Nông nghiệp Việt Nam khi gia nhập WTO - được và mất
05:50' 13/11/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Với một đất nước có đến 80% dân số sống bằng nghề nông như Việt Nam, rõ ràng việc gia nhập WTO với hệ quả trực tiếp là giảm bảo hộ nông nghiệp, giảm thuế xuất nhập khẩu nông sản... sẽ là một lo toan lớn. Đó chính là lý do diễn ra cuộc hội thảo "Nông nghiệp Việt Nam trước tác động của việc gia nhập WTO" do Bộ Thương mại và Viện Phát triển Hàn Quốc tổ chức tại TP.HCM ngày 12/11. Dường như mọi thắc mắc đều xoay quanh câu hỏi: ngành nào sẽ thiệt hại, ngành nào sẽ hưởng lợi, cái lợi và cái hại bên nào sẽ lớn hơn?

Trái cây Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh gay gắt

 

Người có ý kiến cụ thể về vấn đề trên là ông Bùi Huy Sơn, Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Thương mại). Theo ông Sơn, những mặt hàng nông nghiệp khó lòng cạnh tranh khi Việt Nam gia nhập WTO là đường, rượu bia và thuốc lá. Ông Sơn đưa ra dẫn chứng: đường (thuế suất 40%), dầu thực vật (40 - 50%), bia rượu (100%). Với những thuế suất cao như thế mà sản phẩm ngoại vẫn xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Thế thì khi Việt Nam gia nhập WTO, những thuế suất này phải được áp dụng theo nguyên tắc chung của WTO, liệu chúng có còn khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ngay mặt hàng rau quả được xem là lợi thế của ta, chúng ta cũng thua trên sân nhà. Hiện nay, trên thị trường Việt Nam cam Úc, nho Mỹ, táo Trung Quốc… nhan nhản xuất hiện. Thậm chí thịt bò nhập từ Mỹ vẫn bán được tại Việt Nam.

 

Còn thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự lo ngại : “Mặc dù ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc với những sản phẩm có sức cạnh tranh toàn cầu như gạo, cà phê, nhưng nhìn tổng thể sức ép cạnh tranh sau khi gia nhập WTO sẽ là thử thách không nhỏ. Có thể nói ngay bây giờ, sau khi gia nhập WTO hàng rào bảo hộ hàng hóa nông sản sẽ phải loại bỏ dần, mức độ trợ cấp sẽ phải giảm bớt, các ngành sản xất có năng lực cạnh tranh thấp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí một số doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản”.

 

Tuy nhiên theo ý kiến nhiều của nhiều quan chức, đại biểu, bức tranh không chỉ toàn màu xám, Thứ trưởng Lương Văn Tự nhận định: “Khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, Việt Nam sẽ có tiếng nói bình đẳng hơn các thành viên khác và hạn chế những tác động tiêu cực của tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” mà chúng ta phải đối mặt gần đây trong vụ kiện cá basa, sắp tới là vụ kiện tôm. Việc gia nhập WTO cũng là động lực cải cách môi trường kinh tế theo hướng thông thoáng và hiệu quả hơn, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế bền vững”.

 

Đối với ông Jaeok Lee, Viện nghiên cứu nông nghiệp Hàn Quốc: Việt Nam gia nhập WTO, ngành nông nghiệp sẽ tăng xuất khẩu lao động và các sản phẩm trồng trọt. Tăng thu nhập người nông dân, lương, mức thuế. Tăng nhập khẩu vốn và công nghệ của các sản phẩm này.

 

Riêng ông Trịnh Minh Anh, Phó chánh văn phòng ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, có vẻ tự tin hơn khi đưa ra dẫn chứng từ việc Trung Quốc gia nhập WTO. Ông cho biết: Khi Trung Quốc chưa gia nhập WTO, những lo ngại về sự thất nghiệp của nông dân, Trung Quốc dự báo sẽ trả giá 10 triệu, nông dân mất việc do hàng nông sản tràn vào Trung Quốc, đổi lại Trung Quốc sẽ tăng 3% GDP. Nhưng thực tế, khi Trung Quốc gia nhập WTO, các nhà đầu tư lớn đã đổ vào Trung Quốc, đưa Trung Quốc vươn lên vị trí hàng đầu thu hút đầu tư nước ngoài với 52,7 tỷ USD trong năm 2002. Ông mạnh dạn kết luận: “Chúng ta không ngại đẩy mạnh tiến trình gia nhập WTO”.

 

Dĩ nhiên, như mọi cuộc hội thảo, nhiều vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ, đặc biệt là chưa có những tính toán đầy đủ về những xáo động xã hội khi cơ cấu sản xuất và tập tục sống của nông thôn Việt Nam phải thay đổi để thích ứng với cuộc cạnh tranh toàn cầu mà WTO sẽ mang đến.

  • Nam Anh
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi