(VietNamNet) - Nhiều doanh nghiệp phần mềm hầu như không thể tuyển được nhân viên đúng yêu cầu. Ví dụ, ở Paragon Solutions, tỷ lệ đạt yêu cầu tuyển dụng chỉ là 8%, Công ty TMA là 5% so với số đăng ký. Số lượng và chất lượng nhân lực giữa đào tạo và sử dụng có sự khác biệt lớn, vừa thiếu vừa thừa.
Cảnh báo trên được đưa ra trong một hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội về công nghệ thông tin. Ngồi lại với nhau, các chuyên gia trong ngành đã đi đến thống nhất rằng, nhân lực là chìa khoá quan trọng nhất giải mã những tụt hậu của các DN công nghệ thông tin Việt Nam. Tuy nhiên, các liên kết giữa các công ty phần mềm với các tổ chức bổ trợ như viện nghiên cứu, các trường đại học có đào tạo công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực cho ngành công nghệ thông tin nói chung và phần mềm nói riêng.
Thống kê mới nhất cho biết, hiện số lượng nhân lực CNTT được đào tạo từ các trường hàng năm khoảng 5.000-6.000 người, số tham gia đội ngũ CNTT khoảng 2.500-3.000 người. Trong đó, chỉ có khoảng 25% tham gia vào các đơn vị kinh doanh phần mềm, 50% đi vào các ngành khác để sử dụng các ứng dụng CNTT, còn lại là không có việc làm.
Nguyên nhân của tình hình này, theo các chuyên gia, là từ cả hai phía. Phía các cơ sở đào tạo chưa đảm bảo được chất lượng nhân lực đào tạo nếu không muốn nói là chạy theo số lượng. Nội dung và chương trình đào tạo chưa gắn với yêu cầu sử dụng và chưa đổi mới kịp với tốc độ phát triển của ngành. Phía các cơ sở sử dụng nhân lực thường đặt yêu cầu cao khi tuyển dụng. Họ muốn có chuyên viên đáp ứng yêu cầu sử dụng ngay hoặc chỉ cần đào tạo bổ sung với thời gian ngắn. Các DN phần mềm cũng không có nguồn lực tài chính và không muốn tự đào tạo.
Như vậy, rõ ràng các cơ sở đào tạo chưa gắn kết được với các doanh nghiệp. Ngược lại, các doanh nghiệp chưa có tác động trở lại qua tham gia vào quá trình đào tạo hoặc hỗ trợ hoạt động đào tạo. Không có sự kết nối giữa hai khối đào tạo và doanh nghiệp phần mềm đang là một nguyên nhân chính ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của ngành công nghiệp phần mềm.
Một đặc thù ở Việt Nam là thị trường phần cứng có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn thị trường phần mềm. Tất nhiên, tỷ lệ máy tính/đầu người tăng mạnh sẽ tạo điều kiện cho nhu cầu phần mềm tăng trưởng. Các công ty máy tính đang mở rộng kinh doanh, phát triển thương hiệu máy tính Việt Nam, giảm giá máy tính, mở rộng thị trường. Khi số lượng máy tính tăng lên sẽ tạo điều kiện thúc đẩy tăng cả cung lẫn cầu phần mềm. Tuy nhiên, do nhiều công ty kinh doanh cả phần cứng và phần mềm nên phát triển kinh doanh phần cứng đã phân tán sự đầu tư của nhiều công ty tin học.
Các phương tiện thông tin có tác động lớn đến nhận thức của khách hàng về sản phẩm và dịch vụ phần mềm. Hoạt động truyền thông vừa qua có tác động tích cực thúc đẩy quá trình tin học hoá nền kinh tế. Nhận thức về ích lợi của tin học đang tăng lên nhưng sức ép phải sử dụng tin học trong thực tế chưa cao. Các ngành kinh doanh khác phát triển, đặc biệt là thương mại sẽ tạo điều kiện thúc đẩy ứng dụng CNTT. Nếu phát triển thương mại điện tử cũng sẽ làm gia tăng nhu cầu phần mềm. Nhưng thực tế các doanh nghiệp chưa quan tâm đến sử dụng phương thức kinh doanh này.
Các chính sách chưa đi vào thực tế
Một cản trở nữa, theo kết luận của các chuyên gia là chính sách quản lý vĩ mô của nhà nước chưa hướng vào khuyến khích tối đa cho các DN phần mềm từ trực tiếp đến gián tiếp. DN phần mềm chưa tìm thấy sự ăn khớp giữa nỗ lực của họ và các chính sách khuyến khích của Nhà nước.
Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển ngành CN phần mềm. Cụ thể là các nghị quyết 07/2000/NQ-CP về việc xây dựng và phát triển CN phần mềm giai đoạn 2000-2005; Bộ Chính trị ra chỉ thị 58-CT/TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH. Chính phủ cũng đã tạo thị trường nhất định cho các doanh nghiệp phần mềm thông qua các chương trình đầu tư cho tin học hoá nền kinh tế với nhiều dự án đầu tư phát triển ứng dụng tin học. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ thành lập thêm một số khoa CNTT, trung tâm phát triển phần mềm tại một số trường đại học khu vực... Tuy nhiên, tất cả những sự hỗ trợ của nhà nước chưa tạo được động lực thúc đẩy ngành CN phần mềm phát triển mạnh mẽ như mong muốn.
Hầu hết các chuyên gia trong ngành đồng tình với ý kiến, nếu chính sách được cụ thể hoá đầy đủ, tổ chức thực hiện tốt, phối hợp đồng bộ với nỗ lực kinh doanh của các công ty phần mềm thì sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành.
|