221
442
Thị trường
kinhte
/kinhte/
1278986
Khốn khổ vì cắt điện luân phiên
1
Article
null
Khốn khổ vì cắt điện luân phiên
,

- Bị cắt điện luân phiên giữa thời tiết nắng nóng đang là cơn ác mộng của hàng triệu hộ dân các tỉnh.

TIN LIÊN QUAN


Cách một ngày, lại mất điện 7-10 tiếng

“Chưa năm nào, đời sống sinh hoạt là khổ cực như bây giờ. Điện mất liên miên!”, ông Lê Quí Đôn, một người dân ở tiểu khu Đạo Sơn, thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa phản ánh.

Mô tả ảnh.
Hóng mát ngoài đường khi mất điện (ảnh minh họa: VNN)

Ông kể: “Cứ 1 ngày, lại mất điện 1 lần và mất... trọn cả ngày luôn. Hôm nay, họ cắt điện từ 5h sáng đến 9h 30 tối, hôm kia, từ 5h sáng tới tận 10h30 tối. Và hôm trước nữa thì từ 5h sáng đến tận 11h đêm.”

“Mất điện trọn ngày thì coi như mất nước sinh hoạt, vì không bơm nước được. Không khí oi bức, nhiệt độ có hôm lên tới 39-40 độ, nhiều nhà dân vẫn dùng bếp rơm, bếp củi nấu nướng nên càng khổ”, ông Đôn than thở.

Nếu gặp phải trường hợp bị cắt điện không báo trước, cắt điện bất hợp lý, bạn đọc có thể phản ánh thông tin về báo VietNamNet tại địa chỉ: bankinhte@vietnamnet.vn. Di động: 0912097227

Nói chuyện “trốn nóng”, ông chia sẻ: “Cả thị trấn Bút Sơn, ước sơ sơ thì được 3-4 nhà có máy phát điện. Ở nông thôn, nhà nghèo lấy đâu ra tiền mà mua quạt tích điện và máy phát điện. Dân khu chúng tôi, khi mất điện cả ngày thì chỉ còn biết ra hóng mát dưới bóng cây”.

Ông Đôn còn cho hay, ở cơ quan ông, “sếp” cho mua máy phát điện, mỗi ngày chạy máy đã mất tới 200.000 đồng tiền xăng. Tính ra, 15 ngày trong một tháng mất điện thì tiền điện cơ quan ông Đôn phải phát sinh lên tới 3-4 triệu đồng, rất tốn kém!

Cảnh điện đóm hôm được hôm mất này không chỉ diễn ra ở nông thôn như huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa mà ngay tại thành phố du lịch như TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, cũng chẳng “thoát” khỏi.

Thuộc làu “lệ” cắt điện, bà Nguyễn Thị Hằng, một người dân sống tại cụm 6, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long, Quảng Ninh điểm lại: “Hôm 9/5, người ta “cắt” từ 3h 30 chiều đến 9h30 tối mới “cho điện”. Hôm trước, từ 3h chiều tới tận 11h đêm, còn hôm trước nữa, cũng tầm 3h chiều là mất điện, thì cũng phải 10h rưỡi đêm mới có điện trở lại.”

Rồi bà đúc kết: “Chả cần biết ngành điện có thông báo lịch cắt luân phiên hay không thì tôi cũng biết, hôm nay mà có điện thì mai, hiển nhiên là mất điện.”

Cũng như ông Đôn, bà Hằng ngán ngẩm: “Ai cũng biết là không tránh khỏi chuyện mất điện luân phiên rồi. Nhưng sao người ta cắt điện lâu thế! Cắt gì mà cắt luôn cả 7-8 tiếng đồng hồ. Mùa hè mà mất điện lâu, người già, trẻ nhỏ làm sao chịu nổi, rồi lại sinh bệnh tật!”

“Ấy thế mà chỗ nhà tôi còn đỡ, chưa mất ban đêm. Ở phường kế bên, có chỗ, họ còn bị mất điện từ trưa tới 2h đêm. Thời gian mất điện có hôm lên tới 12 tiếng”, bà nói.

Những người dân ở thành phố biển này chọn giải pháp trốn nóng bằng cách ra bãi biển hóng gió. Nhưng phải hôm trời ít gió, hơi mặn của biển bốc lên càng thêm “dính người”, rồi cũng chẳng “dễ chịu” hơn là bao.

Có lẽ, chỉ ngoại trừ Hà Nội là chưa phải tiết giảm điện nên chưa có lịch cắt luân phiên, còn lại, các tỉnh thành đều “khổ sở” với “thảm họa” ăn đong điện như vậy.

“Cắt điện thế, vẫn chưa ăn thua”

Các giám đốc điện lực địa phương cũng đang đau đầu với chuyện co kéo, tính toán từng kWh điện, giảm chỗ này, bù chỗ kia để làm sao tiêu thụ điện toàn tỉnh không vượt mức phân bổ sản lượng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Mô tả ảnh.
Ngành điện phải "co kéo" từng kWh để thực hiện tiết giảm điện (ảnh: theo quangninh)

Trả lời vì sao lại cắt điện trong thời gian quá lâu như vậy, ông Phùng Ngọc Phong, Giám đốc điện lực Quảng Ninh thẳng thừng: “Cắt 7-8 tiếng như thế là còn ít đấy. Tới đây, chúng tôi đang tính sẽ không chỉ cắt cách nhật, mà phải cắt liền 2 ngày, rồi để 1 ngày có điện trọn vẹn. Vì sản lượng thiếu, rất khó.”

Ở những hộ dân bị cắt điện dài, ông Phong cho biết, vì đường điện của những nhà dân này dính với nhánh phụ tải công nghiệp.

Nhưng nếu để giảm sản lượng cho đúng phân bổ, thực ra, phải là ở những ông khách hàng lớn như than, xi mắng, “cắt mới là đáng kể”. Tuy nhiên, với nguyên tắc ưu tiên số 1 cho sản xuất, xuất khẩu thì không thể làm như vậy.

Tương tự ý kiến của ông Phong, ông Trịnh Xuân Như, Giám đốc điện lực Thanh Hóa giãi bày: “Năm nay ưu tiên tuyệt đối cho công nghiệp, xuất khẩu, bơm chống hạn nên chúng tôi phải cắt sâu ở khu vực nông thôn, điện sinh hoạt và cả chiếu sáng đô thị”.

Nhưng, cái dở nhất là phạm vi tác động, ảnh hưởng của cắt điện thì rộng, nhưng lại không giảm được sản lượng điện nhiều. Người dân phải chịu khổ vì mất điện suốt ngày nhưng rốt cục, lượng điện giảm được cũng không lớn.

“Đối tượng ngốn điện nhiều nhất, là xi măng Bỉm Sơm, Bút Sơn, lọc dầu Nghi Sơn, thép… chẳng hạn thì lại không thể đụng tới”, ông Như nói.

Bên cạnh đó, ông Như cũng giải thích thêm: “Có trường hợp, trên cùng một nhánh phụ tải, có nhiều hộ sinh hoạt nông thôn bám vào, nhưng ở cuối nguồn, lại có một khách hàng trọng điểm như xuất khẩu dệt may chẳng hạn, cần ưu tiên.

Vì thế, chúng tôi buộc phải cắt 30-40 trạm điện trên nhánh này để ưu tiên điện cho khách hàng kia. Thành ra, các hộ dân trên nhánh phụ tải này bị mất điện lâu. Rất thiệt thòi cho dân, nhưng không còn cách nào khác”.

Theo Tổng công ty điện lực miền Bắc, do có lượng khách hàng công nghiệp, xuất khẩu lớn, tỉnh Quảng Ninh và Thanh Hóa là hai đơn vị được phân bổ sản lượng cao nhất trong hơn 20 đơn vị trực thuộc.

Ví dụ, trong tuần này, từ 10-16/5, Quảng Ninh được 5,678 triệu kWh/ngày và Thanh Hóa được 4,988 triệu kWh/ngày. Trong khi đa số các tỉnh khác, chỉ được phân bổ 1-3 triệu kWh/ngày. Dù “ưu tiên” là thế song 2 tỉnh này vẫn bị thiếu từ 9-17%, tương ứng 500.000-1 triệu kWh/ngày.
.
Xem ra, chuyện cắt điện là chuyện “cực chẳng đã” của cả hai bên. Vì “càng cắt nhiều”, người dân khổ, doanh thu công ty điện thì sụt giảm. Nhưng nếu không kiểm soát được sản lượng điện thì có nguy cơ rã lưới, phải sa thải phụ tải tự động, khi đó, lại có chuyện mất điện đột ngột, không báo trước.

  • Phạm Huyền

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,