221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
996804
Chỉ thị 03 về cho vay chứng khoán: Sửa theo hướng nào?
1
Article
null
Chỉ thị 03 về cho vay chứng khoán: Sửa theo hướng nào?
,

(VietNamNet) - Nhiều khả năng Chỉ thị 03 về cho vay kinh doanh chứng khoán sẽ được sửa đổi, song có thể sẽ không được như kỳ vọng của các nhà đầu tư. Thời gian sửa đổi sẽ không sớm hơn trung tuần tháng 11/2007.

Sẽ điều chỉnh tỷ lệ cho vay chứng khoán

Kể từ khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 28/5/2007 và có hiệu lực thi hành từ đầu tháng 7/2007, Chỉ thị 03 với nội dung chính là quy định giới hạn các tổ chức tín dụng cho khách hàng vay vốn cầm cố bằng cổ phiếu để đầu tư CK dưới 3%, đã trở thành vấn đề nóng nhất trên TTCK Việt Nam. Đặc biệt, khi NNHN có văn bản hướng dẫn và nói rõ tỷ lệ đó phải được giảm xuống với thời hạn cuối cùng là 31/12/2007.

Chỉ thị 03 được cân nhắc, sửa đổi theo nhiều hướng. Ảnh minh họa

Những tác động tiêu cực tới thị trường trước thời điểm trung tuần tháng 9/2007 đã được dư luận, kể cả các nhà đầu tư, chuyên gia chứng khoán, nhà quản trị điều hành ngân hàng phân tích, thừa nhận và lên tiếng. 

Bởi vì TTCK Việt Nam mới ở giai đoạn đầu phát triển, các nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn. Vốn đầu tư trên TTCK có sự lưu thông chặt chẽ với hệ thống ngân hàng. Đó là vốn vay từ cầm cố cổ phiếu, từ các tài sản đảm bảo khác: nhà đất, sổ tiết kiệm, xe ôtô, tín chấp bằng lương, tín chấp khác... Đó là nguồn tiền gửi tiết kiệm tại NHTM rút ra để đầu tư CK... nên quyết định hành chính của Chỉ thị 03 đột ngột và mang nặng tính hành chính đã tác động không nhỏ đến diễn biến TTCK là điều dễ hiểu. 

Trước ý kiến của đông đảo dư luận và diễn biến của TTCK cuối quý II và quý III/2007, cách đây không lâu trong một cuộc họp của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ đã đưa ra đánh giá về tác động của Chỉ thị 03. 

Một số nguồn thông tin cho biết, sau cuộc họp Hội đồng đã đưa ra ý kiến cần thiết chỉnh sửa, điều chỉnh một số nội dung tại bản chỉ thị đã nêu. Chủ trương cụ thể chưa được công bố, song có thể sẽ diễn ra các khả năng sau đây:

Một là, kéo lùi thời hạn thực hiện quy định tỷ lệ khống chế 3% đến tháng 6/2008 hoặc hết năm 2008, thay vì 31/12/2007 như quy định hiện hành.

Hai là, nâng tỷ lệ khống chế lên 5% hoặc cao hơn, thay vì tỷ lệ 3% như hiện nay.

Ba là không khống chế đối với việc cầm cố sổ tiết kiệm, thế chấp nhà đất hoặc các biện pháp bảo đảm tiền vay khác, hay sử dụng hình thức tín chấp vay vốn để đầu tư chứng khoán.

Bốn là, thay đổi phương pháp tính, thay vì quy định cho vay đầu tư chứng khoán dưới tỷ lệ 3% so với tổng dư nợ bằng quy định so với tổng tài sản có. 

Sửa đổi theo hướng nào?

Đối với hướng thứ nhất, dù NHNN không chỉnh sửa Chỉ thị 03 thì các NHTM có dư nợ cho vay chứng khoán đến thời điểm 31/12/2007 chưa giảm được xuống dưới 3% thì cũng không thực hiện được. Bởi vì trong các hợp đồng tín dụng cho khách hàng cầm cố cổ phiếu vay vốn đầu tư chứng khoán có nhiều thời hạn khác nhau. Trong đó nhiều hợp đồng ký trước 28/5/2007 có thời hạn vay vốn 9 tháng và 12 tháng, đến 31/12/2007 chưa đến hạn. 

Áp lực cho vay, cầm cố chứng khoán cũng đã được giải tỏa không còn mạnh mẽ như trước. Ảnh minh họa của LAD

NHTM không thể đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn khi mà trong hợp đồng không có chế tài hay thoả thuận đơn phương chấm dứt hợp đồng mà khách hàng không vi phạm điều khoản nào theo cam kết. Do đó đây là hướng sửa đổi được kỳ vọng nhất.

Đối với hướng thứ hai và thứ ba thì cũng có thể chỉnh sửa được, nhưng khó xảy ra. Bởi vì nếu sửa theo hướng thứ hai và thứ ba thì mặc nhiên NHNN thừa nhận việc các nội dung chính quy định trong Chỉ thị 03 là không đúng. 

Song biết đâu có thể sau 6 tháng kiểm nghiệm thực tế NNNH sẽ thừa nhận việc thay đổi là cần thiết.

Đối với hướng thứ tư, hiện hay được coi là một trong hai giải pháp có tính khả thi hơn cả. Bởi vì trong thực tế hiện nay nhiều NHTM cổ phần, tổng tài sản có lớn gấp 1,5 lần đến 2 lần so với tổng dư nợ. 

Ví dụ như tính đến hết tháng 9/2007, NHTM cổ phần Á châu - ACB đạt tổng tài sản 71.126 tỷ đồng, nhưng tổng dư nợ cho vay đạt 25.376 tỷ đồng. Sacombank đạt tổng tài sản đạt 49.600 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt 24.330 tỷ đồng. 

Techcombank tổng tài sản đạt gần 29.000 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt  gần 14.500 tỷ đồng. MB tổng tài sản đạt gần 20.280 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 9.900 tỷ đồng. Habubank tổng tài sản đạt 18.497 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 8.143 tỷ đồng. 

Nhiều NHTM cổ phần khác cũng có tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tài sản ở mức dưới 50%. Như vậy chỉ cần thay đổi phương pháp tính và giữ nguyên tỷ lệ 3% thì mặc nhiên tổng dư nợ cho vay CK có thể tăng lên gấp 2–2,5 lần rồi, tương ứng với tăng tỷ lệ nói trên lên 5–7%. 

Đây cũng là hướng được nhiều NHTM cổ phần đề nghị, đồng thời đây cũng là tỷ lệ được coi là an toàn trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Trong bốn hướng nói trên hiếm khi và rất khó có thể được thực hiện đồng thời. Bởi như đã nói ở trên, nếu sửa như vậy nghiễm nhiên NHNN thừa nhận toàn bộ nội dung Chỉ thị 03 là không đúng. Bên cạnh đó, TTCK hiện nay đang trên đà phục hồi và được dự báo sẽ phát triển mạnh vào cuối năm 2007. 

Do đó nếu sửa đổi Chỉ thị 03 đồng thời theo cả 4 hướng nói trên, một khối lượng lớn vốn từ các NHTM lại được chuyển mạnh sang TTCK, có thể gây ra sự tăng trưởng nóng của thị trường, mục tiêu để thị trường phát triển ổn định không đạt được. Song đối với thị trường, đối với các nhà đầu tư, các NHTM cổ phần đang có dư nợ cho vay đầu tư CK… thì chỉ cần NHNN chỉnh sửa đổi hai trong số bốn hướng nói trên cũng đã là quá tốt. 

Một quan chức NHNN với tư cách cá nhân cũng tiết lộ thông tin, Chỉ thị 03 sẽ được sửa đổi, bổ sung, song sẽ không được như kỳ vọng của các nhà đầu tư! Còn người đứng đầu ngành ngân hàng cũng đã phát biểu theo hướng giải pháp thứ nhất trên cơ sở xem xét thực trạng dư nợ cho vay đầu tư CK của từng NHTM vào thời điểm theo quy định.

Một câu hỏi được đặt ra vậy thì bao giờ NHNN sẽ thực hiện sửa đổi Chỉ thị 03? Điều chắc chắn là sẽ không sớm hơn trung tuần tháng 11/2007, nhiều khả năng là quyết định này phải chờ đến ít nhất là trung tuần tháng 12/2007.

Giảm áp lực cho vay, cầm cố chứng khoán

Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là vậy thì Chỉ thị 03 đến nay chưa được sửa đổi vậy thì tại sao TTCK lại phục hồi sớm hơn thông lệ tới gần 2 tháng, diễn ra từ cuối tháng 9/2007. Có thể lý giải tình hình này như sau:

Trước hết sau cú sốc về vốn bởi Chỉ thị 03 từ các tháng 6, 7, 8 và đầu tháng 9/2007, nhiều nhà đầu tư đã chủ động tìm kiếm vốn từ nhiều nguồn khác nhau để đầu tư CK, kể cả nguồn tiền tiết kiệm, kể cả tiền của người thân ở nước ngoài chuyển về, kể cả tiền từ kênh bất động sản và các kênh kinh doanh khác cũng được chuyển sang đầu tư CK. Nhiều nhà đầu tư tập trung bán “non” chứng khoán, thậm chí bán vội cổ phiếu để lo trả nợ, nay tình hình đó đã lắng dịu. 

Ngay cả các NHTM có dư nợ cho vay chứng khoán ở mức lớn cũng đã chủ động bàn bạc với khách hàng “tìm giải pháp phù hợp". Bên cạnh đó phân tích đối tượng khách mua khối lượng lớn CK thời gian gần đây có tỷ trọng khá là nhà đầu tư nước ngoài, vốn họ không phải vay từ các NHTM trong nước.

Thứ hai, các NHTM Nhà nước thời gian qua cũng mở rộng cho vay đầu tư chứng khoán. Các NHTM này có tổng dư nợ lớn, lên tới khoảng gần 500.000 tỷ đồng và hầu hết tỷ lệ dư nợ cho vay chứng khoán thời gian qua đạt rất thấp.

Ba là, tổng dư nợ cho vay của các NHTM cổ phần có cho vay chứng khoán tăng nhanh, nên làm cho tỷ lệ dư nợ cho vay chứng khoán trong tổng dư nợ cũng giảm xuống nên áp lực trả nợ đối với khách hàng không còn cấp bách như trước đây.

  • Nguyễn Hà
    Ý kiến bạn đọc:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,