221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
224221
Hành trình “Con đường di sản miền Trung”
1
Article
null
Hành trình “Con đường di sản miền Trung”
,

(VietNamNet) - Ý tưởng ban đầu về “Con đường di sản miền Trung” là của  ông Paul Stoll, một chuyên gia du lịch người Đức, hiện là Tổng Giám đốc khu khách sạn  Resort 5 sao tại Đà Nẵng. Thành công của “Xa lộ lịch sử” ở Kansai – Nhật Bản, “Con đường rượu vang” ở Pháp, “Con đường tự do” ở Mỹ và “Con đường lãng mạn” ở Đức, đã làm Paul Stoll trăn trở với tiềm năng du lịch lớn trải dọc miền Trung Việt Nam.

Từ sự trải nghiệm lâu năm trong ngành du lịch và thực tiễn ở Việt Nam, dự án về một con đường di sản thế giới ở miền Trung đã ra đời.

Phong cảnh Huế.

Theo dự án “Con đường di sản miền Trung” sẽ được tổ chức trên cơ sở nối 4 di sản văn hóa trong vùng, kết hợp khai thác lợi thế của những khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch làng nghề... Giai đoan 2 của dự án còn kéo dài ra đến Quảng Trị, Vinh, Thanh Hóa, giai đoạn 3 mở rộng đến Nha Trang, Đà Lạt. Đó là những con đường trải dọc theo bờ biển miền Trung trên quốc lộ 1A và được mở rộng theo tuyến hành lang Đông – Tây, nối kết Lào – Thái Lan – Myanmar.

Từ lâu, tour du lịch phố cổ Hội An, khu di tích văn hóa Mỹ Sơn và cố đô Huế đã được các công ty lữ hành chào bán ra thị trường và gặt hái khá nhiều thành công. Sự tăng trưởng nhảy vọt của du lịch Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và du lịch Quảng Nam đã chứng tỏ sức hấp dẫn của các di sản văn hóa đối với du khách. Ông Paul Stoll hơn một lần khẳng định: Du khách đến với miền Trung không chỉ để được chiêm ngưỡng các di sản văn hóa thế giới mà còn muốn được hưởng nhiều sản phẩm du lịch khác trong cùng một chuyến đi.

Ba tỉnh thành trong khu vực là nơi tập trung nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều bãi biển đẹp: Lăng Cô, Bạch Mã, Non Nước, Sơn Trà... tiếp đến là khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng được đánh giá như một đệ nhất kỳ quan và nối tiếp là Huế đang hoàn thiện để trở thành thành phố Festival của Việt Nam. Đây cũng là vùng đất mà sự tài hoa, khéo léo của bàn tay con người đã đạt đến trình độ tinh xảo. Những làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống đã trở thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách như nón Huế, làng đá Non Nước, đúc đồng Quảng Nam...  Xét về toàn diện thì tour du lịch này có nhiều lợi thế: các điểm Đà Nẵng – Huế – Hội An – Mỹ Sơn – Tam Kỳ cách nhau không xa, chỉ cần từ 1 đến 2 giờ đồng hồ ngồi xe ô tô du khách đã có thể đến được những nơi cần đến trong tour này. Các tỉnh trong vùng hiện đều đã có đường sắt xuyên Việt đi qua, nhiều khu còn có cảng biển rất đẹp, thơ mộng và dễ dàng đưa du khách tham quan các di tích thắng cảnh. Đặc biệt, việc sân bay quốc tế Đà Nẵng đang ngày càng hoàn thiện, được xem như cửa ngõ quan trọng để du khách đến với miền Trung và trong một tương lai rất gần khi sân bay Chu Lai mở cửa hoạt động, Fesival Huế 2004 diễn ra thì miền Trung sẽ trở thành trung tâm phát triển kinh tế du lịch năng động nhất của khu vực Đông Nam Á.

Ông Huỳnh Tấn Vinh – Phó Tổng giám đốc khách sạn Furama vừa tiết lộ: Hiện nay đã có nhiều công ty tham gia tour du lịch này. Ngay từ những ngày đầu tiên Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, Quảng Bình gần như quá tải vì lượng khách du lịch đến tham quan. Bình quân mỗi ngày có gần 1.000 lượt khách du lịch đến thăm thắng cảnh này. Còn với cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn lượng khách cũng đều tăng 17 – 30%  mỗi năm.

Tuy nhiên, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng cảnh báo rằng, du lịch miền Trung vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Trong công tác quản lý còn nhiều lỏng lẻo, bất cập, chưa thống nhất. Ở Cố đô Huế do Trung tâm bảo tồn di tích Huế quản lý, khu phố cổ Hội An thuộc quyền quản lý của chính quyền thị xã Hội An, còn tại thắng cảnh Phong Nha – Kẻ Bàng lại do ngành kiểm lâm và Công ty du lịch Quảng Bình cùng quản lý. Vấn đề bảo tồn di sản kết hợp với kinh tế du lịch cũng vẫn chưa định hình, đầu tư chưa đúng mức, hiện nay nhiều đoạn đường bộ qua miền Trung vẫn được du khách đặt tên là “con đường đau khổ”... Đó là những nguyên nhân làm hạn chế lượng khách đến với du lịch miền Trung.

Năm 2004, trên khắp di đất miền Trung sẽ diễn ra nhiều sự kiện văn hóa đặc sắc, mở đầu với việc Quảng Bình vừa đón nhận bằng di sản thiên nhiên thế giới do UNESCO trao tặng, tiếp theo sẽ là Liên hoan văn hóa du lịch vùng biển Đà Nẵng; về với Làng Sen (vào tháng 5); tuần lễ văn hóa biển và du lịch hè Nha Trang (vào tháng 8) và điểm nhấn cho “Con đường di sản miền Trung” là Festival Huế 2004, chắc chắn bạn bè năm châu sẽ được sống trong bầu không khí linh thiêng của trời đất và biển cả. Dự kiến một  Festival “Nhịp cầu ASEAN” cũng sẽ được tổ chức ở Quảng Trị, cơ hội để thắt chặt tình hữu nghị giữa các nước trong khu vực và “Con đường di sản miền Trung” không chỉ của riêng Việt Nam mà là con đường chung của toàn nhân loại.

  • Thanh Tâm
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,