiện Luân, Huỳnh Xuân Hoàng và Phan Văn Quán đã không làm đầy đủ trách nhiệm được giao, không kiểm tra kiểm soát, không nắm được quá trình triển khai các dự án do Công ty TTNCT là chủ đầu tư nhưng đã ký nháy tham mưu và ký xác nhận để bà giám đốc này cùng ê-kíp vay tiền của các ngân hàng, dẫn đến thất thoát tài sản lớn của Nhà nước. Đơn giản là, nếu không có lãnh đạo Bộ ký xác nhận thì các ngân hàng không thể cho Công ty TTNCT vay tiền (theo văn bản 48 của Ngân hàng Nhà nước).

Phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng này dự kiến diễn ra tại Hà Nội tháng 11 tới.

  • Tùng Duy

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Quy định mới của Hoa Kỳ đối với lương thực nhập khẩu (21/10/2003)
Hơn 1.500 tỷ đồng xây dựng Nhà máy Xi măng Sơn La (21/10/2003)
Cơn sốt vàng ''thổi căng'' quả bong bóng đầu tư (21/10/2003)
Hàng nông sản Việt Nam vào Dubai (21/10/2003)
Con đường gia nhập ''làng'' DN còn lắm gian truân (21/10/2003)
Gặp những ''vị thần'' nông dân, công nhân (21/10/2003)
Huy động được gần 33,8 tỷ đồng và hơn 1 triệu USD trái phiếu Chính phủ (20/10/2003)
Tàu Mỹ Hưng chạy thử đường dài sau khi khắc phục sự cố cháy nổ (20/10/2003)
Mua "xế hộp" tại Mỹ (20/10/2003)
Tự khai, tự nộp thuế làm giảm thời gian và chi phí cho DN (20/10/2003)
Các ngân hàng mở đợt thu đổi tiền cũ, rách (20/10/2003)
1/11, mở cửa chợ đêm du lịch Ðồng Xuân (20/10/2003)
Hải Phòng có thế cấp phép đầu tư chỉ sau 3 giờ (20/10/2003)
Tránh tình trạng đầu cơ mặt nước biển (20/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang