,
221
3361
Doanh nghiệp - Doanh nhân
thuongnhan
/kinhte/thuongnhan/
900830
Dự án công viên Thống Nhất: Hai DN đang chạy nước rút!
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
,

Dự án công viên Thống Nhất: Hai DN đang chạy nước rút!

Cập nhật lúc 22:25, Thứ Tư, 21/02/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Chỉ một thời gian ngắn nữa, UBND TP Hà Nội sẽ quyết định đơn vị nào được chọn là chủ đầu tư dự án cải tạo, quản lý công viên Thống Nhất...

Chủ dự án Tân Hoàng Minh (Ảnh: T.A.N).

Hai doanh nghiệp đang ''trong tầm ngắm'' rất gần là Công ty TNHH Tân Hoàng Minh - đơn vị đã được giao nghiên cứu dự án cải tạo công viên này từ 3 năm nay và Công ty cổ phần Vincom - vừa được giao nghiên cứu chưa đầy 1 tháng. Doanh nghiệp nào sẽ ''chiến thắng'' trong ''cuộc đua'' giành ngôi vị chủ đầu tư dự án, để nhanh chóng bắt tay vào việc, kịp đưa công viên Thống Nhất thành một trong nhiều công trình ''bộ mặt'', ''sắc diện'' của Hà Nội đón Đại lễ nghìn năm?

Tiêu chí lựa chọn sẽ được phê duyệt trước 28/2 tới!

Công viên Thống Nhất nằm lọt giữa nhiều con đường lớn, ổn định của Hà Nội như: Trần Nhân Tông, Đại Cồ Việt, Lê Duẩn, Nguyễn Đình Chiểu... gồm 27,8ha đất và 21ha mặt nước. Trong công viên có 2 đảo nhân tạo trên hồ Bảy Mẫu là đảo Thống Nhất và đảo Hoà Bình với tổng diện tích 1,2ha. Đây là công viên có vị trí trung tâm, đắc địa bậc nhất Thủ đô so với các công viên khác như: Công viên Bách Thảo, Vườn thú Hà Nội, Công viên Tuổi Trẻ, Công viên Đống Đa, Công viên Quần Ngựa...

Trước thực trạng công viên Thống Nhất ngày càng xuống cấp, các trò chơi nghèo nàn, môi trường bị xâm hại... từ đầu năm 2004, UBND TP (khi đó Chủ tịch là ông Hoàng Văn Nghiên) đã khuyến khích ''xã hội hoá'' cải tạo, quản lý công viên này. Ngày 16/1/2004, tại trụ sở UBND TP Hà Nội, Chủ tịch đã chủ trì cuộc họp lắng nghe Công ty TNHH Tân Hoàng Minh trình bày ý tưởng cải tạo công viên Thống Nhất theo nguyên tắc: bảo tồn tính chất công viên là khu nghỉ ngơi, thư giãn của nhân dân; quy hoạch hợp lý các khu chức năng tĩnh, đệm và động; bảo tồn các vườn hoa, cây xanh và đảo Thống Nhất; các trò chơi phải chọn lọc kỹ; bố trí thời gian trong ngày vào những khu vực sinh hoạt tự do không thu tiền...

Ngay sau đó, UBND TP Hà Nội đã ra Thông báo số 09/TB-VP ngày 16/2/2004 giao Công ty TNHH Tân Hoàng Minh khẩn trương lập Dự án đầu tư cải tạo công viên này, và tiếp theo là nhiều công văn nhấn mạnh ''đây là dự án cần được quan tâm ưu tiên, tập trung chỉ đạo giải quyết đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào hoạt động''.

Nhiều người dân đang quan tâm công viên Thống Nhất - một công viên văn hoá, có tính lịch sử, được xây dựng do đóng góp công sức lao động của nhiều thế hệ người Hà Nội sẽ thay đổi ra sao khi được ''xã hội hoá'' cải tạo, quản lý? (Ảnh: T.A.N)

Tuy nhiên, vì nhiều lý do (chủ yếu vẫn ''lỗi tại cơ chế'') - một công ty cổ phần theo quy định của pháp luật để đầu tư, khai thác dự án này (trong đó Công ty công viên Thống Nhất - nay đổi thành Công ty THHHNN một thành viên công viên Thống Nhất là một thành viên) mãi đến giờ vẫn chưa được thành lập theo ý chỉ của UBND TP. Kéo theo nó là nhiều vấn đề khiến cho lúc này, sau 3 năm kể từ khi được giao, dự án Tân Hoàng Minh đang nghiên cứu vẫn ''giậm chân tại chỗ''!

Tháng 1/2007, UBND TP Hà Nội lại vừa lắng nghe thuyết minh của thêm 1 doanh nghiệp nữa cũng có nguyện vọng đầu tư vào công viên Thống Nhất: Công ty cổ phần Vincom (Vincom JSC). Sau đó, UBND TP đã ra Thông báo số 21/TB-UBND ngày 24/1/2007 giao Công ty cổ phần Vincom phối hợp Công ty TNHHNN một thành viên công viên Thống Nhất cùng nghiên cứu, lập dự án đầu tư cải tạo công viên trung tâm này. Như vậy, tính đến nay, Vincom chính thức nghiên cứu công viên Thống Nhất chưa đầy 1 tháng.

Song, theo Thông báo số 39/TB-UBND ngày 14/2/2007 của UBND TP Hà Nội, để đảm bảo khách quan trong việc giao chủ đầu tư, Sở KH& ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Sở GTCC và các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng tiêu chí lựa chọn, đồng thời đề xuất hội đồng xét chọn (do Phó Chủ tịch UBND TP làm chủ tịch hội đồng) để lựa chọn 1 trong 2 nhà đầu tư trên, giao làm chủ đầu tư dự án cải tạo công viên Thống Nhất.

Nhà đầu tư được chọn phải có đủ năng lực, kinh nghiệm. Tiêu chí cụ thể sẽ được UBND TP phê duyệt trước 28/2/2007 tới.

Toà nhà trung tâm thương mại Vincom tại Hà Nội - một sản phẩm của Vincom JSC (Ảnh tư liệu).

3 năm ''đấu'' với 1 tháng!

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu cho biết, dự án này tuy có sử dụng đất nhưng ''đặc biệt'' hơn một số dự án khác ở chỗ công viên là ''đất có chủ'' (chứ không phải ''vô chủ'') - chủ ở đây hiện là Công ty TNHHNN một thành viên công viên Thống Nhất. ''Tiền chủ'' này cũng có ''tiếng nói'', tức là được tham gia ý kiến trong việc đồng ý hay không đồng ý với  một đơn vị nào đó tiếp quản công viên sau hoặc cùng với mình!

Hơn nữa, cũng theo Chủ tịch, tiêu chí cụ thể đang được xây dựng song đối với việc lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất nói chung - nếu các nhà đầu tư tham gia đều đạt điểm đánh giá ngang bằng nhau trên mọi tiêu chuẩn (như Quy định 15/2007/QĐ-UBND) thì đơn vị nào đã có thời gian chính thức nghiên cứu thực tế lâu hơn sẽ được thêm ''điểm''. Sau khi công khai lựa chọn chủ đầu tư sẽ công bố kết quả - nếu không bên nào thắc mắc gì, Thành phố sẽ báo cáo Thường trực Thành uỷ vì đây là dự án lớn (trên 1.000 tỉ đồng).

Được biết, Vincom JSC khẳng định sẽ huy động đủ 1.500 tỉ đồng đầu tư trực tiếp, ''làm mới lại'' Công viên Thống Nhất và hứa hẹn biến nơi đây thành khu vui chơi hấp dẫn, hiện đại với các mô hình giải trí nổi tiếng tham khảo trên thế giới, đồng thời phát triển làng nghề truyền thống, ẩm thực, văn hoá, thể thao, sân khấu biểu diễn ngoài trời mang tính cộng đồng và giáo dục cao. Ngoài ra, tại phía đông bắc khu đất, một gara đỗ xe với 5 tầng ngầm sẽ được xây dựng. Trong đó, 3 tầng với diện tích 90.000m2 sàn dành đỗ xe, 2 tầng khác với 60.000m2 sàn để kinh doanh thương mại.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu (bìa trái) đang trao đổi với phóng viên VietNamNet (Ảnh: Lê Anh Dzũng).

Tuy nhiên, Vincom đặt ra phương thức khai thác là chỉ mở cửa tự do, không bán vé vào cửa công viên Thống Nhất từ 4-7h sáng để phục vụ nhân dân tập thể dục, dưỡng sinh (từ 9h sáng trở đi sẽ bắt đầu bán vé). Ngoài ra, vào những dịp lễ hội lớn, nhân dân sẽ được vào công viên tự do, không mất tiền.

Còn Tân Hoàng Minh trong phản hồi tới VietNamNet gần đây đã cam kết mở cửa công viên này miễn phí 24/24 phục vụ nhân dân, chỉ thu lợi từ những dịch vụ tạo ra trong đó. Tân Hoàng Minh cũng quán triệt chỉ đạo của UBND TP Hà Nội trong việc không biến công viên thành một ''đại nhà hàng'', hay trung tâm thương mại, siêu thị, văn phòng cho thuê... với tổng vốn đầu tư ban đầu dự kiến là gần 35 triệu USD.

  • Hoàng Huy

>>Hà Nội: Vào Công viên Thống Nhất sẽ không phải mua vé!
>>''Năm mới, Hà Nội thêm nhiều công trình mới!''
>>Công viên không phải là dịch vụ giải trí

,
,