Chuyện về con cá chim trắng
17:39' 09/07/2003 (GMT+7)
Cá chim trắng.

(VietNamNet) - Con cá chim trắng nước ngọt trở nên "nổi tiếng" sau khi một chuyên gia của Tổ chức WWF, do nhầm lẫn giữa con cá này với cá Piranhas (cá cọp), đã thông báo trên các phương tiện truyền thông và phát hành tờ rơi tới người dân vùng đệm Vườn quốc gia Nam Cát Tiên - nơi bị nghi ngờ có loài cá dữ. Tranh cãi ồn ào, thông tin xôn xao dư luận buộc Bộ Thuỷ sản phải vào cuộc. Hôm qua (8/7), trong văn bản báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thuỷ sản chính thức kết luận, cá chim trắng không phải là cá Piranhas.

Tuy nhiên, Bộ cũng yêu cầu không phát tán cá chim trắng ở vùng khó kiểm soát, không xây dựng mô hình nuôi ở các vùng đệm của vườn quốc gia, khu vực vườn quốc gia.

Chuyện con cá chim trắng sẽ chẳng "nổi đình nổi đám" nếu ông David Murphy, chuyên gia WWF trên, không phát biểu với báo giới khi chưa có đủ căn cứ khoa học; và tờ rơi chỉ được phát hành khi đã có sự đồng ý của cơ quan thẩm quyền. Việc đưa ra những kết luận chủ quan, đưa tiêu đề giật gân, dựa vào các căn cứ thiếu thuyết phục và không chính thống của một số tờ báo góp phần làm hoang mang các địa phương và những người đang nuôi loại cá này.

Tuy nhiên, sự việc không phải không có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản, ở đây là Bộ Thuỷ sản. Mặc dù quá trình nuôi khảo nghiệm và các hội thảo khoa học đã khẳng định, chim trắng là loài cá ăn tạp, dễ nuôi, mau lớn, không mang mầm bệnh mới, không là địch hại của các đối tượng nuôi khác; mặc dù Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản Nguyễn Việt Thắng cho rằng, khi cho nhập cá chim trắng, Bộ không đặt thành đối tượng chính để xuất khẩu mà chỉ để bổ sung vào cơ cấu đàn cá nuôi của Việt Nam, góp phần chuyển dịch cơ cấu, xóa đói giảm nghèo, nhưng rõ ràng là, việc nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của cá chim trắng nước ngọt đối với môi trường sinh thái tự nhiên chưa thật đầy đủ..

Như vậy, cơ sở khoa học để nuôi cá chim trắng đại trà chưa thực sự hoàn chỉnh. Song, trên thực tế, vùng nuôi cá chim trắng đã mở rộng ra rất nhiều. Từ năm 2000 đến nay, phong trào nhập cá giống về bán đã thật sự bước vào cao điểm. Chỉ tính riêng năm 2002, ước tính, có khoảng 40 triệu con cá chim trắng giống được chuyển từ các tỉnh phía bắc vào nam; và từ đầu năm đến nay, con số này là 100 triệu. Hiện nay, nông dân từ mũi Cà Mau, An Giang, Kiên Giang... cho đến Quảng Ninh, Sơn La... đang nuôi cá chim trắng, có hộ thả đến hàng chục hecta. Nhiều trăm trại sản xuất giống trong cả nước vẫn đang tiếp tục nhập và sản xuất hàng loạt cá giống chim trắng để bán cho nông dân.

Do vậy, Bộ Thuỷ sản đã chỉ đạo triển khai 3 biện pháp: tiến hành nghiên cứu và tổ chức hội thảo khoa học về khả năng ảnh hưởng của cá chim trắng đối với môi trường sinh thái; xác định những khu vực nhạy cảm để khoanh vùng nuôi cá; các biện pháp hạn chế cá phát tán ở vùng khó kiểm soát. Theo Thứ trưởng Thắng, ở những khu vực "nhạy cảm" có sự xuất hiện của cá chim trắng, trước mắt, Bộ sẽ khoanh lại và khắc phục dần, tiến tới không cho thả nuôi nữa. Theo ông, với những đặc điểm sinh thái ĐBSCL, cá chim trắng rất khó tồn tại qua mùa khô - nước cạn do nồng độ PH thấp. Sông ngòi ĐBSCL có lượng phù sa rất lớn, không phù hợp với tập tính sinh sản của cá. Còn ở phía bắc, mùa đông có những thời gian lạnh (15-20 độ hoặc thấp hơn nữa), cá chắc chắn không thể sinh sản được.

Một bạn đọc gửi thư đến VietNamNet cho rằng, mặc dù Bộ đã có kết luận chính thức, nhưng dường như, tuyên bố này vẫn rất do dự. Bởi nếu cá chim trắng thực sự không gây nguy hại, tại sao Bộ Thuỷ sản chỉ đạo vẫn phải nuôi trong sự kiểm soát? Có phải do thừa nhận cần phải có "nghiên cứu để đảm bảo tối đa cho môi trường sinh thái", nên Bộ mới có sự khuyến cáo này khác? Chẳng lẽ, nếu nghiên cứu có kết quả ngược, nghĩa là phải tiêu hủy cá chim trắng, vậy thì khi đó không chỉ là những vấn đề sinh thái khó lường, mà tính sao đây đối với công sức và tiền của của nhân dân đã bỏ ra?.

GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, cho biết, những năm gần đây, Việt Nam đã di nhập một số loài động vật, thực vật để thử nghiệm, rồi đưa vào nuôi trồng trong các trang trại, hộ gia đình, các cơ sở sản xuất... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc di nhập giống mới, loài lạ một cách tràn lan, không thực hiện đúng nguyên tắc kiểm dịch thực vật, động vật và cũng chưa qua thử nghiệm nghiên cứu khoa học về đặc điểm sinh thái của chúng, thiếu các thông tin khoa học gốc của chúng đã gây ra những tác hại khó lường, như trường hợp ốc bươu vàng, chuột hải ly, bèo hoa dâu...

Với cá chim trắng, chúng ta cũng đang phải chờ các nghiên cứu khoa học về đặc điểm sinh thái của chúng.

  • Hà Yên

Báo động một loại cá nuôi nguy hiểm ở Đồng Nai

Tháng 7, sẽ có hội thảo chuyên đề về cá chim trắng

Nuôi ''cá cọp'' tại Nam Cát Tiên:
Kết luận bước đầu là cá chim trắng

Cá cọp hay cá chim trắng ở Nam Cát Tiên:
Bộ Thủy sản công nhận đó là cá chim trắng

Bộ Thuỷ sản khẳng định:
Cá chim trắng, không phải Piranhas

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi